Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân gây ra tình trạng sưng lợi răng hàm và cách điều trị hiệu quả

Ngày 23/10/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sưng lợi răng hàm gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sâu răng, mọc răng khôn hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách. Với mỗi nguyên nhân sẽ có các cách điều trị sưng lợi răng hàm khác nhau. 

Vậy cụ thể sưng lợi răng hàm do nguyên nhân gì? Có những cách điều trị nào an toàn và hiệu quả, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu nhé.

Nguyên nhân gây ra tình trạng sưng lợi răng hàm

Sâu răng hàm gây sưng lợi

Sâu răng là vấn đề răng miệng phổ biến và có thể gây hại cho bất cứ răng nào của hàm. Sâu răng sẽ làm tổn thương các khu vực cứng của răng rồi phát triển thành những khe hở hoặc lỗ nhỏ li ti. Nếu sâu răng không được điều trị sớm và đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến đến tủy và khớp cắn. Các dấu hiệu khi răng hàm bị tổn thương là:

  • Đau nhức và ê buốt răng.
  • Sưng lợi răng hàm.
  • Răng bị đổi màu thành nâu hoặc đen.
  • Đau răng khi cắn. 

Sâu răng cần được điều trị sớm để tránh mất răng và ảnh hưởng tới các răng bên cạnh. Vì vậy, nếu có các dấu hiệu sâu răng trên, người bệnh cần đến gặp nha sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Sâu răng hàm gây sưng lợi
Sâu răng gây sưng lợi răng hàm

Áp xe dẫn đến sưng lợi răng hàm

Sâu răng nghiêm trọng nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng chân răng. Tình trạng này nếu trở nên nặng hơn sẽ hình thành túi mủ, được gọi là áp xe. Áp xe gây ra sưng nướu của răng hàm hoặc các răng xung quanh.

Một số triệu chứng của áp xe răng có thể gặp bao gồm:

  • Sưng lợi răng hàm.
  • Đau răng dữ dội, đôi khi có thể lan sang cổ, xương hàm và tai.
  • Nhạy cảm với đồ ăn nóng và lạnh.
  • Sốt.
  • Bị sưng má hoặc mặt.
  • Nhạy cảm khi cắn và nhai.
  • Sưng đau các hạch bạch huyết dưới cổ, hàm.
  • Chảy dịch có mùi hôi, vị tanh, mặn trong miệng nếu áp xe vỡ.
  • Khó thở hoặc khó nuốt.

Áp xe có thể gây ra sưng lợi răng hàm, dẫn đến mất răng và một số biến chứng nguy hiểm khác. Vì vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ sẽ điều trị bằng cách dẫn lưu dịch áp xe và loại bỏ nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, trong một trường hợp bác sĩ sẽ lấy tủy răng để giảm thiểu nguy cơ nhổ răng. Áp xe răng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tính mạng.

Bệnh sỏi tuyến nước bọt

Sỏi tuyến nước bọt là tình trạng canxi bị lắng đọng và hình thành trong các tuyến nước bọt. Vấn đề này thường gặp ở những người từ 30 – 60 tuổi và phổ biến hơn ở nam giới. Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra sỏi tuyến nước bọt vẫn chưa được giải thích. Tuy nhiên, vi khuẩn và thức ăn sót lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nếu không được điều trị sớm, bệnh này có thể làm tắc nghẽn tuyến nước bọt, dẫn đến nhiễm trùng khoang miệng. Nhiễm trùng thường biểu hiện bằng các dấu hiệu như:

  • Sưng lợi răng hàm.
  • Nhạy cảm ở vị trí bị tổn thương.
  • Khó chịu hoặc đau khi nhai.
  • Xuất hiện dịch có mùi hôi. 
  • Có thể bị sốt.

Sỏi tuyến nước bọt ít khi gây biến chứng nghiêm trọng và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu các triệu chứng quá nặng và gây khó chịu thì người bệnh phải đến viện để khám ngay lập tức.

Viêm nướu răng khiến lợi bị sưng

Sưng lợi răng hàm có thể là một trong số các dấu hiệu của viêm nướu. Đây là một bệnh lý phổ biến, thường gây kích ứng, viêm và sưng tấy. Các triệu chứng của viêm nướu răng thường nhẹ, tuy nhiên nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm nha chu và mất răng. 

Viêm lợi thường do vệ sinh răng miệng không đúng cách. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và hình thành các mảng bám tích tự ở răng. Kết quả là lợi bị sưng và gây đau đớn cho người bệnh. Các dấu hiệu nhận biết viêm nước răng là:

  • Nướu sưng đỏ.
  • Chảy máu khi đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa.
  • Răng yếu, lung lay.
  • Có mủ giữa răng và lợi.
  • Đau khi nhai.
  • Răng nhạy cảm.
Viêm nướu răng gây ra tình trạng sưng lợi răng hàm
Viêm nướu có thể khiến lợi bị sưng đau

Cách điều trị sưng lợi răng hàm hiệu quả

Súc miệng bằng nước muối

Đa số tình trạng sưng lợi răng hàm là do vệ sinh răng miệng không đúng cách. Vì vậy, súc miệng bằng nước muối là một phương pháp điều trị tình trạng này rất tốt. 

Muối có khả năng giúp loại bỏ vi khuẩn trong miệng. Cách thực hiện là dùng 1 thìa muối pha với một cốc nước ấm, sau đó khuấy đều và súc miệng trong khoảng 30 giây. Súc miệng hai lần mỗi ngày để có thể cải thiện được các triệu chứng hiệu quả.

Cách điều trị sưng lợi răng hàm: súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối để điều trị sưng lợi răng hàm

Chườm nóng hoặc lạnh vị trí bên ngoài vị trí sưng

Chườm nóng hoặc lạnh cũng là một cách hỗ trợ giảm đau và sưng lợi răng hàm rất tốt.

  • Chườm lạnh: Dùng một ít đá bọc trong tấm vải sạch và chườm bên ngoài khu vực lợi răng hàm bị sưng. Lưu ý không được đặt trực tiếp đá lên da để tránh gặp phải các tổn thương không mong muốn.
  • Chườm nóng: Nhúng một tấm vải sạch vào nước nóng, vắt ráo nước, sau đó chườm nhẹ nhàng lên vùng bị đau. Tuyệt đối không đắp trực tiếp lên nướu răng không làm nướu bị tổn thương.

Bột nghệ có khả năng làm giảm sưng lợi răng hàm

Nghệ là sản phẩm tự nhiên có tính chất chống oxy hóa và chống viêm rất hiệu quả. Nghệ có khả năng làm giảm sưng đau, ngăn ngừa viêm lợi và hỗ trợ các bệnh lý khác về răng miệng.

Dùng một nửa thìa bột nghệ trộn với một lượng nước vừa đủ để tạo ra hỗn hợp sền sệt. Thoa hỗn hợp bột nghệ vừa pha lên nướu răng bị sưng đau và để yên trong 7 phút. Sau đó súc miệng nước ấm để rửa sạch phần bã nghệ. Thực hiện phương pháp này 2 lần mỗi ngày để mang đến hiệu quả tốt nhất.

Thuốc giảm đau không kê đơn

Một số thuốc giảm đau không kê đơn NSAID như acetaminophen, aspirin, ibuprofen có thể giúp giảm đau và cải thiện tình trạng sưng lợi răng hàm. Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng và các phương pháp khác không có tác dụng, người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau để cải thiện triệu chứng. 

Nên kết hợp sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị tại nhà để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên trước khi dùng thuốc mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài để tránh bị các tác dụng phụ của thuốc như đau dạ dày và viêm loét dạ dày tá tràng. 

Như vậy, sưng lợi răng hàm có thể gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Nếu bệnh nhẹ thì có thể sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên nếu bệnh trở nên trầm trọng, mọi người cần phải gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mong rằng bài viết đã mang lại nhiều kiến thức cho các bạn. Chúc mọi người luôn khỏe mạnh và đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà thuốc Long Châu để cập nhập thêm kiến thức nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm