Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sinh non và những điều mẹ cần biết

Ngày 09/06/2020
Kích thước chữ

Rất nhiều người đã được nghe tới từ sinh non, bé sinh non nhưng vẫn chưa thực sự hiểu rõ về nó. Trẻ được gọi là sinh non nếu chào đợi khi chưa đủ 37 tuần thai kỳ.

So với trẻ đủ 9 tháng 10 ngày thì trẻ sinh non có nguy cơ mắc nhiều bệnh như khuyết tật phát triển, bại não, khiếm thị và khiếm thính cao hơn. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Chuyển dạ sớm là tình trạng gì?

Chuyển dạ sớm được định nghĩa là sự co bóp tử cung thường xuyên dẫn đến cổ tử cung bắt đầu có sự thay đổi, gây dọa sinh non, trước khi thai nhi được 37 tuần tuổi.

Những thay đổi trong cổ tử cung khi chuyển dạ sớm bao gồm sự thoát ra (cổ tử cung di chuyển ra ngoài) và sự giãn nở (cổ tử cung mở ra để thai nhi có thể đi vào ống sinh). Trong một số trường hợp, chuyển dạ sớm có thể dẫn đến nguy cơ trẻ sinh non.

Sinh non là gì?

Sinh non có nghĩa là việc khi em bé chào đời quá sớm so với lịch dự sinh. Khi mẹ bầu lâm bồn và sinh ra em bé trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là sinh non. Mẹ bầu cần tìm hiểu các nguyên nhân dọa sinh non để phòng tránh tốt nhất có thể.

Sinh non và những điều mẹ cần biết 1Sinh non có nghĩa là việc khi em bé chào đời quá sớm so với lịch dự sinh.

Rủi ro khi trẻ sinh non

Trẻ sinh non có thể gặp phải một số rủi ro nhất định bởi vì các bé được sinh ra quá sớm có thể không được phát triển đầy đủ. Em bé sinh sớm thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bại não, thường kéo dài suốt đời. Các vấn đề khác, chẳng hạn như khiếm khuyết về nhận thức, có thể xuất hiện muộn hơn khi bé bắt đầu vào mầm non hoặc thậm chí trễ hơn khi đến tuổi trưởng thành.

Nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe là cao nhất đối với em bé sinh ra trước tuần thai thứ 34. Tuy nhiên, các bé sinh ra trong khoảng 34 đến 37 tuần mang thai cũng có nguy cơ nhất định.

Các nguyên nhân dọa sinh non

Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ sinh non, bao gồm:

  • Đã có tiền sử sinh con sớm;
  • Chị em bẩm sinh cổ tử cung ngắn cũng gây tình trạng sinh non;
  • Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai quá ngắn;
  • Đã từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung;
  • Một số rối loạn khi mang thai, chẳng hạn như mang đa thai hoặc chảy máu âm đạo;
  • Các yếu tố về lối sống như ít vận động, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) khi mang thai.

Dấu hiệu dọa sinh non

Hãy gọi ngay cho bác sĩ sản khoa hoặc đưa sản phụ đi bệnh viện ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dọa sinh non nào sau đây:

  • Dịch tiết âm đạo có sự thay đổi (rỉ dịch lỏng, nhầy hơn hoặc có máu)
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Tăng áp lực vùng chậu hoặc dưới bụng
  • Đau lưng ở vùng thấp liên tục, âm ỉ
  • Chuột rút nhẹ ở bụng
  • Đau quặn bụng giống đau bụng kinh, hoặc đau kèm với những cơn co thắt tử cung liên tục
  • Vỡ màng ối (thấy nước ối xuất hiện và tuôn ra ngoài, đôi khi chỉ là một giọt chất lỏng).
Sinh non và những điều mẹ cần biết 2Một số dấu hiệu dọa sinh non như dịch tiết âm đạo rỉ, tăng áp lực xương chậu hay đau quặn bụng...

Chẩn đoán chuyển dạ sinh non

Chuyển dạ sinh non chỉ có thể được chẩn đoán khi nhận thấy dấu hiệu thay đổi trong cổ tử cung. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra vùng chậu để xác định hiện trạng khu vực cổ tử cung. Nhiều khả năng sản phụ phải cần thăm khám kiểm tra nhiều lần trong vòng vài giờ. Các cơn co thắt cũng sẽ được ghi nhận và theo dõi sát sao.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm sau đây để cân nhắc xem bạn có cần phải nhập viện điều trị hay không:

  • Siêu âm qua âm đạo: Để đo chiều dài cổ tử cung của bạn.
  • Xét nghiệm fFN: Đo nồng độ của một protein (gọi là fibronectin) của bào thai trong dịch tiết âm đạo. Sự hiện diện của protein này giúp dự đoán nguy cơ trẻ sinh non.
  • Nếu nhận thấy tình trạng thai phụ đang nguy cấp, bác sĩ sẽ triển khai cấp cứu ngay lập tức.
Sinh non và những điều mẹ cần biết 3Để chuẩn đoán dọa sinh non, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm, kiểm tra để kết luận.

Kiểm soát những cơn chuyển dạ sinh non

Nếu tiếp tục gặp phải những cơn co thắt dọa sinh non, sản phụ cần được chăm sóc và kiểm soát với chế độ phù hợp nhất cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Mặt khác, điều này đôi khi lại có lợi cho sự phát triển của thai nhi khi có thể trì hoãn thời gian sinh nở. Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định để đối phó với tình trạng co thắt dọa sinh non của mẹ bầu, bao gồm:

  • Corticosteroid: Là thuốc có khả năng đi qua nhau thai và giúp tăng tốc độ phát triển các cơ quan của thai nhi như phổi, não và hệ tiêu hóa.
  • Magie sulfat: Giúp giảm nguy cơ bại não liên quan đến sinh non, ngoài ra còn có tác dụng giảm co thắt.
  • Tocolytics: Để hoãn thời điểm sinh con của sản phụ trong thời gian ngắn (không quá 48 giờ). Trong thời gian đó, bác sĩ có thể kịp thời cho thai phụ sử dụng Corticosteroid hoặc Magiê sulfat, hoặc chuyển thai phụ đến bệnh viện có chuyên môn cao hơn về kinh nghiệm xử lý các ca sinh non.

Nếu bạn nhận thấy mình có nguy cơ sinh non cao, hãy trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận biết kịp thời các dấu hiệu dọa sinh non và có cách xử lý tốt nhất.

Thanh Hoa

Nguồn Tham Khảo: Bệnh viện Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:sinh non