Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lợi ích của việc hiến máu đối với sức khỏe

Ngày 27/10/2022
Kích thước chữ

Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp mang đầy tính nhân văn, nhưng không phải ai cũng biết hiến máu còn mang lại nhiều lợi ích cho chính bản thân người hiến máu. Vậy lợi ích của việc hiến máu là gì?

Máu có một chu kỳ sinh lý nên sau khi một lượng máu nhất định được lấy ra khỏi cơ thể qua hoạt động hiến máu, sẽ có một lượng máu mới được tái tạo để bổ sung. Hiến máu với một thể tích phù hợp và điều kiện hiến máu đảm bảo không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Thậm chí sau khi hiến máu sức khỏe còn được cải thiện hơn. Bạn đã biết lợi ích của việc hiến máu là gì chưa?

Được kiểm tra sức khỏe miễn phí

Khi đăng ký tham gia hiến máu, chúng ta được bác sĩ khai thác tiền sử bệnh lý, khai thác các yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu và giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến sức khỏe của bạn. Ngoài ra, người đăng ký hiến máu cũng được xét nghiệm kiểm tra sức khỏe miễn phí. 

Đó là những xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá các chức năng thận, gan, mật, chuyển hóa canxi; đánh giá nguy cơ mắc các bệnh lý về tế bào máu, bệnh ung thư; sàng lọc bệnh tiểu đường; đánh giá tình trạng dinh dưỡng.... Khoảng 1 - 3 ngày sau hiến máu bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm và kết quả này được cam kết bảo mật tuyệt đối. 

lợi ích của việc hiến máu 1 Mỗi lần hiến máu là một lần bạn được kiểm tra sức khỏe miễn phí

Sẽ là một tin vui nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng nếu có vấn đề bất thường về sức khỏe, bạn cũng sẽ được biết sớm và điều trị kịp thời. Người Việt Nam thường ít có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chi phí kiểm tra sức khỏe tổng quát thường từ 2 triệu cũng là một khoản chi phí không nhỏ đối với nhiều người. Đây là lý do dẫn đến việc hầu hết những bệnh nhân bị bệnh nặng đều được phát hiện ở giai đoạn muộn. 

Cải thiện lưu thông máu, giảm tắc nghẽn động mạch

Một trong những lợi ích của việc hiến máu đối với sức khỏe là giúp tăng cường lưu thông máu. Theo nghiên cứu tại Mỹ, những người thường xuyên hiến máu có thể giảm đến 88% nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Khi một lượng máu cũ được lấy đi khỏi cơ thể, một lượng máu mới được tái tạo để bù đắp sẽ cải thiện lưu thông máu. Nhờ đó có thể giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch và tổn thương thành mạch máu. 

lợi ích của việc hiến máu 2 Hiến máu giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể

Tăng khả năng chống chọi với bệnh tật

Điều này có thể khiến tất cả chúng ta ngạc nhiên. Nhưng đã có những thống kê cho thấy những người hiến máu định kỳ thường ít nhập viện hơn những người còn lại. Nếu không may phải nằm viện do bệnh tật, thời gian nằm viện của họ cũng ngắn hơn những người khác. 

Cải thiện chất lượng máu

Theo các bác sĩ, cải thiện chất lượng máu cũng là một lợi ích của việc hiến máu. Khi cơ thể mất đi một lượng máu, hệ thống tủy xương sẽ ngay lập tức “đọc vị” và có phản ứng tái tạo máu mới. Khi cơ thể thay máu, hồng cầu được “trẻ hóa” nên sẽ làm việc hiệu quả hơn. 

Ngoại trừ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị mất máu sinh lý hàng tháng, những người còn lại tế bào hồng cầu chậm được thay mới. Điều này làm giảm khả năng ứng phó của cơ thể với sự mất máu đột ngột. Hiến máu định kỳ cũng là cách kích thích khả năng tạo máu của cơ thể.

lợi ích của việc hiến máu 3 Hồng cầu mới tái tạo sẽ làm việc hiệu quả hơn

Đào thải chất sắt dư thừa

Mỗi tế bào hồng cầu thường có tuổi đời khoảng 90 ngày. Khi bị già hóa, hồng cầu được tiêu hủy ở gan và lá lách. Chất sắt trong hồng cầu được “tái sử dụng” để tạo ra những tế bào hồng cầu mới. Theo nguyên lý đó, lượng sắt trong cơ thể ít bị hao hụt trong khi chúng ta không ngừng bổ sung sắt qua chế độ ăn hàng ngày. Nếu cơ thể chuyển hóa sắt không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng ứ sắt ở tim, phổi, thận, gan. 

Hiến máu chủ yếu là hiến hồng cầu (vì hồng cầu là thành phần chiếm ưu thế trong cấu tạo của máu) và bạn sẽ hiến luôn cả sắt. Như vậy, một lợi ích của việc hiến máu mà chúng ta không nhìn thấy được đó là giúp cơ thể đào thải bớt chất sắt dư thừa.

Xác định được nhóm máu của bản thân

Nhiều người không biết mình thuộc nhóm máu gì nhưng chưa có cơ hội đi xét nghiệm xác định nhóm máu thì hiến máu nhân đạo là một dịp hợp lý. Các xét nghiệm được thực hiện sau khi hiến máu cũng sẽ phân loại các nhóm máu ở người và bạn sẽ biết mình thuộc nhóm máu gì. 

Nếu thuộc nhóm máu hiếm như A-, B-, O-, AB-, bạn có thể chủ động tham gia vào các hội nhóm của những người mang nhóm máu hiếm để hỗ trợ mọi người và được hỗ trợ khi cần thiết. Và nguồn máu hiếm trong các ngân hàng máu luôn trong tình trạng khan hiếm, nên nếu mang nhóm máu hiếm hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt để hiến máu thường xuyên bạn nhé!

lợi ích của việc hiến máu 4 Xét nghiệm khi hiến máu giúp bạn biết mình mang nhóm máu gì

Mang lại niềm vui cho chính mình

Mỗi giọt máu trao đi là cơ hội sống của một cuộc đời. Bản thân mỗi người khi tham gia hiến máu tình nguyện chắc chắn sẽ cảm thấy rất vui vì đã làm một việc có ích cho xã hội. Hiến máu nhân đạo không chỉ là cách trao đi niềm vui cho người khác mà còn là mang lại niềm vui cho chính mình.

Tình trạng thường gặp sau khi hiến máu

Không thể phủ nhận lợi ích của việc hiến máu nhưng vẫn có người ngần ngại tham gia hoạt động nhân đạo này. Đó có thể là những biểu hiện thường gặp dưới đây khiến họ lo lắng cho sức khỏe:

  • Bị bầm tím tại vị trí lấy máu. Trong quá trình hiến máu, kim lấy máu được cố định ở tĩnh mạch của bạn cho đến khi lấy đủ lượng máu như bạn đã đăng ký. Vì vậy, xuất hiện vết bầm tím tại vị trí kim lấy máu là hoàn toàn bình thường. Khoảng 2 ngày đầu bạn có thể chườm lạnh, những ngày sau bạn có thể chườm nóng để vết bầm nhanh tan.
  • Nếu sau hiến máu máu vẫn tiếp tục chảy, bạn nên ấn mạnh vào vị trí dán bông băng rồi giơ cao cánh tay trong khoảng 3 - 5 phút. Tốt nhất bạn nên giữ miếng băng dán tay trong 2 - 4 tiếng để ngăn máu tiếp tục chảy sau khi hiến. 
lợi ích của việc hiến máu 5 Bầm tím là biểu hiện bình thường sau khi hiến máu
  • Sau khi hiến máu, cơ thể bị mất nước nên có thể xuất hiện trạng thái hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Vì vậy bạn nên ăn nhẹ, uống sữa, uống nước sau khi hiến máu và nghỉ ngơi khoảng 15 phút cơ thể sẽ bình thường trở lại. 
  • Một số người sẽ có cảm giác đau tại cánh tay lấy máu, cơ thể mệt mỏi. Sau ít nhất 6 giờ kể từ khi hiến máu bạn không nên tập luyện hay lao động nặng, không mang vác hay nâng vật nặng để cơ thể nhanh chóng phục hồi. 

Thông thường, mỗi lần hiến máu chúng ta sẽ hiến không quá 500 ml, trong khi đó, mỗi người nặng 50 kg thể tích máu trong cơ thể có thể lên đến 5000 ml. Như vậy, thể tích máu hiến đi chỉ ít hơn hoặc bằng 1/10 thể tích máu của cơ thể. Vì vậy, với những lợi ích của việc hiến máu như kể trên, bạn hoàn toàn không phải lo lắng về tình trạng sức khỏe sau hiến máu nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin