Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Mẹ bầu bị bong nhau non 3 tháng cuối do đâu?

Ngày 10/10/2023
Kích thước chữ

Tam cá nguyệt cuối cùng là giai đoạn quan trọng đối với mẹ và bé, nếu mẹ bầu lúc này xuất hiện cảm giác đau bụng đột ngột kèm chảy máu có thể là dấu hiệu bong nhau non 3 tháng cuối. Vậy mẹ bầu bị bong nhau non 3 tháng cuối do đâu?

Bong nhau non trong ba tháng cuối của thai kỳ là một tình trạng nguy hiểm và có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bong nhau non là gì?

Bong nhau non hay còn gọi là nhau bong non, là một biến chứng nguy hiểm của thai kỳ. Nhau thai là cơ quan nối bào tử đang phát triển với thành tử cung trong tử cung của mẹ. Nhau thai có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng, loại bỏ chất thải, và trao đổi khí qua máu với mẹ để nuôi dưỡng thai nhi.

me-bau-bi-bong-nhau-non-3-thang-cuoi-do-dau-2.jpg.png
Bong nhau non gây gián đoạn quá trình cung cấp dưỡng chất cho thai nhi

Bong nhau non xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ nhau thai non tách khỏi thành tử cung. Điều này dẫn đến việc gián đoạn quá trình cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Khi nhau thai tách toàn bộ ra khỏi thành tử cung, dòng máu ngừng chảy vào nhau thai, và thai nhi không còn nguồn cung cấp dinh dưỡng và oxy từ mẹ nữa.

Bong nhau non là một tình trạng rất nguy hiểm đối với cả mẹ và thai nhi. Theo thống kê, có tới 15% trường hợp tử vong của thai nhi có nguyên nhân từ biến chứng này.

Mẹ bầu bị bong nhau non 3 tháng cuối do đâu?

Nguyên nhân chính dẫn đến chứng bong nhau non liên quan đến các tổn thương mạch máu của niêm mạc tử cung nơi nhau thai bám. Các yếu tố gây tổn thương mạch máu này bao gồm:

Chấn thương vùng bụng: Các sự cố như tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày hoặc ngã trong quá trình làm việc có thể gây chấn thương vùng bụng và dẫn đến tổn thương mạch máu ở nhau thai.

Vết kim đâm không đúng chỗ: Khi tiến hành các thủ thuật như thăm dò nước ối, việc không đâm kim đúng chỗ có thể gây tụ máu sau nhau và gây ra nhau bong non.

Bệnh lý nhau tiền đạo: Các bệnh lý như nhau tiền đạo, tiền sản giật, cao huyết áp, và đái tháo đường có thể gây tổn thương mạch máu và tạo điều kiện cho nhau bong non phát triển.

Xoay thai không đúng kỹ thuật: Trong một số trường hợp, thủ thuật xoay thai được thực hiện không đúng kỹ thuật, có thể làm kéo dây rốn và gây tổn thương mạch máu của nhau thai.

me-bau-bi-bong-nhau-non-3-thang-cuoi-do-dau..jpg
Xoay thai làm kéo dây rốn và gây tổn thương nhau thai

Những yếu tố này đều có thể tạo điều kiện cho nhau bong non phát triển và dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Bong nhau non 3 tháng cuối có nguy hiểm không?

Bong nhau non là một tình trạng rất nguy hiểm, đặc biệt đối với các sản phụ ở ba tháng cuối thai kỳ. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Biến chứng của nhau bong non tiến triển rất nhanh và cần phải được xử lý ngay lập tức, nếu không có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.

Các biến chứng của bệnh này có thể bao gồm:

Sốc mất máu: Đây là tình trạng mất máu nhanh chóng sau khi nhau thai và thai nhi bị bong ra khỏi tử cung, khiến sản phụ rơi vào tình trạng nguy kịch.

Rối loạn đông máu: Do việc chảy máu tiếp diễn và thiếu các yếu tố đông máu quan trọng, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn đông máu.

Vô niệu: Chảy máu nhiều có thể gây ra tình trạng choáng tụt huyết áp và gây nguy cơ suy kiệt nhanh chóng.

Suy gan thận cấp, suy tuyến thượng thận, cao huyết áp...: Trong các trường hợp nhau bong non nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời, tỉ lệ tử vong cho cả thai nhi và sản phụ có thể lên đến 100%. Sản phụ cũng có thể đối mặt với nguy cơ tử vong muộn do các biến chứng của nhau bong non gây ra.

Dấu hiệu nhận biết bong nhau non 3 tháng cuối

Để nhận biết bệnh nhau bong non và hạn chế các biến chứng nguy hiểm, mẹ bầu cần chú ý đến một số dấu hiệu và triệu chứng sau:

Triệu chứng cơ năng:

  • Đau bụng đột ngột, cơn đau kéo dài và liên tục. Cơn đau có thể xuất phát từ tử cung và lan ra toàn bộ bụng, làm bụng căng cứng.
  • Chảy máu âm đạo loãng, không có huyết khối.

Triệu chứng toàn thân:

  • Sản phụ có thể trải qua tình trạng choáng, thở gấp.
  • Chân tay lạnh, da nhợt nhạt.
  • Huyết áp có thể tăng rồi giảm nhẹ.

Triệu chứng thực thể:

  • 70% các trường hợp nhau bong non có triệu chứng tiền sản giật.
  • Tử cung có thể trải qua cơn co cứng liên tục và bất thường.
  • Sản phụ khó sờ nắn, cảm nhận bộ phận của thai nhi qua thành bụng.
  • Tim thai có thể thay đổi nhanh chóng hoặc không thể nghe thấy ở các trường hợp nhau bong nặng.
  • Cổ tử cung có thể giãn mỏng và cứng, và khi bấm nước ối, có thể thấy màu hồng.
me-bau-bi-bong-nhau-non-3-thang-cuoi-do-dau-1.jpg
Sản phụ khó sờ nắn, cảm nhận bộ phận của thai nhi qua thành bụng

Chẩn đoán dựa vào thể bệnh:

  • Thể ẩn: Không phát hiện được trên lâm sàng trước khi đẻ, có thể phát hiện ra nhờ siêu âm trước đẻ.
  • Thể nhẹ: Sản phụ ở trạng thái bình thường, chảy máu âm đạo ít hoặc không có, tim thai bình thường, siêu âm có thể thấy được khối máu tụ sau nhau.
  • Thể trung bình: Có hiện tượng xuất huyết âm đạo, mạch nhanh, có thể hạ huyết áp, cơn co tử cung bất thường, suy thai.
  • Thể nặng: Có hiện tượng xuất huyết âm đạo nhiều, cơn co thắt tử cung mạnh và đau liên tục, không thấy tim thai, rối loạn đông máu nặng.

Cách phòng ngừa bệnh bong nhau non 3 tháng cưới

Để tránh xảy ra tình trạng nhau bong non, các sản phụ cần tuân thủ các biện pháp sau:

  • Đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín. Quá trình theo dõi thai kỳ định kỳ giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề gì có thể xảy ra.
  • Trong thời kỳ mang thai, sản phụ cần tuân thủ chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý. Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và bổ sung axit folic trước và sau mang thai.

Ba tháng cuối thai kỳ, việc theo dõi sức khỏe trở nên càng quan trọng hơn. Sản phụ cần đặc biệt lưu ý và kiểm tra bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, chẳng hạn như xuất huyết âm đạo, đau bụng, và đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức khi phát hiện các triệu chứng này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:Mang thai