Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Gợi ý các trò chơi cho trẻ tự kỷ

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ

Trẻ em tự kỷ thường có nhu cầu giao tiếp và cách tương tác hơi khác hơn so với các em nhỏ khác. Hãy cùng tìm hiểu một số gợi ý trò chơi dưới đây, các trò chơi cho trẻ tự kỷ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của bé.

Bệnh tự kỷ là một rối loạn não bộ, gây hạn chế trong khả năng giao tiếp và tương tác xã hội ở trẻ em. Đây là một vấn đề ngày càng phổ biến và cần được nhận biết sớm để có thể chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Bệnh tự kỷ là gì?

Bệnh tự kỷ là một loại rối loạn phát triển sớm trong não, thường xuất hiện từ khi trẻ còn nhỏ. Bệnh ảnh hưởng đến các bộ phận của não có liên quan đến điều khiển cảm xúc, giao tiếp và vận động cơ thể. Những trẻ bị tự kỷ thường có sự phát triển não bộ không bình thường, có thể thấy các vấn đề về cấu trúc và kích thước của não. Ngoài ra, các yếu tố di truyền, như các biến đổi gen, cũng có vai trò quan trọng trong việc gây ra các vấn đề về hoạt động não bộ ở những trẻ này.

Gợi ý các trò chơi cho trẻ tự kỷ 1
Bệnh tự kỷ là một loại rối loạn phát triển sớm trong não

Dấu hiệu của trẻ tự kỷ

Trước khi con tròn 3 tuổi, bố mẹ nên chú ý quan sát kỹ những dấu hiệu tiềm ẩn của chứng tự kỷ ở trẻ. Một số trẻ phát triển bình thường đến khoảng 18 - 24 tháng tuổi, sau đó có thể bắt đầu giảm dần hoặc mất đi những kỹ năng đã học được. Các dấu hiệu chung của tự kỷ mà bố mẹ có thể nhận thấy gồm:

  • Lặp lại các chuyển động như đu bập bênh hoặc quay vòng.
  • Tránh giao tiếp bằng ánh mắt hoặc đụng chạm cơ thể.
  • Phát triển ngôn ngữ chậm so với các em đồng trang lứa.
  • Lặp đi lặp lại các từ hoặc câu nói.
  • Dễ bực bội với những thay đổi nhỏ trong môi trường xung quanh.

Gợi ý các trò chơi cho trẻ tự kỷ

Các trò chơi tương tác có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp và tăng cường sự năng động cho trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường không chú tâm đối với các hoạt động và có xu hướng thích chơi một mình, ít tương tác và khó gần gũi với người khác.

Do đó, việc lựa chọn và áp dụng các trò chơi phù hợp với sở thích và tính cách của từng trẻ là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý về các hoạt động mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ tự kỷ cải thiện khả năng tương tác:

Trò chơi "Ú òa"

Trò chơi này không chỉ mang lại niềm vui và sự thư giãn cho trẻ mà còn kích thích hoạt động não bộ và cải thiện kỹ năng tương tác xã hội. Các bậc phụ huynh có thể điều chỉnh cách chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ:

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi: Bố mẹ nắm lấy hai chân của bé, úp mặt vào sau khi đóng chân lại và nói lên âm thanh "Ú" khi mở ra để lộ gương mặt và nói "Òa".
  • Trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi: Trẻ tự chạm vào mặt sau đó nói "Ú", sau đó mở tay ra để lộ gương mặt và nói "Òa".
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: Hướng dẫn bé cách sử dụng tay để đưa vào mặt, sau đó bố mẹ cùng nhau và trẻ nói lên "Ú", sau đó là "Òa" và cả hai đều mở tay để xem mặt nhau.
Gợi ý các trò chơi cho trẻ tự kỷ 2
Hướng dẫn bé cách sử dụng tay để đưa vào mặt 

Khi trẻ bắt đầu thích thú với trò chơi này, cha mẹ có thể gia tăng độ phức tạp và mở rộng không gian chơi. Ví dụ, có thể áp dụng trò chơi này với sách, tường, hoặc thậm chí với một người khác. Điều này giúp trẻ tăng cường kỹ năng tương tác và khả năng dự đoán.

Trò chơi chi chi chành chành

Trò chơi chi chi chành chành là một trò chơi dân gian phổ biến với các em nhỏ. Trò chơi này có thể được thực hiện ở nhiều không gian khác nhau và có thể chơi từ hai người trở lên. Đối với trẻ tự kỷ, chơi trò chi chi chành chành không chỉ giúp trẻ linh động hơn trong các hoạt động tay, phản xạ nhanh mà còn kích thích sự tương tác và giao tiếp.

Để chơi trò này cùng trẻ tự kỷ, các bậc phụ huynh có thể tuân theo các bước sau:

  • Bước 1: Đầu tiên, xòe bàn tay ra phía trước và hướng dẫn trẻ chỉ một ngón tay vào lòng bàn tay của bạn (hoặc bạn cũng có thể đặt tay lên để chơi cùng trẻ).
  • Bước 2: Bắt đầu đọc lớn tiếng câu chuyện: "Chi chi chành chành, Cái đanh thổi lửa, Con ngựa chết trương, Ba vương ngũ đế, Chấp dế đi tìm, Ù à ù ập".
  • Bước 3: Khi đọc đến từ "ập", bạn nắm chặt lại tay để giữ ngón tay của trẻ. Trong khi đó, trẻ phải nhanh chóng rút tay ra để tránh bị bắt lấy ngón tay.

Luật chơi: Người nào xòe tay và kịp nắm được ngón tay của người chơi thì thắng cuộc. Ngược lại, nếu trẻ kịp rút tay ra trước khi bị nắm chặt thì sẽ là người chiến thắng.

Trò chơi này không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp trẻ tự kỷ rèn luyện kỹ năng tương tác xã hội và phản xạ nhanh nhạy. Việc áp dụng các trò chơi cho trẻ tự kỷ thường xuyên sẽ giúp trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp một cách tự nhiên và thú vị hơn. Đồng thời, cha mẹ cần tạo ra môi trường thoải mái và an toàn để khuyến khích trẻ tham gia và trải nghiệm những hoạt động này một cách tích cực và hiệu quả nhất.

Bắt chước 

Bắt chước là một trong những kỹ năng cơ bản và thiết yếu đối với mỗi đứa trẻ. Qua việc bắt chước, trẻ nhỏ học hỏi và mô phỏng các hoạt động, cử chỉ và cảm xúc hàng ngày của những người xung quanh để hình thành suy nghĩ và nhận thức của riêng mình.

Gợi ý các trò chơi cho trẻ tự kỷ 3
Qua việc bắt chước, trẻ nhỏ học hỏi và mô phỏng các hoạt động

Tuy nhiên, khả năng bắt chước của trẻ tự kỷ thường gặp phải nhiều hạn chế, do đó các bậc phụ huynh cần hỗ trợ để giúp trẻ phát triển một cách linh hoạt hơn. Áp dụng các trò chơi bắt chước cũng có thể giúp trẻ tự kỷ tăng cường sự tương tác và kích thích sự tò mò. Việc lựa chọn các trò chơi bắt chước từ đơn giản đến phức tạp phụ thuộc vào mức độ phản ứng của từng đứa trẻ là điều rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc thực hiện mà còn khuyến khích trẻ cảm thấy phấn khích và có động lực hơn trong quá trình học tập.

Các bậc phụ huynh có thể áp dụng các cách sau đây để trò chơi bắt chước:

  • Bắt chước các hành động đơn giản: Ví dụ như vẩy tay, vỗ tay, đạp chân, xoay vòng,...
  • Bắt chước các hành động với đồ vật: Ví dụ như đánh trống, gõ vào bàn, đẩy xe, nhặt đồ chơi,...
  • Bắt chước các hoạt động vận động tinh: Ví dụ như vẽ tranh, nặn đất sét,...
  • Bắt chước các biểu cảm gương mặt: Ví dụ như cười, nhếch mép, làm mặt xấu, cau mày,...

Khi trẻ tự kỷ có thể thực hiện và bắt chước các hoạt động này thành thạo, các bậc phụ huynh nên khuyến khích và khen ngợi trẻ. Những lời động viên sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn và có động lực để tiếp tục học tập và phát triển. Đồng thời, khi trẻ hoàn thành được những hoạt động phức tạp, các bậc phụ huynh cũng có thể tặng cho trẻ những món quà nhỏ mà trẻ yêu thích, nhằm khuyến khích thêm.

Nội dung trên đây là gợi ý các trò chơi cho trẻ tự kỷ. Các hoạt động trò chơi này giúp trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng tương tác xã hội, thúc đẩy quá trình học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin