Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Mách bạn cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh đơn giản không cần quát mắng

Ngày 25/11/2024
Kích thước chữ

Ở tuổi lên 7, trẻ bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn về bản thân, hình thành ý kiến riêng và muốn thể hiện sự độc lập. Đây cũng là thời điểm nhiều trẻ bộc lộ tính bướng bỉnh, khiến không ít phụ huynh cảm thấy đau đầu trong việc giáo dục. Làm thế nào để dạy trẻ bướng bỉnh hiệu quả mà không cần sử dụng các biện pháp quát mắng? Dưới đây là cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh vô cùng hiệu quả ba mẹ nào cũng cần biết.

Sau một năm làm quen với môi trường tiểu học, trẻ 7 tuổi bắt đầu thích nghi với các nguyên tắc và phát triển ý thức kỷ luật cá nhân. Lúc này, trẻ có xu hướng tự lập kế hoạch và hình thành quy tắc riêng, như lập danh sách công việc cần làm hàng ngày và nỗ lực hoàn thành mà không thích bị quát mắng hay ép buộc. Tuy nhiên, khi kế hoạch không như ý muốn, trẻ dễ rơi vào trạng thái áp lực và thất vọng về bản thân. Đây là thời điểm cha mẹ cần khích lệ, động viên trẻ thay vì chỉ trích. Đồng thời, hãy hỗ trợ trẻ điều chỉnh kế hoạch để phù hợp hơn với khả năng, giúp trẻ nhận ra rằng thất bại là một phần trong quá trình học hỏi. Sự đồng hành và hướng dẫn nhẹ nhàng của cha mẹ không chỉ giúp trẻ phát triển tính kỷ luật mà còn nuôi dưỡng lòng tự tin và khả năng giải quyết vấn đề.

Nguyên nhân trẻ 7 tuổi bướng bỉnh

Trước khi tìm hiểu cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh, ba mẹ cần biết được lý do vì sao trẻ thường bướng bỉnh trong độ tuổi này.

Trẻ 7 tuổi bướng bỉnh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

Giai đoạn khủng hoảng tâm lý

Trẻ 7 tuổi muốn khẳng định cá tính và quyền tự do của bản thân. Trẻ thường không thích bị ép buộc, muốn tự mình đưa ra quyết định và có cảm giác bị phản đối nếu cha mẹ không lắng nghe ý kiến của mình.

Mách bạn 15+ cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh đơn giản không cần quát mắng 1
Khủng hoảng tâm lý làm trẻ chống đối, nổi loạn

Ảnh hưởng từ môi trường gia đình

Phong cách giáo dục không phù hợp, như quá nuông chiều hoặc quá khắt khe, có thể khiến trẻ hình thành tâm lý chống đối. Ngoài ra, môi trường gia đình có nhiều mâu thuẫn cũng làm trẻ cảm thấy bối rối, không biết nên nghe lời ai.

Tác động từ bạn bè và xã hội

Trẻ ở độ tuổi này bắt đầu học hỏi từ môi trường ngoài gia đình, đặc biệt là bạn bè và trường học. Những hành vi tiêu cực từ bạn bè có thể ảnh hưởng đến cách cư xử của trẻ, dẫn đến sự bướng bỉnh hoặc chống đối.

Nhận diện biểu hiện bướng bỉnh của trẻ

Để có phương pháp giáo dục đúng, cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu thường thấy ở trẻ 7 tuổi bướng bỉnh:

  • Thường xuyên khăng khăng làm theo ý mình, không quan tâm đến ý kiến người khác.
  • Thích được chú ý và muốn người lớn đáp ứng yêu cầu của mình.
  • Không chịu hợp tác, nhường nhịn và tỏ ra độc lập thái quá.
  • Hay nổi giận, chống đối và không chấp nhận nghe lời.
  • Tự ý hành động mà không tiếp thu góp ý hay học hỏi từ người lớn.

Việc phát hiện sớm những dấu hiệu trên sẽ giúp cha mẹ có hướng điều chỉnh kịp thời, tránh để tính bướng bỉnh trở thành thói quen ảnh hưởng lâu dài đến trẻ.

Mách bạn 15+ cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh đơn giản không cần quát mắng 2
Không chịu hợp tác, bộc lộ thái độ chống đối là dấu hiệu trẻ bướng bỉnh

Cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh hiệu quả

Dưới đây là những cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh cha mẹ có thể tham khảo áp dụng để giáo dục, giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn mà không cần la mắng:

Giữ bình tĩnh

Khi trẻ không nghe lời, bộc lộ thái độ chống đối, cha mẹ cần giữ bình tĩnh. Quát mắng hoặc phản ứng gay gắt không chỉ khiến trẻ thêm căng thẳng mà còn làm mối quan hệ giữa cha mẹ và con trở nên xa cách. Hãy lắng nghe trẻ, tìm hiểu nguyên nhân của hành vi bướng bỉnh và hướng dẫn trẻ theo cách nhẹ nhàng, thấu hiểu.

Đặt ra quy tắc rõ ràng

Thiết lập các quy tắc trong gia đình là điều cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là giải thích lý do đằng sau những quy tắc đó. Ví dụ: "Nếu con không dọn đồ chơi sau khi chơi, con sẽ không được đi công viên vào cuối tuần. Vì căn phòng bừa bộn sẽ ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt của cả nhà".

Hình phạt cần có tính răn đe và phù hợp với trẻ, giúp trẻ hiểu hậu quả của việc không tuân thủ quy tắc.

Nói “nên” thay vì “không nên”

Thay vì cấm đoán, hãy chỉ dẫn trẻ cách làm đúng. Ví dụ, thay vì nói "Con không được ăn kẹo trước bữa ăn", hãy nói "Con nên ăn bữa chính trước để có đủ năng lượng và không bị đau bụng". Ngôn ngữ tích cực giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và dễ tiếp thu hơn.

Mách bạn 15+ cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh đơn giản không cần quát mắng 3
Thay vì cấm đoán, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cụ thể

Lắng nghe và tôn trọng trẻ

Trẻ em ở độ tuổi này bắt đầu hình thành tư duy độc lập và mong muốn được thể hiện suy nghĩ của mình. Việc cha mẹ kiên nhẫn lắng nghe và không bác bỏ ý kiến của trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn trong việc chia sẻ. Điều này không chỉ cải thiện giao tiếp gia đình mà còn tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và con.

Tránh lời nói tiêu cực

Lời nói chỉ trích, mỉa mai hay so sánh trẻ với người khác dễ gây tổn thương tâm lý và làm tăng tính chống đối. Thay vào đó, cha mẹ nên khích lệ bằng những lời động viên tích cực. Ví dụ, thay vì nói "Con làm việc này dở quá", hãy nói "Nếu con cố gắng thêm chút nữa, con sẽ làm rất tốt".

Không bao bọc trẻ quá mức

Bảo vệ trẻ là bản năng của cha mẹ, nhưng bao bọc quá mức có thể khiến trẻ thiếu kỹ năng tự lập. Cha mẹ nên để trẻ tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Ví dụ, nếu trẻ quên làm bài tập, hãy để trẻ đối mặt với hậu quả ở trường thay vì làm thay con.

Phớt lờ đòi hỏi không hợp lý

Không nên chiều theo mọi yêu cầu của trẻ, đặc biệt khi những đòi hỏi đó không hợp lý. Ví dụ, nếu trẻ đòi mua đồ chơi đắt tiền mà không cần thiết, hãy giải thích rằng con cần học cách tiết kiệm và chỉ chi tiêu cho những gì thực sự cần.

Khen ngợi và động viên

Dành lời khen khi trẻ làm tốt để khích lệ hành động tích cực. Điều này cũng giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và công nhận.

Mách bạn 15+ cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh đơn giản không cần quát mắng 4
Cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh hiệu quả là khen ngọi và khích lệ trẻ

Cho trẻ quyền lựa chọn

Thay vì ép buộc, hãy để trẻ cảm thấy mình có quyền quyết định. Ví dụ, khi chọn quần áo, cha mẹ có thể nói "Con thích mặc áo xanh hay áo đỏ hôm nay?". Việc tôn trọng sở thích của trẻ giúp trẻ phát triển tính tự tin và khả năng đưa ra quyết định.

Tạo môi trường gia đình hòa thuận

Một gia đình ấm áp, hòa thuận là môi trường lý tưởng để trẻ phát triển toàn diện. Trẻ thường học hỏi cách cư xử từ cha mẹ, vì vậy, việc duy trì không khí gia đình vui vẻ, yêu thương là điều rất quan trọng.

Làm gương cho con

Cha mẹ nên trở thành hình mẫu tích cực để trẻ noi theo. Nếu muốn con ngoan, cha mẹ cần giữ thái độ đúng mực trong hành động và lời nói.

Tăng kết nối với trẻ hàng ngày

Dành thời gian trò chuyện, chơi đùa cùng trẻ sẽ giúp cha mẹ hiểu con hơn và xây dựng mối quan hệ thân thiết. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy an toàn mà còn giúp cha mẹ phát hiện và giải quyết những vấn đề của con kịp thời.

Giữ lời hứa

Lời hứa với trẻ cần được thực hiện. Nếu không thể, hãy giải thích và hẹn trẻ vào dịp khác. Điều này giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn tôn trọng mình.

Hạn chế can thiệp vào cuộc chơi của trẻ

Để trẻ tự giải quyết các vấn đề đơn giản trong trò chơi. Sau đó, cha mẹ có thể hướng dẫn để trẻ rút kinh nghiệm.

Mách bạn 15+ cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh đơn giản không cần quát mắng 5
Nên để trẻ tự thích nghi trong mối quan hệ với bạn bè

Kết nối với giáo viên và nhà trường

Cùng giáo viên theo dõi và hỗ trợ trẻ trong học tập cũng như các mối quan hệ xã hội. Điều này giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về con mình và có hướng giải quyết phù hợp khi trẻ gặp khó khăn.

Khi nào cần tìm đến chuyên gia tâm lý?

Nếu đã áp dụng các phương pháp trên nhưng không hiệu quả, cha mẹ nên cân nhắc tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc các lớp học kỹ năng sống để trẻ được hỗ trợ tốt hơn.

Tóm lại, có rất nhiều cách dạy trẻ 7 tuổi bướng bỉnh hiệu quả mà không cần quát mắng. Tuy nhiên, hành trình uốn nắn trẻ này đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo từ cha mẹ. Thay vì quát mắng, hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu con. Bằng tình yêu thương và sự đồng cảm, bạn hoàn toàn có thể giúp trẻ thay đổi và trưởng thành một cách tích cực.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin