Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hiện tượng khô cổ họng khi ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 11/12/2021
Kích thước chữ

Hiện tượng khô cổ họng khi ngủ là hệ quả của việc tiết ít nước bọt trong giấc ngủ hoặc có thể là do một nguyên nhân nào đó khiến nước bọt tiết ra nhanh chóng bị khô đi.

Tình trạng khô miệng không chỉ gây cảm giác khó chịu mà nếu xảy ra trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, hiện tượng khô cổ họng khi ngủ còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu tất tần tật về vấn đề này nhé!

Nguyên nhân gây ra hiện tượng khô cổ họng khi ngủ

Hầu hết các trường hợp bị khô cổ họng khi ngủ đều là do các bệnh thường gặp không đáng ngại hoặc những thói quen sống thiếu lành mạnh phổ biến như:

1. Cơ thể bị thiếu nước

Cơ thể bị thiếu nước do bạn uống quá ít nước trong ngày hoặc uống không đủ nước để bù lại lượng nước bài tiết ra suốt đêm qua nước tiểu. Tình trạng thiếu nước làm giảm lượng nước bọt được sản xuất và tiết ra, dẫn đến khô miệng, khô cổ họng về đêm.

Hiện tượng khô cổ họng khi ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục 3

Nguyên nhân gây ra hiện tượng khô cổ họng khi ngủ do cơ thể thiếu nước

2. Thường xuyên sử dụng các chất kích trước giờ ngủ

Thói quen thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu bia trước khi ngủ làm cho cơ thể tăng bài tiết nước tiểu. Đồng thời, khiến niêm mạc miệng, cổ họng bị khô và dẫn đến tình trạng cổ họng bị khô khi ngủ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước và tác động của cồn lên hệ thần kinh còn làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi vào sáng hôm sau.

Việc hút hút thuốc lá trong thời gian dài, chất nicotin cùng nhiều chất độc hại khác có trong thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể tốc độ tiết nước bọt, cũng như gây ra nhiều vấn đề về răng miệng như sâu chân răng, hôi miệng, viêm nướu, viêm nha chu…

3. Do các vấn đề về sức khỏe gây ra

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy cổ họng bị khô sau khi thức dậy sau một đêm thở bằng miệng vì đường thở qua mũi bị cản trở thì nguyên nhân có thể là do một số bệnh lý về đường hô hấp không đáng ngại gây ra như cảm, cúm, viêm mũi dị ứng.

Hiện tượng bị khô họng do thở bằng miệng cũng có thể xảy ra do dị hình bên trong mũi như lệch vách ngăn mũi và polyp mũi. 

Một nguyên nhân thở bằng miệng khi ngủ khác thường gặp ở người trung và cao tuổi là ngáy ngủ và chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Người bệnh thường không tự ý thức được tình trạng này, chỉ cảm thấy bị khô cổ họng về đêm hay khô cổ họng khi ngủ dậy kèm theo cảm giác uể oải, mệt mỏi do suốt đêm ngủ không sâu giấc.

4. Do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh

Tình trạng giảm tiết nước bọt, khô cổ họng khi ngủ có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, các thuốc chống trầm cảm, lo âu, một vài loại thuốc trị dị ứng…Người bệnh ung thư đang được xạ trị hoặc hóa trị cũng có thể bị khô miệng tạm thời hoặc lâu dài, do các tuyến nước bọt bị ảnh hưởng.

5. Do tác nhân từ môi trường

Triệu chứng khô họng khi ngủ và các vấn đề về đường hô hấp khác thường xuất hiện khi thời tiết hanh khô, độ ẩm không khí thấp. Bạn cũng sẽ dễ bị cổ họng bị khô khát nước nếu ngủ trong phòng kín bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp, vì máy lạnh lấy đi hơi ẩm từ không khí.

Ngoài ra, cảm giác khô rát, ngứa ngáy cổ họng có thể sinh ra khi không khí phòng ngủ không được trong lành, có nhiều khói, bụi. Một số ít người bị có thể bị khô họng do kích ứng với phấn hoa, lông động vật, nước lau sàn, xà phòng, nước xả vải…

Cách khắc phục tình trạng bị khô cổ họng khi ngủ

Dưới đây là một số cách có thể giúp cải thiện tình trạng khô cổ họng khi ngủ mà bạn có thể áp dụng như: 

1. Uống đủ nước

Việc uống đủ nước có thể tránh gặp tình trạng khô cổ họng khi ngủ. Tùy thuộc vào cân nặng cũng như hoạt động của cơ thể mà bạn có thể bổ sung lượng nước phù hợp. Trung bình, bạn cần phải bổ sung khoảng 1,5 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung bằng cách ăn nhiều trái cây và rau xanh để được bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất.

Thói quen uống đủ nước cũng là một cách để phòng ngừa và cải thiện triệu chứng đối với các bệnh đường hô hấp. 

Hiện tượng khô cổ họng khi ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục 2

Cách khắc phục tình trạng bị khô cổ họng khi ngủ là bổ sung đủ nước

2. Tránh sử dụng chất kích thích trước khi đi ngủ

Việc hạn chế uống các loại thức uống có chứa cồn như rượu, bia hoặc thức uống có chứa cafein như trà, cà phê… gần giờ ngủ để tránh bị khô cổ họng khi ngủ và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

3. Giảm nhẹ triệu chứng của bệnh đường hô hấp

Trong trường hợp nếu bị khô cổ họng khi ngủ do  cảm, cúm, viêm mũi dị ứng và viêm họng nhẹ, bạn không cần lo lắng vì những bệnh này sẽ tự biến mất sau một vài ngày. Tuy vậy nếu gặp quá nhiều cảm giác khó chịu, bạn có thể áp dụng các cách sau:

  • Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng tự pha đảm bảo vệ sinh. Điều này sẽ giúp làm dịu, giữ ẩm cho niêm mạc, rửa trôi hết các chất nhầy bị tắc nghẽn trong đường thở. 
  • Uống thuốc kháng viêm không steroid để giảm viêm, sưng, nghẹt mũi và giảm các khó chịu ở cổ họng. Kết hợp với thuốc xịt mũi để thông mũi.
  • Dùng viên ngậm viêm họng để làm ẩm họng, giảm cảm giác khó chịu.
  • Hạn chế uống nước lạnh, thay vào đó bạn nên uống nước ấm như trà hoa cúc, trà mật ong giúp mang lại cảm giác dễ chịu.
  • Khuyến khích súc họng bằng nước muối ngay khi cảm giác khô rát cổ họng mới xuất hiện để hạn chế triệu chứng này nặng hơn.

4. Điều trị tắc nghẽn đường thở

Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng cổ họng bị khô khi ngủ như viêm xoang, dị hình trong mũi, ngủ ngáy, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ… cần được điều trị. Không chỉ để cải thiện giấc ngủ, mà còn giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài, tránh phát sinh các hậu quả khác về tim mạch, huyết áp, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…

5. Sắp xếp lại không gian phòng ngủ

Để tránh bị khô cổ họng khi ngủ, bạn có thể sắp xếp lại không gian phòng ngủ bằng những cách sau:

  • Đặt máy tạo độ ẩm hoặc một chậu nước nhỏ trong phòng vào những ngày thời tiết khô hanh hoặc nếu dùng máy lạnh.
  • Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ để đảm bảo không khí lưu thông tốt, tránh ẩm mốc, vi khuẩn sinh sôi.
  • Nếu bạn có cơ địa nhạy cảm với bụi, phấn hoa, lông thú cưng… cần phải thường xuyên làm sạch phòng ngủ, đóng kín cửa sổ khi ngủ.
  • Thay đổi loại nước lau sàn, xà phòng, nước xả vải… nếu những sản phẩm này là nguyên nhân gây viêm mũi, viêm họng dị ứng.

Hiện tượng khô cổ họng khi ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục 1

Sắp xếp lại không gian phòng ngủ

Về cơ bản, hiện tượng khô cổ họng khi ngủ không phải là vấn đề đáng ngại. Tuy nhiên, những dấu hiệu này đôi khi lại cảnh báo bạn đang mắc các bệnh lý cần được quan tâm. Hy vọng những biện pháp trên sẽ giúp khắc phục tình trạng này hiệu quả nhé!

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Chữa khó ngủ