Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ho khan về đêm có phải dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm?

Ngày 07/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ho khan, ho kéo dài hay ho khan về đêm có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó liên quan đến hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, lao, hen suyễn,... Ho khan về đêm kéo dài nếu không được chữa trị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ.

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm đẩy các dị vật, đờm ra khỏi đường hô hấp. Ho khan ban đêm là trường hợp ban ngày không ho nhưng ho nhiều về đêm, gây khó ngủ. Ho cấp khi tình trạng ho kéo dài dưới 3 tuần, nếu ho khan trên 8 tuần được coi là ho mãn tính.

Ho khan về đêm là bệnh gì?

Cảm lạnh thông thường

Đây là nguyên nhân bị ho khan về đêm phổ biến nhất ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do virus, vi khuẩn tấn công vào đường thở gây viêm mũi họng và kích ứng hệ hô hấp tiết dịch nhầy. Khi bạn nằm nghiêng, chất nhầy này sẽ tích tụ lại ở sau cổ họng gây ngứa và ho khan. Do đó khi bị cảm lạnh hay cảm cúm thì tình trạng ho xảy ra vào ban đêm dữ dội hơn những thời điểm khác trong ngày.

Ho khan về đêm có phải dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm? Biện pháp khắc phục 1 Cảm lạnh thông thường là nguyên phổ biến gây ho khan về đêm

Hen suyễn

Hen suyễn là một bệnh viêm mãn tính của đường thở, gây hẹp đường hô hấp, tăng tiết chất nhầy và sưng đường thở. Hen suyễn thường gây ho vào ban đêm do không khí lạnh hơn về đêm làm tăng sự nhạy cảm của niêm mạc hô hấp. Ho về đêm do hen suyễn gây ra thường là ho khan, ho kéo dài có thể ho có đờm. Các triệu chứng khác ngoài ho là thở khò khè, khó thở khi nằm, đau nặng ngực.

Chảy nước mũi

Chảy dịch mũi là tình trạng cơ thể tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường ở mũi, chất dịch này chảy xuống và đọng lại ở cổ họng gây ra phản ứng ho. Hiện tượng này dễ xảy ra hơn vào ban đêm, do nhiều chất lỏng chảy qua mũi và cổ họng khi nằm, dẫn đến ho nhiều vào ban đêm. Dấu hiệu thường gặp là chảy nước mũi, đau họng, khó nuốt.

Dị ứng

Các tác nhân gây dị ứng thông thường như bụi, sợi len bông từ quần áo, lông thú cưng dính ở chăn gối có thể gây ho dai dẳng mỗi khi bạn tiếp xúc khi ngủ. Ngoài ra, nhiệt độ có xu hướng giảm vào ban đêm. Điều này có thể gây ra các phản ứng dị ứng, đặc biệt nếu bạn là người mẫn cảm. Bạn có thể bị ho, nghẹt mũi, sổ mũi, thậm chí nổi mẩn đỏ và ngứa da.

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày xuất hiện khi ngủ vì tư thế nằm thấp khiến dịch vị của dạ dày dễ trào ngược lên thực quản. Điều này làm kích thích niêm mạc cổ họng và gây ho. Dấu hiệu nhận biết là ợ chua, đau họng, khàn giọng, cảm giác có vật gì đó nghẹn ở cổ họng.

Do các bệnh lý khác

Trong một số trường hợp khác ho nhiều về đêm là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như suy tim, viêm phổi, ung thư phổi, sưng phổi,...

Ho khan về đêm ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ?

Ban đêm là thời điểm cơ thể cần được nghỉ ngơi tuyệt đối để phục hồi sức khỏe và hệ miễn dịch sau một ngày hoạt động. Nếu ho khan về đêm kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi vào ngày hôm sau. Thời tiết về đêm lạnh hơn và cũng là lúc đường hô hấp hoạt động mạnh để đào thải chất độc, bảo vệ cơ thể. Nhưng bị ho dai dẳng sẽ làm ngăn cản quá trình đào thải của cơ thể khiến người bệnh dễ bị mất tiếng, khàn tiếng vào ngày hôm sau, sức khỏe đường hô hấp cũng bị yếu đi.

Khác với tình trạng ho vào ban ngày, ho dai dẳng về đêm thường là biểu hiện của bệnh lý nào đó. Vì thế cần tìm ra nguyên nhân chính xác để điều trị tận gốc. Do đó không nên chủ quan nếu ho nhiều về đêm kéo dài.

