Theo một số nghiên cứu, hiện nay có khoảng hơn 70% phụ nữ mang thai bị đau dạ dày. Tình trạng này xuất phát từ các nguyên nhân ốm nghén. Những cơn đau dạ dày xuất hiện khiến các mẹ đau đớn và mệt mỏi thậm chí nó còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế mẹ bầu cần nắm được một số mẹo chữa đau dạ dày khi mang thai. Trước tiên, hãy cùng nhà thuốc đi tìm hiểu sơ lược về chứng bệnh đau dạ dày khi mang thai nhé!
Vì sao mẹ bầu dễ bị đau dạ dày khi mang thai?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày ở thai phụ, nhất là ở giai đoạn đầu của thời kỳ thai nghén. Cụ thể là:
-
Trong ba tháng đầu thai kỳ, hầu hết các thai phụ đều trải qua thời gian ốm nghén với các triệu chứng như: Buồn nôn, nôn nhiều kèm theo đó là việc nghén những đồ ăn chua, cay và nóng… Điều này tác động đến hoạt động tiêu hóa khiến cho dạ dày bị kích thích, co thắt quá mức gây tăng tiết dịch vị và gây đau.
-
Bên cạnh đó, việc tăng đột ngột hormone progesterone ở phụ nữ trong thời kỳ thai nghén cũng là một trong những nguyên nhân gây đau dạ dày ở thai phụ. Loại hormone này giúp nuôi dưỡng thai nhi trong tử cung và giảm thiểu nguy cơ sảy thai, tuy nhiên việc tăng lên bất thường hormone này lại dễ làm giảm nhu động ruột, tăng áp lực ổ bụng từ đó gây kích thích dạ dày. Và hệ quả của việc này đó là khiến cho dạ dày tăng tiết dịch vị, co bóp nhiều và gây đau.
-
Khi mang thai, tử cung của người phụ nữ có xu hướng giãn nở nhằm mở rộng để thai nhi có đủ không gian để phát triển. Tuy nhiên nó lại vô tình trở thành tác nhân làm tăng áp lực ổ dụng khiến cho ống hậu môn và dạ dày bị kích thích. Vì vậy, có thể nói sự giãn nở của tử cung cũng là một trong những nguyên nhân gây đau dạ dày ở mẹ bầu.
-
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Thói quen ăn uống, sinh hoạt hay căng thẳng về thần kinh do lo lắng mức và do những áp lực trong cuộc sống cũng là một trong những tác nhân gây nên chứng đau dạ dày ở thai phụ.
Đau dạ dày khi mang thai là nỗi lo lắng của hầu hết các mẹ bầu
Biểu hiện của chứng đau dạ dày khi mang thai
Có thể nói, khi mang thai mà bị đau dạ dày thì thai phụ rất khó có thể phát hiện, bởi những triệu chứng của đau dạ dày gần giống với những triệu chứng trong quá trình thai nghén ở phụ nữ khi mang thai như: Đầy bụng, khó tiêu, nôn và buồn nôn…
Buồn nôn là triệu chứng thường thấy của bà bầu trong thời kỳ thai nghén
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì các bạn sẽ thấy rằng quá trình thai nghén ở phụ nữ sẽ không có các biểu hiện như: Đau, nóng rát ở vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua. Vì vậy, khi thấy các biểu hiện này hãy nghĩ ngay đến bệnh lý đau dạ dày nhé.
Ngoài ra, các mẹ bầu cũng sẽ thấy tình trạng những cơn đau tăng khi quá đói hoặc quá no. Đặc biệt, nhiều chị em sẽ cảm thấy khổ sở hơn khi ăn những đồ chua như cóc, xoài… Bởi những loại quả này thường có chứa nhiều các chất axit gây kích thích sự tăng tiết dịch vị trên bề mặt của niêm mạc dạ dày.
Mẹo chữa đau dạ dày khi mang thai
Điều trị đau dạ dày khi mang thai có rất nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây là một số mẹo cũng như là phương pháp giúp điều trị đau dạ dày khi mang thai.
Điều trị bằng thuốc
Việc điều trị đau dạ dày bằng các loại thuốc khi mang thai là điều cực kỳ hạn chế. Việc sử dụng thuốc sẽ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nghiêm trọng hơn thì có thể dẫn đến dị tật, quái thai.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc thì mẹ bầu không nên tùy tiện mua thuốc mà cần phải đến bác sĩ thăm khám để có thể có hướng điều trị phù hợp.
Điều trị đau dạ dày khi mang thai bằng thuốc nên có sự hướng dẫn của bác sĩ
Điều trị bằng một số mẹo dân gian
Đây là một phương pháp điều trị phổ biến thường được các bà bầu áp dụng chữa tại nhà bằng một số nguyên liệu tự nhiên sẵn có như: Nghệ, dầu dừa, đậu bắp, trà gừng, mật ong và chanh.
Sử dụng nghệ để điều trị đau dạ dày là phương pháp phổ biến
-
Nghệ: Hợp chất chính của nghệ là curcumin có tác dụng chống viêm, ngăn chặn quá trình thoái hoá và bảo vệ tế bào khỏi các tác nhân gây hại. Vì thế, sử dụng nghệ có khả năng giảm đau dạ dày và các triệu chứng kèm theo như ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu… Ngoài ra nghệ còn có tác dụng ức chế hoạt động của các vị khuẩn gây hại trong dạ dày, đặc biệt là vi khuẩn HP. Hơn nữa, việc sử dụng nghệ để chữa đau dạ dày khi mang thai còn giúp bổ sung hàm lượng các nguyên tố vi lượng, vitamin C, A giúp cho thai nhi phát triển.
-
Dầu dừa: Đây là nguyên liệu có tác dụng ức chế vi khuẩn có hại, làm lành vùng niêm mạc dạ dày bị tổn thương và hạn chế hoạt động của nấm Candida trong cơ quan tiêu hóa. Bên cạnh đó, dầu dừa còn hỗ trợ cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm và hạn chế các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
-
Đậu bắp: Với chất nhầy tự nhiên – pectin, đậu bắp có tác dụng làm dịu và bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động của các vi khuẩn gây hại. Bên cạnh đó, thực phẩm này còn chứa hàm lượng Vitamin B9 dồi dào có thể giúp thai nhi phát triển thần kinh hoàn chỉnh và hạn chế gai đôi cột sống hay các dị tật bẩm sinh khác.
-
Trà gừng: Hoạt chất Oleoresin và Tecpen trong gừng có tác dụng tăng cường lưu thông máu, giảm viêm và cải thiện cơn đau dạ dày hiệu quả. Bên cạnh đó, uống trà gừng giúp giảm cảm giác buồn nôn do ốm nghén ở thai phụ và hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa của mẹ bầu.
-
Mật ong và chanh: Đây được coi là mẹo chữa đau dạ dày khi mang thai an toàn và hiệu quả nhất. Nó là sự kết hợp tuyệt vời giữa 2 nguyên liệu bổ trợ cho nhau. Một bên, mật ong có tác dụng làm dịu, kháng khuẩn và thúc đẩy quá trình phục hồi niêm mạc dạ dày. Trong khi chanh lại giúp loại bỏ cảm giác buồn nôn và nôn mửa sau khi ăn. Ngoài ra mật ong còn có tác dụng giúp thai phụ giảm căng thẳng và mệt mỏi trong những tháng đầu thai kỳ.
Mẹo chữa đau dạ dày khi mang thai bằng mật ong và chanh
Thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý
Song song với việc thực hiện các mẹo trên, mẹ bầu cần xây dựng thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể:
Nghỉ ngơi và thư giãn:
-
Mẹ bầu nên sắp xếp công việc hợp lý, tránh làm việc quá sức khiến dạ dày hoạt động quá nhiều và gia tăng áp lực cho dạ dày.
-
Ngủ đủ giấc, đảm bảo giấc ngủ sinh lý. Hạn chế thức khuya.
-
Thường xuyên tập các bài tập nhẹ nhàng như ngồi thiền, đi bộ... để tăng cường sức đề kháng, làm cho tinh thần thoải mái hơn.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý:
-
Mẹ bầu không nên ăn quá nhanh hoặc quá no, bởi điều này chỉ có tác động khiến dạ dày sản sinh thêm nhiều acid và khó chịu hơn. Vì thế, mẹ bầu nên ăn chậm, nhai kỹ và chia thành nhiều bữa nhỏ nhằm tăng sự bài tiết của nước bọt, giảm acid và bão hòa acid trong dạ dày.
-
Tăng cường ăn các thức ăn giàu tinh bột, trứng, sữa... Đây không những là những thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn tốt cho thai phụ khi bệnh đau dạ dày bởi những loại thực phẩm này có khả năng trung hòa acid từ đó giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày hiệu quả hơn.
-
Mẹ bầu không nên để bụng quá đói, bởi lúc này nồng độ acid trong dạ dày tăng cao rất dễ làm cho tình trạng đau dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
-
Sau khi ăn, mẹ bầu nên hạn chế vận động bởi lúc này dạ dày đang làm việc. Nếu vận động sẽ hạn chế máu lưu thông vào dạ dày, hạn chế hoạt động của dạ dày, gây đầy bụng. Tốt nhất là mẹ bầu chỉ vận động sau khi ăn từ 2 đến 3 giờ.
Mẹ bầu cần xây dựng chế độ ăn hợp lý để hạn chế tình trạng đau dạ dày
Trên đây là một số thông tin về bệnh lý đau dạ dày và một số mẹo chữa đau dạ dày khi mang thai mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng các thông tin này sẽ giúp ích cho mẹ bầu hiểu được phần nào đó về tình trạng đau dạ dày khi mang thai. Hãy ấn theo dõi trang của nhà thuốc Long Châu để tiếp tục cập nhật những tin tức mới nhất nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp