Bạn cần đáp ứng các tiêu chuẩn về cân nặng, độ tuổi, hàm lượng huyết sắc tố nếu muốn được hiến máu. Ngoài ra, người hiến máu không được nhiễm bệnh hoặc có hành vi lây nhiễm HIV hay bất kỳ bệnh nào lây nhiễm qua đường máu. Tham khảo thêm các lưu ý về điều kiện hiến máu và quy trình khi đi hiến máu được trình bày cụ thể dưới đây.
Điều kiện hiến máu chung
Các đối tượng nếu muốn hiến máu cần đáp ứng những điều kiện sau:
-
Người trưởng thành khỏe mạnh, có độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi, không kể nam nữ, hoàn toàn tự nguyện hiến máu.
-
Nữ: Cân nặng từ 42kg trở lên. Nam: Cân nặng từ 45kg trở lên.
-
Mỗi lần hiến máu không quá 9ml/1kg cân nặng.
-
Huyết sắc tố: Từ 120g/l trở lên.
-
Không bị nhiễm hay có hành vi lây nhiễm HIV hoặc những bệnh lây truyền qua đường máu khác như virus viêm gan B, viêm gan C, giang mai…
-
Khoảng cách giữa các lần hiến máu là 12 tuần hoặc đã hiến thành phần máu lần gần nhất trước đó 3 tuần.
-
Phụ nữ không đang mang thai hoặc không có con nhỏ dưới 1 tuổi.
-
Đối với người có cân nặng từ 45 - 50kg, bạn có thể hiến 350ml máu toàn phần. Người nặng từ 50kg trở lên có thể hiến 450ml máu toàn phần.
Người từ 18 - 60 tuổi có thể đi hiến máu
Khi đi hiến máu, bạn cần mang theo các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, giấy phép lái xe, hộ chiếu… Lý do là mỗi đơn vị máu hiến đều cần có hồ sơ và thông tin của người hiến máu. Đây là thủ tục cần thiết theo quy định để đảm bảo tính xác thực thông tin về người cho máu.
Đối tượng không nên hiến máu
Những đối tượng sau đây không đáp ứng điều kiện hiến máu:
-
Người vừa uống rượu bia hoặc uống vào ngày trước khi đi hiến máu.
-
Người có bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, dạ dày, hô hấp, tâm thần, thần kinh, nội tiết.
-
Bệnh nhân đang mắc bệnh cấp tính.
-
Người đã nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C và những bệnh lây truyền qua đường máu trong vòng 12 tháng gần đây.
-
Đối tượng nghiện ma túy.
-
Người có quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người.
-
Nam hoặc nữ giới có quan hệ tình dục với người cùng giới.
Người bị viêm gan không đủ điều kiện hiến máu
Chuẩn bị gì trước khi hiến máu?
Khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện hiến máu, bạn hãy liên hệ với ngân hàng máu hay điểm hiến máu nhân đạo để đăng ký. Khi đó, họ sẽ ghi nhận thông tin và giải đáp cho bạn những thắc mắc riêng đúng theo trường hợp của bạn.
Trước khi đi hiến máu, bạn cần chuẩn bị những điều kiện cơ bản sau về sức khỏe:
-
Bổ sung nhiều thực phẩm dồi dào chất sắt như cá, thịt đỏ, thịt gia cầm, rau cải bó xôi, các loại hạt, nho khô, ngũ cốc… để duy trì hàm lượng sắt cần thiết trong cơ thể.
-
Không được thức khuya, ngủ ít nhất 7 tiếng.
-
Uống khoảng 500ml nước hoặc thức uống khác không chứa cồn.
-
Mặc đồ thoải mái với áo ngắn tay hoặc áo dài tay nhưng có thể xắn lên khuỷu tay dễ dàng.
-
Ghi nhớ các loại thuốc đang uống để điền vào phiếu thông tin khi đi hiến máu.
-
Trong trường hợp bạn hiến tiểu cầu, bạn không được dùng aspirin trong vòng 2 ngày trước khi đi hiến máu.
