Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mụn nhọt ở tay có nguy hiểm không và cách điều trị thế nào?

Ngày 24/12/2023
Kích thước chữ

Mụn nhọt ở tay là tình trạng nhiễm trùng da với nhiều mức độ khác nhau, nhưng thông thường đều nhẹ nhàng và người bệnh có thể tự xử lý tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Nhưng nguyên nhân nào gây ra mụn nhọt ở tay và điều trị như thế nào hiệu quả và an toàn?

Mụn nhọt ở tay nếu không được điều trị đúng cách có thể xảy ra tai biến nguy hiểm. Theo dõi bài viết để biết cách xử trí mụn nhọt ở tay an toàn và hiệu quả và nhanh chóng.

Mụn nhọt ở tay là gì, nguyên nhân do đâu?

Mụn nhọt xảy ra khi vùng da bị nhiễm trùng vi khuẩn gây ra những vết sưng, đau hoặc loét trên da. Khi mụn chứa đầy mủ là hỗn hợp của tế bào chết, tế bào miễn dịch của cơ thể, vi khuẩn, nó sẽ vỡ và mủ sẽ chảy ra ngoài. Mụn nhọt có nhiều kích cỡ khác nhau, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như mụn nhọt ở tay, ở lưng, trên mặt, ở bộ phận sinh dục…

Một số nguyên nhân gây ra mụn nhọt:

  • Thay đổi, rối loạn nội tiết: Thường xuất hiện trong tuổi dậy thì, gần đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi mang thai. Sự gia tăng các hormone khiến cơ thể tiết ra nhiều dầu hơn và góp phần hình thành mụn nhọt trên da.
  • Vệ sinh: Trên cơ thể luôn sản sinh ra tế bào chết hằng ngày. Vì vậy nếu bạn không vệ sinh đúng cách, tế bào chết tích tụ và gây ra tình trạng mụn nhọt.
  • Sử dụng mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cơ thể không phù hợp có thể khiến da bị nổi mụn. Nguyên nhân là do các hóa chất dưỡng da tích tụ tại lỗ chân lông, làm tắc nghẽn và hình thành mụn.
  • Mặc quần áo quá chật cũng có thể gây ra mụn, nhất là mụn nhọt ở tay và lưng. Mặc quần áo chật khiến mồ hôi không tiết ra được và gây ra mụn.
Mụn nhọt ở tay có nguy hiểm không, điều trị thế nào 1
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây mụn nhọt ở tay

Cách điều trị mụn nhọt ở tay tại nhà an toàn hiệu quả

Sử dụng thuốc trị mụn nhọt ở tay

Bạn có thể điều trị mụn nhọt ở tay bằng cách sử dụng thuốc bôi ngoài da, đây là phương pháp phổ điều trị phổ biến nhất hiện nay. Trong các loại thuốc trị mụn bôi ngoài da thường chứa các thành phần như retinoids, kháng sinh, azelaic, axit salicylic

Bên cạnh các loại thuốc bôi ngoài da, nếu tình trạng mụn nhọt ở tay trầm trọng bạn cần kết hợp điều trị bằng thuốc uống như kháng sinh, liệu pháp hormone… Tuy nhiên bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ da liễu thăm khám và kê đơn, không nên tự mua thuốc về uống.

Điều trị mụn nhọt ở tay bằng liệu pháp thiên nhiên

Bạn có thể tự điều trị mụn nhọt ở tay tại nhà nếu tình trạng không quá nghiêm trọng. Có nhiều cách điều trị sử dụng những liệu pháp từ thiên nhiên rất dễ thực hiện:

Sử dụng tinh dầu tràm trà: Trong tinh dầu tràm trà có các chất kháng khuẩn và khử trùng mạnh giúp điều trị mụn nhọt do vi khuẩn gây ra. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của dầu tràm trà trong trị mụn trứng cá. Để sử dụng, bạn hãy pha loãng dầu tràm trà với nước theo tỉ lệ 1:9, sau đó dùng tăm bông thấm dung dịch và bôi lên vùng da bị mụn ở tay. Bạn có thể thực hiện 1 - 2 lần một ngày để đạt hiệu quả trị mụn tối ưu.

Mụn nhọt ở tay có nguy hiểm không, điều trị thế nào 2
Tinh dầu tràm trà có tác dụng giúp giảm mụn nhọt ở tay

Dùng nha đam: Nha đam có tác dụng điều trị phát ban, bỏng, viêm da, làm lành vết thương nhanh chóng… Bên cạnh đó, trong nha đam có chứa axit salicylic có công dụng giảm mụn trứng cá. Bạn hãy dùng thịt nha đam và thoa lên vùng mụn trên tay 1 - 2 lần mỗi ngày. Lưu ý nên vệ sinh sạch vùng da trước khi đắp nha đam để hiệu quả trị mụn cao hơn.

Trị mụn nhọt ở tay bằng mật ong: Mật ong là loại thực phẩm không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có nhiều công dụng trong điều trị bệnh lý. Trong mật ong có tính diệt khuẩn, làm sạch và ngăn ngừa nhiễm trùng nên có hiệu quả điều trị mụn rất tốt. Bạn chỉ cần vệ sinh sạch vùng da bị mụn, bôi mật ong nguyên chất lên và chờ khô rồi rửa sạch với nước. Thực hiện theo cách này 3 - 4 lần/tuần bạn sẽ thấy tình trạng mụn giảm đáng kể.

Mụn nhọt ở tay có nguy hiểm không, điều trị thế nào 3
Dùng mật ong nguyên chất điều trị mụn nhọt ở tay

Dùng bột nghệ: Trong bột nghệ có chứa chất curcumin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ngăn bội nhiễm trên da, giúp vết thương chóng lành và giảm sẹo. Ngoài ra các thành phần Vitamin C, Vitamin E, chất chống oxy hóa giúp hạn chế viêm nhiễm hiệu quả. Bạn có thể pha 1 thìa bột nghệ với sữa rồi uống hoặc pha bột nghệ với nước thành hỗn hợp đặc sánh và đắp lên vị trí bị mụn 2 lần/ ngày.

Đậu xanh: Trong Đông y, đậu xanh có tác dụng chữa mụn nhọt do chúng có tính mát, giảm sưng viêm, đào thải độc tố do vi khuẩn gây ra. Ngoài ra trong đậu xanh chứa nhiều Vitamin B, Vitamin C, Vitamin E có tác dụng giúp da khỏe mạnh, hỗ trợ hình thành collagen tái tạo da hiệu quả. Bạn dùng bột đậu xanh trộn với nước ấm thành hỗn hợp sệt rồi đắp lên vùng da bị mụn khoảng 30 phút, thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ. 

Mụn nhọt ở tay có nguy hiểm không, điều trị thế nào 4
Đậu xanh trị mụn theo quan điểm trong Đông y

Đến gặp bác sĩ khi mụn nhọt ở tay nghiêm trọng

Mụn nhọt ở tay là bệnh lý lành tính và hầu hết chúng ta có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng mụn nhọt ở tay có triệu chứng nặng hơn thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị:

  • Đau tại nốt mụn nhọt, đau đến mức bạn không chịu đựng được, thậm chí không ngủ được.
  • Nốt mụn to nhanh và lan rộng thành một khối sưng viêm trên da. Đặc biệt nếu kích thước nốt mụn hơn 5cm, bạn cần đến bệnh viện ngay để kiểm tra.
  • Có dấu hiệu sốt khi bị mụn nhọt, có thể vết mụn nhọt đã gây ra tình trạng nhiễm trùng.
  • Bị nổi hạch khi mọc mụn nhọt là dấu hiệu tình trạng trầm trọng hơn.
  • Nốt mụn nhọt kéo dài hơn 2 tuần, không giảm sưng viêm.
  • Người mắc bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh thận hệ miễn dịch thường suy yếu hơn người khỏe mạnh. Nếu mọc mụn nhọt thì nên đến bệnh viện để thăm khám.

Trên đây là những cách điều trị mụn nhọt ở tay được nhiều người áp dụng và có hiệu quả tốt khi sử dụng. Mỗi cách điều trị sẽ đáp ứng tùy thuộc vào tình trạng mụn của mỗi người nên bạn có thể thử một hoặc áp dụng nhiều cách để tăng hiệu quả điều trị mụn. Nếu chưa yên tâm điều trị tại nhà, bạn hãy đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị theo phác đồ của bác sĩ da liễu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:mụnLàm đẹp