Hiện tượng bị đau thắt lưng và trễ kinh có phải là triệu chứng của việc mang thai hay không? Đây chắc hẳn là thắc mắc chung của tất cả chị em phụ nữ, đặc biệt là những chị em chưa từng mang thai. Để có câu trả lời phù hợp, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết sau nhé.
Đau thắt lưng kèm trễ kinh có phải dấu hiệu mang thai?
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ ít nhiều trải qua những thay đổi nhất định. Điều này gây ra các triệu chứng bất thường. Nhiều phụ nữ bị đau thắt lưng và trễ kinh. Vậy đau lưng và trễ kinh có phải dấu hiệu cảnh báo mang thai không?
Liệu đau thắt lưng kèm trễ kinh có phải là dấu hiệu mang thai không?
Các bác sĩ sản phụ khoa cho biết, hầu hết phụ nữ đều bị đau lưng và trễ kinh khi mang thai. Tuy nhiên, chỉ những dấu hiệu này thôi chưa đủ để xác định có thai. Trên thực tế, đau thắt lưng kèm theo chậm kinh có thể liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Để đánh giá chính xác hơn, tốt nhất bạn nên chú ý đến các triệu chứng kèm theo như:
-
Ra máu báo có thai.
-
Mệt mỏi, chán ăn.
-
Tiết nhiều dịch âm đạo.
-
Ngực căng và nhạy cảm.
-
Đi tiểu nhiều lần.
-
Khó chịu với mùi thức ăn.
-
Buồn nôn, ói mửa.
Các nguyên nhân gây đau thắt lưng và trễ kinh
Đau thắt lưng và chậm kinh không chỉ là dấu hiệu mang thai mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Đặc biệt là tình trạng căng thẳng, stress, thừa cân - béo phì, rối loạn phụ khoa, rối loạn cột sống…
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đau thắt lưng và trễ kinh:
U xơ tử cung
Nhiều trường hợp đau thắt lưng và trễ kinh ở phụ nữ thường liên quan đến các rối loạn phụ khoa. Một trong những bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ là u xơ tử cung.
Bệnh đặc trưng bởi sự hình thành nhiều khối u nhỏ với các kích thước khác nhau trong tử cung. Hầu hết các khối u đều lành tính và dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu chủ quan để lâu, một số khối u có thể tiến triển thành u ác tính với nhiều biến chứng nguy hiểm. Chị em có thể nhận biết u xơ tử cung qua những thay đổi bất thường của cơ thể như:
-
Rối loạn kinh nguyệt (chậm kinh, kinh nguyệt ra nhiều, mất kinh…)
-
Đau bụng và đau lưng.
-
Đau vùng xương chậu.
-
Đau khi đi tiểu, tiểu khó.
U xơ tử cung là bệnh phụ khoa có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Các tế bào tuyến cổ tử cung có thể tăng sinh bất thường và xâm lấn ra bề mặt ngoài của cổ tử cung. Tổn thương hình thành, sau đó là tiết dịch âm đạo bất thường. Điều này tạo môi trường thích hợp cho vi khuẩn, nấm men có hại tấn công và gây viêm nhiễm. Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây ra các triệu chứng sau:
-
Thường xuyên đau mỏi thắt lưng.
-
Đau rát âm đạo.
-
Chậm kinh, kinh nguyệt bất thường.
-
Đau khi quan hệ tình dục.
-
Tiểu tiện khó.
Do các bệnh phụ khoa khác
Ngoài u xơ tử cung và viêm lộ tuyến, đau thắt lưng và trễ kinh cũng có thể là những dấu hiệu của:
-
Viêm vùng chậu.
-
Viêm nội mạc tử cung.
-
Ung thư nội mạc tử cung.
-
Ung thư buồng trứng.
-
Ung thư cổ tử cung.
Stress, căng thẳng
Thường xuyên chịu áp lực và căng thẳng cũng khiến sức khỏe của bạn xấu đi. Ở phụ nữ, đây là nguyên nhân phổ biến gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Nó gây ra các triệu chứng bất thường như chậm kinh, vô kinh, đau thắt lưng, khiến tâm trạng thường xuyên khó chịu, dễ cáu gắt.
Thường xuyên chịu áp lực và căng thẳng có thể là nguyên nhân khiến sức khỏe của bạn xấu đi
Dùng các thuốc tránh thai
Thuốc uống tránh thai có thể gây ra tác dụng phụ phụ thuộc cơ địa từng người. Phụ nữ có thể bị căng tức ngực, đau lưng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Vì vậy, cần hết sức lưu ý khi sử dụng bất kỳ loại thuốc tránh thai nào. Đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp.
Thừa cân, béo phì
Ngày nay, rất nhiều phụ nữ phải đối mặt với vấn đề thừa cân, béo phì. Đây là yếu tố không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của xương mà còn liên quan đến rối loạn nội tiết. Cân nặng quá mức gây nhiều áp lực lên vùng cột sống thắt lưng, nhất là khi vận động thể thao. Lúc này, cơn đau thắt lưng rất dễ khởi phát. Ngoài ra, béo phì còn cản trở quá trình trao đổi chất và rối loạn nội tiết tố nữ. Đây là một trong những lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ bị trễ kinh.
Tuổi tiền mãn kinh gây trễ kinh
Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ thường bị mất dần chu kỳ kinh nguyệt do sự suy giảm hormone sinh dục. Đây là quy luật lão hóa tự nhiên khiến phụ nữ bị trễ kinh và đau lưng. Tình trạng này thường không nghiêm trọng nhưng cần hết sức thận trọng nếu nó kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác trong cơ thể. Ví dụ, suy nhược, khó chịu, mất ngủ kéo dài...
