Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Một số dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý

Ngày 05/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mang thai vừa là một điều kì diệu, vừa là một quá trình mà cơ thể của bạn sẽ xảy ra những biến đổi bất thường. Những thay đổi này sẽ biểu hiện ra những dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai, dẫn đến việc bạn sẽ dễ gặp tình trạng nhiễm trùng nhiều hơn bình thường.

Tình trạng viêm nhiễm ở mẹ bầu khá phổ biến nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Vậy đâu là những dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai, hãy cùng Long Châu tìm hiểu qua bài viết nhé.

Các tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa ở mẹ bầu

Trước tiên, chúng ta sẽ xem qua những tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa thường gặp dưới đây.

  • Vi khuẩn: Ở trạng thái bình thường, âm đạo (âm hộ) vẫn luôn có các lợi khuẩn, vi sinh vật và cả các loại vi khuẩn khác. Khi người phụ nữ mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi, pH của âm đạo thay đổi dẫn đến sự mất cân bằng giữa lợi khuẩn và các vi khuẩn khác, đồng thời sự tăng tiết dịch của âm đạo đã tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển, kết quả là xuất hiện tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn.
  • Nấm men: Tương tự như vi khuẩn, việc thay đổi pH cùng sự tăng tiết dịch âm đạo đã tạo nên điều kiện lý tưởng để nấm phát triển, phổ biến nhất là nấm Candida. Ngoài ra, tình trạng nhiễm nấm có thể là kết quả lây truyền qua đường tình dục.
  • Liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus Group B - GBS): Là loại vi khuẩn được tìm thấy trong trực tràng và âm đạo ở những người khỏe mạnh. Bình thường chúng không gây hại nhưng đặc biệt cần chú ý khi mang thai, vì loại vi khuẩn này có nguy cơ lây cho thai nhi và gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng toàn thân và nhiễm trùng máu.
  • Trùng roi (Trichomonas): Bệnh nhiễm trùng do Trichomonas - tiếng Anh gọi là Trichomoniasis - là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, thường lây nhiễm cho phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Một số dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý 1
Liên cầu khuẩn nhóm B có thể lây từ mẹ sang thai nhi

Những dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai

Tương ứng với bốn tác nhân thường gặp được nêu trên, sau đây là những dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai mà bạn có thể tham khảo để nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng do vi khuẩn

Tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn thường biểu hiện với các triệu chứng sau:

  • Dịch tiết loãng, có màu trắng xám;
  • Ngứa âm đạo, cả bên trong và xung quanh;
  • Cảm thấy đau khi tiểu tiện;
  • Âm đạo có mùi tanh.

Nhiễm trùng do nấm

Dưới đây là những dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai khi bị nhiễm trùng do nấm:

  • Khó chịu khi quan hệ tình dục;
  • Cảm giác đau, ngứa trong và xung quanh âm đạo;
  • Âm đạo bị đỏ và sưng tấy;
  • Dịch tiết đặc, vón cục, có màu trắng vàng.

Bệnh lý nhiễm trùng do nấm, hay gặp nhất là nhiễm Candida có thể được điều trị bằng thuốc, tuy nhiên người nhiễm cần phải được chẩn đoán chính xác trước khi bắt đầu điều trị vì các bệnh nhiễm trùng khác có thể bị nhầm lẫn với bệnh này, chẳng hạn như nhiễm trùng do vi khuẩn và Chlamydia.

Một số dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý 2
Một trong những dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai là ngứa âm đạo

Nhiễm trùng do liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus Group B - GBS)

Phần lớn các phụ nữ mang thai nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, một vài trường hợp nặng có thể có các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng bàng quang, bao gồm sốt, ớn lạnh và đau vùng chậu.

Vì những biến chứng nghiêm trọng của nhóm vi khuẩn này cho thai nhi mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo tất cả các phụ nữ mang thai nên sàng lọc GBS để có thể phát hiện kịp thời và điều trị càng sớm càng tốt. Xét nghiệm GBS thường được thực hiện trong tuần 36 đến tuần 38 của thai kỳ.

Có thể điều trị GBS cho mẹ bầu bằng kháng sinh qua đường tĩnh mạch (IV). Việc này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ GBS truyền sang thai nhi.

Nhiễm trùng do Trùng roi (Trichomonas)

Bị nhiễm trùng do Trichomonas sẽ có những dấu hiệu điển hình sau:

  • Khí hư màu vàng xanh, có mùi hôi;
  • Đau khi tiểu tiện;
  • Ngứa, rát và kích ứng âm đạo, đặc biệt khi quan hệ tình dục;
  • Âm hộ đỏ và sưng tấy.

Hậu quả của việc không điều trị bệnh này có thể là sinh non và các biến chứng khác khi mang thai, rất may là Trichomonas có thể được điều trị dễ dàng bằng các kháng sinh đường uống như metronidazole và tinidazole.

Cần làm gì để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai?

Tình trạng viêm nhiễm phụ khoa ở mẹ bầu nói riêng và các bệnh lý nhiễm trùng khi mang thai nói chung hầu hết đều không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, tuy nhiên các biến chứng của nó có thể gây hại trực tiếp đến thai nhi, vì vậy CDC đã đưa ra một số lời khuyên để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng khi mang thai, bao gồm:

  • Mặc đồ thoải mái, làm bằng 100% Cotton để vùng kín được khô thoáng, không ẩm ướt và hầm bí.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa quá sâu.
  • Giảm bớt đồ ngọt vì đường là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi và phát triển, bổ sung thêm lợi khuẩn thông qua hoa quả và sữa chua.
  • Tránh du lịch đến những khu vực dịch bệnh do virus, vì virus cũng là một trong những tác nhân gây viêm nhiễm.
  • Đặc biệt chú ý sử dụng thuốc xịt côn trùng để ngăn ngừa muỗi đốt, vì muỗi là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý nhiễm virus Zika - có thể gây dị tật bẩm sinh, làm tăng nguy cơ thai chết lưu và sảy thai.
Một số dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý 3
Mẹ bầu nên mặc đồ thoải mái để vùng kín được thông thoáng

Nội dung vừa rồi đã chia sẻ những tác nhân gây bệnh, dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai cùng những cách phòng tránh chúng mà Long Châu gửi đến bạn. Lưu ý rằng, khi bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy hỏi thăm ý kiến bác sĩ đầu tiên để có thể xác định chính xác và có phương pháp điều trị hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin