Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giải đáp: Vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn?

Ngày 19/05/2022
Kích thước chữ

Sự hiểu biết về nhịp tim chính là thước đo sức khỏe tim mạch của con người. Tùy thuộc vào các yếu tố, nhịp tim có thể thay đổi khác nhau. Vậy vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Nhịp đập của trái tim phụ thuộc phần lớn vào tuổi tác. Khi ta còn bé, thể tích của tim nhỏ, do đó mà nhịp tim đập nhanh hơn so với người lớn là một hiện tượng sinh lý bình thường.

Vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn?

Sinh lý nhịp tim

Tim là cơ quan động lực, hoạt động không ngừng nghỉ để đưa máu đến các cơ quan trong cơ thể. Nhịp tim được đo bằng số lần tim co bóp trong 1 phút. Tốc độ đập của tim ở người bình thường có thể biến đổi tùy vào trạng thái cơ thể đang thư giãn hay vận động, mức căng thẳng của thần kinh, tuổi tác, tình trạng sức khỏe hoặc một số yếu tố khác. 

Nhịp tim ở người bình thường có tính chu kỳ đều đặn, là hoạt động của tim được tính bằng khoảng thời gian từ đầu một nhịp tim đến đầu kia của một nhịp tim tiếp theo. Một chu kỳ tim bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn nạp máu khi tim giãn được gọi là tâm trương, giai đoạn tim co thắt mạnh và bơm máu gọi là tâm thu. Tim thư giãn và mở rộng dung tích để nhận thêm lượng máu trở lại từ phổi và các hệ thống khác của cơ thể sau khi đẩy máu đi. Sau đó, tim lại co bóp để bơm máu đến phổi và các cơ quan hệ thống đó. Nhịp tim thay đổi thì thời gian giữa tâm trương và tâm thu cũng thay đổi.

  • Đối với người trưởng thành bình thường, mỗi phút tim đập trung bình từ 60-100 lần. Tất nhiên vẫn có một số trường hợp mà tim đập nhanh hơn hoặc chậm hơn đôi nhịp. 
  • Đối với trẻ em bình thường, không mắc các bệnh lý về tim, nhịp tim có sự dao động lớn. Khi vận động mạnh, nhịp tim bé có thể đạt đến 200 lần/phút.

Bảng nhịp tim thay đổi theo lứa tuổi của người bình thường:

Lứa tuổi

Nhịp tim (lần/phút)

Trẻ sơ sinh

100-160

Trẻ dưới 5 tháng 

90-150

Trẻ 6-12 tháng 

80-140

1-5 tuổi 

80-130

6-10 tuổi

70-110

11-20 tuổi

60-105

Trên 20 tuổi

50-80

Nguyên nhân vì sao nhịp tim trẻ em đập nhanh hơn người lớn

Tim có quá trình phát triển theo từng giai đoạn. Ở thời kì đầu, tức khi chúng ta còn nhỏ, tim vẫn chưa phát triển thành thục. Lúc này, các sợi cấu thành của tim còn rất yếu. Lực tim của trẻ mỗi lần bơm máu đến các cơ quan khác là rất nhỏ so với tim của người lớn. Vì vậy, để chạy đua với sự trưởng thành, tim trẻ cần đập nhanh để đáp ứng nhu cầu của các bộ phận trong cơ thể.

Giải đáp: Vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn? 1 Vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn là thắc mắc của nhiều người

Những nguyên do làm tim trẻ em đập nhanh hơn người lớn:

  • Trẻ em có nhu cầu vận động và khả năng trao đổi chất cao hơn người lớn nên tim cần đập nhanh để bơm máu cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho tế bào hoạt động kịp thời, đảm bảo cho trẻ phát triển bình thường.
  • Sự chênh lệch giữa tỉ lệ thể tích tim với trọng lượng cơ thể cao.
  • Cộng thêm việc cơ thể đang ở giai đoạn phát triển nhanh, các tế bào cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng để phát triển.
  • Một số nguyên nhân khác như: Mắc các bệnh lý về tim mạch, tác dụng phụ của một số loại thuốc đang dùng, vận động cường độ cao hoặc trẻ bị căng thẳng,...

Sau những hoạt động cường độ cao hoặc ngừng quấy khóc, nhịp tim của trẻ bắt đầu hoạt động bình thường trở lại. Vậy là thắc mắc vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn đã có câu trả lời, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng về hiện tượng sinh lý này. Tuy nhiên, nếu nguyên do phát sinh từ bệnh lý, cha mẹ bé cần hết sức chú ý các dấu hiệu để nhanh chóng đưa ra phương hướng giải quyết kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết tim trẻ đập bất thường

Biểu hiện bệnh tim bẩm sinh ở trẻ thường khá rõ nét, bởi vậy phụ huynh chú ý quan sát hoàn toàn có thể dễ dàng nhận thấy. 

Giải đáp: Vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn? 2 Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có dấu hiệu bị khó thở.
  • Ở trẻ sơ sinh, nếu bị bệnh tim bẩm sinh, con sẽ có biểu hiện khó thở, thở nhanh, cánh mũi phập phồng mạnh, cáu gắt, bú mẹ hay khóc và ngừng nghỉ liên tục khi bú. Ngoài ra, môi của trẻ có thể có màu sắc tím.
  • Ở trẻ vài tháng tuổi trở lên, biểu hiện bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sẽ rõ nét hơn. Trẻ thường xuyên bị ho, thở khò khè, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào và dễ bị viêm phổi hơn những đứa trẻ bình thường. Một số biểu hiện có thể đi kèm như chậm phát triển, da xanh xao, ăn kém, bú kém, chậm mọc răng,... 

Cũng có một số trẻ mắc bệnh lý về tim nhưng không có dấu hiệu rõ rệt và chỉ tình cờ được phát hiện khi trẻ được đưa đi thăm khám sức khỏe hay điều trị các bệnh lý khác. Để an toàn nhất, ngay khi mang thai các mẹ nên đi siêu âm tim thai để phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh ở thai nhi nếu có. Từ đó có kế hoạch và hướng xử lí phù hợp.

Chăm sóc trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh

Với trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh, sự chăm sóc của cha mẹ là vô cùng quan trọng, điều này sẽ giúp bệnh tình và sức khỏe con được cải thiện và có một cuộc sống bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. 

Giải đáp: Vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn? 3 Trẻ em bị dị tật tim có thể tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng.
  • Cung cấp dinh dưỡng: Trẻ có bệnh tim bẩm sinh bị chậm tăng cân, suy dinh dưỡng hay kém phát triển về thể chất do trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn bình thường. Vì vậy, bố mẹ cần cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho các bé.
  • Hoạt động thể thao: Trẻ em bị dị tật tim hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động vui chơi chạy nhảy như cầu lông, bơi lội, đi xe đạp,... Tuy nhiên, cần hạn chế những môn thể thao đòi hỏi nhiều sức như bóng đá, bóng rổ, võ thuật,...
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: Trẻ bệnh tim bẩm sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, do đó cha mẹ nên cho trẻ tiêm đủ các mũi vacxin theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, tránh tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm cũng là cách giảm thiểu nguy cơ đường hô hấp của trẻ bị các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
  • Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ: Phụ huynh cho trẻ uống thuốc cần tuyệt đối tuân theo toa thuốc của bác sĩ, không được phép tăng, giảm liều lượng hay ngừng dùng thuốc. Điều này đặc biệt quan trọng cho sự tiến triển bệnh tình theo hướng xấu hoặc tốt của trẻ.

Cha mẹ đã biết vì sao nhịp tim trẻ em nhanh hơn người lớn, do đó, cần chú ý những dấu hiệu tim đập bất thường để làm thước đo sức khỏe của trẻ nhỏ. Từ đó, đưa ra giải pháp hiệu quả cho các tình huống có thể xảy ra. 

Khánh Vy

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin