Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Tất cả những điều cần biết

Ngày 03/05/2022
Kích thước chữ

Đục thủy tinh thể bẩm sinh là tình trạng trẻ mắc đục thủy tinh thể ngay từ khi sinh ra. Đây là một bệnh nguy hiểm có thể gây mất thị lực vĩnh viễn ở trẻ em, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của trẻ.

Có rất nhiều người nghĩ đục thủy tinh thể là bệnh hay mắc ở người già mà không biết rằng có rất nhiều trẻ em ngay từ khi sinh ra đã có thể mắc bệnh này. Nó được gọi là đục thủy tinh thể bẩm sinh. Nếu phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ bị giảm thị lực và ngay cả khi được phẫu thuật thì thị lực của trẻ cũng không hồi phục hoàn toàn được.

Do đó việc phát hiện sớm và điều trị mổ thay thể thủy tinh sớm là việc rất quan trọng để giữ thị lực cho trẻ. Vậy đục thủy tinh thể bẩm sinh là gì? Khi nào mổ được? Các bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Đục thủy tinh thể bẩm sinh là gì?

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, bình thường thủy tinh thể có chức năng điều tiết cho ánh sáng đi qua và hội tụ lại tại võng mạc giúp mắt nhìn rõ vật. Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh là tình trạng thủy tinh thể có đám mây che mờ ngay từ khi sinh ra. Nó khiến cho thủy tinh thể không còn trong suốt, ánh sáng khó đi qua và không hội tụ tại một điểm trên võng mạc khiến người bệnh giảm thị lực, thậm chí có nguy cơ mù lòa.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể xảy ra ở một mắt (đục thủy tinh thể đơn phương) hoặc cả hai mắt (đục thủy tinh thể song phương). Đục thủy tinh một mắt có nguy cơ gây nhược thị cao hơn đục thủy tinh thể hai mắt.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Tất cả những điều cần biết 1 Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh là tình trạng thủy tinh thể có đám mây che mờ ngay từ khi sinh ra

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể bẩm sinh

Đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể có nhiều nguyên nhân, bao gồm các nguyên nhân liên quan đến di truyền và nguyên nhân trong quá trình mang thai của người mẹ. 

  • Nguyên nhân kể đến đầu tiên là do di truyền. Nếu bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ mắc đục thủy tinh thể thì khả năng trẻ mắc đục thủy tinh thể sẽ tăng lên. Các bệnh liên quan đến di truyền có thể kể đến: Hội chứng loạn sản sụn, hội chứng Down, đục thủy tinh thể bẩm sinh gia đình, thiếu Galactose máu...
  • Trong thời kỳ mang thai: Người mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi, rubella, thủy đậu, cytomegalovirus, bệnh bại liệt, cúm, giang mai, toxoplasma... Hoặc người mẹ dùng thuốc gây đục thủy tinh thể bẩm sinh cho trẻ như tetracycline (thuốc điều trị nhiễm trùng ở phụ nữ trong quá trình mang thai đã được chứng minh gây đục thủy tinh thể bẩm sinh).

Đục thủy tinh thể bẩm sinh có nguy hiểm không?

Đục thủy tinh thể bẩm sinh có nhiều loại khác nhau và gây những ảnh hưởng đến thị lực khác nhau. Có 4 loại đục thủy tinh thể bẩm sinh là đục thủy tinh thể cực trước, đục thủy tinh thể cực sau, đục thủy tinh thể có nhân và đục thủy tinh thể Cerulean.

Trong đó đục thủy tinh thể cực sau và đục thủy tinh thể có nhân phổ biến hơn và thường gây giảm thị lực, cần can thiệp phẫu thuật sớm cho trẻ. Đục thủy tinh thể cực trước nếu kích thước nhỏ có thể không ảnh hưởng đến thị lực, không cần phải phẫu thuật. Đục thủy tinh thể Cerulean được tìm thấy ở cả hai mắt ở trẻ sơ sinh, chúng là những chấm nhỏ màu xanh nhạt và thông thường không gây ảnh hưởng đến thị lực ở trẻ em.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Tất cả những điều cần biết 2 Phân loại đục thủy tinh thể bẩm sinh: a. Có nhân, b. Cerulean, c. Cực trước, d. Cực sau

Đục thủy tinh thể bẩm sinh là nguyên nhân thường gặp nhất gây nhược thị ở trẻ nhỏ. Nó khiến cho trẻ bị lác mắt, mất thị lực vĩnh viễn một mắt và chỉ dùng một bên mắt còn lại. Đục thủy tinh thể một mắt gây bệnh nặng hơn đục thủy tinh thể hai mắt. Do đó cần phẫu thuật sớm để tránh gây biến chứng nhược thị, bởi nó gây ảnh hưởng đến thị lực trẻ và quá trình điều trị rất khó khăn, phức tạp.

Không những thế chúng còn gây ảnh hưởng đến ngoại hình, khả năng học tập, tính cách và tâm lý của trẻ. Do đó hãy luôn để ý tình trạng mắt của trẻ để chẩn đoán sớm và cho trẻ đi khám mắt định kỳ khi trẻ được 6 tháng tuổi, 3 tuổi và trước khi đi học.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh khi nào mổ được?

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị triệt để đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em, tránh gây biến chứng nhược thị cho trẻ. Tuy nhiên khuyến cáo mổ khi nào lại tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện. Với đục thủy tinh thể một mắt, khuyến cáo mổ khi trẻ 4-6 tuần tuổi, hai mắt khi trẻ 8-10 tuần tuổi. Việc phẫu thuật càng sớm đem lại hiệu quả càng tốt, nên phẫu thuật cho trẻ trước 1 năm tuổi, bởi nếu phẫu thuật sau 1 tuổi, thì thị giác của trẻ sẽ không thể cải thiện hoàn toàn về bình thường được.

Việc mổ thủy tinh thể ở trẻ em có nhiều khác biệt so với người lớn. Phẫu thuật cho trẻ em đòi hỏi gây mê toàn thân. Việc lấy thể thủy tinh cũng rất khác. Bởi thủy tinh thể của trẻ không có nhân cứng bên trong nên muốn lấy bỏ thể thủy tinh chỉ cần hút thay vì phải tán ra như ở người lớn.

Có hai phương pháp phẫu thuật là lấy thể thủy tinh không đặt thấu kính nội nhãn và lấy thể thủy tinh có đặt thấu kính nội nhãn.

  • Lấy thể thủy tinh không đặt thấu kính nội nhãn: Bác sĩ phẫu thuật dùng dao mổ cắt một vết mổ nhỏ ở vùng rìa của thể mi trong lớp mạch mạc mắt. Đây là vùng an toàn khi phẫu thuật bởi ít chảy máu và không có các tế bào cảm thụ của võng mạc. Sau đó lấy hết toàn bộ thể thủy tinh (cả vỏ và nhân thủy tinh thể) bằng cách hút. Để tránh hiện tượng đục bao sau xảy ra sau phẫu thuật, chủ động cắt bao sau và cắt dịch kính trước của mắt.
  • Lấy thể thủy tinh và đặt thấu kính nội nhãn: Thấu kính nội nhãn là một mảnh mềm làm bằng acrylic được đặt vào mắt qua đường mổ nhỏ 3 mm ở rìa giác mạc hoặc đường hầm củng mạc. Có thể phẫu thuật một thì hoặc hai thì. Việc đặt thấu kính nội nhãn được thực hiện thường quy với trẻ lớn hơn 2 tuổi nhưng với trẻ nhỏ hơn còn nhiều tranh cãi bởi thấu kính nội nhãn có thể cung cấp thị lực bình thường cho trẻ ngay sau phẫu thuật nhưng sẽ gây độ cận đáng kể khi trẻ lớn hơn.

Chăm sóc sau mổ đục thủy tinh thể bẩm sinh

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ đục thủy tinh thể do bẩm sinh:

  • Việc phẫu thuật chỉ là bước đầu điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em. Sau phẫu thuật phải ưu tiên hiệu chỉnh tình trạng mắt không còn đục thủy tinh thể như đeo kính áp tròng, kính gọng bổ sung sai lệch khúc xạ sau phẫu thuật. Cần kiểm tra khúc xạ mắt định kỳ 6 tháng/lần.
  • Sau phẫu thuật vẫn có thể xảy ra biến chứng nhược thị nên việc luyện mắt cho trẻ là rất quan trọng. Có thể che mắt lành lại và kích thích trẻ thực hiện mắt yếu hơn.
  • Cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ sau phẫu thuật, nhu cầu dinh dưỡng tùy theo lứa tuổi của trẻ, có thể nấu ăn và trình bày thức ăn đầy đủ màu sắc để kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.
Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Tất cả những điều cần biết 4 Công tác chăm sóc trước, trong và sau mổ cho trẻ đục thủy tinh thể bẩm sinh cũng cần chú ý

Qua bài viết trên, Nhà Thuốc Long Châu đã cung cấp những kiến thức cơ bản về đục thủy tinh thể bẩm sinh và tất cả các vấn đề quan trọng xung quanh. Mong rằng bài viết đã đem đến những kiến thức hữu ích cho quý độc giả.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin