Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lão hóa da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo thời gian, cơ thể chúng ta già đi một cách tự nhiên. Một số nguyên nhân có thể tác động thêm đến quá trình này thường là yếu tố môi trường và lối sống. Thói quen lối sống lành mạnh kết hợp một số công nghệ chăm sóc da hiện đại ngày nay có thể giúp ngăn chặn và ngăn ngừa lão hóa da sớm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lão hóa da là gì?

Lão hóa da là một quá trình trong đó chất lượng da suy giảm theo tuổi tác do tác động tổng hợp của tiến trình lão hóa theo thời gian, lão hóa do ánh sáng, thiếu hụt nội tiết tố và các yếu tố môi trường. Khi lão hóa da, số lượng nguyên bào sợi tổng hợp collagen và mạch máu cung cấp cho da bị giảm, dẫn đến tình trạng mô lỏng lẻo và hình thành nếp nhăn.

Lão hóa da có thể xảy ra ở bất kỳ lớp da nào. Nhìn chung có hai yếu tố gây ra lão hóa da là: Yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Sự tổng hợp collagen và elastin của da giảm đi 1% mỗi năm dẫn đến sự mất tổ chức của các mô liên kết. Sự suy giảm collagen và elastin này gây ra sự phát triển của các nếp nhăn trên da ở lớp hạ bì.

Có bốn loại lão hóa da xảy ra bao gồm:

  • Thứ nhất là lão hóa bên trong được đặc trưng bởi làn da có vẻ không tì vết, mịn màng nhưng khá nhợt nhạt, khô hơn, kém đàn hồi với các nếp nhăn nhỏ và xảy ra trong các mô dưới da thông qua việc giảm lượng tế bào da như tế bào mast, nguyên bào sợi, sản xuất collagen.
  • Thứ hai là lão hóa bên ngoài có thể do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời (lão hóa do ánh sáng) và các yếu tố ngoại sinh khác nhau như ảnh hưởng của chất chống oxy hóa lên quá trình thay đổi tế bào thông qua các chất điều chỉnh phản ứng sinh học thần kinh - nội tiết - miễn dịch mà chủ yếu ảnh hưởng đến da mặt và cổ.
  • Thứ ba là lão hóa do ánh sáng gây ra bởi ánh sáng mặt trời, chủ yếu là tia hồng ngoại (52 - 55%), ánh sáng nhìn thấy được (44%) và 3% tia UV có hại cho da (tia này bị tầng ozone hấp thụ hoàn toàn).
  • Thứ tư là lão hóa nội tiết tố là do ảnh hưởng từ sự sụt giảm nội tiết tố có tác động làm giảm tổng hợp collagen, độ dày của da, độ ẩm của da và chức năng hàng rào biểu bì. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lão hóa da

Tình trạng lão hóa da có thể được xác định qua các biểu hiện sau đây:

  • Nếp nhăn;
  • Đốm đồi mồi;
  • Da khô, mất độ đàn hồi;
  • Da tối màu hơn trước;
  • Xuất hiện những mao mạch li ti tại vùng má;
  • Tăng sắc tố da tại các khu vực như 2 gò má, trán;
  • Khuôn mặt chảy xệ hoặc hốc hác.
Lão hóa da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Một số dấu hiệu của da lão hóa

Biến chứng của lão hóa da

Khi lão hóa, biểu bì sẽ mỏng đi, mặc dù số lượng lớp tế bào không thay đổi.

Số lượng tế bào chứa sắc tố (melanocytes) giảm. Các tế bào hắc tố còn lại tăng kích thước. Da lão hóa trông mỏng hơn và nhợt nhạt hơn. Các đốm sắc tố bao gồm đốm đồi mồi hoặc các vết nám mảng có thể xuất hiện ở những vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Những thay đổi trong mô liên kết làm giảm sức mạnh và độ đàn hồi của da. Nó dễ nhận thấy hơn ở những khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc các yếu tố gây hại khác cho da.

Các mạch máu của lớp hạ bì trở nên mỏng manh hơn. Điều này dẫn đến vết bầm tím, chảy máu dưới da (thường được gọi là ban xuất huyết do tuổi già) và u mạch máu anh đào.

Các tuyến bã nhờn sản xuất ít dầu hơn trên da lão hóa. Ở phụ nữ, lượng dầu trên da sản xuất ít hơn sau mãn kinh. Ở nam giới, lượng dầu thường giảm ở mức tối thiểu, thường là sau tuổi 80. Điều này có thể khiến da ít độ ẩm hơn, dẫn đến khô và ngứa.

Lớp mỡ dưới da mỏng đi dẫn đến khả năng phân tán lực và cách nhiệt kém đi. Điều này làm tăng nguy cơ chấn thương da và giảm khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể, có thể bị hạ thân nhiệt khi thời tiết lạnh.

Một số loại thuốc bôi ngoài da được hấp thụ ở lớp hạ bì (lớp mỡ) chứa nhiều mạch máu. Sự sụt giảm của lớp này có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc bôi.

Tuyến mồ hôi tiết ra ít mồ hôi hơn, làm giảm khả năng làm mát cơ thể. Nguy cơ tăng thân nhiệt hoặc phát triển đột quỵ do nhiệt tăng lên.

Các khối u lành tính như mụn thịt thừa, mụn cóc, các mảng sần sùi màu nâu (dày sừng tiết bã) và các vết thâm khác thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Cũng phổ biến là các mảng sần sùi màu hồng (actinic keratoses) có nguy cơ trở thành ung thư da. Ung thư da cũng phổ biến và thường nằm ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến khám và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Da liễu nếu bạn có các dấu hiệu lão hóa sớm xuất hiện đột ngột, gây đau đớn, khó chịu hoặc khiến da bạn trở nên tệ đi một cách nhanh chóng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến lão hóa da

Trong hầu hết các trường hợp, các yếu tố có thể kiểm soát và phòng ngừa được gây ra lão hóa da bên ngoài.

Tiếp xúc với ánh sáng là nguyên nhân hàng đầu gây lão hóa da:

  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây ra nhiều vấn đề về da. Ánh sáng tia cực tím (UV) và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời làm lão hóa làn da của bạn nhanh hơn so với lão hóa tự nhiên. Kết quả này được gọi là lão hóa do ánh sáng và nó chịu trách nhiệm cho 90% những thay đổi có thể nhìn thấy trên làn da của bạn. Tia UV làm tổn thương tế bào da, góp phần gây ra những thay đổi sớm như đốm đồi mồi. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời này cũng làm tăng nguy cơ ung thư da .
  • Ánh sáng nhìn thấy năng lượng cao (HEV) và tia hồng ngoại chịu trách nhiệm cho 10% thay đổi còn lại của da. Ánh sáng HEV (còn gọi là ánh sáng xanh) đến từ mặt trời và các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh. Ánh sáng hồng ngoại là tuy vô hình nhưng chúng ta thường cảm nhận được nó dưới dạng nhiệt. Những dạng ánh sáng này không làm tăng nguy cơ ung thư da nhưng chúng ảnh hưởng đến collagen và độ đàn hồi của da.
Lão hóa da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Tiếp xúc ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân gây lão hóa da sớm

Các yếu tố môi trường hoặc lối sống khác gây lão hóa sớm bao gồm:

  • Hút thuốc: Khi bạn hút thuốc, chất độc trong nicotine sẽ làm thay đổi các tế bào trong cơ thể bạn. Những độc tố này phá vỡ collagen và các sợi đàn hồi trong da của bạn, dẫn đến chảy xệ, nếp nhăn và khuôn mặt hốc hác.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều đường hoặc carbohydrate tinh chế có thể gây lão hóa sớm. Mặt khác, chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh giúp ngăn ngừa sự thay đổi sớm của da.
  • Rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm mất nước và làm tổn thương làn da của bạn theo thời gian, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm.
  • Ngủ kém: Các nghiên cứu cho thấy chất lượng giấc ngủ kém (hoặc không đủ) khiến tế bào của bạn, đặc biệt là tế bào da già đi nhanh hơn.
  • Căng thẳng: Khi bạn căng thẳng, não sẽ tiết ra cortisol, một loại hormone gây căng thẳng. Cortisol ngăn chặn hai chất giữ cho làn da của bạn trông căng bóng và tràn đầy sức sống là hyaluronan synthase và collagen.

Trong một số ít trường hợp, một số bệnh lý có thể gây ra dấu hiệu lão hóa sớm:

  • Hội chứng Bloom;
  • Hội chứng Cockayne tuýp I hoặc tuýp III;
  • Hội chứng lão hóa Hutchinson-Gilford;
  • Chứng loạn sản xương hàm dưới với chứng loạn dưỡng mỡ tuýp A;
  • Hội chứng Rothmund-Thomson;
  • Hội chứng Seip;
  • Hội chứng Werner.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải lão hóa da?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc lão hóa da như sau:

  • Người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh;
  • Người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;
  • Người thường xuyên tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường và hóa chất độc hại;
  • Người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch;
  • Người căng thẳng tâm lý mạn tính hoặc bệnh tâm thần.
Lão hóa da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Lão hóa da diễn tiến nhanh hơn ở phụ nữ sau mãn kinh

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lão hóa da

  • Tia cực tím;
  • Ánh sáng HEV;
  • Khói thuốc lá;
  • Khói bụi môi trường, hóa chất độc hại;
  • Rượu;
  • Thiếu một số chất dinh dưỡng như vitamin C, E, chất chống oxy hóa, collagen,...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm lão hóa da

Các đặc điểm của da lão hóa được chẩn đoán chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng qua thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

Các tổn thương nghi ngờ ung thư da biểu hiện dưới dạng các khối u hoặc vết loét ngày càng lớn và không lành. Những tổn thương như vậy thường được bác sĩ sinh thiết (lấy một mẫu mô tại vùng bệnh tiến hành quan sát mô bệnh học dưới kính hiển vi) để chẩn đoán trước hoặc sinh thiết như một phần của điều trị.

Lão hóa da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Bất thường trên da nghi ngờ ung thư

Điều trị

Da khô và đổi màu

  • Kem dưỡng ẩm sẽ giúp cải thiện làn da khô và bong tróc.
  • Alpha hydroxy acid (AHA), vitamin C, alpha lipoic acid (ALA), isoflavone đậu nành hoặc kem retinoid bôi theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm giảm tình trạng da sần sùi, không đều màu. Chúng cũng có thể làm giảm số lượng nếp nhăn và làm mờ sắc tố.
  • Nhiều sản phẩm khác đang được nghiên cứu nhưng lợi ích của chúng vẫn chưa rõ ràng.
Lão hóa da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Alpha hydroxy acid

Trẻ hóa da mặt

Các quy trình nhằm mục đích trẻ hóa làn da bị tác động bởi các loại ánh sáng bao gồm:

  • Chất làm đầy (ví dụ như hyaluronic acid, polytetrafluoroethylene và cấy mỡ tự thân) giúp làm đầy các đường rãnh biểu cảm trên khuôn mặt như nếp trán, nếp chân chim, nếp mũi má,...
  • Tiêm Botulinum để giảm cau mày và giảm nếp nhăn sâu.
  • Điều trị bằng laser mạch máu và liệu pháp chích xơ để loại bỏ các mao mạch li ti trên mặt và các u mạch.
  • Các quy trình tái tạo bề mặt như peel da, mài mòn da (dermabrasion) và tái tạo bề mặt bằng laser.
  • Phẫu thuật thẩm mỹ để loại bỏ phần da thừa chảy xệ, bao gồm phẫu thuật tạo hình mí mắt bằng phẫu thuật hoặc laser cho mí mắt rộng và phẫu thuật tạo hình da mặt (căng da mặt) để làm săn chắc da vùng quanh hàm dưới.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lão hóa da

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh các hoạt động ngoài trời vào ban ngày;
  • Mặc quần áo chống nắng (mũ rộng vành, tay áo dài và quần dài hoặc váy dài);
  • Thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao (SPF > 50), kem chống nắng phổ rộng cho vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng;
  • Không hút thuốc và tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm độc hại cho da;
  • Tập thể dục đều đặn, giúp cơ thể dẻo dai và săn chắc;
  • Bổ sung đầy đủ các loại trái cây và rau quả hàng ngày.
Lão hóa da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Sử dụng kem chống nắng hàng ngày

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng được báo cáo rằng có ảnh hưởng đến sự lão hóa da:

  • Trái cây, rau, các loại đậu, thảo mộc và trà có chứa các hợp chất chống oxy hóa.
  • Hàm lượng vitamin C cao và lượng linoleic acid tăng lên có liên quan đến việc giảm nếp nhăn, khô và teo da.
  • Các nghiên cứu cho thấy khả năng phục hồi trước hiện tượng lão hóa do ánh sáng có liên quan đến việc ăn nhiều rau, dầu ô liu, cá và các loại đậu như đậu xanh, đậu Hà Lan và đậu lăng, đồng thời ăn ít bơ thực vật, đường và các sản phẩm từ sữa.
  • Tiêu thụ lượng chất béo và carbohydrate cao hơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ nếp nhăn và teo da.
  • Các dẫn xuất của vitamin A bôi tại chỗ đã được các nghiên cứu báo cáo hiệu quả làm giảm sản xuất Matrix Metalloproteinases - MMP.
  • Việc tiêu thụ dầu cá chứa nhiều acid béo omega-3 cũng có thể mang lại một số tác dụng chống nắng.

Phòng ngừa lão hóa da

Vì các yếu tố môi trường và lối sống thường gây ra lão hóa sớm, nên những thói quen lành mạnh hàng ngày có thể cải thiện tình trạng này. Nếu bạn đã có dấu hiệu lão hóa sớm, dưới đây là một số cách ngăn chặn và ngăn ngừa tình trạng này trở nên tồi tệ hơn:

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Thực hiện các bước để bảo vệ bản thân khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng quanh năm, ngay cả khi bạn ở trong bóng râm. Luôn chọn loại chống tia UV ít nhất là SPF 50, phù hợp với ánh nắng tại Việt Nam. Mặc quần áo dài, bao gồm mũ và kính râm.
  • Ngừng hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Bạn cần tránh cả khói thuốc lá.
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả: Một chế độ ăn uống cân bằng có thể ngăn chặn tình trạng lão hóa sớm. Tránh ăn quá nhiều đường hoặc carbohydrate tinh chế.
  • Cắt giảm rượu: Rượu gây lão hóa sớm cho làn da của bạn, việc giảm lượng rượu uống vào có thể giúp ngăn ngừa tổn thương da hơn.
  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn và tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, giúp thúc đẩy quá trình tái tạo cơ thể khỏe mạnh.
  • Chăm sóc da: Làm sạch da hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn, cặn trang điểm, mồ hôi hoặc các chất gây kích ứng. Tránh xa các sản phẩm gây kích ứng da có chứa hương liệu hoặc độ pH không phù hợp. Dưỡng ẩm cho da hàng ngày để ngăn ngừa tình trạng khô và ngứa.
  • Giảm mức độ căng thẳng: Tìm các phương pháp quản lý căng thẳng như thiền định, tham gia các câu lạc bộ lành mạnh, tập thể dục,... để đối phó với những tác nhân gây căng thẳng mà bạn không thể tránh khỏi.
  • Cải thiện chất lượng và số lượng giấc ngủ của bạn.
Lão hóa da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Ngừng hút thuốc lá giúp làm chậm tiến trình lão hóa da

Các câu hỏi thường gặp về lão hóa da

Tại sao cần phải điều trị lão hóa da?

Mặc dù không thể quay đảo ngược tiến trình lão hóa nhưng các tác động của lão hóa da có thể được làm chậm lại và cải thiện đáng kể. Những lý do về thể chất, tình cảm và xã hội thúc đẩy chúng ta cần điều trị da lão hóa bao gồm:

  • Sở hữu sức khỏe làn da tốt hơn;
  • Nhu cầu trông trẻ hơn và tươi tắn, khỏe mạnh hơn vì lý do công việc hoặc xã hội;
  • Nâng cao giá trị bản thân.

Những nguyên nhân khiến làn da bị lão hóa sớm là gì?

  • Tiếp xúc ánh sáng: Ánh sáng mặt trời, ánh sáng tia cực tím, ánh sáng xanh, ánh sáng hồng ngoại,...
  • Hút thuốc lá;
  • Uống rượu;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh;
  • Giấc ngủ kém;
  • Căng thẳng tâm lý;
  • Một số bệnh lý gây lão hóa sớm như hội chứng Bloom, hội chứng Werner.

Phương pháp nào có thể cải thiện làn da bị lão hóa?

  • Tái tạo bề mặt với peel da, bôi thoa các dẫn xuất vitamin A,...
  • Chất làm đầy;
  • Tiêm Botulinum;
  • Laser u máu hoặc chích xơ mao mạch giãn;
  • Phẫu thuật thẩm mỹ loại bỏ phần da thừa.
Nguồn tham khảo
  1. Chaudhary M, Khan A, Gupta M. Skin Ageing: Pathophysiology and Current Market Treatment Approaches. Curr Aging Sci. 2020;13(1):22-30. doi: 10.2174/1567205016666190809161115.
  2. Zargaran D, Zoller F, Zargaran A, Weyrich T, Mosahebi A. Facial skin ageing: Key concepts and overview of processes. Int J Cosmet Sci. 2022 Aug;44(4):414-420. doi: 10.1111/ics.12779.
  3. Wrinkles: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/wrinkles/symptoms-causes/syc-20354927
  4. Skin aging: https://dermnetnz.org/topics/ageing-skin
  5. Signs of Premature Aging: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/23105-premature-aging

Các bệnh liên quan

  1. Dày sừng nang lông

  2. Nấm da đầu

  3. Viêm da dầu

  4. Lichen phẳng

  5. Viêm da cơ địa

  6. Gàu

  7. Chàm

  8. Chốc lở

  9. Loạn dưỡng móng

  10. Rụng tóc