Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Huyệt Cưu Vĩ: Vị trí ở đâu, có tác dụng gì?

Ngày 29/10/2022
Kích thước chữ

Huyệt Cưu Vĩ là một trong những huyệt đạo quen thuộc, đặc biệt là trong y học cổ truyền phương Đông. Huyệt đạo này có rất nhiều tác dụng trong phòng và chữa bệnh.

Trong Đông y, người ta quan niệm rằng mỗi huyệt đạo có liên quan mật thiết đến một cơ quan trong cơ thể. Huyệt đạo giữ vai trò cân bằng khí huyết, và huyệt Cưu Vĩ được ví như nơi tích tụ luồng khí dồi dào nhất. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu rõ về huyệt Cưu Vĩ, cũng như vị trí và tác dụng của huyệt đạo này chưa. Nếu còn đang thắc mắc, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé! 

Huyệt Cưu Vĩ là gì? 

Huyệt Cưu Vĩ hay còn có cái tên gọi khác là huyệt Hạt Cán, huyệt Vĩ Ế. Huyệt thuộc Linh Khu 1, với đặc tính là huyệt lạc nối liền với mạch Đốc, là huyệt thứ 15 của mạch Nhâm. 

Khi tác động vào huyệt Cưu Vĩ, người bệnh sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự thay đổi chức năng các cơ quan ở ngực, bụng, thần kinh,... 

Sở dĩ huyệt Cưu Vĩ có cái tên này bởi xét về mặt giải phẫu, người ta nhận thấy đỉnh xương ức, nơi xuất hiện huyệt đạo này có hình dáng giống với đuôi của con chim ban cưu. Trong đó, “Cưu” có nghĩa là chim cưu, còn “Vĩ” tức là cái đuôi. 

Huyệt Cưu Vĩ: Vị trí ở đâu, có tác dụng gì? 1 Huyệt Cưu Vĩ là một huyệt đạo khá quan trọng trong Đông y

Vị trí huyệt Cưu Vĩ 

Thông thường, huyệt Cưu Vĩ sẽ nằm ở dưới mũi ức ½ thốn hoặc cách chỗ gặp nhau của hai mạn xương sườn khoảng 1 tấc. Nếu xét về giải phẫu học, huyệt này ở ngay sát đầu mũi ức, chính giữa điểm đầu trên của đoạn trắng, sau thành bụng là thùy gan trái. Vùng da huyệt sẽ bị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D6.

Huyệt Cưu Vĩ có tác dụng gì? 

Mỗi huyệt đạo đều có những công dụng riêng, và huyệt cưu vĩ cũng vậy. Theo Trung Y Cương Mục, huyệt Cưu Vĩ nổi tiếng với tác dụng là định thần và làm giãn lồng ngực.

Vì vậy, các thầy thuốc Đông y thường xuyên chỉ định châm cứu huyệt Cưu Vĩ đối với những bệnh nhân mắc triệu chứng: Đau bụng trên, đau tức ngực, khó thở, suyễn, nấc. Ngoài ra, huyệt còn được áp dụng trong điều trị bệnh thần kinh, đặc biệt là động kinh, tâm thần. 

Cách phối hợp các huyệt vị với huyệt Cưu Vĩ 

Chính nhờ sự am hiểu linh hoạt về hệ thống huyệt đạo trong cơ thể con người, ông cha ta đã tìm ra phương pháp phối hợp linh hoạt huyệt Cưu Vĩ với các huyệt đạo khác nhau. Từ đó, làm tăng hiệu quả trong phòng và chữa bệnh. Cụ thể: 

  • Huyệt Cưu Vĩ kết hợp với huyệt Hạt Cán, huyệt Hậu Khê, huyệt Thần Môn giúp chữa bệnh động kinh. 
  • Huyệt Cưu Vĩ kết hợp với huyệt Vĩ Ế, huyệt Trung Quản, huyệt Thiếu Thương sẽ cải thiện triệu chứng biếng ăn, động kinh. 
  • Huyệt Cưu Vĩ kết hợp với huyệt Cự Khuyết, huyệt Thượng Quản, huyệt Trung Quản hỗ trợ điều trị chứng cuồng. 
  • Huyệt Cưu Vĩ kết hợp với huyệt Đại Chùy + huyệt Yêu Kỳ + huyệt Giản Sử + huyệt Phong Long có khả năng trị bế chứng rất tốt. 
Huyệt Cưu Vĩ: Vị trí ở đâu, có tác dụng gì? 2 Các thầy thuốc thường phối huyệt Cưu Vĩ với các huyệt đạo khác để chữa bệnh 

Cách châm cứu, bấm huyệt Cưu Vĩ

Do huyệt Cưu Vĩ là yếu huyệt của cơ thể, việc châm cứu hoặc bấm huyệt sai cách có thể gây ra tác động xấu cho tạng phủ. Hơn nữa, việc này diễn ra trong thời gian dài còn có khả năng dẫn đến suy nhược nặng hơn, kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, nếu chưa chắc chắn về cách làm, tốt nhất, bạn nên tham khảo cách châm cứu, bấm huyệt đã được kiểm nghiệm sau: 

Cách châm cứu 

Bước 1: Bạn xác định chính xác vị trí huyệt Cưu Vĩ, đo khoảng cách của huyệt tới mũi ức khoảng ½ thốn. Lưu ý, một thốn bằng 1 đốt của ngón tay giữa. 

Bước 2: Ấn giữ tay tại điểm huyệt và châm kim vào. Đối với huyệt Cưu Vĩ, cần châm kim theo hướng xiên, tuyệt đối không châm thẳng vì rất nguy hiểm. Cần đảm bảo mũi kim hơi hướng xuống, sâu xuống dưới chỉ khoảng 0,5 - 1 thốn. 

Bước 3: Kiểm tra cảm giác của người bệnh. Việc châm cứu cần đắc khí thì mới có tác dụng. Cảm giác đắc khí được hiểu là khi bệnh nhân cảm thấy căng, tức tại chỗ và chạy đến vị trí đau. Nếu chưa đắc khí, người thầy thuốc cần áp dụng một số thủ thuật như điều chỉnh trước tác hoặc vê tròn kim để thúc đẩy đắc khí. 

Bước 4: Tiếp tục cứu từ 15 - 20 phút. 

Huyệt Cưu Vĩ: Vị trí ở đâu, có tác dụng gì? 3 Bạn nên châm cứu tại các cơ sở Y học cổ truyền uy tín 

Cách bấm huyệt 

Bước 1: Tương tự như châm cứu, bạn xác định chính xác vị trí huyệt. 

Bước 2: Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa ấn nhẹ và xoay tròn theo chiều kim đồng hồ trong vài phút. 

Bước 3: Lặp lại động tác này 30 lần hoặc kết hợp với các huyệt đạo khác để tăng cường khả năng chữa các bệnh khác nhau. 

Lưu ý khi châm cứu, bấm huyệt Cưu Vĩ 

Trong quá trình bấm huyệt, châm cứu, bạn cần lưu ý một số nguyên tắc sau: 

  • Huyệt Cưu Vĩ nằm ngay thùy gan trái nên bạn không nên châm cứu quá sâu vì sẽ ảnh hưởng đến thùy gan, khiến gan tổn thương và gây chảy máu trong. 
  • Những người bại liệt không cảm nhận được đắc khí và những người có sức khỏe yếu sẽ cảm nhận đắc khí chậm hơn.
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ và người mắc các bệnh mãn tính không nên châm cứu, bấm huyệt.
Huyệt Cưu Vĩ: Vị trí ở đâu, có tác dụng gì? 4 Huyệt Cưu Vĩ chỉ có tác dụng khi được tác động đúng cách 

Trên đây là những thông tin bổ ích mà bạn cần biết về huyệt Cưu Vĩ. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã trang bị thêm cho mình một số phương pháp phòng và chữa bệnh đơn giản, hiệu quả để nâng cao sức khỏe bản thân nhé! 

Thu Trang 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.