Do chấn thương
Chấn thương là một vấn đề rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, có thể gặp khi chơi thể thao, tham gia giao thông, hoặc do tai nạn tại nơi làm việc. Đặc biệt, chấn thương cột sống có thể dẫn đến tình trạng đau thắt lưng dai dẳng ở phụ nữ. Ngoài ra, chấn thương ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lưu thông máu. Kết quả là nhiều phụ nữ bị trễ kinh.
Các bệnh về cột sống gây đau thắt lưng
Đau thắt lưng là một triệu chứng rất phổ biến của bệnh rối loạn cơ xương khớp. Tuy nhiên, nhiều người không thể ngờ rằng triệu chứng trễ kinh của phụ nữ lại có liên quan đến nguyên nhân này. Thực tế, đau lưng kèm theo chậm kinh có thể do ảnh hưởng của bệnh lý cột sống như:
Làm gì khi bị đau thắt lưng và trễ kinh?
Thử thai
Nếu trước đó bạn có quan hệ tình dục không an toàn thì rất có thể bạn đã mang thai. Cần theo dõi thêm các dấu hiệu cảnh báo có thai khác để nhận biết rõ hơn.
Để chắc chắn rằng mình có thai, bạn có thể mua que thử thai về thử. Theo các bác sĩ sản phụ khoa, chị em nên dùng que thử thai khoảng 7 - 10 ngày sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, bạn nên thử khi bị chậm kinh khoảng một tuần. Cũng nên thử thai ngay khi thức dậy vào buổi sáng vì khi đó, nồng độ hCG trong nước tiểu là cao nhất, cho kết quả rõ ràng và chính xác nhất.
Hãy thử que để kiểm tra xem bạn có thai không
Nếu bạn thấy một vạch trên que thử thai, điều đó có nghĩa là bạn không có thai. Bạn có thể theo dõi tình trạng cơ thể và thử lại que sau một tuần. Nếu vẫn ở một vạch, hãy đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân gây đau thắt lưng và trễ kinh.
Giảm đau tại nhà
Đau lưng và chậm kinh gây ra nhiều phiền toái cho chị em trong cuộc sống hàng ngày. Để cải thiện các triệu chứng, nên áp dụng một số giải pháp giảm đau tại nhà như:
-
Tắm bằng nước ấm: Tắm nước ấm sẽ giúp giảm tình trạng đau mỏi vùng thắt lưng. Ngoài ra, đây còn là giải pháp tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp cơ thể thư thái, xả stress hiệu quả.
-
Chườm ấm: Chườm ấm cũng là một giải pháp để giảm nhanh cơn đau lưng. Hơi ấm của túi chườm giúp thư giãn gân, cơ và giải phóng hệ thống rễ thần kinh bị chèn ép. Phương pháp này đặc biệt thích hợp với những trường hợp đau thắt lưng và chậm kinh do các bệnh lý cột sống.
-
Massage: Ngoài chườm ấm, tắm nước ấm thì massage cũng là một giải pháp giảm đau lưng dễ dàng. Lực vừa đủ từ bàn và các ngón tay bên ngoài giúp giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu và thư giãn cơ thể hiệu quả.
-
Tập yoga: Nếu bị đau lưng và trễ kinh, hãy thử dành thời gian tập các động tác yoga phù hợp. Yoga không chỉ giúp giảm đau mà còn mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe, ví dụ như thúc đẩy lưu thông máu, ổn định hệ thống nội tiết và giảm căng thẳng.
Tập yoga có nhiều lợi ích cho sức khỏe
Thăm khám bác sĩ khi cần thiết
Như đã đề cập ở trên, đau thắt lưng và trễ kinh thường có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lí nguy hiểm. Đó có thể là một bệnh phụ khoa hoặc các bệnh về cột sống. Bạn nên chủ động hỏi ý kiến bác sĩ trong những trường hợp sau:
-
Ngứa vùng kín, ra khí hư bất thường, đau bụng dưới.
-
Đau dữ dội, dai dẳng.
-
Hạn chế vận động.
-
Suy nhược.
-
Giảm chất lượng giấc ngủ.
Khi đã xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra một kế hoạch điều trị được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Bạn nên chú ý điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tái khám thường xuyên để kiểm soát tốt quá trình điều trị và tránh các tác dụng phụ.
Các biện pháp phòng ngừa
-
Điều chỉnh và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Đảm bảo cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể từ các nguồn thực phẩm lành mạnh. Không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích.
-
Duy trì một lối sống khoa học và đều đặn. Không thức khuya, ngủ đúng giờ và đủ giấc. Đây là yếu tố quan trọng giúp cân bằng nội tiết tố và ổn định chức năng sinh lý.
-
Dành ít nhất 30 - 45 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất. Tập các bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội và tập yoga. Nó không chỉ giúp cải thiện sức khỏe xương khớp, ổn định hệ thống nội tiết mà còn giúp chị em duy trì vóc dáng cân đối.
-
Hãy luôn lạc quan và thư giãn. Tránh xa những áp lực, căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Khi căng thẳng, bạn có thể áp dụng phương pháp thiền, nghe nhạc, đọc sách… để cải thiện.
-
Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi bị bệnh.
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau thắt lưng và trễ kinh. Chú ý đến các triệu chứng kèm theo và chủ động khám bệnh bởi bác sĩ chuyên khoa. Điều trị nghiêm túc, đúng phác đồ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của chính bạn.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp