Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nên hay không nên tắm nước nóng? Tắm nước nóng có tác dụng gì ?

Ngày 27/09/2021
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nên hay không nên tắm nước nóng? Tắm nước nóng có tác dụng gì và cần phải lưu ý những vấn đề gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu tất tần tật những thắc mắc trên, tham khảo ngay nhé!

Tắm nước nóng là một thói quen yêu thích của nhiều người, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Các nghiên cứu khoa học cũng đã gợi ý rằng, việc tắm bằng nước nóng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy tóm lại nên hay không nên tắm nước nóng? Tắm nước nóng có tác dụng gì ? Cùng tìm lời giải đáp thắc mắc trong bài viết dưới đây nhé!

Tắm nước nóng có tác dụng gì?

1. Tắm nước nóng tốt cho tim mạch

Theo như đánh giá về “liệu pháp thuỷ sinh” được đăng tải trên Tạp chí Khoa học Y khoa Bắc Mỹ vào năm 2014 đã cho rằng, việc tắm nước nóng có thể sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu ở những người bị suy tim mãn tính. Nguyên nhân là do nhiệt độ sẽ giúp các mạch máu giãn ra và lưu lượng máu tăng lên.

nen-hay-khong-nen-tam-nuoc-nong-tam-nuoc-nong-co-tac-dung-gi

Tắm nước nóng giúp cải thiện lưu lượng máu ở những người bị suy tim mãn tính

Một nghiên cứu khác vào năm 2012 được đăng tải trên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng Châu  u đã chỉ ra rằng, việc tắm nước nóng có thể giúp làm giảm độ xơ cứng động mạch. Nhờ vậy sẽ làm giảm nguy cơ mắc phải và tiến triển của một số bệnh liên quan như xơ vữa động mạch, cao huyết áp. Cụ thể, nghiên cứu cũng cho thấy rằng, người thường xuyên ngâm bàn chân và cẳng chân trong nước ấm khoảng 30 phút sẽ làm giảm độ cứng động mạch đáng kể so với những người không ngâm chân. 

2. Thư giãn xương khớp và cơ bắp

Tắm nước nóng sẽ giúp tăng cường lưu lượng máu, thả lỏng các khớp bị cứng và thư giãn cơ bắp. Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyên rằng những người bị viêm khớp nên tắm nước ấm vào buổi sáng để giúp khớp được linh hoạt hơn.

Vào năm 2017, một nghiên cứu được đăng tải trên Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kỳ đã tiến hành khảo sát xem việc tắm nước nóng có tác dụng gì đối với người bị bệnh thoái hóa khớp gối. Kết quả đã cho thấy rằng, các cơn đau của người bệnh được suy giảm cũng như cải thiện nhẹ chức năng đầu gối khi kết hợp điều trị tiêu chuẩn cùng liệu pháp nhiệt (tức dùng nước nóng).

3. Liệu pháp giúp đốt cháy calo

Một trong những tác dụng hữu ích của việc tắm nước nóng là giúp bạn đốt cháy calo. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Loughborough tại Anh, một tiếng ngâm mình trong bồn nước nóng (khoảng 40 độ C) có thể đốt cháy lượng calo tương đương với 30 phút đi bộ.

Tuy nhiên, các bác sĩ lại không khuyến khích việc chỉ tắm nước nóng mà bỏ qua việc tập thể dục. Thay vào đó, bạn có thể xem việc ngâm mình trong bồn nước nóng là phần thưởng tuyệt vời sau một buổi tập luyện mệt mỏi.

4. Giảm lượng đường trong máu sau khi ăn

Nghiên cứu “đốt calo” nêu trên cũng cho thấy rằng, những người tắm bằng nước nóng sẽ có lượng đường trong máu sau khi ăn thấp hơn khoảng 10% so với khi tập thể dục. 

