Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Những dấu hiệu dọa sinh non mẹ bầu cần lưu ý

Ngày 05/08/2024
Kích thước chữ

Khoảng 70% trẻ sơ sinh trên thế giới tử vong do nguyên nhân sinh non. Vì thế, việc nhận biết sớm các dấu hiệu dọa sinh non để can thiệp kịp thời sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ an toàn cho cả mẹ và bé. Cùng tìm hiểu bài chia sẻ sau để hiểu hơn về tình trạng dọa sinh non này nhé!

Sinh non là vấn đề nguy hiểm, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể tử vong. Vì thế, ở giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu cần biết cách nhận biết các dấu hiệu dọa sinh non để xử trí kịp thời.

Dọa sinh non là tình trạng gì?

Sinh non được định nghĩa theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cuộc chuyển dạ xuất hiện từ tuần thứ 22 đến trước tuần 37 của giai đoạn thai kỳ, tính từ ngày đầu tiên của lần kinh cuối. Vì thế, dọa sinh non có thể hiểu là tình trạng xảy ra những dấu hiệu của sự chuyển dạ trong khoảng giai đoạn từ tuần thứ 22 đến tuần 37. Tuy nhiên lúc này, cổ tử cung còn đóng hoặc có dấu hiệu bắt đầu mở.

Dấu hiệu dọa sinh non mẹ bầu cần biết 1
Sinh non được định nghĩa là cuộc chuyển dạ xuất hiện từ tuần thứ 22 đến trước tuần 37 của giai đoạn thai kỳ

Tất cả mẹ bầu đều có nguy cơ bị sinh non, trong số đó, hơn 50% ca sinh non không biết rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, một số nguyên nhân được xác định khiến mẹ bầu có nguy cơ cao sinh non như:

  • Mẹ bầu đã từng sinh non khi mang thai lần trước đó.
  • Khoảng cách giữa hai lần mang thai dưới 18 tháng.
  • Mang thai đôi hoặc thai ba.
  • Mẹ bầu mắc các tình trạng nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Trước khi mang thai, mẹ bầu đã từng thực hiện phẫu thuật cổ tử cung.
  • Mẹ bầu mắc bệnh lý về tử cung như tử cung 1 sừng, u xơ tử cung.
  • Mẹ bầu bị rau bong non, đa ối, rau tiền đạo, ối vỡ sớm.
  • Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu thiếu máu mức độ vừa đến nặng.

Dấu hiệu dọa sinh non mẹ bầu cần biết

Trong giai đoạn mang thai, dấu hiệu dọa sinh non là một trong những vấn đề mẹ bầu cần nắm rõ để kịp thời xử lý nhằm tránh nguy hiểm xảy ra. Dấu hiệu của tình trạng dọa sinh non bao gồm:

  • Cảm giác bị đau bụng từng cơn và tức nặng ở phần bụng dưới, có thể kèm theo tình trạng tiêu chảy.
  • Đau lưng âm ỉ, liên tục đau theo từng kỳ, mặc dù trước đây mẹ bầu không hề có cảm giác bị đau lưng.
  • Mẹ bầu bị tăng dịch tiết ở phần âm đạo hoặc ra máu âm đạo.
  • Dịch ở âm đạo bị bất thường như xuất hiện nhầy giống như thạch và lẫn máu hoặc dịch âm đạo loãng như nước (đây có thể do nguyên nhân rò rỉ nước ối).
  • Xuất hiện cơn co tử cung tần suất đều đặn, khoảng 2 cơn trong 10 phút, thời gian xuất hiện co cứng khoảng dưới 30 giây và khi thay đổi tư thế vẫn không giảm. Cổ tử cung đóng hoặc chỉ mở khoảng dưới 2cm.
Dấu hiệu dọa sinh non mẹ bầu cần biết 2
Đau lưng âm ỉ, liên tục là một trong những dấu hiệu dọa sinh non mẹ bầu cần lưu ý

Giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3, mẹ bầu có thể thường xuyên cảm nhận các cơ co thắt đến từ cơn đau chuyển dạ giả hay còn được biết đến là cơn gò Braxton-Hicks nhằm làm mỏng là mềm cổ tử cung để thuận lợi trong quá trình sinh nở về sau.

Cơn gò chuyển dạ giả có đặc điểm khác với cơn gò của dọa sinh non. Cơn gò chuyển dạ giả thường xuất hiện với tần suất không đều, đau thường tập trung chủ yếu ở vùng bụng dưới và khi mẹ bầu thay đổi tư thế, cơn đau có thể biến mất. Nếu mẹ bầu xuất hiện cơn co thắt tử cung với những đặc điểm này, bạn không nên quá lo lắng vì đây không phải dấu hiệu dọa sinh non mà chỉ là tình trạng sinh lý bình thường.

Phòng tránh dọa sinh non bằng cách nào?

Trẻ sinh non có thể đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển về sau. Vì thế, phòng ngừa dọa sinh non là việc mà mẹ bầu nào cũng cần thực hiện. Mẹ bầu nên lưu ý các vấn đề về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng như sau:

  • Tư thế nằm: Mẹ bầu nằm nghiêng bên trái khi ngủ là tư thế tốt nhất. Tư thế nghiêng bên trái này có thể giúp mẹ bầu cải thiện được tuần hoàn máu bằng việc ngăn áp lực của tử cung đè lên tĩnh mạch, cơ quan nội tạng và lưng. Bên cạnh đó, tư thế này còn có thể giúp máu và chất dinh dưỡng cần thiết được đưa đến nhau thai một cách dễ dàng.
  • Dinh dưỡng cho mẹ bầu: Mẹ bầu cần ăn những thực phẩm giàu sinh dưỡng, khoa học để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Cụ thể, mẹ bầu cần ăn nhiều trái cây, rau củ, thịt, sữa, trứng, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt,... để bổ sung canxi, protein, axit folic, vitamin D, vitamin A,...
  • Thực phẩm cần kiêng: Mẹ bầu nên ăn đầy đủ, tránh bỏ bữa, tránh dùng bia, rượu, thức uống có cồn và những chất kích thích.
  • Tránh quan hệ tình dục: Mẹ bầu cần tránh quan hệ tình dục vì cơn gò tử cung có thể xảy ra khi mẹ bầu đạt được khoái cảm.
Dấu hiệu dọa sinh non mẹ bầu cần biết 3
Mẹ bầu nên bổ sung nhiều rau củ, trái cây trong giai đoạn mang thai

Bên cạnh đó, mẹ bầu cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc căng thẳng, tránh làm những việc nặng, đặc biệt là những mẹ bầu có nguy cơ sinh non cao.

Trên đây là những dấu hiệu dọa sinh non cũng như cách thức phòng ngừa tình trạng dọa sinh non ở mẹ bầu. Hi vọng sau khi đọc bài viết trên, mẹ bầu sẽ có được cho mình kiến thức bổ ích để bảo vệ bản thân cũng như bé yêu của mình nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin