Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy thai (Fetal Distress) là một hội chứng suy hô hấp và tuần hoàn do tình trạng thiếu oxy của thai nhi trong tử cung khi chuyển dạ, có liên quan chặt chẽ với sự thay đổi tín hiệu nhịp tim của thai nhi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy thai là gì?

Trong lịch sử, thuật ngữ suy thai (Fetal distress) được sử dụng để mô tả khi thai nhi không nhận được đủ lượng oxy trong quá trình mang thai hoặc chuyển dạ. Điều này thường được phát hiện thông qua nhịp tim thai bất thường.

Tuy nhiên, thuật ngữ suy thai được sử dụng phổ biến nhưng lại không được định nghĩa rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Do sự mơ hồ của thuật ngữ này nên việc sử dụng nó có thể dẫn đến việc điều trị không đúng cách.

Suy thai (Fetal distress) thường bị nhầm lẫn với thuật ngữ ngạt khi sinh (Birth asphyxia). Ngạt khi sinh chỉ tình trạng em bé bị thiếu oxy trước, trong hoặc sau khi chuyển dạ. Vì nhiều người sử dụng sai hai thuật ngữ này và hoán đổi cho nhau, nên theo ACOG (Ủy ban Thực hành Sản khoa của Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa kỳ) khuyến nghị thay thế thuật ngữ “Fetal distress” (Suy thai) bằng “Non-reassuring fetal status” (Tình trạng bất ổn của thai nhi). Thuật ngữ ngạt khi sinh (Birth asphyxia) hiện không còn được sử dụng nữa vì quá mơ hồ trong chẩn đoán.

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến thai có dấu hiệu bị suy, chẳng hạn như chuyển dạ, phản ứng với thuốc hoặc các vấn đề về dây rốn hoặc nhau thai.

Suy thai có thể nguy hiểm và gây ra các biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Nên điều quan trọng là bác sĩ phải theo dõi thai nhi trong suốt thai kỳ để phát hiện bất cứ biến chứng tiềm ẩn nào.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy thai

Các dấu hiệu suy thai phổ biến nhất là:

  • Thay đổi nhịp tim của thai nhi (thấp hoặc cao hơn bình thường).
  • Thai nhi di chuyển ít hơn trong một thời gian dài.
  • Nước ối thấp.

Biến chứng có thể gặp khi mắc suy thai

Suy thai có thể gây ra bệnh não do thiếu oxy máu cục bộ, cuối cùng dẫn đến bại não hoặc tử vong chu sinh. Việc phát hiện và chẩn đoán sớm tình trạng suy thai có thể giúp ngăn ngừa tổn thương các cơ quan quan trọng của thai nhi trước khi sinh. Vì vậy, việc tăng cường theo dõi tình trạng của thai nhi trong tử cung khi mang thai là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho cả thai nhi và người mẹ.

Suy thai có thể cần được hỗ trợ sinh hoặc sinh mổ. Mặc dù các biện pháp can thiệp này là an toàn nhưng chúng lại đi kèm với những biến chứng và rủi ro riêng. Các rủi ro có thể gặp khi phải sinh mổ bao gồm:

  • Mất máu;
  • Vết thương nhiễm trùng;
  • Huyết khối;
  • Gây tổn thương các cơ quan gần nơi phẫu thuật, chẳng hạn như bàng quang;
  • Các rủi ro từ việc sử dụng thuốc mê.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy đến khám đầy đủ các cuộc hẹn khám thai của mình, và nhớ báo với bác sĩ tất cả các bất thường xảy ra với bạn. Hoặc khi bạn gặp phải các tình trạng như chảy máu âm đạo, dịch âm đạo, các cơn gò liên tục, hoặc khi cảm nhận thai nhi ít di chuyển hơn, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa của bạn để được kiểm tra và chẩn đoán.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy thai

Nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thai là thai nhi không nhận đủ oxy. Thông thường, thai nhi sẽ được nhận oxy từ bạn. Quá trình này thông qua việc bạn hít thở oxy vào phổi, máu sẽ mang oxy đến nhau thai. Bất cứ điều gì làm gián đoạn quá trình này đều có thể khiến thai bị suy.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc suy thai?

Các bà mẹ đang mang thai đều có khả năng mắc tình trạng suy thai. Tuy nhiên, tình trạng này phổ biến hơn nếu bạn quá ngày sinh (mang thai quá ngày), từ 42 tuần trở lên. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố tiềm ẩn khác có thể gây ra suy thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy thai

Các yếu tố tiềm ẩn có thể dẫn đến suy thai có thể bao gồm:

  • Bạn bị béo phì;
  • Bạn bị tăng huyết áp do mang thai hay tiền sản giật;
  • Các cơn co thắt quá thường xuyên;
  • Tình trạng thiểu ối;
  • Thiếu máu;
  • Bạn mắc các bệnh mạn tính chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh thận hoặc ứ mật;
  • Thai nhi chậm phát triển trong tử cung (IUGR);
  • Mang đa thai.
Suy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Mang đa thai cũng là một yếu tố có thể dẫn đến suy thai

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy thai

Bác sĩ sản khoa của bạn sẽ chẩn đoán suy thai bằng cách đọc nhịp tim của thai nhi. Nhịp tim thấp hoặc bất thường có thể báo hiệu tình trạng suy thai. Kiểm tra nhịp tim của thai nhi là một cách tốt để biết xem thai nhi có chịu được thai kỳ và chuyển dạ tốt không. Trong thời kỳ mang thai, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm khác để theo dõi nhịp tim của thai nhi, bao gồm:

  • Non-stress test (NST): Bạn sẽ được đo nhịp tim thai bằng máy theo dõi thai nhi điện tử, ở tư thế ngồi hoặc nằm. Một đai có cảm biến điện tử được đặt quanh bụng của bạn. Trong thời gian đó, nhịp tim của thai nhi sẽ được ghi lại. Xét nghiệm này cũng có thể đo các cơn gò của tử cung. Kết quả có phản ứng hoặc không có phản ứng dựa trên mức độ hoạt động của thai nhi.
  • Trắc đồ sinh vật lý (Biophysical profile): Trắc đồ sinh vật lý nhằm đánh giá tình trạng của thai nhi, bao gồm siêu âm đo chuyển động của thai nhi, trương lực cơ, chuyển động thở và lượng nước ối. Có thể có hoặc không kèm với non-stress test.

Trong quá trình chuyển dạ, bác sĩ sản khoa sẽ theo dõi nhịp tim của thai nhi liên tục hoặc ngắt quãng. Theo dõi liên tục có nghĩa là bạn được đeo thiết bị quanh bụng để đọc nhịp tim của thai nhi (đây là cách phổ biến nhất). Theo dõi định kỳ có nghĩa là bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim của thai nhi vào các thời điểm nhất định (chẳng hạn như cứ sau 30 phút).

Hai cách phổ biến để theo dõi nhịp tim thai phát hiện tình trạng suy thai là:

  • Máy đo nhịp tim thai điện tử: Bạn được đeo một thiết bị có gắn cảm biến quanh bụng liên tục trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Thiết bị sẽ gửi tín hiệu của tim thai đến máy tính mà bác sĩ có thể đọc được.
  • Doppler tim thai: Bác sĩ sẽ đặt một thiết bị cầm tay lên bụng bạn để phát hiện nhịp tim của thai nhi bằng sóng âm.

Phương pháp điều trị suy thai

Nếu bạn đang trong quá trình chuyển dạ, một số điều mà bác sĩ sản khoa có thể giúp đỡ trong thời gian suy thai bao gồm:

  • Thay đổi vị trí của bạn: Điều này giúp tăng lưu lượng máu quay trở lại tim và cung cấp oxy cho thai nhi.
  • Oxy liệu pháp: Cung cấp oxy cho bạn qua mặt nạ.
  • Thuốc: Cung cấp thuốc cho bạn để làm chậm hoặc ngừng các cơn co thắt.
  • Truyền ối: Một thủ thuật giúp đưa thêm chất lỏng vào túi ối của bạn, giúp giảm bớt sự chèn ép của dây rốn.
  • Truyền dịch: Bạn có thể được truyền dịch để đảm bảo đủ nước.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần phải đỡ đẻ ngay lập tức nếu bạn giãn nở hoàn toàn và em bé ở vị trí đủ thấp. Nếu không, bác sĩ có thể phải thực hiện mổ lấy thai khẩn cấp.

Suy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Trong một số trường hợp, bạn có thể cần mổ lấy thai khẩn cấp để tránh các biến chứng nguy hiểm

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy thai

Nếu bạn gặp tình trạng suy thai, hay còn gọi là tình trạng bất ổn của thai nhi, việc lắng nghe và làm theo hướng dẫn của bác sĩ là quan trọng nhất.

Nếu quá trình chuyển dạ và sinh nở diễn ra không như kế hoạch, hoặc có những thay đổi nhanh chóng xảy ra đột ngột, đừng ngại khi phải hỏi bác sĩ về các vấn đề đang diễn ra với bạn để tránh lo lắng hay căng thẳng.

Hãy lắng nghe cơ thể, nói với bác sĩ của bạn về các triệu chứng lúc mang thai và chuyển dạ của bạn, đôi khi bạn cần phải sinh sớm hơn để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của suy thai.

Hầu hết trường hợp, bạn sẽ có thời gian để thảo luận về các lựa chọn của mình với bác sĩ. Tuy nhiên, trong một số tình huống khẩn cấp, bác sĩ cần phải đưa ra quyết định và hành động nhanh chóng. Nếu có bất kỳ biện pháp can thiệp y tế nào mà bạn phản đối, hãy đảm bảo rằng bác sĩ của bạn biết điều đó khi bạn đến bệnh viện.

Phương pháp phòng ngừa suy thai hiệu quả

Thông thường bạn không thể làm gì để ngăn ngừa tình trạng suy thai. Tuy nhiên, việc đến đầy đủ các cuộc hẹn khám thai trước khi sinh và duy trì một thai kỳ khỏe mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc các tình trạng dẫn đến suy thai. Ngoài ra, thảo luận với bác sĩ về các triệu chứng mang thai và chuyển dạ của bạn để bác sĩ có thể xác định được tình trạng suy thai. Ví dụ như bạn hãy chú ý đến chuyển động của thai nhi, hãy báo với bác sĩ nếu có hiện tượng chảy máu âm đạo, dịch âm đạo hoặc các cơn co thắt xảy ra thường xuyên.

Suy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Hãy chú ý chuyển động của thai nhi và lắng nghe cơ thể của bạn trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ
Nguồn tham khảo
  1. Fetal Distress: https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/complications-of-labor-and-delivery/fetal-distress
  2. Fetal Distress: https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/labor-and-birth/fetal-distress/
  3. Fetal Distress: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23971-fetal-distress
  4. Fetal Distress: https://www.pregnancybirthbaby.org.au/fetal-distress
  5. A lightweight fetal distress-assisted diagnosis model based on a cross-channel interactive attention mechanism: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphys.2023.1090937/full 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm cổ tử cung

  2. Chửa trứng

  3. Đau bụng kinh

  4. Rối loạn kinh nguyệt

  5. Vô kinh

  6. Mất kinh

  7. Lạc nội mạc ở âm hộ

  8. Tắc vòi trứng

  9. Nấm âm đạo

  10. Nhau bám thấp