Tuy nhiên, các bệnh nhân đang điều trị tiểu đường vẫn cần phải tập thể dục, ăn kiêng và uống thuốc theo đúng chỉ định của các bác sĩ. Và việc tắm nước nóng có thể xem như một liệu pháp kết hợp để tăng hiệu quả cho việc trị bệnh.

nen-hay-khong-nen-tam-nuoc-nong-tam-nuoc-nong-co-tac-dung-gi-2

Tắm nước nóng giúp làm giảm lượng đường trong máu sau khi ăn

5. Giãn nở lỗ chân lông

Việc tắm bằng nước nóng sẽ giúp làm giãn nở lỗ chân lông và giúp loại bỏ bụi bẩn, độc tố tích tụ trên da trong ngày. Vì vậy, đây cũng được xem là một cách giúp chăm sóc da hiệu quả, đơn giản mà mọi người có thể tham khảo qua. 

Bên cạnh đó, tắm nước nóng còn giúp hạ sốt hiệu quả. Bởi khi tắm rửa sạch sẽ với nước ấm, lỗ chân lông sẽ được thông thoáng hơn và giúp cơ thể hạ nhiệt nhanh hơn. Người bị sốt cũng sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

6. Tắm nước nóng giúp ngủ ngon hơn

Tắm nước nóng còn giúp thư giãn cơ bắp, giảm stress, căng thẳng, lo lắng và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Khi kết hợp những lợi ích này, nó sẽ mang đến cho bạn một giấc ngủ ngon hơn.

Các nhà nghiên cứu khoa học cũng đã gợi ý rằng, việc tắm nước nóng trước khi đi ngủ sẽ giúp ngủ ngon giấc hơn. Thế nhưng, không nên vì thế mà bạn có thể thoải mái đi tắm đêm bằng nước nóng. Bởi điều này không chỉ khiến bạn cảm thấy khó ngủ hơn mà còn dẫn đến các tai biến nguy hiểm. Thời điểm trễ nhất mà bạn có thể đi tắm là 8 giờ tối.

nen-hay-khong-nen-tam-nuoc-nong-tam-nuoc-nong-co-tac-dung-gi-1

Tắm nước nóng giúp ngủ ngon hơn

7. Tốt cho não bộ

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Y Wakayama, Nhật Bản vào năm 2018 để kiểm tra tác dụng của tắm nước nóng đối với chức năng hoạt động của não bộ. Kết quả điều tra cho thấy, hoạt động này sẽ giúp làm tăng nồng độ các yếu tố dinh dưỡng thần kinh (Brain-derived neurotrophic factor – BDNF). Từ đó giúp gia tăng khả năng ghi nhớ và học tập, đồng thời giúp duy trì và thúc đẩy sự phát triển các tế bào thần kinh ở não bộ.

Tuy nhiên, đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ, vậy nên kết quả chỉ mang tính chất tham khảo.

Một số lưu ý quan trọng cần nhớ khi tắm nước nóng

Bên cạnh những lợi ích thì bạn cũng cần phải lưu ý một số điều quan trọng khi tắm nước nóng dưới đây để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và giúp hoạt động này đạt được hiệu quả tốt nhất: 

  • Không tắm nước quá nóng bởi nó có thể sẽ khiến bạn bị bỏng, khô rát da. Điều này càng nên hạn chế khi trời lạnh bởi nó có thể gây khô và kích ứng da.
  • Không nên tắm nước nóng quá lâu bởi nó sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao và dẫn đến say nóng, buồn nôn, khó chịu.
  • Phụ nữ mang thai không nên tắm nước nóng vì có thể sẽ làm tăng nguy cơ dị tật cho trẻ trong 3 tháng đầu thai kỳ và khiến mẹ bị mất nước ở những tháng về sau.
  • Không nên tắm quá khuya
  • Tắm nước nóng sẽ làm giãn mạch máu và giảm lượng máu đến bộ phận cao hơn tim, chẳng hạn như não bộ. Do đó, người bị huyết áp thấp hay thiếu máu não không nên tắm nước quá nóng hoặc tắm quá lâu. 
  • Người bị bệnh chàm tuyệt đối không được tắm nước nóng.

Hy vọng những chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bạn  giải đáp thắc mắc “nên hay không nên tắm nước nóng và tắm nước nóng có tác dụng gì đối với sức khỏe”. Trên thực tế, đây là một liệu pháp tốt nhưng bạn cần phải ghi nhớ một số lưu ý quan trọng để tắm nước nóng phát huy hết tác dụng nhé!

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm