Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mách chị em các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả bất ngờ

Ngày 22/09/2022
Kích thước chữ

Khi đến kỳ kinh, chị em thường cảm thấy đau bụng âm ỉ, mệt mỏi, chỉ muốn nằm yên để làm dịu cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nằm như thế nào để giúp giảm đau thì có lẽ nhiều chị em vẫn chưa biết. Bài viết sau sẽ mách chị em về các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh rất hữu ích.

Đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến đối với phụ nữ trưởng thành mỗi khi hành kinh. Dù không muốn thì chị em cũng phải trải qua những ngày này. Điều quan trọng là chị em nắm được những “bí quyết” để đi qua ngày “đèn đỏ” nhẹ nhàng, thoải mái nhất.

Phân loại mức độ đau bụng kinh ở phụ nữ

Đau bụng kinh xảy ra với các mức độ đau khác nhau ở mỗi người. Tình trạng đau này chủ yếu xuất hiện vào hai thời điểm:

  • Thời điểm 1: Đau bụng trước kỳ kinh, hay còn gọi là đau bụng tiền kinh nguyệt mang đến cảm giác đau âm ỉ kèm hơi tức tức. Khi có triệu chứng này nghĩa là chị em được thông báo “ngầm” sắp đến ngày hành kinh, cần có kế hoạch chuẩn bị cho ngày “đèn đỏ”.
  • Thời điểm 2: Đau bụng kinh xảy ra trong những ngày nguyệt san (hay còn gọi là thống kinh). Cơn đau thường sẽ đau nhiều vào ba ngày đầu của kỳ kinh, sau đó giảm dần vào những ngày cuối chu kỳ.
Mách chị em các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả bất ngờ 1 Có nhiều mức độ đau bụng kinh khác nhau.

Có nhiều mức độ đau bụng kinh khác nhau, cụ thể như sau:

Mức độ đau nhẹ

Ở mức độ đau nhẹ, chị em thường không quá khó chịu và chỉ có một số dấu hiệu như:

  • Thời gian đau bụng nhẹ chỉ kéo dài từ 1 - 1,5 ngày (tính từ ngày đầu kỳ kinh);
  • Đau âm ỉ, ngăm ngăm vùng bụng dưới nhưng không đến mức có thể gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày;
  • Không bị đau lưng, mỏi đùi hoặc chỉ hơi mỏi lưng;
  • Cảm giác hơi mệt do đến tháng, mất máu;
  • Không xuất hiện hiện tượng bất thường;
  • Cơn đau bụng kinh xuất hiện không đều, tháng có đau, tháng không đau.

Mức độ đau vừa

Khi bị đau bụng kinh ở mức độ thông thường, chị em sẽ thấy các biểu hiện như sau: 

  • Cơn đau chủ yếu tập trung vào ba ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, sau đó giảm về những ngày cuối kỳ kinh.
  • Vùng bụng dưới đau âm ỉ, đau liên tục hoặc đau ngắt quãng theo từng thời điểm;
  • Cảm giác bị đau thắt bụng đôi lúc xuất hiện;
  • Cơn đau có thể còn lan ra sau lưng gây đau mỏi lưng hay gây mỏi hai bắp đùi;
  • Bụng dưới có cảm giác to hơn, bị chướng (tuy nhiên sẽ biến mất khi kết thúc chu kỳ kinh).
Mách chị em các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả bất ngờ 2 Khi cơn đau bụng kinh có mức độ nặng hơn nhiều so với đau bụng kinh bình thường thì bạn có thể thuộc nhóm bị đau bụng kinh dữ dội.

Mức độ đau dữ dội

Khi cơn đau bụng kinh có mức độ nặng hơn nhiều so với đau bụng kinh bình thường thì bạn có thể thuộc nhóm bị đau bụng kinh dữ dội. Đây cũng là mức độ đau nặng nhất, có thể do sinh lý (không có bệnh) hoặc cũng có thể do các bệnh lý gây ra.

Ở mức độ đau này, chị em có thể sẽ phải cần dùng đến thuốc giảm đau. Ngoài đau, chị em còn gặp phải một số triệu chứng khác kèm theo như mặt tái xanh, chân tay bủn rủn, ra mồ hôi nhiều, nôn ói, buồn nôn, đau tưởng như sắp ngất đi… Thậm chí có trường hợp dùng thuốc giảm đau nhưng không có tác dụng, phải đến bác sĩ chuyên khoa khám và tìm ra nguyên nhân.

Nguyên nhân gây đau bụng kinh ở phụ nữ

Đau bụng do nhiều nguyên nhân gây ra. Điều quan trọng là chị em phải nắm chắc được dấu hiệu nhận biết đâu là đau bụng kinh, đau là đau bụng do nguyên nhân khác thì mới có thể xử lý tình trạng này tốt hơn. 

Đau bụng kinh là những cơn đau nhói, co thắt ở vùng bụng dưới, xuất hiện ngay trước hoặc trong kỳ kinh. Nguyên nhân gây đau bụng kinh ở chị em phụ nữ thường là do:

Thay đổi nội tiết tố

Thời điểm đến kỳ kinh, cơ thể sẽ tiết ra hormone prostaglandin để giúp tử cung co bóp, đẩy máu kinh ra bên ngoài. Hormone này cũng là nguyên nhân đưa đến các cơn đau bụng kinh, đôi khi còn đi kèm tình trạng tiêu chảy, buồn nôn. 

Sau vài ngày của chu kỳ kinh, niêm mạc tử cung đã bong ra hết, lúc này nồng độ prostaglandin giảm xuống kéo theo cơn đau bụng giảm và biến mất.

Nếu chị em bị đau mức độ nặng do prostaglandin thì có thể dùng thuốc giảm đau dạng ibuprofen để cải thiện tình trạng này.

Mách chị em các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả bất ngờ 3 Hệ quả của việc đặt vòng tránh thai là khiến những cơn đau bụng kỳ kinh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn.

Do vòng tránh thai

Mục đích của vòng tránh thai đặt trong tử cung phụ nữ là để trứng sau khi được thụ tinh không thể bám vào tử cung phát triển được. Hệ quả của việc đặt vòng tránh thai là khiến những cơn đau bụng kỳ kinh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn, nhất là trong vài tháng đầu sau khi chèn.

Chị em cần theo dõi kỹ những dấu hiệu bất thường xảy ra (nếu có) sau khi đặt vòng tránh thai. Nếu có tình trạng đau bụng kết hợp với dấu hiệu chu kỳ kinh nguyệt không đều, chảy máu bất thường, dịch âm đạo có mùi hôi, đau khi quan hệ thì chị em hãy đi khám để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra.

Do bệnh lý

Cơn đau bụng kỳ kinh có thể trở nên trầm trọng hơn bởi một số bệnh lý sau đây:

  • Lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng khi tế bào niêm mạc tử cung phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể, điển hình là buồng trứng, ống dẫn trứng, mô lót trong khung chậu.
  • U xơ tử cung: Xuất hiện khối u xơ gây áp lực cho tử cung, gây đau khi ra kinh nguyệt.
  • Hội chứng tiền kinh nguyệt: Cơ thể thay đổi nội tiết tế trước kỳ kinh nguyệt 1 - 2 tuần, cơn đau bụng kinh cũng kéo dài và nghiêm trọng hơn.
  • Hẹp cổ tử cung: Kích thước cổ tử cung quá nhỏ sẽ gây cản trở dòng chảy kinh nguyệt, tăng áp lực tử cung và gây đau bụng kinh.
  • Viêm vùng chậu: Tình trạng này thường xảy ra khi vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục xâm nhập.

Do ăn uống

Chính thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, thiếu khoa học đã góp phần làm bạn đối mặt với những cơn đau bụng kỳ kinh mức độ nặng. 

Mách chị em các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả bất ngờ 4 Tăng cuồng bổ sung vitamin, tránh thực phẩm nhiều caffeine, đường, thực phẩm mặn,...

Dưới đây là những nhóm thực phẩm cần hạn chế hoặc tránh tiêu thụ:

  • Thực phẩm mặn (khoai tây chiên, đồ ăn đóng hộp,…) gây đầy hơi, đau bụng...
  • Thực phẩm nhiều chất caffeine gây đầy hơi, kích thích tử cung khiến đau bụng kinh nặng hơn.
  • Mỡ động vật chứa nhiều chất béo bão hòa, gây đầy hơi, đau vú, nổi mụn khi đến kỳ kinh. Acid arachidonic kích thích tiết hormone prostaglandin gây co bóp tử cung mạnh, đau bụng nặng hơn.
  • Thực phẩm nhiều đường;
  • Rượu khiến tăng tiết hormone prostaglandin, làm tình trạng đau bụng càng tệ hơn.

Nhìn chung, nguyên nhân gây đau bụng kinh xuất phát từ thực phẩm hoặc thay đổi nội tiết tố khi đến kỳ kinh nguyệt sẽ không gây nguy hiểm và sẽ được cải thiện sau khi kết thúc kỳ kinh. Nhưng nếu đau bụng kinh xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, thiết bị tránh thai thì chị em cần phải kiểm tra, xử lý theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm.

Các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả

Khi đau bụng kinh, gần như cả ngày chị em đều cảm giác căng tức ở vùng bụng dưới cùng với những đau bụng âm ỉ vô cùng không thoải mái. Vào những ngày này, chị em nào cũng sẽ thèm được nằm nghỉ ngơi để tìm cảm giác dễ chịu, thoải mái. Song song đó, nếu chị em biết cách chọn các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh sẽ giúp làm xoa dịu cảm giác khó chịu nhanh chóng.

Tư thế nằm nghiêng, co người

Mách chị em các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả bất ngờ 5 Nằm nghiêng sang một bên, hai chân co lại.

Việc các cơ tử cung co bóp nhiều là nguyên nhân gây ra hiện tượng đau bụng kinh. Chính vì thế, một trong các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả đó chính là nằm nghiêng sang một bên, hai chân co lại. Tư thế này giúp bảo vệ vùng bụng, làm chùng các cơ ở khu vực này lại nên cũng mang đến tác dụng giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, chị em cũng sẽ được ngủ sâu hơn, ngon hơn khi áp dụng tư thế nằm nghiêng, co người này.

Cách thực hiện

  • Nằm nghiêng sang một bên, hơi co hai đầu gối lại. Chị em cũng có thể nằm nghiêng, chân dưới duỗi thẳng, chân trên co gối.
  • Tay trên vắt lên hông, bàn tay ôm lấy phần bụng.
  • Dùng chiếc gối đặt lên vùng bụng hoặc gối ôm vào lòng để tăng tác dụng giữ ấm.

Tư thế nằm ngửa 

Khi bị đau bụng kinh, chị em có thể chọn nằm tư thế ngửa, bụng sẽ bớt đau hơn nhiều so với các tư thế khác.

Cách thực hiện 

  • Nằm ngửa, kê gối mềm ở vùng cổ.
  • Đặt thêm chăn hay gối mềm dưới lưng, một cái trên bụng giúp làm ấm bụng.
  • Kết hợp massage bụng để giúp giãn cơ, giảm co bóp tử cung tốt hơn.

Tư thế trẻ em

Tư thế em bé - tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả

Tư thế em bé - tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả

Đây là một tư thế phổ biến nếu chị em thường xuyên tập yoga sẽ biết hiệu quả của nó có thể giúp thư giãn giảm đau. Đây là một trong các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh chị em hoàn toàn có thể áp dụng, đặc biệt hiệu nghiệm nếu bị đau ở mức độ vừa và nặng.

Cách thực hiện

  • Quỳ hai gối trên mặt giường.
  • Từ từ hạ thấp người về phía trước sao cho đầu gối chạm ngực.
  • Hai tay úp trên mặt sàn hướng thẳng về phía trước.

Lưu ý khi ngủ tốt cho phụ nữ khi đến ngày đèn đỏ

Ngoài các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh, chị em nên kết hợp với một số điều lưu ý dưới đây:

  • Thay đổi các tư thế với nhau để tránh tình trạng mỏi người hay chuột rút.
  • Mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. 
  • Tránh tư thế nằm sấp vì sẽ càng làm nặng thêm các cơn đau.
  • Có thể ngâm mình trong nước ấm để cơ thể được thư giãn, giảm mệt mỏi, giảm đau bụng.
  • Tránh thức quá khuya, tránh vận động mạnh trong những ngày hành kinh.
  • Không tắm nước lạnh, không uống nước lạnh.
  • Rửa sạch sẽ vùng kín khi thay băng vệ sinh (cách 4 tiếng thay một lần hoặc ngắn hơn nếu máu kinh ra nhiều).
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt, vitamin B, acid folic, và các thực phẩm bổ máu. 
  • Không ăn đồ cay, không tiêu thụ thực phẩm có cồn/chất kích thích.
  • Thư giãn tinh thần, loại bỏ những stress, áp lực để có được tâm lý thoải mái nhất.

Hi vọng, các tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh được chia sẻ bên trên sẽ có hiệu quả với các chị em. Theo dõi nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm