Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mụn bọc là gì? Những điều bạn cần biết về mụn bọc

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn bọc là một loại mụn viêm, là các nốt u cứng, đau hình thành dưới da của bạn, biểu hiện bằng vết sưng đỏ xuất hiện trên bề mặt da. Mụn bọc cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu. Mụn bọc có thể thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sự tự tin và tinh thần của bạn. Bạn không thể tự điều trị mụn này. Và nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến sẹo. Uống thuốc và bôi thuốc theo toa là phương pháp điều trị chủ yếu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mụn bọc là gì?

Mụn bọc là một tình trạng mụn nặng, tạo bởi các nốt cứng hoặc nốt sần phát triển sâu dưới da của bạn do lỗ chân lông bị bít tắc. Các nốt sần bắt đầu xuất hiện bên dưới bề mặt, sau đó xuất hiện trên da dưới dạng vết sưng đỏ. Những vết sưng này thường không đi kèm mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen ở trung tâm.

Các nốt sần có thể tồn tại hàng tuần đến hàng tháng. Chúng thường gây đau cho bạn. Mụn bọc thường xuất hiện trên mặt, ngực và lưng của bạn.

Mụn bọc là tình trạng về da phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Khoảng 50 triệu người Mỹ bị mụn bọc, trong đó khoảng 20 phần trăm số người bị mụn bọc mức độ nặng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mụn bọc

Bạn có thể có một nốt mụn tự xuất hiện hoặc bạn có thể có một vài nốt mụn xuất hiện cùng lúc. Bác sĩ thường gọi là mụn ẩn vì chúng xuất hiện ở dưới da của bạn. Các triệu chứng của mụn bọc:

  • Những nốt mụn mà bạn có thể sờ thấy dưới da. Ở nam giới, chúng thường xuất hiện trên mặt, lưng và ngực. Ở nữ giới, các nốt mụn thường xuất hiện ở xương hàm hoặc cằm.
  • Đau hoặc nhạy cảm, đặc biệt khi bạn chạm vào các nốt mụn.
  • Các cục mụn nổi lên thường có màu đỏ hoặc cùng màu với màu da của bạn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc mụn bọc

Mụn bọc mức độ nặng có thể khiến bạn cảm thấy chán nản, tự ti hoặc xấu hổ. Mụn bọc gây ra những cảm xúc này hoặc có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn. Nặng nề hơn, chúng có thể gây ra tình trạng trầm cảm cho người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc con mình có dấu hiệu mụn bọc, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và chẩn đoán. Quan trọng nhất là bạn cần điều trị mụn bọc càng sớm càng tốt để ngăn ngừa sẹo hoặc diễn tiến nghiêm trọng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mụn bọc

Mụn bọc phát triển giống các loại mụn khác. Chúng xảy ra khi lỗ chân lông trên da của bạn bị tắc nghẽn, giữ lại các tế bào da chết, tóc và bã nhờn (một loại dầu mà cơ thể tạo ra để giữ ẩm cho da). Vi khuẩn Cutibacterium acnes (C. acnes) sống tự nhiên trên da bị mắc kẹt bên trong gây ra nhiễm trùng, tình trạng viêm và đau.

Lỗ chân lông bị tắc có thể xảy ra nếu cơ thể bạn tiết ra quá nhiều bã nhờn hoặc nếu bạn không làm sạch da đúng cách. Chúng cũng có thể xảy ra do:

  • Đổ mồ hôi quá nhiều: Da đổ mồ hôi sẽ dễ bị nổi mụn bọc hơn, đặc biệt nếu quần áo bạn đang mặc khiến mồ hôi giữ trên da. Những người bị tăng tiết mồ hôi (một tình trạng bạn bị đổ mồ hôi quá nhiều) có nguy cơ bị mụn bọc cao hơn.
  • Di truyền: Bạn có thể bị mụn bọc nếu tiền sử những người thân trong gia đình mắc tình trạng này.
  • Nội tiết tố: Những người trẻ đang trải qua thời kỳ dậy thì có nhiều khả năng bị mụn bọc hơn do nồng độ nội tiết tố (hormone) thay đổi. Nồng độ androgen tăng cao có thể khiến dầu trên da nhiều hơn, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Thuốc: Một số loại thuốc khiến tình trạng mụn bọc dễ xuất hiện và trầm trọng hơn như corticosteroid.
  • Mỹ phẩm chăm sóc da: Một số loại kem dưỡng, đồ trang điểm có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến xuất hiện mụn bọc.
  • Căng thẳng và lo lắng: Sự căng thẳng (stress) và lo lắng gia tăng khiến cơ thể bạn tiết ra nhiều bã nhờn hơn do nồng độ cortisol tăng lên. Cortisol còn gọi là hormone căng thẳng của cơ thể.
Mụn bọc là gì? Những điều bạn cần biết 1.jpg
Đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường có thể là nguyên nhân gây ra mụn

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải mụn bọc?

Bất kỳ ai cũng có thể bị mụn bọc, chúng xuất hiện ở mọi lứa tuổi và mọi giới tính. Nhưng mụn bọc phổ biến hơn ở người trẻ và ở giới nam.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mụn bọc

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mụn bọc là:

  • Giới: Nam giới có nhiều hormone androgen hơn, khiến dầu trên da nhiều hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra mụn bọc.
  • Những người mang thai, đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc trong thời kỳ mãn kinh cũng có nguy cơ bị mụn bọc cao hơn.
  • Sử dụng mỹ phẩm và đồ trang điểm không phù hợp với da mặt có thể làm tăng nguy cơ bị mụn bọc.
  • Thường xuyên căng thẳng khiến cơ thể bạn tiết bã nhờn nhiều hơn.
Mụn bọc là gì? Những điều bạn cần biết 2.jpg
Mang thai là một yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị mụn hơn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm mụn bọc

Bác sĩ da liễu sẽ chẩn đoán mụn bọc của bạn thông qua khám da và hỏi về các triệu chứng của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi về mức độ đau của các nốt mụn và chúng xuất hiện ở đâu. Hãy khai báo cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào mà bạn sử dụng và liệu gia đình bạn có ai có tiền sử mắc mụn bọc hay không.

Điều trị mụn bọc

Mụn bọc cần được điều trị bởi bác sĩ da liễu. Các phương pháp trị mụn không kê đơn không có hiệu quả trong việc điều trị mụn bọc. Đừng nặn hoặc cố gắng bóp các nốt mụn vì chúng có thể khiến mụn bọc của bạn nặng nề hơn và dẫn đến sẹo mụn.

Để điều trị mụn bọc, bác sĩ da liễu có thể kê đơn cho bạn:

Thuốc kháng sinh

Sự phát triển quá mức của vi khuẩn C. acnes là một trong những yếu tố có thể gây mụn bọc. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống để tiêu diệt vi khuẩn giúp ngăn ngừa vi khuẩn bít tắc ở lỗ chân lông và gây ra mụn. Thuốc kháng sinh cũng có thể giúp giảm đau và tình trạng viêm do mụn bọc gây ra.

Thuốc kháng sinh có hiệu quả trong thời gian ngắn, không được điều trị lâu dài (thường kéo dài 7 đến 10 ngày) do có thể làm giảm tác dụng và gây ra nhiều tác dụng phụ khác.

Isotretinoin

Isotretinoin sẽ chỉ được kê đơn cho trường hợp mụn bọc mức độ nặng. Đây là một loại thuốc trị mụn theo toa mạnh và được sử dụng mỗi ngày. Một số tác dụng phụ thường gặp gồm:

  • Khô da, môi, mắt, họng, mũi;
  • Chảy máu cam;
  • Da trở nên nhạy cảm với ánh nắng mặt trời;
  • Đau đầu.

Phụ nữ có thai hoặc đang có dự định mang thai sẽ không được kê đơn thuốc này vì có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Thuốc tránh thai

Nội tiết tố có thể là một nguyên nhân gây ra mụn bọc, do đó thuốc tránh thai có thể được kê đơn cho những người bị nổi mụn do thay đổi nội tiết tố.

Thuốc bôi tại chỗ

Phương pháp điều trị tại chỗ có nghĩa là bôi thuốc trực tiếp lên da bị mụn. Bao gồm:

  • Kháng sinh bôi: Giúp tiêu diệt vi khuẩn bị mắc kẹt dưới da.
  • Retinoids: Là một chiết xuất vitamin A giúp làm thông thoáng lỗ chân lông.
  • Salicylic acid cường độ mạnh: Làm khô dầu thừa và làm sạch tế bào chết.

Thuốc bôi tại chỗ là một phương pháp có thể được chỉ định đầu tiên trước khi sử dụng thuốc uống. Ở những trường hợp mụn bọc nặng thì phương pháp này sử dụng đơn lẻ không cho thấy hiệu quả.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của mụn bọc

Chế độ sinh hoạt:

  • Không tự điều trị mụn bọc tại nhà.
  • Làm sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ vào buổi sáng và tối trước khi ngủ hoặc sau khi đổ mồ hôi.
  • Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm và dưỡng da không phù hợp hoặc chất lượng kém gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Rửa tay sạch trước khi đụng tay lên mặt.
  • Tránh chạm vào mặt để không truyền vi khuẩn lên da.
  • Không nặn mụn để tránh để lại sẹo.

Chế độ dinh dưỡng: Hạn chế các thức ăn dễ gây tăng tiết dầu và bã nhờn như đồ béo ngọt, sữa, đường giúp giảm tình trạng xuất hiện và làm nặng thêm mụn bọc. Ưu tiên các thức ăn lành mạnh, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Uống càng nhiều nước càng tốt, ít nhất 2l/ngày.

Mụn bọc là gì? Những điều bạn cần biết 3.jpg
Trái cây và rau xanh là những thực phẩm được khuyên dùng cho người bị mụn bọc

Phòng ngừa mụn bọc

Bạn có thể không phòng ngừa được mụn bọc, tuy nhiên bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hành vệ sinh tốt. Bao gồm:

  • Giữ sạch da: Làm sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ vào buổi sáng và tối trước khi ngủ hoặc sau khi đổ mồ hôi.
  • Giảm căng thẳng: Hãy thử các bài tập thở và kỹ thuật thư giãn để giảm bớt tình trạng bớt căng thẳng và lo lắng.
  • Sử dụng sản phẩm chất lượng và phù hợp: Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm và dưỡng da không phù hợp hoặc chất lượng kém gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Hãy ưu tiên những sản phẩm không gây mụn.
  • Rửa tay sạch trước khi đụng tay lên mặt.
  • Tránh chạm tay vào mặt để không truyền vi khuẩn lên da.
Mụn bọc là gì? Những điều bạn cần biết 4.jpg
Làm sạch da mặt ít nhất 2 lần/ngày

Các câu hỏi thường gặp về mụn bọc

Mụn bọc có thể gây sẹo hay không?

Mụn bọc có thể gây sẹo vì thứ nhất nếu bạn không điều trị nốt mụn, có thể dẫn đến tình trạng viêm nặng hơn và gây tổn thương các tế bào da xung quanh. Thứ hai, sau khi điều trị vùng da có mụn có thể tạo thành vết thâm. Những vết thâm có thể tồn tại đến vài tháng, thậm chí có thể biến thành sẹo vĩnh viễn.

Tôi cần chăm sóc da như thế nào để không bị mụn bọc?

Bạn có thể không ngăn ngừa được mụn bọc. Tuy nhiên, những lưu ý sau trong việc chăm sóc da có thể ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ xuất hiện mụn bọc: 

  • Rửa mặt 2 lần/ngày giúp ngăn ngừa vi khuẩn làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn. 
  • Hạn chế sử dụng quá nhiều sản phẩm dưỡng da vào ban đêm để hạn chế lượng dầu và vi khuẩn tích tụ trên da.
  • Thoa kem dưỡng ẩm dịu nhẹ.
  • Luôn rửa tay trước khi bôi mỹ phẩm và sản phẩm dưỡng da trên mặt.

Tôi có thể uống sữa khi bị mụn bọc hay không?

Các nhà khoa học nhận thấy, sữa (dù có đường hay không đường) cũng có thể gây nên mụn, trong đó có mụn bọc. Do đó, bạn không nên uống quá nhiều sữa, và ưu tiên sữa nguyên chất ít hoặc không đường.

Tại sao tôi lại bị mụn bọc nhiều hơn những người khác?

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể khiến bạn dễ bị mụn bọc hơn những người xung quanh gồm nội tiết tố, các sản phẩm dưỡng da và mỹ phẩm bạn đang sử dụng, stress, những thói quen không tốt như thường đưa tay lên mặt, không rửa tay sạch trước khi bôi mỹ phẩm lên mặt…

Tôi có nên tự nặn mụn tại nhà?

Bạn không nên tự nặn mụn tại nhà vì chúng sẽ khiến mụn càng nghiêm trọng hơn hoặc gây sưng đau, viêm nghiêm trọng.

Nguồn tham khảo
  1. Nodular Acne: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22888-nodular-acne
  2. What Is Nodular Acne and How Is It Treated?: https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/nodular-acne
  3. Nodular acne: Definition and treatment options: https://www.medicalnewstoday.com/articles/321815
  4. Nodulocystic acne: https://dermnetnz.org/topics/nodulocystic-acne
  5. How Nodular Acne Looks and How to Treat It: https://www.verywellhealth.com/nodular-acne-15817

Các bệnh liên quan

  1. Tóc rụng

  2. Mụn cóc, hạt cơm

  3. Vảy nến

  4. Ung thư mô mỡ

  5. Bỏng da

  6. Gai đen

  7. Loạn dưỡng móng

  8. Lichen phẳng

  9. Viêm da tiết bã

  10. Dày sừng ánh sáng