Một số vấn đề về sức khỏe dưới đây không cho phép bạn đi hiến máu:
-
Đang bị cảm lạnh hoặc cảm cúm.
-
Mới nhổ răng.
-
Đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc mới chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt trong vòng 1 tuần.
-
Dạ dày khó chịu trong tuần trước khi đi hiến máu.
-
Lái xe đi xa, khuân vác, làm việc nặng hoặc tập thể thao gắng sức trong ngày lấy máu.
Người mới nhổ răng không được đi hiến máu
Trước khi hiến máu, bạn hãy ăn một bữa ăn đầy dinh dưỡng với điều kiện:
-
Không ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo như đồ chiên, thức ăn nhanh, kem. Nguyên nhân là hàm lượng chất béo nhiều trong cơ thể sẽ ảnh hưởng quá trình xét nghiệm máu. Nhân viên y tế không thể phát hiện ra bệnh truyền nhiễm và máu của bạn không sử dụng được.
-
Không uống sữa, rượu bia trước khi đi hiến máu.
Lưu ý cần nhớ khi đi hiến máu
Khi đến địa điểm hiến máu, bạn sẽ cần tuân thủ quy trình đăng ký, thăm khám sức khỏe, hiến máu, nghỉ ngơi, nhận quà và đi về. Thời gian lấy máu chỉ diễn ra từ 8 đến 10 phút nhưng cả buổi hiến máu với các thủ tục trên có thể khiến bạn mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
-
Đăng ký: Cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân trên phiếu đăng ký. Bên cạnh đó, bạn sẽ khai tình trạng sức khỏe, cân nặng của bản thân.
-
Thăm khám: Bác sĩ sẽ hỏi về sức khỏe, thói quen sống của bạn, đo mạch, huyết áp, nhiệt độ. Bạn cũng sẽ được lấy một ít máu từ ngón tay để kiểm tra hàm lượng sắt trong máu nhằm đáp ứng máu đủ điều kiện. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định lượng máu phù hợp mà bạn có thể hiến.
-
Hiến máu: Tại khu chuyên biệt để lấy máu, bạn sẽ ngồi vào ghế tựa hoặc nằm lên giường để nhân viên tiến hành lấy máu. Quá trình này diễn ra khoảng 10 phút. Sau khi hiến, bạn hãy đè chặt miếng bông cầm máu vào nơi kim chích 10 phút, giữ băng keo cá nhân trên vết thương từ 4 đến 6 giờ.
-
Nghỉ ngơi: Sau khi hiến máu, bạn hãy ngồi lại thư giãn khoảng 10 phút để theo dõi cơ thể. Bạn cần nằm nghỉ đầu thấp, kê cao chân nếu thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn.
Nằm nghỉ ngơi thư giãn sau khi đi hiến máu
Cần làm gì sau khi hiến máu?
Sau khi hiến máu trở về nhà, bạn nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng trong ngày. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng buồn nôn, choáng váng, đau đầu để được chăm sóc kỹ lưỡng. Cụ thể, bạn cần làm những điều sau:
-
Tránh thức uống có cồn, uống nhiều nước trong vòng 24 giờ sau khi hiến máu.
-
Vệ sinh vùng da xung quanh vết tiêm bằng xà phòng và nước sạch.
-
Hạn chế bưng bê nặng hoặc các bài tập có cường độ cao trong ngày.
-
Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao như ngồi dưới ánh mặt trời gay gắt, tắm nước nóng hay uống nước quá nóng trong vòng 6 giờ sau khi hiến máu.
Hiến máu là hành động nhân đạo mà bất kỳ ai đủ điều kiện hiến máu cũng nên làm, bởi lẽ cứ mỗi 350ml máu, bạn sẽ cứu được 3 người bệnh. Máu chẳng những đem lại nguồn sống cho bệnh nhân mà nghĩa cử cao đẹp này còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mong rằng với những điều kiện trên, nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn có đầy đủ sự chuẩn bị cần thiết khi đi hiến máu.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp