Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tất cả những gì bạn cần biết về thuốc nhỏ mắt

Ngày 30/04/2021
Kích thước chữ

Thuốc nhỏ mắt rất đa dạng phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, bạn cần hiểu rõ về từng loại thuốc nhỏ mắt để lựa chọn sử dụng phù hợp cho tình trạng của mình.

Thuốc nhỏ mắt không còn xa lạ với chúng ta nhưng liệu bạn đã hiểu hết về chúng? Hãy cùng tìm hiểu về các loại thuốc nhỏ mắt và công dụng của chúng nhé.

Thuốc nhỏ mắt kê toa và không kê toa

Thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ có thể được chia thành hai loại: thuốc không kê toa (OTC) và thuốc theo toa (Rx).

Thuốc nhỏ mắt không kê toa được bán phổ biến trên thị trường, sử dụng được trong nhiều trường hợp khác nhau, giá thành rẻ hơn và tiện lợi hơn. Nhưng nếu sử dụng thuốc nhỏ mắt trong thời gian dài mà các triệu chứng về mắt vẫn chưa được cải thiện thì bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa để xem mắt có đang gặp tổn thương nào nghiêm trọng hay không. 

Tất cả những gì bạn cần biết về thuốc nhỏ mắt 1Có những loại thuốc nhỏ mắt bạn cần bác sĩ chỉ định mới được sử dụng.

Thuốc nhỏ mắt dành cho mắt khô

Khô mắt do sự thiếu hụt hoặc không ổn định của bất kỳ thành phần nào trong màng phim nước mắt hoặc do tương tác kém giữa màng tế bào và lớp nhầy. Vì vậy, việc dùng nước mắt nhân tạo như một cách hỗ trợ nước mắt tự nhiên giữ ẩm cho mắt, giảm mỏi mắt và giúp mắt dễ chịu hơn.

Bạn không nên thuốc nhỏ có tác dụng thông mũi cho mắt khô. Thuốc thông mũi có thể làm mắt bớt đỏ nhưng chúng cũng làm các triệu chứng mắt khô trầm trọng hơn nếu sử dụng thời gian dài.

Khi tình trạng khô mắt trở nên nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần sử dụng gel hoặc thuốc mỡ bôi trơn. Do thành phần và kết cấu, các loại gel và thuốc mỡ cho mắt khô có thể khiến thị lực giảm đi trong một khoảng thời gian sau khi bôi nên bạn hãy chọn thời điểm ngay trước khi đi ngủ để nhỏ thuốc.

Thuốc nhỏ mắt sử dụng cho mắt đỏ

Thuốc nhỏ mắt thông mũi có thể làm giảm tình trạng đỏ mắt do có chứa các thành phần thuốc làm co mạch, khiến các mạch máu nhỏ trên tròng trắng mắt co lại. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây khô và kích ứng, thậm chí khiến đồng tử giãn nở và gây các phản ứng phụ khác nếu sử dụng quá thường xuyên.

Ngoài ra, việc dùng thuốc quá nhiều trong thời gian dài cũng khiến mắt phụ thuộc vào thuốc. Mắt sẽ đỏ lên nhiều hơn khi các loại thuốc này hết tác dụng. Do đó, nếu tình trạng đỏ mắt mãi không hết, bạn nên đến bác sĩ thăm khám.

Thuốc nhỏ mắt dành cho mắt bị dị ứng và ngứa

Ở một số người có cơ địa dị ứng ở mắt thì đã có thuốc nhỏ mắt kháng histamin, một loại thuốc được bào chế đặc biệt để chữa các phản ứng dị ứng ở mắt như ngứa, đỏ, sưng hoặc sưng phồng mắt. Loại thuốc này hoạt động bằng cách làm giảm histamin trong mô mắt.

Một số thuốc nhỏ mắt thông mũi sử dụng cho mắt đỏ cũng có chứa chất kháng histamine. Tuy nhiên, để sử dụng cho mục đích chữa dị ứng thì bạn nên dùng loại chuyên biệt, không nên sử dụng thuốc nhỏ mắt thông mũi trong thời gian dài.

Nếu mắt sau khi dùng thuốc nhỏ chứa histamin mà không giảm triệu chứng dị ứng thì bạn hãy đến gặp bác sĩ để được kê thuốc nhỏ theo toa hoặc thuốc uống.

Tất cả những gì bạn cần biết về thuốc nhỏ mắt 2Thuốc nhỏ mắt chứa thành phần kháng histamin giúp giảm triệu chứng dị ứng ở mắt.

Thuốc nhỏ mắt cho mắt đau, sưng và mắt ghèn

Mắt đau, sưng thường có nhiều nguyên nhân gây ra. Để điều trị triệt để bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thông thường, mắt sẽ sưng, đau khi bị khô, căng thẳng, mệt mỏi hay đơn giản do phải làm việc quá tải. Bạn chỉ cần cho mắt nghỉ ngơi hợp lý thì triệu chứng sẽ thuyên giảm. Nhưng nếu mắt đau nhiều thì bạn nên đi kiểm tra thị lực để xem có bị các loại tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị hay không.

Một số loại thuốc bôi trơn nhãn cầu có thể sẽ giúp bạn giảm bớt kích ứng mắt do các căng thẳng thị giác như khóc, bị ghèn liên quan đến dị ứng và sưng tấy do chứng viêm và dị ứng gây ra. Tuy nhiên, nếu mắt chảy ghèn do nhiễm trùng mắt, việc tự ý dùng thuốc không mang lại tác dụng, bạn cần sử dụng thuốc nhỏ mắt theo toa bác sĩ kê.

Thuốc nhỏ mắt dùng cho mắt bị nhiễm trùng

Viêm kết mạc là một trong những bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến. Với mỗi loại viêm kết mạc khác nhau sẽ có những loại thuốc nhỏ mắt phù hợp. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên đến bác sĩ để xác định nguyên nhân và cách điều trị thích hợp. Một vài trường hợp bạn có thể tham khảo:

Viêm màng kết do vi khuẩn: Thường làm mắt bạn đỏ và đau, chảy nhiều ghèn màu vàng. Nhiễm trùng mắt do vi khuẩn nên được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt do bác sĩ kê toa.

Viêm kết mạc do virus: Đây là bệnh truyền nhiễm. Một số loại virus gây viêm kết mạc sẽ tự khỏi, nhưng một số loại khác sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như đỏ mắt, chảy nước mắt, đau mắt, chảy ghèn màu trắng và bạn cũng có thể bị mờ mắt. Trong trường hợp viêm kết mạc do virus, bạn có thể dùng thuốc bôi trơn nhãn cầu không kê toa. Nhưng nếu triệu chứng trở nên tồi tệ, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để điều trị.

Viêm kết mạc dị ứng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến mắt bạn bị ngứa, sưng mắt và làm mắt đỏ ngầu. Thuốc nhỏ mắt có chứa chất bôi trơn và kháng histamin có thể có tác dụng trong hầu hết các trường hợp. Bạn có thể dùng thuốc kháng histamine không kê toa như Zyrtec, Claritin hoặc Benadryl. Nếu các triệu chứng trầm trọng hơn, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ kê toa các loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống cho bạn sử dụng.

Lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt để điều trị các bệnh nhiễm trùng mắt là bạn không nên để đầu chai tiếp xúc trực tiếp với mắt hoặc tay vì sẽ dễ bị nhiễm trùng.

Tất cả những gì bạn cần biết về thuốc nhỏ mắt 3Không để đầu chai thuốc nhỏ mắt chạm vào mắt khi sử dụng.

Thuốc nhỏ mắt dùng cho người sử dụng kính áp tròng

Người dùng kính áp tròng sẽ gặp một số nguy cơ về mắt như khô mắt, khó chịu, cộm mắt,... Loại thuốc nhỏ mắt dành riêng cho người dùng kính áp tròng sẽ làm giảm bớt các triệu chứng này.

Bạn cần lưu ý, nếu chọn dùng thuốc nhỏ mắt bôi trơn không kê toa, bạn nên kiểm tra với bác sĩ để xem loại kính áp tròng bạn đang dùng có tương thích với loại thuốc nhỏ mắt hay không. 

Ngoài ra, do có khá nhiều loại thuốc thuốc nhỏ mắt không kê toa hoặc thuốc theo toa không dành cho người đeo kính áp tròng nên bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Bảo vệ mắt