Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mụn nhọt ở bụng​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ngày 26/10/2024
Kích thước chữ

Mụn nhọt xuất hiện ở bụng không chỉ gây đau đớn mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình mụn nhọt ở bụng và làm sao để khắc phục?

Mụn nhọt có thể xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt là ở những vùng da kín, có nếp gấp như ở bụng. Mụn nhọt ở bụng​ gây đau đớn ở các mức độ khác nhau. Nếu không được xử lý đúng cách, mụn nhọt có thể phát triển thành áp xe hoặc nhiễm trùng rất nguy hiểm. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị mụn nhọt mọc ở bụng.

Nguyên nhân gây ra mụn nhọt ở bụng

Một số loại vi khuẩn là tác nhân gây bệnh và có nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ khiến chúng có cơ hội sinh sôi và gây mụn nhọt hay mụn đầu đinh.

Vi khuẩn nào gây mụn nhọt ở bụng?

Mụn nhọt chủ yếu do vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) gây ra. Đây là loại vi khuẩn thường sống trên da và trong mũi của chúng ta. Khi vệ sinh không tốt, vi khuẩn này xâm nhập vào lỗ chân lông, gây viêm nhiễm và hình thành mụn nhọt. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn khác cũng có thể gây ra mụn nhọt, nhưng ít phổ biến hơn như vi khuẩn Streptococcus pyogenes (tụ cầu liên cầu). Loại vi khuẩn này thường gây ra các bệnh về họng nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng da, bao gồm cả mụn nhọt.

Mụn nhọt ở bụng​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 1
Vùng da ở bụng nhiều nếp gấp và kín nên dễ bị mụn nhọt

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Mụn nhọt ở bụng hình ảnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Việc không vệ sinh cá nhân hàng ngày, nhất là sau khi ra nhiều mồ hôi có thể khiến các chất bẩn tích tụ, vi khuẩn sinh sôi gây mụn nhọt.
  • Những tổn thương ở bụng như vết trầy xước hoặc do cạo lông không đúng cách cũng có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào da gây mụn nhọt.
  • Mặc quần áo quá chật, bí bách, không thấm hút mồ hôi gây ẩm ướt ở vùng bụng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây mụn nhọt.

Ngoài những nguyên nhân trên, còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị mụn nhọt ở bụng như:

  • Những thay đổi nội tiết tố estrogen và progesterone thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai hoặc mãn kinh có thể làm tăng tiết bã nhờn. Khi các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện cho mụn nhọt hình thành.
  • Tiêu thụ nhiều đồ ngọt, chất béo và thức ăn cay nóng có thể làm tăng nguy cơ bị mụn nhọt.
  • Tình trạng stress, mất ngủ, các bệnh lý mãn tính như tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến người bệnh dễ mắc mụn nhọt hơn.

Triệu chứng của mụn nhọt ở bụng

Mụn nhọt ở bụng thường bắt đầu với các dấu hiệu ban đầu khá rõ ràng, giúp bạn nhận biết sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Ban đầu, sẽ có một nốt đỏ và sưng tấy xuất hiện tại vùng bụng. Nốt đỏ này thường có kích thước nhỏ nhưng đã có thể gây cảm giác hơi đau và khó chịu. Vùng da quanh nốt đỏ vẫn còn mềm. Cảm giác đau nhức khiến cho việc thực hiện các động tác gập bụng, quay người hay ngồi cong lưng trở nên khó khăn hơn.

Mụn nhọt ở bụng​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 2
Những nốt mụn nhọt ban đầu sẽ nhỏ rồi lớn dần lên

Khi nhọt phát triển, kích thước của mụn nhọt sẽ lớn hơn. Lúc này bạn có thể quan sát thấy mủ vàng hoặc trắng ở đầu nhọt. Dùng tay ấn vào vị trí nhọt sẽ thấy cứng hơn lúc đầu. Tình trạng đau nhức tăng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và hoạt động hàng ngày của người bệnh. Cảm giác đau này có thể khiến người bệnh mất tập trung vào công việc hay học tập. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị sốt nhẹ cho thấy cơ thể đang phản ứng với sự nhiễm trùng.

Việc nhận biết sớm các triệu chứng của mụn nhọt ở bụng không chỉ giúp người bệnh điều trị kịp thời, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Biến chứng có thể xảy ra khi bị mụn nhọt ở bụng

Mụn nhọt ở bụng, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Một trong những biến chứng phổ biến nhất là nhiễm trùng lan rộng khi vi khuẩn xâm nhập vào vùng da xung quanh. Khi đó, tại vị trí mụn nhọt có thể hình thành áp xe – một khoang chứa đầy mủ và cần phải được rạch và dẫn lưu để điều trị. Ngoài ra, viêm mô tế bào cũng có thể xảy ra, gây sưng tấy và đỏ ở vùng da lân cận, làm tăng cảm giác đau nhức.

Mụn nhọt ở bụng​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 3
Mụn nhọt không được xử lý đúng cách có thể hình thành áp xe

Một hậu quả khác của mụn nhọt là để lại sẹo sau khi nhọt lành. Những sẹo này có thể là sẹo lồi khi tế bào da phát triển quá mức, hoặc sẹo lõm khi da không đủ collagen để phục hồi hoàn toàn. Các loại sẹo này ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh không tự tin khi mặc những bộ đồ để lộ vòng eo quyến rũ.

Chăm sóc và điều trị mụn nhọt kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng nặng, người bệnh không nên tự điều trị tại nhà mà nên đi khám chuyên khoa.

Cách điều trị ngừa mụn nhọt ở bụng

Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể tự điều trị mụn nhọt tại nhà. Người bệnh cần giữ cho vùng da quanh mụn luôn sạch sẽ bằng cách tắm rửa hàng ngày, vệ sinh mụn nhọt bằng nước muối sinh lý hoặc sát trùng cẩn thận. Nếu mụn nhọt sưng to gây đau nhức khó chịu, bạn có thể chườm mát quanh vị trí nhọt sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Một số phương pháp trị nhọt dân gian như dùng lá tía tô, lá trà xanh đắp lên nhọt chỉ nên thực hiện khi đầu nhọt chưa vỡ. Nếu đắp lên nhọt bị vỡ có thể gây nhiễm trùng.

Mụn nhọt ở bụng​: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 4
Mụn nhọt sưng to có thể tự vỡ khi cọ xát

Trong trường hợp mụn nhọt sưng to kèm sốt, bạn nên đi khám. Có thể bác sĩ sẽ tư vấn dùng thuốc kháng sinh để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nhiễm trùng lan rộng. Thuốc giảm đau có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, giảm đau nhức, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ hay sinh hoạt hàng ngày.

Nếu có dấu hiệu hình thành áp xe, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ rạch và dẫn lưu mủ để loại bỏ mủ, giảm sự căng tức, đau nhức và giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Áp xe không được xử lý đúng cách có thể gây hoại tử, nhiễm trùng máu vô cùng nguy hiểm.

Mụn nhọt ở bụng có thể gây ra cảm giác đau đớn, sốt nhẹ và nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Vì vậy, ngay khi phát hiện những dấu hiệu sớm nhất của mụn nhọt, bạn nên chú trọng việc vệ sinh và chăm sóc. Bạn hãy theo dõi sự tiến triển của mụn nhọt và đến gặp bác sĩ khi thấy có dấu hiệu trở nặng hoặc biểu hiện của áp xe, nhiễm trùng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Mụn nhọtmụn