Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Hấp thụ quá nhiều vitamin B12 có sao không?

Ngày 25/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vitamin B12 thiết yếu thường được coi là an toàn ngay cả khi sử dụng ở liều cao. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều nhận đủ B12 thông qua chế độ ăn uống và việc bổ sung không cần thiết có thể dẫn đến tác dụng phụ tiêu cực.

Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng hòa tan trong nước, đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể bạn. Một số người nghĩ rằng dùng B12 liều cao là tốt nhất cho sức khỏe của họ thay vì lượng khuyến cáo. Thực tế này đã khiến nhiều người tự hỏi bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là quá nhiều. Bài viết này xem xét các lợi ích sức khỏe, cũng như những rủi ro tiềm ẩn khi dùng quá nhiều vitamin B12.

Lợi ích của việc bổ sung vitamin B12

Không có gì nghi ngờ khi vitamin B12 rất cần thiết cho sức khỏe. Vitamin B12 chịu trách nhiệm về nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm hình thành tế bào hồng cầu, sản xuất năng lượng, hình thành DNA và duy trì dây thần kinh.

Mặc dù B12 được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt, hải sản, trứng, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc tăng cường, nhưng nhiều người không nạp đủ loại vitamin quan trọng này.

Hấp thụ quá nhiều vitamin B12 có sao không? 1
Vitamin B12 có nhiều trong các loại thực phẩm hàng ngày như thịt, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa,...

Các tình trạng sức khỏe như bệnh viêm ruột (IBD), một số loại thuốc, đột biến gen, tuổi tác và chế độ ăn kiêng đều có thể góp phần làm tăng nhu cầu B12.

Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thần kinh, thiếu máu và mệt mỏi, đó là lý do tại sao những người có nguy cơ nên tìm đến bác sĩ tư vấn về việc bổ sung B12 chất lượng cao vào chế độ ăn uống của mình.

Nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng những người tiêu thụ đủ lượng thực phẩm giàu B12, có thể hấp thụ và sử dụng đúng chất dinh dưỡng này không nhất thiết phải bổ sung thêm.

Mặc dù thực phẩm bổ sung B12 thường được dùng để tăng mức năng lượng, nhưng hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy rằng thêm B12 sẽ làm tăng năng lượng ở những người có đủ lượng vitamin này.

Tuy nhiên, thực phẩm bổ sung B12 rất có thể sẽ làm tăng mức năng lượng ở những người bị thiếu hụt, vì chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.

Dùng vitamin B12 liều cao có lợi hay có hại?

Vì B12 là một loại vitamin tan trong nước nên nó thường được xem là an toàn, ngay cả khi dùng liều cao.

Không có mức tiêu thụ có thể dung nạp được (UL) dành cho B12 do mức độ độc tính thấp của nó. UL đề cập đến liều tối đa hàng ngày của một loại vitamin không có khả năng gây ra tác dụng phụ bất lợi cho người dùng nói chung.

Ngưỡng này chưa được đặt cho B12 vì cơ thể bạn bài tiết bất cứ thứ gì nó không sử dụng qua nước tiểu. Tuy nhiên, bổ sung lượng B12 quá cao có liên quan đến một số tác dụng phụ tiêu cực.

Hấp thụ quá nhiều vitamin B12 có sao không? 2
Dùng vitamin B12 liều cao có lợi hay có hại?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng liều lượng lớn vitamin có thể dẫn đến bùng phát mụn trứng cá và trứng cá đỏ, một tình trạng da gây mẩn đỏ và nổi mụn mủ trên mặt.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hầu hết các nghiên cứu này tập trung vào việc tiêm liều cao hơn là bổ sung đường uống.

Cũng có một số bằng chứng cho thấy rằng B12 liều cao có thể dẫn đến kết quả sức khỏe tiêu cực ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận.

Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy những người mắc bệnh thận do tiểu đường (mất chức năng thận do bệnh tiểu đường) bị suy giảm chức năng thận nhanh hơn khi được bổ sung vitamin B liều cao, bao gồm 1 mg B12 mỗi ngày.

Hơn nữa, những người tham gia nạp vitamin B liều cao có nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong cao hơn so với những người dùng giả dược. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh cho tuyên bố này.

Hấp thụ quá nhiều vitamin B12 có sao không?
Lượng vitamin B12 được khuyến nghị hàng ngày (RDI) là 2,4mcg cho cả nam và nữ

Một nghiên cứu khác ở phụ nữ mang thai cho thấy lượng B12 cực cao do bổ sung vitamin làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ở thai nhi.

Mặc dù có bằng chứng cho thấy việc bổ sung B12 có thể gây ra những kết quả tiêu cực cho sức khỏe, nhưng các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung đường uống hàng ngày lên đến 2 mg (2.000 mcg) là an toàn và hiệu quả trong việc điều trị tình trạng thiếu B12.

Để tham khảo, lượng vitamin B12 được khuyến nghị hàng ngày (RDI) là 2,4mcg cho cả nam và nữ, mặc dù phụ nữ mang thai và đang cho con bú có nhu cầu cao hơn.

Nên nạp bao nhiêu vitamin B12 là đủ?

Đối với những người khỏe mạnh không có nguy cơ bị thiếu B12, việc tuân theo một chế độ ăn uống đầy đủ, giàu chất dinh dưỡng sẽ cung cấp tất cả lượng B12 mà cơ thể họ cần. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin này bao gồm trứng, thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, sữa, sữa chua, ngũ cốc, men dinh dưỡng.

Tuy nhiên, những người dùng thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ B12, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người ăn chay trường và bất kỳ ai có tình trạng ảnh hưởng tiêu cực đến sự hấp thụ hoặc tăng nhu cầu B12 nên cân nhắc trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung thế nào cho hợp lý.

Mặc dù liều cực lớn lên tới 2.000 mcg được coi là an toàn trong điều trị thiếu vitamin B12, nhưng tốt nhất nên tránh dùng quá nhiều bất kỳ loại vitamin nào, đặc biệt là khi không cần thiết và cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:vitamin b12