Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Huyết áp thấp là bao nhiêu? Cách phòng ngừa bệnh như thế nào?

Ngày 25/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Huyết áp thấp là một tình trạng khi áp lực trong mạch máu của cơ thể giảm xuống dưới mức bình thường dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu… Tình trạng này thường xảy ra khi cơ thể không cung cấp đủ máu và oxy cho các cơ và các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn nếu không được xử lý đúng cách.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về huyết áp thấp và các chỉ số cho biết huyết áp thấp. Đồng thời đưa ra triệu chứng, cách phòng ngừa để có thể kiểm soát tình trạng sức khỏe này.

Tìm hiểu về huyết áp thấp

Huyết áp bao nhiêu là thấp?

Chỉ số huyết áp của người bình thường là 120/80 mmHg (là chỉ số giữa huyết áp tâm thu và tâm trương). Nếu một người có chỉ số huyết áp dưới hoặc bằng 90/60 mmHg được xem là huyết áp thấp. Tuy nhiên còn phải xem xét thêm các triệu chứng khác của cơ thể như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…

Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến huyết áp thấp, bao gồm:

  • Yếu tố sinh lý, bao gồm di truyền hoặc sống ở vùng núi cao.
  • Thiếu máu hoặc mất nước kéo dài, làm giảm thể tích máu và gây huyết áp thấp. Nguyên nhân có thể là không uống đủ nước, tiêu chảy nặng hoặc nôn ói nhiều, đổ mồ hôi nhiều.
  • Suy tim.
  • Huyết áp thấp ở phụ nữ mang thai là phổ biến.
  • Suy giảm hoạt động của tuyến giáp (nhược giáp) có thể gây huyết áp thấp.
  • Kiệt sức.
  • Thuốc điều trị bệnh cũng có thể gây hạ huyết áp.
  • Căng thẳng kéo dài, ô nhiễm môi trường, lạm dụng độc chất, béo phì, suy dinh dưỡng...
  • Bệnh huyết áp thấp có thể đi chung với các bệnh tiểu đường, suy tim, loạn nhịp, parkinson, phì đại mạch máu, bệnh gan. 
  • Người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh huyết áp thấp cao hơn so với những người trẻ.
Huyết áp thấp là bao nhiêu và những điều cần biết 1
Phụ nữ mang thai có nguy cơ huyết áp thấp

Ngoài ra, huyết áp có thể giảm đột ngột do:

  • Mất máu cấp do xuất huyết.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Sốc nhiệt.
  • Nhiễm trùng máu nặng.
  • Phản ứng dị ứng trầm trọng hay phản ứng quá mẫn.

Ảnh hưởng của huyết áp thấp đến sức khoẻ

Huyết áp thấp gây ra triệu chứng gì?

Huyết áp thấp gây ra nhiều tác động đáng ngại cho sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt là những người trưởng thành và người cao tuổi. Do đó, nếu cơ thể bạn có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám và được kiểm tra chính xác. Một số triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân bị huyết áp thấp bao gồm:

Đau đầu

Đây là một triệu chứng phổ biến trong nhiều bệnh lý, tuy nhiên ở những người mắc huyết áp thấp, triệu chứng này có thể trở nên nặng hơn rất nhiều. Đặc biệt, khi phải thực hiện các hoạt động thể lực hay phải đối mặt với tình trạng căng thẳng.

Chóng mặt

Đây là một triệu chứng phổ biến khi chuyển đổi tư thế đột ngột, ví dụ như khi đứng lên ngay sau khi ngồi quá lâu.

Huyết áp thấp là bao nhiêu và những điều cần biết 2
Triệu chứng chóng mặt do huyết áp thấp gây ra

Ngất xỉu

Khi bệnh tình trạng đã nặng hơn, người bệnh có thể gặp triệu chứng ngất xỉu và rơi vào tình trạng mất ý thức đột ngột. Nếu không đề phòng, người bệnh có nguy cơ bị chấn thương đầu hoặc xương khi rơi vào trạng thái ngất.

Mất tập trung 

Khi huyết áp giảm, lượng máu trong cơ thể không đủ cung cấp oxy đến não bộ để hoạt động bình thường. Điều này dẫn đến thiếu hụt oxy và gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc tập trung vào công việc hoặc các nhiệm vụ hàng ngày.

Mờ mắt

Triệu chứng này thường chỉ xuất hiện tạm thời và được giảm nhẹ bằng việc nghỉ ngơi.

Buồn nôn

Mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng triệu chứng này cũng có thể gây ra khó chịu và ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của bệnh nhân. Uống một ít nước chanh có thể giúp giảm triệu chứng này.

Da nhợt nhạt

Do huyết áp giảm dẫn đến sự thiếu máu và oxy cung cấp cho da, dẫn đến thân nhiệt bị giảm. Để giảm bớt triệu chứng này, bạn có thể uống một cốc nước nóng để giữ ấm cơ thể.

Nhịp tim tăng

Huyết áp giảm khiến lượng oxy cung cấp cho cơ thể bị thiếu, đồng thời phổi và tim phải tăng cường hoạt động để hỗ trợ cho sự hô hấp. Do đó, tim đập nhanh và bệnh nhân thường thở hổn hển.

Huyết áp thấp là bao nhiêu và những điều cần biết 3
Bệnh nhân huyết áp thấp có nhịp tim tăng hơn bình thường

Mệt mỏi

Triệu chứng mệt mỏi thường bắt đầu xuất hiện sau khi bệnh nhân thức dậy.

Ảnh hưởng của huyết áp thấp đến sức khoẻ

Nếu huyết áp thấp mà không có triệu chứng kèm theo, thì không cần phải lo ngại và điều trị. Tuy nhiên, huyết áp giảm đột ngột có thể là một dấu hiệu cho vấn đề tiềm ẩn, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Khi huyết áp giảm, áp lực trong các mạch máu không đủ mạnh để cung cấp máu giàu oxy đến khắp nơi trong cơ thể, đặc biệt là tim não.

Điều này có thể gây ra những tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như nhồi máu não và nhồi máu cơ tim nếu không được cấp cứu kịp thời. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị bệnh tim mạch vành và huyết áp thấp có nguy cơ tăng các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim. Trong khi đó, huyết áp rất thấp có thể gây đau thắt ngực ở những người bị bệnh động mạch vành mạn tính.

Ngoài ra, huyết áp thấp đột ngột gây nguy hiểm cho sức khoẻ như suy giảm chức năng thận, chấn thương do ngã, rung nhĩ, và thậm chí có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không được cấp cứu nhanh chóng.

Huyết áp thấp là bao nhiêu và những điều cần biết 4
Huyết áp thấp làm gia tăng các biến cố tim mạch

Phòng ngừa huyết áp thấp như thế nào?

Thay đổi tư thế từ từ

Khi bạn thức dậy, hãy ngồi dậy trước sau đó từ từ di chuyển chân ra khỏi giường. Tránh đứng dậy một cách đột ngột sau khi thức hay sau khi ngồi một khoảng thời gian dài.

Uống đủ nước

Để giảm huyết áp thoáng qua, một giải pháp hiệu quả là uống đủ nước. Nước tăng thể tích máu và trung hòa tác dụng tăng huyết áp trong vài phút, cải thiện triệu chứng. Hạ huyết áp tư thế có thể xảy ra do mất nước.

Chia nhỏ bữa ăn

Ăn nhỏ và thường xuyên giúp hệ tiêu hóa không phải hoạt động quá vất vả, làm giảm lưu thông máu tới đường tiêu hóa và điều tiết lưu lượng máu tốt hơn. Khuyến nghị ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên là một biện pháp không dùng thuốc quan trọng để kiểm soát hạ huyết áp sau ăn.

Tập thể dục nhẹ nhàng

Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa hạ huyết áp thế đứng, cải thiện lưu lượng máu đi khắp cơ thể và làm giảm lưu lượng máu tập trung ở một bộ phận cụ thể. Các bài tập như đi bộ, chạy bộ, đạp xe và bơi lội được khuyến khích.

Kiểm soát lượng muối

Điều tiết lượng muối hấp thu tối ưu để giúp kiểm soát huyết áp. Theo khuyến nghị tiêu chuẩn, nên hấp thu từ 10 đến 20 g muối mỗi ngày.

Hy vọng rằng thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề huyết áp thấp là bao nhiêu và các phương pháp phòng tránh. Việc hiểu được huyết áp thấp và các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến nó có thể giúp bạn tự chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. 

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: drugs.com, vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm