Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Nặn mụn bao lâu thì lành? Bật mí quy trình nặn mụn chuẩn chỉnh

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ

Việc nặn mụn bao lâu thì lành không có câu trả lời chung cho tất cả mọi trường hợp. Thời gian phục hồi phu thuộc vào loại mụn, mức độ viêm nhiễm, phạm vi và cách thức loại bỏ nhân mụn ra khỏi bề mặt da.

Nặn mụn là quá trình loại bỏ cồi mụn và mủ (nếu có) ra khỏi lỗ chân lông. Bên cạnh cách thức nặn mụn thì tốc độ se lành sau khi thực hiện kỹ thuật này cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy nặn mụn bao lâu thì lành?

Có nên nặn mụn hay không?

Thực tế cho thấy có những nốt mụn nên nặn và cũng có những nốt mụn không nên can thiệp theo cách này. Cụ thể như sau:

  • Nếu bạn bị mụn có nhân, nhân đã già, se cồi và có xu hướng nhô lên khỏi bề mặt thì việc nặn mụn là điều nên làm. Khi đó, cồi mụn, máu và mủ sẽ được loại bỏ toàn phần nên tổn thương da rất nhanh lành, hạn chế tối đa nguy cơ tái lại.
  • Nếu mụn không có cồi (mụn mủ đơn thuần, mụn bọc,...) thì việc nặn mụn là không cần thiết, thậm chí còn làm tổn hại hàng rào bảo vệ da và khiến vi khuẩn mụn lây lan, gây bội nhiễm. Ngoài ra với mụn có nhân nhưng mới hình thành, cồi còn nằm sâu trong lỗ chân lông thì bạn cũng không nên nặn mụn.
Nặn mụn bao lâu thì lành? Bật mí quy trình nặn mụn chuẩn chỉnh 1
Không phải loại mụn nào cũng có thể xử lý bằng cách nặn bỏ cồi mụn

Bật mí quy trình nặn mụn đúng cách

Để bắt đầu, bạn hãy thực hiện theo tiến trình cơ bản như sau:

  • Bước 1: Rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn trong 10 giây, sau đó tiệt trùng dụng cụ nặn mụn (hơ qua lửa, chần nước sôi, rửa bằng cồn 70 độ hoặc povidine 10%).
  • Bước 2: Làm sạch vùng da can thiệp với nước/dầu tẩy trang và sữa rửa mặt. Khi dầu nhờn, bụi bẩn, hóa chất được lấy đi thì lỗ chân lông sẽ thông thoáng hơn. Vậy nên việc loại bỏ cồi mụn cũng trở nên đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.
  • Bước 3: Xông mặt bằng hơi nóng để làm lỗ chân lông mở to. Như vậy cồi mụn thoát ra ngoài dễ dàng khi nặn bỏ.
  • Bước 4: Dò chuẩn vị trí đầu mụn. Nếu cồi mụn lộ rõ thì bạn đặt vòng thép của cây nặn mụn bao quanh đầu mụn, ấn theo chiều vuông góc với bề mặt da để cồi mụn bật ra ngoài. Nếu phần đầu mụn bịt kín thì lấy kim nhọn vô trùng chích vào rồi mới tiến hành nặn mụn.
  • Bước 5: Dùng bông để lấy hết cồi mụn, mủ, dịch chảy ra, sau đó lấy một miếng bông khác thấm nước muối 0,9% để lau qua bề mặt da.
  • Bước 6: Thoa kem đặc trị lên vùng da vừa can thiệp.
Nặn mụn bao lâu thì lành? Bật mí quy trình nặn mụn chuẩn chỉnh 6
Nặn mụn đúng cách, đúng đối tượng sẽ giúp bạn kiểm soát và cải thiện vấn đề da liễu này

Nặn mụn bao lâu thì lành?

Nặn mụn được thực hiện với mục đích xử lý triệt để nốt mụn và đẩy nhanh tốc độ phục hồi da. Vậy nặn mụn bao lâu thì lành?

Như đã nhắc qua ở trên, việc nặn mụn bao lâu thì lành còn phụ thuộc vào đặc điểm phân loại, trạng thái mụn và cách thức mà bạn thực hiện. Cụ thể như sau:

  • Với những nốt mụn thông thường (mụn đầu trắng, mụn ẩn, mụn viêm nhỏ) đã chín già, xử lý đúng cách thì da sẽ phục hồi hoàn toàn sau 10 - 14 ngày. Ngay sau nặn mụn, da có thể bị sưng và đỏ tấy nhưng tình trạng này sẽ hết trong 1 - 2 ngày kế tiếp.
  • Với những nốt mụn lớn, cồi mụn nằm sâu hoặc khu trú trong phạm vi rộng thì thời gian phục hồi da có thể kéo dài 3 - 4 tuần. Trong một số trường hợp, bạn còn cần dùng đến thuốc kháng sinh để ngăn ngừa bội nhiễm. Những vết thâm do những nốt mụn này gây ra cũng sẫm màu và lâu mờ hơn. Từ khi xuất hiện đến khi biến mất có thể kéo dài tới 8 tuần.
  • Với nốt mụn mới nhú nhưng bạn vẫn cố tình nặn bỏ thì dù làm theo cách nào, nhân mụn cũng không thể giải phóng ra ngoài. Khi đó da có thể bị bầm dập, chảy máu mà nhân mụn vẫn không được lấy hết. Vậy nên hiện tượng sưng tấy sẽ kéo dài cho đến khi nào phần cồi se khô, nhô lên và được nặn bỏ hoàn toàn thì da mới dần phục hồi. Chính vì thế, quá trình lành mụn sẽ kéo dài “lê la” và vết thâm để lại rất khó mờ đi qua năm tháng.
Nặn mụn bao lâu thì lành? Bật mí quy trình nặn mụn chuẩn chỉnh 3
Việc nặn mụn bao lâu thì lành phụ thuộc vào đặc điểm phân loại, trạng thái mụn và cách mà bạn can thiệp, xử lý

Tần suất nặn mụn như thế nào là phù hợp?

Trong trường hợp đang phải sống chung với mụn thì bạn có biết bao lâu mình nên nặn mụn một lần hay không?

  • Nếu bạn xuất hiện các loại mụn nhẹ, không viêm hoặc ít viêm như mụn ẩn, mụn đầu trắng, mụn đầu đen,... Đặc biệt là số lượng ít thì 2 - 3 tuần nên nặn mụn 1 lần. Trong trường hợp số lượng nhiều, phân bố trên phạm vi rộng thì chu kỳ lý tưởng là 1 - 2 tuần/lần.
  • Nếu mụn của bạn là mụn viêm, số lượng nhiều (mức độ trung bình đến nặng) thì nên đi nặn mụn hằng tuần để xử lý dứt điểm, hạn chế nguy cơ lây lan. Lưu ý, đây là tần suất tối đa, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên nặn mụn nhiều hơn một lần mỗi tuần bởi da cần có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, tiến độ se cồi của các nốt mụn không chỉ diễn ra nhanh chóng trong một vài ngày. Vậy nên nặn mụn liên tục là lựa chọn sai lầm.
Nặn mụn bao lâu thì lành? Bật mí quy trình nặn mụn chuẩn chỉnh 4
Chúng ta không nên lạm dụng việc nặn mụn mà cần duy trì với tần suất phù hợp và chọn mặt gửi vàng ở địa chỉ nặn mụn uy tín

Bên cạnh đó, việc nặn mụn tại nhà cũng không được khuyến cáo, trừ khi bạn chỉ có vài nốt mụn không viêm. Các trường hợp còn lại nên năn mụn tại bệnh viện hoặc phòng khám da liễu để đảm bảo tiến trình lấy nhân mụn diễn ra đúng cách, an toàn và triệt để.

Những điểm cần lưu ý để đẩy nhanh tốc độ lành mụn

Để tiến trình lành mụn diễn ra nhanh hơn, bạn hãy đặc biệt lưu tâm đến những phương diện sau:

  • Ăn uống lành mạnh, đủ chất và uống đủ nước để quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng diễn ra hiệu quả. Như vậy tốc độ tái tạo da sẽ được tăng cường, giúp tổn thương sau mụn phục hồi nhanh chóng.
  • Kiêng những thực phẩm dễ gây viêm, kích ứng da hoặc làm tăng nguy cơ để lại sẹo như đồ nếp, hải sản, thịt bò, trứng, rau muống,...
  • Không trang điểm, sử dụng mỹ phẩm trong 3 ngày đầu tiên sau nặn mụn. Hãy để da thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình se lành tổn thương.
  • Không dưỡng da quá cầu kỳ sau nặn mụn, ưu tiên sản phẩm phục hồi có kết cấu lỏng, nhẹ mặt, thoáng da, thẩm thấu tốt.
  • Bảo vệ da trước ánh nắng trực tiếp, thoa sản phẩm chống nắng kết hợp che chắn kỹ càng.
  • Không sờ tay lên mặt, đặc biệt là vùng da vừa nặn mụn. Nếu cần thì phải sát khuẩn cẩn thận trước khi thao tác.
  • Có thể sử dụng thêm các thực phẩm chức năng chứa kẽm, vitamin C,... để hỗ trợ quá trình se lành tổn thương sau mụn.
  • Tránh xa khu vực có nhiều khói bụi, môi trường ô nhiễm. Sử dụng sữa rửa mặt dành cho da nhạy cảm, không chứa hạt cứng để tránh gây kích ứng, trầy xước da.

Câu hỏi “Nặn mụn bao lâu thì lành?” đã được giải đáp chi tiết trong bài viết. Sau cùng, chúc bạn học được cách nặn mụn an toàn, hiệu quả, nhanh lành tổn thương và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo những dòng chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu! Trân trọng!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin