Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm mũi dị ứng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm mũi dị ứng là viêm mũi theo mùa hoặc lâu năm. Triệu chứng bao gồm ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi và đôi khi là viêm kết mạc do tiếp xúc với phấn hoa hoặc các chất gây dị ứng khác. Chẩn đoán dựa trên tiền sử và đôi khi làm test da. Điều trị đầu tiên là dùng corticosteroid dạng xịt mũi (kèm hoặc không kèm thuốc kháng histamin dạng uống hoặc dạng xịt mũi) hoặc với thuốc kháng histamin và thuốc chống sung huyết mũi (decongestant) đường uống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm mũi dị ứng là gì? 

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc quanh năm (một dạng viêm mũi quanh năm). Viêm mũi theo mùa thường là do dị ứng. Ít nhất 25% trường hợp viêm mũi dị ứng quanh năm không do dị ứng.

Viêm mũi dị ứng theo mùa:

Thường do các chất dị ứng có nguồn gốc thực vật gây ra, thay đổi theo mùa. Các chất dị ứng nguồn gốc thực vật thường gặp là

  • Mùa xuân: Phấn hoa (ví dụ: Sồi, cây du, cây phong, bạch dương, cây bách xù, ô liu).

  • Mùa hè: Cỏ phấn hoa (ví dụ: Cỏ bermuda, cỏ timothy, cỏ ngọt) và phấn hoa cỏ dại (ví dụ: Cây kế Nga).

  • Mùa thu: Phấn hoa cỏ dại khác (ví dụ: Cỏ phấn hương).

Nguyên nhân cũng khác nhau tùy theo khu vực và viêm mũi dị ứng theo mùa đôi khi do bào tử nấm (mốc) trong không khí gây ra.

Viêm mũi dai dẳng: 

Là do tiếp xúc quanh năm với các chất gây dị ứng trong nhà (ví dụ, bụi nhà, gián, lông động vật) hoặc do phản ứng mạnh với phấn hoa thực vật trong các mùa liên tiếp.

Viêm mũi dị ứng và hen suyễn thường cùng tồn tại.

Viêm mũi quanh năm không do dị ứng bao gồm viêm mũi nhiễm trùng, viêm mũi vận mạch và viêm mũi do thuốc (ví dụ: Aspirin - hoặc thuốc kháng viêm không steroid [NSAID]) và viêm teo mũi truyền nhiễm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Bệnh nhân bị ngứa (ở mũi, mắt hoặc miệng), chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi và xoang. Ho và thở khò khè cũng có thể xảy ra, đặc biệt nếu bị hen suyễn.

Điểm nổi bật nhất của viêm mũi quanh năm là nghẹt mũi mãn tính, đối với trẻ em, viêm mũi mãn tính có thể dẫn đến viêm tai giữa mãn tính; các triệu chứng nặng nhẹ khác nhau trong năm. Viêm mũi quanh năm ít ngứa hơn so với viêm mũi theo mùa. Bệnh có thể phát triển thành viêm xoang mãn tính và polyp mũi.

Các dấu hiệu bao gồm mũi sưng và đỏ, một số trường hợp viêm mũi dị ứng theo mùa, bệnh nhân còn bị viêm kết mạc và phù nề mắt.

Tác động của viêm mũi dị ứng đối với sức khỏe

Do ngạt mũi khiến người bệnh khó ngủ, chất lượng cuộc sống giảm sút, mệt mỏi, đôi khi còn bị ngứa mắt, đỏ mắt.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm mũi dị ứng 

Hen suyễn, viêm xoang là biến chứng thường gặp nhất của viêm mũi dị ứng.

Ngoài ra còn gây viêm thanh quản, viêm họng, viêm tai giữa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng

Khi tiếp xúc dị nguyên, cơ thể giải phóng histamin để chống lại các dị nguyên nhưng lại gây viêm mũi dị ứng.

Các yếu tố gây viêm mũi dị ứng bao gồm:

  • Các yếu tố dị ứng trong nhà: Bụi nhà, lông động vật, lông vải từ quần áo, chăn gối, nước hoa, sữa tắm, xà phòng, mỹ phẩm, nấm mốc…
  • Các yếu tố dị ứng trong không khí: Phấn hoa, lông sâu, bụi lúa, khói bụi, mùi rác, không khí lạnh, trời mưa.
  • Các yếu tố dị ứng do nghề nghiệp: Bụi phấn viết bảng, hóa chất, sợi vải ở xưởng may, nhang khói ở đền chùa, bụi xi năng, bụi gỗ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm mũi dị ứng?

  • Tiền sử gia đình có người bị viêm mũi dị ứng.
  • Người có cơ địa dị ứng (nhạy cảm).
  • Người bị hen suyễn, chàm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm mũi dị ứng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng, bao gồm:

  • Tiếp xúc quá lâu với các dị nguyên.
  • Tinh thần căng thẳng, stress.
  • Yếu tố nội tiết (thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm mũi dị ứng

  • Đánh giá lâm sàng.

  • Thỉnh thoảng test da, xét nghiệm IgE huyết thanh đặc hiệu với chất gây dị ứng hoặc cả hai.

Viêm mũi dị ứng hầu như có thể được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh. Xét nghiệm chẩn đoán không cần thiết trừ khi bệnh nhân không cải thiện khi đã điều trị theo kinh nghiệm. Đối với các bệnh nhân này, cần làm xét nghiệm da để xác định phản ứng với phấn hoa (theo mùa) hoặc với bụi nhà, gián, lông động vật, nấm mốc hoặc các kháng nguyên khác.

Kết quả xét nghiệm da có thể không tương thích hoặc không thể xét nghiệm được (ví dụ: Vì bệnh nhân đang dùng thuốc gây ảnh hưởng đến kết quả); sau đó, xét nghiệm IgE huyết thanh đặc hiệu với chất gây dị ứng được thực hiện.

Tăng bạch cầu ái toan trong phết dịch mũi kèm theo xét nghiệm da âm tính gợi ý tình trạng nhạy cảm với aspirin hoặc viêm mũi không dị ứng kèm tăng bạch cầu ái toan (NARES).

Viêm mũi quanh năm không do dị ứng thường cũng được chẩn đoán dựa trên tiền sử. Không đáp ứng lâm sàng khi điều trị với thuốc viêm mũi dị ứng, kết quả âm tính khi xét nghiệm da và/ hoặc xét nghiệm IgE huyết thanh đặc hiệu với chất gây dị ứng cũng gợi ý nguyên nhân không do dị ứng; các rối loạn cần kiểm tra bao gồm các khối u mũi, VA quá phát, phì đại cuống mũi, u hạt wegener và bệnh sarcoid .

Phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả

Một số phương pháp được dùng để điều trị viêm mũi dị ứng như:

  • Thuốc kháng histamine;

  • Thuốc chống sung huyết;

  • Corticosteroid dạng xịt mũi;

  • Đối với viêm mũi theo mùa hoặc dai dẳng khó trị, cần giải mẫn cảm.

Các phương pháp điều trị hàng đầu và hiệu quả nhất là:

  • Corticosteroid dạng xịt mũi kèm hoặc không kèm thuốc kháng histamine dạng uống hoặc xịt mũi.

  • Thuốc kháng histamine đường uống cộng với thuốc chống sung huyết mũi (ví dụ: Thuốc cường giao cảm như pseudoephedrine).

Một số lựa chọn thay thế ít hiệu quả hơn bao gồm thuốc bảo vệ tế bào mast (ví dụ: Cromolyn) dạng xịt, dùng 3 - 4 lần/ngày, thuốc chẹn H1 azelastine xịt 1 - 2 nhát x 2 lần/ngày và ipratropium 0,03% xịt 2 nhát mỗi 4 đến 6 giờ, giúp giảm chảy nước mũi.

Thuốc xịt mũi thường được ưa chuộng hơn thuốc uống vì cho tác động tại chỗ, ít ảnh hưởng toàn thân.

Nước muối xịt mũi, thường bị lãng quên, giúp loại bỏ chất tiết đặc ở mũi và làm ẩm màng nhầy mũi.

Liệu pháp điều trị giải mẫn cảm có thể hiệu quả đối với bệnh theo mùa hơn là với viêm mũi dị ứng quanh năm; liệu pháp này được chỉ định đối với:

  • Các triệu chứng nặng;

  • Không thể tránh khỏi chất gây dị ứng;

  • Điều trị bằng thuốc không cho đủ hiệu quả.

Những nỗ lực đầu tiên trong việc giải mẫn cảm nên bắt đầu ngay sau khi mùa phấn hoa kết thúc để chuẩn bị cho mùa tiếp theo.

Giải mẫn cảm: Ngậm dưới lưỡi viên thuốc hỗn hợp phấn hoa (chiết xuất từ ​​5 loại hạt phấn hoa cỏ) có thể được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng do cỏ phấn hoa. Liều dùng là:

  • Đối với người lớn: Một viên 300 - IR (chỉ số phản ứng) mỗi ngày.

  • Đối với bệnh nhân từ 10 đến 17 tuổi: Một viên 100 - IR vào ngày 1, 2 viên 100 - IR 1 lần vào ngày 2, sau đó dùng liều người lớn từ ngày 3 trở đi.

Liều đầu tiên nên được sử dụng tại cơ sở y tế và bệnh nhân nên được theo dõi trong 30 phút sau khi dùng thuốc vì có thể xảy ra phản vệ. Nếu dung nạp được liều đầu tiên, bệnh nhân có thể dùng các liều tiếp theo tại nhà. Liệu pháp nên được tiến hành 4 tháng trước khi bắt đầu mùa phấn hoa và duy trì trong suốt mùa.

Liệu pháp giải mẫn cảm ngậm dưới lưỡi dạng chiết xuất từ bụi nhà hoặc cỏ phấn hoa có thể được dùng để điều trị viêm mũi dị ứng do những chất này gây ra.

Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng nên mang theo một ống epinephrine dạng tự tiêm.

Montelukast, chất kháng leukotriene, làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng nhưng do nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần (ví dụ: Ảo giác, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, suy nghĩ và hành vi tự sát), chỉ nên sử dụng montelukast khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc không được chấp nhận.

Omalizumab, kháng thể kháng IgE, đang được nghiên cứu để điều trị viêm mũi dị ứng nhưng có thể sẽ cho vai trò hạn chế vì những thuốc rẻ hơn có thể thay thế.

Điều trị NARES (viêm mũi không dị ứng kèm tăng bạch cầu ái toan) là dùng corticosteroid đường xịt mũi.

Điều trị nhạy cảm với aspirin: Cần tránh dùng aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid không chọn lọc (có thể phản ứng chéo với aspirin), sử dụng kèm liệu pháp giải mẫn cảm và thuốc chẹn leukotriene nếu cần.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mũi dị ứng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.

  • Vệ sinh môi trường sống và làm việc sạch sẽ.

  • Xông mũi bằng nước ấm, nước muối.

  • Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý, làm thông thoáng niêm mạc để thuốc xịt mũi phát huy tác dụng tốt hơn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đẩy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.

  • Hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng.

Phương pháp phòng ngừa viêm mũi dị ứng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Sử dụng mền và gối bằng sợi tổng hợp;

  • Thường xuyên giặt chăn, ga, gối bằng nước nóng;

  • Diệt gián;

  • Dùng máy hút ẩm ở nơi ẩm thấp, không thoáng khí;

  • Xông nhà bằng hơi nước nóng;

  • Dùng máy hút chân không và máy lọc không khí hiệu suất cao (HEPA);

  • Không dùng thực phẩm gây dị ứng;

  • Hạn chế nuôi vật nuôi;

  • Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên;

  • Tránh khói thuốc, ô nhiễm không khí, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao;

  • Tập thể dục thường xuyên.

Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com
  2. Sở y tế Hà Tĩnh: http://soyte.hatinh.gov.vn/
  3. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn giọng nói

  2. Thủng màng nhĩ

  3. Ung thư vòm họng giai đoạn I

  4. Chấn thương thanh quản

  5. Xốp xơ tai

  6. Viêm họng mạn tính

  7. Viêm tai giữa ứ dịch

  8. Viêm lưỡi gà

  9. Ung thư vòm họng giai đoạn II

  10. Viêm họng cấp