Những biện pháp khắc phục ho dai dẳng về đêm

Kê cao đầu khi ngủ

Một cách đơn giản nhưng hiệu quả để giảm cơn ho về đêm là bạn nên nằm gối cao khoảng 15 - 20cm. Vì khi kê cao đầu sẽ hạn chế dịch nhầy từ mũi xuống họng đồng thời axit trong dạ dày không bị trào ngược lên phổi.

Ho khan về đêm có phải dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm? Biện pháp khắc phục 2 Kê gối cao khi ngủ tránh dịch nhầy từ mũi chảy xuống họng gây ngứa cổ ho khan

Giữ giường ngủ luôn sạch sẽ

Đối với những người bị dị ứng hoặc hen suyễn, điều quan trọng là phải giữ phòng ngủ và chăn gối sạch sẽ, không dính lông thú cưng, lông vải quần áo,... Giặt ga trải giường, vệ sinh không gian phòng ngủ mỗi ngày là cách hiệu quả để ngăn ngừa ho về đêm.

Tạo độ ẩm cho không khí

Nếu phòng ngủ sử dụng máy điều hòa thì nên trang bị thêm máy tạo độ ẩm. Vì sử dụng máy lạnh làm không khí khô hơn khiến đường hô hấp khó chịu và gây ho. Một chiếc máy tạo độ ẩm sẽ giúp cân bằng độ ẩm trong không khí, làm dịu niêm mạc họng và ngăn ngừa tình trạng ngứa họng ho khan. Ngoài ra bạn có thể thay thế máy tạo độ ẩm bằng cách đặt một chậu nước trong phòng bật điều hòa.

Giữ ấm cơ thể

Cơ thể bị lạnh là nguyên nhân khiến bạn bị ho dai dẳng và dữ dội. Do đó, hãy luôn giữ ấm cho cơ thể để không bị cảm lạnh và tránh bị ho về đêm. Ngoài ra, bạn cần xịt hoặc nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày để giữ vệ sinh mũi, tránh sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi và ho.

Uống trà mật ong

Một tách trà nóng với mật ong có thể giúp làm dịu cổ họng, làm lỏng dịch nhầy từ đó dễ đào thải ra ngoài. Bạn có thể pha trà mật ong để giảm ho bằng cách cho 2 muỗng mật ong với một chút chanh vào cốc nước ấm và uống trước khi ngủ để có hiệu quả tốt nhất.

Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc thụ động

Hút thuốc lá nguyên nhân khiến bạn ho nhiều về đêm và có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng về phổi. Vì vậy, bỏ thuốc lá hoặc tránh hít phải khói thuốc lá thụ động có thể giúp giảm ho và cải thiện sức khoẻ hơn. Tuy nhiên người hút thuốc cần kiên trì để bỏ được thuốc lá thì mới thấy được kết quả.

Súc miệng bằng nước muối ấm

Nước muối có thể làm dịu cơn đau họng và làm sạch đờm trong cổ họng của bạn. Do đó, súc miệng bằng nước muối ấm trước khi ngủ là một phương pháp đáng để thử nếu bạn bị ho về đêm. Pha một thìa cà phê muối vào khoảng 200ml nước ấm và dùng nước muối này để súc miệng một vài lần trước khi đi ngủ, bạn sẽ nhận thấy hiệu quả giảm ho rõ rệt.

Ho khan về đêm có phải dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm? Biện pháp khắc phục 3 Súc nước muối ấm hằng ngày để làm sạch họng loại bỏ vi khuẩn hay vi sinh vật gây ho khan

Ho khan về đêm uống thuốc gì?

Với tình trạng ho khan nhẹ mới bắt đầu thì người bệnh có thể áp dụng các phương pháp trên hoặc dùng viêm ngậm trị ho, thuốc siro trị ho từ thảo dược mà không cần kê đơn từ bác sĩ. Lưu ý mua sản phẩm ở các nhà thuốc uy tín và chính hãng.

Trên đây là những nguyên nhân cũng như cách trị ho khan về đêm bạn có thể tham khảo. Với bất kỳ tình trạng ho như ho dai dẳng, ho khan, ho có đờm về đêm đều có thể là triệu chứng của một bệnh lý nguy hiểm nào đó về đường hô hấp, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nặng hơn.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Ho khanHô hấp