Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Nên làm gì khi bị mụn nhọt ở mũi​?

Ngày 26/10/2024
Kích thước chữ

Mụn nhọt ở mũi không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến bạn cảm thấy khó chịu. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và làm sao để điều trị hiệu quả? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.

Mụn nhọt xuất hiện ở mũi không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến bạn cảm thấy đau nhức khó chịu. Vậy nguyên nhân nào khiến vùng da quanh mũi dễ nổi mụn? Làm thế nào để điều trị và ngăn ngừa mụn nhọt ở mũi​? Câu trả lời sẽ được Nhà thuốc Long Châu bật mí ngay trong bài viết này, đừng bỏ qua bạn nhé!

Nguyên nhân gây mụn nhọt ở mũi

Mụn nhọt hay còn gọi là mụn đầu đinh không hiếm gặp. Loại mụn này thường xuất hiện ở những vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, vùng da kín thường xuyên bị ẩm ướt, bí bách. Có những người bị mụn nhọt trên đầu, mụn nhọt ở lưng, mụn nhọt ở mông nhưng có người lại bị ở mũi.

Vi khuẩn gây mụn nhọt ở mũi

Mụn nhọt hình thành do sự kết hợp của nhiều yếu tố, chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập vào lỗ chân lông và gây viêm nhiễm. Vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) thường là “thủ phạm” chính gây mụn nhọt. Staphylococcus aureus là một loại vi khuẩn thường cư trú trên da và trong mũi của con người. Mặc dù chúng thường vô hại, nhưng khi xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở hoặc lỗ chân lông, chúng có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Ngoài ra còn có vi khuẩn Streptococcus pyogenes (tụ cầu liên cầu) và một số vi khuẩn khác cũng có thể gây mụn nhọt nhưng ít phổ biến hơn.

Nên làm gì khi bị mụn nhọt ở mũi​ 1
Không ít người gặp tình trạng bị mụn nhọt ở mũi

Quá trình hình thành mụn nhọt ở mũi

Quá trình hình thành mụn nhọt diễn ra như sau:

  • Đầu tiên, lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi tế bào chết, bã nhờn, bụi bẩn, mồ hôi.
  • Vi khuẩn gây ra mụn nhọt khi đó có cơ hội sinh sôi phát triển.
  • Hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại sự xâm nhập của vi khuẩn bằng cách tạo ra các tế bào bạch cầu để tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, quá trình này cũng gây ra viêm nhiễm, khiến vùng da xung quanh bị sưng đỏ và đau.
  • Vi khuẩn và các tế bào chết tích tụ lại tạo thành mủ, gây nên những nốt mụn sưng tấy.
  • Mụn nhọt có thể tự vỡ, mủ chảy ra ngoài và vết thương sẽ dần lành lại.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ bị mụn nhọt ở mũi thường là:

  • Không tắm rửa thường xuyên, vệ sinh da mặt không đúng cách, rửa mặt không sạch khiến bụi bẩn, dầu thừa tích tụ trong lỗ chân lông, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm.
  • Rửa tay không sạch sẽ nên khi dùng tay sờ lên mũi vô tình đưa vi khuẩn lên da khiến chúng có cơ hội tấn công vào nang lông, sinh sôi và gây mụn nhọt.
  • Tiểu đường, suy giảm miễn dịch, bệnh về da,... làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
  • Vết trầy xước, vết cắt, vết côn trùng cắn,… trên mũi cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào da.
  • Mồ hôi quá nhiều và tuyến bã nhờn trên mũi hoạt động mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi gây mụn nhọt.
  • Ngoài ra, một số yếu tố khác như chế độ ăn uống, stress, thay đổi nội tiết,… cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị mụn nhọt ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Nên làm gì khi bị mụn nhọt ở mũi​ 2
Mụn nhọt ở mũi có thể tái đi tái lại nhiều lần

Triệu chứng của mụn nhọt ở mũi

Mụn nhọt xuất hiện ở mũi thường có những triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết. Đầu tiên, có thể bạn chỉ thất một nốt mụn nhỏ, có sưng đỏ nhưng không đáng kể. Nốt mụn này có thể lớn hơn các nốt mụn bình thường ngay từ khi hình thành và cũng có thể chỉ giống như mụn thông thường. Tuy nhiên, sau vài ngày, nốt mụn sẽ lớn dần lên, sưng đỏ nhiều hơn và tạo thành nhọt.

Khi nhọt chưa phát triển tối đa, nếu dùng tay ấn vào quanh vị trí bị nhọt, bạn có thể thấy cứng, cảm giác đau xuất hiện. Khi nhọt lớn hơn, bạn có thể cảm thấy đau nhức mọi lúc. Càng ngày, đầu mủ sẽ xuất hiện càng lớn và càng rõ. Khi dùng tay ấn nhẹ vào vị trí bị nhọt, bạn sẽ cảm thấy mềm hơn do bên trong nhọt chứa đầy dịch máu và mủ.

Ở một số người bệnh, nhọt sưng to gây đau nhức thường trực và người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ. Nếu nhọt mọc gần vị trí các dây thần kinh, người bệnh còn có thể bị giật ở mặt hoặc đau ở đầu. Trong hầu hết trường hợp, mụn nhọt ở mũi xuất hiện đơn lẻ. Nhưng cũng có những trường hợp cá biệt, nhọt mọc thành cụm khiến cảm giác đau nhức, khó chịu gia tăng.

Nên làm gì khi bị mụn nhọt ở mũi​ 3
Mụn nhọt bên trong có mủ gây đau và có thể kèm theo sốt nhẹ

Cách điều trị mụn nhọt ở mũi

Mụn nhọt ở mũi có thể tự vỡ ra và lành thương. Khi khỏi, tại vị trí bị mụn nhọt sẽ xuất hiện vết thâm và sẹo, có thể là sẹo lõm hay sẹo lồi tùy cơ địa mỗi người. Những vết thâm sẹo trên khuôn mặt sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, khiến nhiều người thiếu tự tin. Một số trường hợp, mụn nhọt không được xử lý đúng cách có thể gây nhiễm trùng, áp xe vô cùng nguy hiểm. Do đó, việc nhận biết các triệu chứng mụn nhọt từ sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Ngay khi thấy dấu hiệu mụn nhọt, bạn nên áp dụng cách chăm sóc, điều trị tại nhà. Việc bạn cần làm là luôn rửa mặt và vệ sinh vùng mũi sạch sẽ. Hàng ngày bạn có thể dùng nước muối sinh lý vệ sinh vết mụn nhọt. Tuy nhiên, khi rửa, bạn cần thao tác nhẹ nhàng, tránh làm nhọt vỡ khi còn non. Bạn cũng không được tự ý nặn nhọt bằng dụng cụ không đảm bảo vì tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng.

Người bệnh cũng có thể sử dụng các sản phẩm trị mụn có chứa benzoyl peroxide hoặc acid salicylic. Chúng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và làm khô mụn. Trong trường hợp mụn nhọt có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây nhọt hiệu quả. Ngoài ra, kem bôi có chứa thành phần giảm viêm và kháng khuẩn cũng giúp làm dịu tình trạng viêm nhiễm. Cũng có trường hợp mụn nhọt nặng, nhiều mủ, bác sĩ cần dẫn lưu mủ và làm sạch vị trí nhiễm trùng.

Nên làm gì khi bị mụn nhọt ở mũi​ 4
Mụn nhọt quá lớn gây đau đớn và sốt có thể cần điều trị bằng thuốc

Phòng ngừa tái phát mụn nhọt ở mũi

Vì sao mụn nhọt tái phát nhiều lần? Nếu lần trước, mụn nhọt ở mũi chưa được điều trị khỏi hoàn toàn, vi khuẩn vẫn còn sót lại trong nang lông và có thể gây ra các đợt viêm nhiễm mới. Ngoài ra, vi khuẩn gây mụn nhọt có thể kháng lại một số loại kháng sinh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Để phòng ngừa mụn nhọt tái phát, bạn cần lưu ý:

  • Rửa mặt 2 lần/ngày với sữa rửa mặt phù hợp để loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn, giúp ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn ở vùng mũi.
  • Việc tránh chạm tay lên mặt cũng giúp giảm nguy cơ bị mụn trứng cá và mụn nhọt. Lý do là vì tay thường tiếp xúc với nhiều bề mặt và có thể mang theo vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Uống đủ nước và tiêu thụ nhiều rau xanh, trái cây sẽ cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ quá trình thải độc của da, tăng đề kháng cho da.

Mụn nhọt ở mũi trong hầu hết các trường hợp đều là vấn đề không nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Nhưng nếu không chăm sóc, vệ sinh đúng cách, mụn nhọt có thể bị nhiễm trùng, hình thành áp xe ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Nếu thấy nhọt ở mũi lớn, nhiều mủ, gây sốt, tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn cách điều trị phù hợp. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Mụn nhọtmụn