Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hiểu rõ về tình trạng da bị cháy nắng

Ngày 31/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cái nắng ngày hè là nguyên nhân dễ dẫn đến các tình trạng như da bị cháy nắng, bỏng da, da phồng rộp,... Vậy làm thế nào để nhận biết da bị cháy nắng và cách phòng tránh? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây!

Tia UV vào mùa hè thường mạnh và gây gắt, đồng thời đây cũng là mùa của các hoạt động ngoài trời nên tình trạng da bị cháy nắng càng phổ biến hơn. Bỏ túi một vài kiến thức về tình trạng này sẽ giúp bạn bảo vệ làn da được tốt hơn.

Tổng quan về cháy nắng

Cháy nắng là tình trạng làn da trở nên đỏ ửng và bỏng rát khi chạm vào, đặc biệt là chúng thường xuất hiện sau nhiều giờ tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn ánh sáng nhân tạo khác.

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều có thể gây bỏng da và làm tăng nguy cơ gặp phải các tổn thương khác như da bị lão hóa, nám da, bong da và ung thư da. Làn da bị cháy nắng sẽ mất nhiều ngày để da hồi phục hoặc lâu hơn. Ngoài ra, khi vui chơi hoặc làm việc ở môi trường bên ngoài, bạn cũng cần các biện pháp để bảo vệ da và phòng ngừa tình trạng cháy nắng.

Hiểu rõ về tình trạng da bị cháy nắng 1 Vùng da bị cháy nắng sẽ sẫm màu hơn các vùng da còn lại

Vì sao da bị cháy nắng sạm đen?

Nhiều người không biết vì sao càng chống nắng càng đen da. Nguyên nhân là bởi tình trạng da bị cháy nắng sạm đen là do da tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (tia UV). Bức xạ tia cực tím có bước sóng quá ngắn nên mắt người không thể nhìn thấy được. Tia UVA có khả năng gây tổn thương lão hóa da, trong khi tia UVB là tác nhân chính gây bỏng da. Nếu tiếp xúc nhiều với tia cực tím bao gồm cả tia UVA và UVB sẽ làm tăng khả năng xuất hiện ung thư da

Melanin là thành phần hắc sắc tố nằm ở lớp thượng bì của da. Tia UV chính là tác nhân kích thích cơ thể tăng sản xuất melanin và khiến da bị sạm đen dù bạn che chắn cẩn thận. Đây là phản ứng tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị cháy nắng và những tổn thương da nặng hơn. Tuy nhiên, nếu cơ thể không sản xuất đủ melanin để bảo vệ da thì tia UV sẽ có thể gây ra tình trạng bỏng rát, da bị đau, sưng nề và đỏ da.

Hiểu rõ về tình trạng da bị cháy nắng 2 Một số người bị lột da khi da cháy nắng

Da có thể bị cháy nắng và sạm đen kể cả những ngày mát mẻ và nhiều mây. Hơn 80% tia UV có thể xuyên khỏi mây và tiếp xúc trực tiếp với da. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ da bị cháy nắng.

Những người có các đặc điểm sau da có thể bị cháy nắng cao hơn:

  • Người có làn da sáng màu, mắt xanh, tóc vàng hoặc tóc đỏ.
  • Người sống hoặc thường xuyên đi du lịch đến nơi có khí hậu nóng, nhiều ánh sáng mặt trời.
  • Thường xuyên phải làm việc ngoài trời.
  • Tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời và đồng thời sử dụng thức uống có cồn.
  • Đã từng bị cháy nắng.
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và nguồn sáng nhân tạo nhưng không có biện pháp bảo vệ da.
  • Sử dụng kem hoặc thuốc làm tăng khả năng bắt nắng.

Dấu hiệu nhận biết da đã bị cháy nắng

Khi có các dấu hiệu sau chứng tỏ da của bạn đã bị cháy nắng:

  • Da đỏ ửng, sờ thấy nóng.
  • Da bị dau, sưng nề và ngứa ngáy.
  • Các bọng nước nhỏ xuất hiện trên bề mặt da.
  • Đau đầu, sốt cao, nôn mửa và lừ đừ nếu cháy nắng nghiêm trọng.

Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu đều có thể bị tổn thương. Thậm chí, những phần da được che chắn cũng có thể bị cháy nắng vì tia UV có thể xuyên qua được những chất liệu mỏng.

Các dấu hiệu khi da bị cháy nắng sẽ xuất hiện trong khoảng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và biểu hiện càng rõ rệt trong nhiều ngày sau đó. Ở một số người, cơ thể có thể tự chữa lành bằng cách các lớp da bị tổn thương sẽ được bong lên trên.

Khi da bị cháy nắng sạm đen kèm theo những dấu hiệu nặng dưới đây, người bệnh cần đến gặp bác sĩ da liễu ngay lập tức:

  • Vùng da bị tổn thương rộng, ngày càng đau đớn.
  • Bắt đầu sốt, đau đầu, nôn mửa.
  • Da không tự cải thiện sau nhiều ngày.
  • Bắt đầu xuất hiện các nốt bỏng chứa dịch vàng.

Làm thế nào để phòng tránh cháy nắng?

Một số phương pháp giúp phòng ngừa tình trạng da cháy nắng do ánh nắng mặt trời như:

  • Hạn chế ra đường từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là thời điểm bức xạ mặt trời cao nhất.
  • Không nên sử dụng các giường tắm nắng: Ánh sáng nhân tạo từ các giường tắm nắng có thể sản xuất ra tia cực tím và gây bỏng da.
  • Chú ý che chắn bảo vệ da: Khi đi ra ngoài nên đội mũ rộng vành và mặc áo dài tay, quần dài để bảo vệ cơ thể. Nên chọn trang phục tối màu để bảo vệ da tốt hơn.
  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên: Nên lựa chọn các loại kem chống nắng có khả năng kháng nước và son dưỡng có chứa chỉ số SPF từ 30 trở lên để kháng tia UVA và UVB. Nên bôi kem chống nắng lên da từ 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài, lưu ý thoa kỹ những khu vực da không thể che chắn. Thoa lại kem chống nắng sau mỗi 40 đến 80 phút hoặc ngay sau khi đi tắm hoặc ra nhiều mồ hôi. Bôi kem đuổi côn trùng sau khi đã thoa kem chống nắng.
  • Mang kính mát khi đi ra ngoài: Chú ý lựa chọn các loại kính mát có khả năng chống tia UVA và tia UVB để bảo vệ da vùng mắt tối đa.
Hiểu rõ về tình trạng da bị cháy nắng 3 Chăm chỉ bôi kem chống nắng để bảo vệ da

Trên đây là một vài thông tin về da bị cháy nắng cũng như một số phương pháp để phòng tránh. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên, quý đọc giả đã có thêm kiến thức để bảo vệ làn da của mình một cách tối da và hiệu quả.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm