Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Não úng thủy ở trẻ em là gì? Não úng thủy có chữa được không?

Ngày 17/10/2022
Kích thước chữ

Não úng thủy là một trong những dị tật thần kinh bẩm sinh nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện kịp thời, căn bệnh này sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Vậy não úng thủy có chữa được không? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Não úng thủy là một trong những bệnh lý hệ thần kinh trung ương phức tạp, có thể dẫn đến di chứng và trì trệ về tâm lý ở trẻ. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi: Não úng thủy có chữa được không?

Não úng thủy là gì?

Não úng thủy là tình trạng bệnh lý của hệ thần kinh trung ương. Đó là tình trạng tích tụ dịch não tủy quá mức trong não thất do rối loạn quá trình sản xuất, hấp thụ và lưu thông.

Não úng thủy ở trẻ em là gì? Não úng thủy có chữa được không? Cách phòng tránh não úng thủy 1
Não úng thủy là gì?

Dịch não tủy là chất lỏng không màu bao quanh não và tủy sống, cung cấp dưỡng chất cho não, đồng thời bảo vệ hệ thần kinh trung ương trước các tác động cơ học. Sự dư thừa dịch não tủy làm cho đầu của trẻ có kích thước ngày càng lớn, đồng thời khiến nhu mô não bị tổn thương.

Não úng thủy có thể xuất hiện một cách từ từ hoặc rất nhanh, có thể do bẩm sinh, hoặc do di chứng của viêm màng não hay xuất huyết não. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đồng thời ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ.

Nguyên nhân xuất hiện tình trạng não úng thủy

Não úng thủy bẩm sinh

Tình trạng não úng thủy bẩm sinh xảy ra ngay sau khi trẻ chào đời, có thể do một trong các lý do dưới đây:

  • Giãn não thất: Là tình trạng kích thước của não thất lớn hơn bình thường do các khuyết tật bẩm sinh, khiến dòng chảy của dịch não tủy trở nên không bình thường, gây nên tình trạng não úng thủy.
  • Hẹp cống não: Các ống nối giữa các phần của não thất bị hẹp, vì vậy ngăn cản dòng chảy của dịch não tủy.
  • Nang màng nhện: Các túi nang chứa dịch não tủy phát triển không bình thường trong lớp màng nhện – là một lớp màng bao phủ ở não gây ảnh hưởng đến áp lực của dịch não tủy.
  • Nứt đốt sống: Đây là một dị tật của ống thần kinh. Khi đó, gai xương bị hở khiến tủy sống và hệ thần kinh hình thành bất thường làm xuất hiện dư thừa dịch não tủy.
  • Người mẹ nhiễm trùng trong quá trình mang thai: Nếu mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng trong quá trình mang thai, nguy cơ sinh con mắc não úng thủy sẽ tăng.

Não úng thủy mắc phải

Ngoài tình trạng não úng thủy bẩm sinh, cũng có một số trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh nhưng sau đó phát triển bệnh não úng thủy. Cụ thể các trường hợp này được mô tả dưới đây:

  • Nhiễm trùng hệ thần kinh: Gây bít tắc các nút mạch, từ đó làm giảm khả năng hấp thu dịch não tủy. Hoặc các vi khuẩn gây viêm tại các đám rối mạch mạc gây tăng tiết dịch não tủy.
  • Quá trình viêm: Các hiện tượng xơ hoá và dính do viêm đều gây não úng thủy. Đối với viêm màng não mủ, dịch não tủy có độ đặc quánh lớn gây trở ngại trong quá trình lưu thông, đến khi các dịch đó tạo thành mô xơ và dính, dịch não tủy không lọt qua được các lỗ trong hệ thống não thất, vì vậy gây nên tình trạng não úng thủy.
  • Chảy máu trong sọ: Nguyên nhân do dị dạng mạch máu não, phình động mạch não do chấn thương sọ não hoặc do chảy máu trong khi phẫu thuật, theo nguyên cứu, 63% trong tổng số đó gây não úng thủy.
  • Chấn thương ở vùng đầu: Gây chảy máu tại não thất, phù nề nhu mô não gây chèn ép hệ thống não thất.
  • Một số thuốc dùng trong điều trị như chất cản quang có thể gây não úng thủy với tỷ lệ nhất định.
Não úng thủy ở trẻ em là gì? Não úng thủy có chữa được không? Cách phòng tránh não úng thủy 2
Nhiễm trùng hệ thần kinh có thể gây nên tình trạng não úng thủy

Dấu hiệu nhận biết não úng thủy ở trẻ em

Căn bệnh não úng thủy có thể được nhận biết qua những dấu hiệu sau:

  • Đầu bé sưng bất thường: Đây là dấu hiệu đầu tiên và sớm nhất của não úng thủy. Kích thước đầu trẻ tăng theo từng ngày, theo đó, sọ sẽ mở rộng, căng phồng và có thể cảm nhận được khi sờ vào đầu. Tình trạng này có thể khiến đầu bé có hình dạng kì quặc và bất thường so với cơ thể.
  • Mắt nhìn lệch xuống: Mắt bé luôn nhìn xuống và không di chuyển nhiều.
  • Thay đổi dáng đi do rối loạn điều phối.
  • Chán ăn và nôn: Bé không chịu ăn uống, dễ dàng bị nôn mửa.
  • Thay đổi tri giác: Trẻ trở nên buồn ngủ cực độ, lú lẫn và đôi lúc xảy ra tình trạng hôn mê.
  • Khó chịu và động kinh: Tính cách trẻ trở nên thay đổi, dễ dàng cáu gắt, thậm chí thường xuyên bị động kinh.

Não úng thủy có chữa được không?

Tình trạng não úng thủy có thể gây tử vong trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, điều trị gần như không thể chữa khỏi tổn thương não đã xảy ra, mà chỉ ngăn chặn quá trình tổn thương thêm của não. Cách duy nhất để chữa bệnh não úng thủy là phẫu thuật, dưới đây là một số phương pháp phẫu thuật chỉ định cho não úng thủy:

  • Chèn Shunt: Ở hầu hết các trường hợp, một shunt được đưa vào. Shunt là hệ thống thoát nước làm bằng một ống dài có van giúp dịch não tủy chảy với tốc độ bình thường và đúng hướng. Tiếp sau đó, bác sĩ đưa một đầu của ống vào trong não, còn đầu kia hướng vào ngực hoặc khoang bụng. Sau đó, chất lỏng dư thừa sẽ chảy ra khỏi não bằng đầu kia của ống để có thể dễ dàng hấp thụ. Cấy ghép shunt thường là vĩnh viễn và bệnh nhân phải được theo dõi sức khỏe thường xuyên.
  • Thông liên thất: Một biện pháp khác thay thế cho phương pháp chèn ống là phẫu thuật cắt bỏ não thất. từ đó cho phép dịch não tủy rời khỏi não. Phương pháp này ít gây đau đớn, tuy nhiên ít hiệu quả với trẻ sơ sinh.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu trẻ bị não úng thủy được thực hiện phẫu thuật trước 6 tháng tuổi thì kết quả sẽ khả quan hơn: Đầu trẻ không bị to do ứ nước, hơn nữa trí tuệ của trẻ phát triển được như bình thường. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy trẻ bị não úng thủy sau khi thực hiện phẫu thuật có thể đến trường học tập như các trẻ bình thường khác.

Não úng thủy ở trẻ em là gì? Não úng thủy có chữa được không? Cách phòng tránh não úng thủy 3
Não úng thủy có chữa được không?

Các phương pháp phòng ngừa não úng thủy cho trẻ

Để phòng ngừa nguy cơ trẻ sinh ra mắc phải não úng thủy, các mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  • Khám sức khỏe định kỳ trong quá trình mang thai để phát hiện sớm bệnh, từ đó cơ hội sống của trẻ tăng lên.
  • Tiêm chủng trong thời gian mang thai: Các mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh.
  • Bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân như vi khuẩn, virus để giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển của bào thai.
  • Bảo vệ trẻ không bị chấn thương đầu: Trong quá trình trẻ tập bò, tập đi, cần loại bỏ những vật thể không an toàn. Sử dụng nôi có thanh chắn bảo vệ để giảm nguy cơ trẻ bị ngã.
  • Tiêm chủng cho trẻ để bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến não bộ.
Não úng thủy ở trẻ em là gì? Não úng thủy có chữa được không? Cách phòng tránh não úng thủy 4
Khám sức khỏe định kỳ giúp bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi: Não úng thủy có chữa được không. Nếu trẻ mắc não úng thủy được phát hiện và điều trị kịp thời thì trẻ hoàn toàn có thể phát triển bình thường như những trẻ khác. Chúc bạn đọc sức khỏe và tiếp tục theo dõi những bài viết trên trang web của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin