Hiện nay có nhiều gói khám sức khỏe trên thị trường. Việc lựa chọn gói khám sức khỏe phù hợp để thăm khám có thể là mối trăn trở của nhiều người. Cùng tìm hiểu các loại hình khám sức khỏe thông dụng qua bài viết dưới đây.
Bài viết được tham vấn từ Bác sĩ Chew Chun Yang
Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore
Bác sĩ Chew Chun Yang - bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Mount Elizabeth, thông tin đến bạn đọc hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát hiện sớm tình trạng bệnh qua quy trình khám sức khỏe.
Khám sức khỏe là gì?
Khám sức khỏe giúp phát hiện các bệnh hoặc tình trạng bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Thông thường, quá trình này bao gồm việc tư vấn và khám sức khỏe thực hiện bởi các đội ngũ y tế có chuyên môn.
Các gói khám sức khỏe sàng lọc thường tập trung vào các vấn đề sức khỏe phổ biến như béo phì, bệnh tim, đái tháo đường hay bệnh thận. Những xét nghiệm này thường bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu và phân hay các chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, MRI, CT scan,... Các thủ thuật xâm lấn, chẳng hạn như sinh thiết, thường sẽ không được chỉ định trừ trường hợp bác sĩ nghi ngờ sự quan trọng về vấn đề sức khỏe người bệnh đang mắc phải cần được chẩn đoán sớm và chính xác.
Vì sao nên khám sức khỏe?
Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các tình trạng bệnh, ngay cả khi căn bệnh chỉ ở giai đoạn đầu chưa có triệu chứng. Bởi vì không phải tất cả các loại bệnh đều có những triệu chứng rõ ràng mà có thể tiến triển âm thầm khi chính bản thân mình cảm nhận cơ thể đang hoàn toàn khỏe mạnh.
Các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp và mỡ máu cao thường được mệnh danh là những 'kẻ giết người thầm lặng' vì các biểu hiện ở giai đoạn đầu của những thể bệnh này thường không rõ ràng. Tương tự, các loại bệnh ung thư ruột kết, ung thư cổ tử cung và ung thư vú thường không có triệu chứng đáng chú ý nào ở giai đoạn tiền ung thư. Vào thời điểm các triệu chứng bắt đầu phát triển, có thể mạnh mẽ, có thể không mạnh mẽ nhưng bệnh ung thư thì có thể đã tiến triển sang giai đoạn di căn.
Việc phát hiện sớm bệnh thông qua khám sức khỏe có thể hỗ trợ bác sĩ có những tiên lượng tốt cũng như ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn của các căn bệnh này.
Có những loại hình khám sức khỏe nào?
Khám sức khỏe cơ bản
Khám sức khỏe cơ bản thường bao gồm sàng lọc các bệnh béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp và mỡ trong máu. Các chỉ số cơ thể như BMI, số đo vòng eo hay huyết áp nên được theo dõi thường xuyên từ những năm 18 tuổi. Các chỉ số như mức đường huyết hay nồng độ cholesterol có thể được theo dõi từ năm 40 tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp tiền sử gia đình đã từng mắc các bệnh này, khám sức khỏe sàng lọc nên được chú trọng bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn.
Khám sức khỏe cơ bản thường bao gồm khám sức khỏe bởi bác sĩ đa khoa, các đo lường sinh lý (chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể, thị lực, tầm nhìn màu sắc) hay xét nghiệm máu và nước tiểu. Bệnh nhân được khám sàng lọc bệnh đái tháo đường và mỡ trong máu không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu vì phòng thí nghiệm sẽ kiểm tra HbA1c và nồng độ cholesterol khi không nhịn ăn làm chỉ số tương ứng cho bệnh tiểu đường và cholesterol.
Các xét nghiệm máu thường để kiểm tra các vấn đề sau:
Công thức máu: Nhằm phát hiện các trường hợp thiếu máu, tế bào miễn dịch bất thường hay sự bất thường về các yếu tố đông máu.
Đường huyết để kiểm tra bệnh đái tháo đường.
Nồng độ cholesterol để phát hiện cholesterol trong máu cao hay không.
Chức năng thận.
Chức năng gan.
Mục đích của các xét nghiệm nước tiểu thường để phát hiện các vấn đề sau:
Chỉ dấu nhiễm trùng.
Xét nghiệm glucose niệu (đường trong nước tiểu) có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.
Protein niệu có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thận.
Máu trong nước tiểu: Chỉ dấu của các bệnh nhiễm trùng, khối u, sỏi thận và các bệnh thận khác.
Ở một số trung tâm, bạn có thể được chỉ định thực thêm các phương pháp X-quang ngực để kiểm tra phổi hoặc điện tâm đồ (ECG) để sàng lọc bệnh tim. Các gói khám sức khỏe cơ bản này thường mất từ 30 phút đến 2 giờ.
Những bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt là những người không có tiền sử bệnh tật và không có tiền sử gia đình hay mắc bệnh di truyền, có thể lựa chọn gói khám sức khỏe cơ bản. Tần suất khuyến cáo là 1 lần/năm hoặc 3 năm một lần.
Khám sức khỏe toàn diện
Gói khám sức khỏe toàn diện thường bao gồm các xét nghiệm chi tiết hơn bên cạnh các kiểm tra trong gói sức khỏe cơ bản. Điều này thường do bác sĩ chỉ định dựa vào những đánh giá về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các yếu tố nguy cơ về sức khỏe người bệnh bao gồm tiền sử gia đình, mắc các bệnh mãn tính hoặc di truyền, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt như rượu bia, thuốc lá, chế độ ăn thiếu khoa học,...
Bên cạnh các chỉ tiêu cần đánh giá trong khám sức khỏe cơ bản, mẫu máu sẽ được kiểm tra thêm các chỉ tiêu sau:
Nồng độ hormone tuyến giáp.
Dấu ấn khối u ung thư.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Viêm gan A và B.
Nhóm máu ABO.
Các chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định trong gói khám sức khỏe toàn diện bao gồm:
Siêu âm bụng để kiểm tra chức năng gan, túi mật và thận.
Siêu âm vùng chậu (đối với phụ nữ) để kiểm tra các tình trạng của tử cung và buồng trứng.
Siêu âm tuyến giáp để kiểm tra sức khỏe tuyến giáp.
Một số bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu làm thêm xét nghiệm phân xem có lẫn máu hay không. Bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ hay ung thư ruột kết.
Nhiều loại và số lượng các loại xét nghiệm ở từng cơ sở y tế có thể khác nhau. Do đó, thời gian của gói khám sức khỏe toàn diện có thể mất từ 1 giờ đến cả ngày.
Sàng lọc sức khỏe cụ thể
Ngoài các gói khám sức khỏe cơ bản và toàn diện, các xét nghiệm sàng lọc sức khỏe cụ thể, chẳng hạn như sàng lọc ung thư cũng ngày một trở nên phổ biến. Các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh ung thư ruột kết và ung thư vú nên được sàng lọc ở độ tuổi sớm hơn khuyến cáo.
Việc phát hiện sớm các thể ung thư như ung thư ruột kết, ung thư vú và ung thư cổ tử cung không chỉ giúp người bệnh có nhiều lựa chọn điều trị hơn mà còn tăng tỷ lệ thành công để khỏi hoàn toàn các bệnh này.
Chất chỉ dấu khối u (dấu ấn ung thư) có thực sự hữu ích trong việc phát hiện ung thư không?
Hiện nay có 2 chất chỉ điểm khối u thường dùng trong sàng lọc ung thư gan và tuyến tiền liệt. Xét nghiệm chỉ dấu khối u Alpha-Fetoprotein (AFP) được khuyến nghị để sàng lọc ung thư gan ở đối tượng viêm gan B hay xơ gan. Đối với ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (hay còn gọi là PSA) là công cụ sàng lọc căn bệnh này ở đối tượng nam giới từ 50 – 70 tuổi.
Ngoài 2 thể ung thư trên, các chỉ dấu ung thư khác thường không đặc hiệu và chỉ có công dụng bổ sung cho tính chính xác của các chẩn đoán. Thông thường, các thể ung thư khác sẽ có các xét nghiệm sàng lọc phù hợp hơn thay vì dựa vào chất chỉ dấu khối u.
Hy vọng bài viết này cung cấp góc nhìn tổng quát giúp bạn có thể lựa chọn gói khám sức khỏe phù hợp cho bản thân. Thường xuyên tái khám định kỳ không chỉ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn mà còn hỗ trợ phát hiện sớm tình trạng bệnh nhằm tăng tỷ lệ thành công, cải thiện cuộc sống chất lượng sau điều trị bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.