Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Huyệt Bát Tà ở đâu và ứng dụng huyệt trong việc chữa bệnh?

Ngày 27/10/2022
Kích thước chữ

Huyệt Bát Tà được xem là một trong những huyệt quan trọng đối với sức khỏe của con người. Vậy huyệt Bát tà nằm ở đâu và có tác dụng gì?

Nếu ở bàn chân chúng ta có 8 huyệt đạo có tác dụng tiêu phong (huyệt Bát Phong), thì trên hai bàn tay con người có 8 huyệt đạo gọi là Bát Tà. Huyệt này rất quan trọng và có khả năng chi phối sự hoạt động của các khớp ngón tay. Nắm được điều này và bằng những kinh nghiệm thông qua quá trình trau dồi kiến thức, các thầy thuốc Đông Y đã ứng dụng huyệt Bát Tà để chữa một số bệnh ở tay rất hiệu quả.

Trong Bát Tà, “Bát” theo tiếng Hán có nghĩa là 8, “Tà” theo Đông Y có nghĩa là tác nhân gây ra bệnh tật, là Tà khí. Hai bàn tay chúng ta bao gồm 8 huyệt con thuộc huyệt Bát Tà. Khi thực hiện tác động đúng cách vào huyệt này sẽ giúp tăng cường chính khí cho cơ thể nhằm chống lại tà khí bên ngoài xâm nhập vào. Để hiểu rõ hơn về huyệt Bát Tà và tác dụng của huyệt, xin mời quý bạn đọc tham bài viết dưới đây.

Vị trí huyệt Bát Tà ở đâu?

Bát Tà gồm 8 huyệt con và nằm ở chi trên. Chính xác hơn, huyệt này nằm ở kẽ của năm ngón tay, trên đường tiếp giáp của da gan tay và mu tay, ngang với khe khớp xương bàn tay với các ngón tay.

Theo sách Châm cứu Đại Thành, tên của các huyệt vị con trên mỗi bàn tay được gọi như sau:

  • Huyệt nằm ở hổ khẩu, vị trí giữa ngón cái và ngón trỏ gọi là huyệt Đại Đô (C7).
  • Huyệt tại kẽ ngón trỏ và ngón giữa, gọi là huyệt Thượng Đô (C6).
  • Huyệt tại kẽ ngón giữa và ngón áp út, gọi là huyệt Trung Đô (C6).
  • Huyệt tại kẽ ngón áp út và ngón út, gọi là huyệt Hạ Đô (D1).
Huyệt Bát Tà ở đâu và ứng dụng huyệt trong việc chữa bệnh?1 Huyệt Bát Tà bao gồm tám huyệt con thuộc hai chi trên của cơ thể 

Tác dụng của huyệt Bát Tà đối với việc chữa bệnh

Huyệt vị này thường chủ trị một số bệnh có lợi cho sức khỏe người bệnh như sau:

  • Chữa trị các chứng như: Bàn tay sưng, tê, các ngón tay liệt do trúng phong.
  • Huyệt Đại Đô giúp trị đau đầu và răng đau.
  • Thượng Đô, Trung Đô, Hạ Đô chủ trị cánh tay sưng đau.
  • Khi phối hợp với huyệt Ngoại Quan có tác dụng chữa trị các ngón tay tê hiệu quả.

Ứng dụng huyệt Bát Tà trong điều trị các chứng bệnh ở tay

Bàn tay con người là một bộ phận cực kỳ quan trọng, giúp quá trình sinh hoạt và làm việc trở nên dễ dàng hơn, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, bàn tay là bộ phận phải vận động thường xuyên nên rất dễ gặp một số chứng bệnh như: Phong thấp, tê mỏi tay, đau khớp và cứng khớp… Nghiêm trọng hơn khi các bệnh về tay không được điều trị có thể làm mất dần chức năng và dẫn đến bại liệt chi trên. Dưới đây là một số ứng dụng điều trị bệnh bằng huyệt Bát Tà mang lại hiệu quả nhanh chóng.

Hỗ trợ trị chứng tê tay

Chứng tê tay có rất nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có thể do tuần hoàn máu kém, làm việc quá sức, mắc bệnh xương khớp hoặc vận động sai tư thế. Khi máu không được lưu thông, các cơ khớp sẽ bị co cứng gây ra tê tay. Người bệnh lúc này có thể tự thực hiện day ấn huyệt Bát Tà để hỗ trợ điều trị các triệu chứng về thoái hóa khớp, viêm khớp, đồng thời giúp tay hoạt động như bình thường. Cách thực hiện đơn giản như sau:

  • Bệnh nhân sử dụng ngón tay cái và day ấn các huyệt Bát Tà, mỗi huyệt cần thực hiện trong khoảng 30 giây.
  • Các thao tác này cần thực hiện ngay khi có triệu chứng tê mỏi nhằm giúp thư giãn gân cơ, giúp máu nhanh chóng lưu thông đến đầu ngón tay nhanh hơn, loại bỏ cảm giác khó chịu và tay hoạt động dễ dàng hơn.
  • Đối với các trường hợp thường xuyên gặp phải tình trạng tê mỏi tay có thể ấn huyệt mỗi ngày để điều trị.

Hỗ trợ điều trị đau khớp cổ tay

Đau khớp cổ tay cũng là một trong các tình trạng bệnh xương khớp thường gặp và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những người có nguy cơ mắc đau khớp cổ tay cao thường là người già, người thường xuyên phải lao động nặng và dân văn phòng… Để điều trị đau khớp cổ tay, người bệnh cần thực hiện phối hợp bấm các huyệt đạo dưới đây:

  • Bước 1: Làm ấm bàn tay và các ngón tay bằng cách chà xát hai bàn tay vào nhau. Cần thực hiện khoảng 2 đến 3 phút cho tới khi bàn tay nóng lên.
  • Bước 2: Sử dụng ngón tay cái nhẹ nhàng day ấn lần lượt các huyệt Bát Tà, mỗi huyệt con cần thực hiện khoảng 30 giây.
  • Bước 3: Xác định vị trí huyệt Hợp Cốc, rồi thực hiện nhấn huyệt với lực vừa phải.
  • Bước 4: Xác định vị trí các huyệt Dương Trì, Nội Quan và Ngoại Quan. Sau đó tiến hành day ấn lần lượt mỗi huyệt khoảng 30 giây với lực vừa đủ.
  • Bước 5: Xác định vị trí của huyệt Khúc Trì, sau đó dùng ngón tay cái day ấn huyệt Khúc Trì trong vòng 30 giây ở lực vừa phải.
  • Bước 6: Vận động duỗi, gấp và xoay khớp vai, khớp khuỷu và phần cổ tay trong khoảng 60 giây ở cả hai bên.
Huyệt Bát Tà ở đâu và ứng dụng huyệt trong việc chữa bệnh?2 Ấn huyệt Bát tà đúng cách có tác dụng hỗ trợ chứng tê mỏi tay và đau khớp tay hiệu quả

Lưu ý khi bấm huyệt Bát Tà để chữa bệnh

Để việc tự day ấn huyệt Bát Tà đạt được hiệu quả, bạn đọc cần lưu ý một số vấn đề dưới đây nhé:

  • Cần thực hiện day ấn bấm huyệt và tác động lên huyệt Bát Tà với lực vừa đủ.
  • Phương pháp bấm huyệt có tác dụng điều trị chậm hơn so với dùng thuốc Tây, do đó người bệnh cần kiên trì áp dụng trong thời gian dài.
  • Đối với phụ nữ mang thai, trước khi áp dụng cách bấm huyệt hoặc châm cứu cần có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
  • Trong trường hợp người bệnh đang mắc phải bệnh lý như ung thư cần xem xét và cân nhắc thật kỹ trước khi bấm huyệt tay.
Huyệt Bát Tà ở đâu và ứng dụng huyệt trong việc chữa bệnh?3 Đối với phương pháp châm cứu huyệt Bát Tà cần được thầy thuốc có chuyên môn thực hiện

Trên đây là những thông tin về huyệt Bát Tà ở đâu và ứng dụng huyệt trong việc chữa bệnh hi vọng làm hài lòng quý độc giả. Huyệt Bát Tà có thể hỗ trợ và điều trị các chứng bệnh về tay rất hiệu quả, do đó khi xác định chính xác được vị trí của huyệt, bệnh nhân có thể tự mát – xa hoặc day ấn nhằm mục đích cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên đối với các phương pháp chuyên sâu hơn như châm cứu, bệnh nhân không được tự ý thực hiện tại nhà mà hãy nhanh chóng đến các cơ sở Đông Y uy tín và chất lượng để được thăm khám và thực hiện đúng cách nhất.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin