Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Dù thuốc nhỏ mắt rất phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng sao cho an toàn và phù hợp.
Mang tên gọi chung là thuốc nhỏ mắt nhưng mỗi loại sẽ chứa những thành phần khác nhau và phù hợp để điều trị cho các bệnh lý về mắt khác nhau. Ví dụ, có thuốc nhỏ mắt kê toa và không kê toa. Các thuốc nhỏ theo toa thường được dùng trong điều trị nhiễm trùng, chấn thương,... trong khi loại không kê toa thường chỉ có tác dụng giảm khô và đỏ mắt. Dù đã dùng quen hay mới sử dụng bạn đều cần nắm vững chính xác cách sử dụng với từng sản phẩm để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Sau đây là các bước sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách và đơn giản.
Các hướng dẫn dưới đây có thể giúp bạn tự nhỏ mắt cho bản thân hoặc những người thân xung quanh bạn.
Trước tiên, bạn cần chuẩn bị lọ dung dịch nhỏ mắt và một ít khăn giấy để thấm nước mắt hay dịch thừa chảy xuống sau khi nhỏ thuốc.
Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng, sau đó rửa lại với nước sạch và lau khô tay bằng khăn hoặc khăn giấy. Bạn cũng có thể dùng dung dịch rửa tay khô để thay thế.
Trước khi sử dụng, bạn đừng quên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, một số loại thuốc cần phải lắc đều và có liều lượng cụ thể. Nếu không rõ về cách dùng và liều dùng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bắt đầu tháo nắp chai và để nắp ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Bạn cũng cần cố giữ cho đầu lọ thuốc luôn sạch, không dùng tay chạm vào để tránh nhiễm khuẩn. Nếu thấy có hiện tượng dính bẩn ở đầu lọ thuốc, tốt nhất bạn nên mua một chai thuốc mới vì đầu lọ dính bẩn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.
Khi bắt đầu nhỏ thuốc, bạn ngửa đầu nghiêng về phía sau, để chai thuốc trên mắt, đầu lọ hướng xuống dưới sao cho khoảng cách từ mắt đến đầu lọ khoảng 1 - 2cm. Lưu ý không để đầu lọ thuốc chạm trực tiếp vào mắt, mi mắt vì có thể làm nhiễm khuẩn thuốc và không an toàn khi dùng những lần tới. Thậm chí cũng tăng nguy hiểm cho con mắt còn lại.
Để cố định chai thuốc tốt hơn, bạn có thể đặt cổ tay cầm lọ thuốc lên trán, tay còn lại nhẹ nhàng kéo mi mắt dưới xuống. Sau đó bóp nhẹ thân chai để giọt thuốc rơi xuống.
Bạn lưu ý, trong trường hợp thuốc nhỏ mắt không kê đơn hoặc không có liều lượng cụ thể, bạn chỉ nên nhỏ 1 - 2 giọt thuốc cho mỗi bên mắt. Nhiều người cho rằng nhỏ thuốc nhiều sẽ tăng thêm hiệu quả nhưng thực chất mắt chúng ta không thể tiếp nhận nhiều, chúng sẽ tự trào ra ngoài và gây lãng phí thuốc.
Sau khi nhỏ mắt xong, bạn nhắm nhẹ đôi mắt trong 2 - 3 phút. Dùng ngón tay ấn nhẹ vào góc trong mắt (gần sống mũi) để ngăn thuốc chảy xuống mũi và vào miệng, cổ họng.
Cuối cùng, bạn dùng khăn giấy sạch đã chuẩn bị trước để lau phần thuốc nhỏ mắt dư thừa bị tràn ra ngoài.
Sau khi nhỏ thuốc xong, hãy đậy nắp chai thuốc lại nhanh chóng và nhớ đừng chạm tay vào đầu lọ thuốc hay cố gắng lau sạch nó.
Nếu bạn sử dụng nhiều loại thuốc nhỏ mắt cùng thời điểm, đừng nhỏ chúng liên tục lên mắt cùng lúc vì các loại thuốc có thể tương tác với nhau hoặc thuốc nhỏ trước sẽ làm giảm tác dụng của thuốc nhỏ sau. Tốt nhất bạn nên dùng các thuốc cách xa nhau khoảng 10 - 15 phút.
Cuối cùng, bạn cất lọ thuốc vào hộp và bảo quản thuốc đúng theo hướng dẫn từ nhà sản xuất. Bạn cần lưu ý, dù có bảo quản tốt đến đâu thì thuốc nhỏ mắt sau khi đã mở nắp không thể dùng lâu được, khoảng thời gian tốt nhất là trong vòng 15 ngày tính từ ngày mở nắp. Vì vậy hãy ghi chú lại ngày mở nắp để biết được thời hạn chính xác của thuốc nhé.
Hỏi ý kiến bác sĩ về thời hạn sử dụng tối đa của lọ thuốc nhỏ mắt sau khi đã mở nắp vì lọ thuốc khi tiếp xúc với không khí và môi trường bên ngoài đã có nguy cơ nhiễm khuẩn, gây ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Nếu dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt cùng lúc, hãy sử dụng theo thứ tự. Nếu có cả dung dịch và hỗn dịch thì sử dụng dung dịch trước, sau đó tới hỗn dịch. Trường hợp có sử dụng thêm thuốc mỡ tra mắt thì hãy bôi thuốc sau khi nhỏ thuốc dạng lỏng ít nhất 10 phút.
Việc thuốc nhỏ mắt chảy ra xung quanh mắt sau khi nhỏ là bình thường, bạn không cần nhỏ thêm một hay nhiều giọt thuốc nữa.
Không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt, mi mắt, tay hay bất cứ bề mặt nào khác. Nếu tiếp xúc với những vùng này, có thể vi khuẩn hoặc nấm, virus đã tấn công vào thuốc và gây nhiễm trùng mắt.
Không đeo kính áp tròng khi nhỏ thuốc vì kính sẽ làm chặn sự tiếp xúc của thuốc với mắt và giảm hiệu quả của thuốc. Hãy chịu khó tháo kính áp tròng khi nhỏ mắt và bạn có thể đeo lại sau 15 phút sau khi nhỏ mắt.
Tuyệt đối không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt với người khác vì sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh nhiễm trùng.
Thụy Anh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.