Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Chuyển dạ sinh non: Nguyên nhân, hướng điều trị và các biện pháp phòng ngừa

Ngày 03/10/2024
Kích thước chữ

Ngày nay, chuyển dạ sinh non là vấn đề khá phổ biến trong thai kỳ. Tình trạng này gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho thai nhi. Do đó, việc chủ động tìm hiểu các kiến thức về chuyển dạ sinh non là điều vô cùng cần thiết.

Vậy chuyển dạ sinh non là gì? Điều trị chuyển dạ sinh non ra sao? Phòng ngừa chuyển dạ sinh non như thế nào? Những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp được những băn khoăn này một cách chi tiết nhất.

Chuyển dạ sinh non là gì?

Chuyển dạ sinh non là việc sản phụ có các dấu hiệu chuyển dạ sớm trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Đối với trẻ sinh non, trẻ có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe do vậy mà thời gian lưu viện của trẻ sinh non thường dài hơn trẻ sinh đủ tháng.

Các triệu chứng của chuyển dạ sinh non có thể khiến sản phụ chủ quan hoặc nhầm lẫn bởi đây cũng là các triệu chứng thường gặp trong thai kỳ. Do đó, để đảm bảo chắc chắn và loại trừ chuyển dạ sinh non, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của chuyển dạ sinh non như đau bụng dưới như sắp đến tháng, cơn co thắt ở bụng cứ 10 phút/lần hoặc sớm hơn, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, đau lưng âm ỉ, cảm giác nặng và đau tức vùng chậu hoặc bụng dưới, đau quặn bụng, dịch âm đạo bất thường, vỡ ối non với biểu hiện nước ối chảy liên tục từ âm đạo… các mẹ nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

Chuyển dạ sinh non: Nguyên nhân, hướng điều trị và các biện pháp phòng ngừa 1
Chuyển dạ sinh non là gì?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non

Thực tế cho thấy, có rất nhiều các yếu tố khác nhau có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non. Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non, chị em có thể tham khảo:

  • Có tiền sử sinh non, hở eo tử cung, chiều dài cổ tử cung ngắn, tiền sử chấn thương cổ tử cung, đã từng phá thai to trước đó…
  • Có bất thường về tử cung như u xơ tử cung, tử cung dị dạng bẩm sinh…
  • Đang mắc các vấn đề sức khoẻ như cao huyết áp, đái tháo đường, tiền sản giật, các nhiễm trùng đường sinh dục hoặc rối loạn đông máu…
  • Có các vấn đề như đa thai, đa ối, thiểu ối, ối vỡ non, nhiễm trùng ối, nhau tiền đạo, nhau bong non, thai bị dị tật bẩm sinh…
  • Khoảng cách giữa 2 lần mang thai quá ngắn, cụ thể là dưới 6 tháng.
  • Tuổi mẹ dưới 17 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
  • Thừa cân, béo phì hoặc thiếu cân trước khi mang thai.
  • Thường xuyên hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích trong thai kỳ.
  • Làm việc quá mức trên 80 giờ/ngày, công việc yêu cầu phải đứng trên 8 tiếng/ngày.
  • Không được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai.
  • Tiền sử gia đình có thành viên chuyển dạ sinh non trước đó.
  • Thường xuyên căng thẳng, stress, không may gặp biến cố trong thời gian mang thai.
Chuyển dạ sinh non: Nguyên nhân, hướng điều trị và các biện pháp phòng ngừa 2
Sản phụ mang đa thai cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non

Điều trị chuyển dạ sinh non

Như đã trình bày phía trên, khi có dấu hiệu nghi ngờ chuyển dạ sinh non, chị em cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ càng sớm để được thăm khám. Trong trường hợp có chuyển dạ sinh non, chị em cần nhập viện để theo dõi và điều trị. Vậy điều trị chuyển dạ sinh non như thế nào?

Theo các chuyên gia, tùy thuộc vào tuổi tại ở thời điểm có chuyển dạ sinh non mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định một số biện pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khoẻ và tăng khả năng sống sót sau sinh cho trẻ sinh non tháng.

Dưới đây là 2 biện pháp can thiệp có thể được bác sĩ ưu tiên lựa chọn trong chuyển dạ sinh non, chị em có thể tham khảo:

Điều trị bằng thuốc

Thực tế cho thấy, không có bất cứ loại thuốc nào hay thủ thuật phẫu thuật nào để ngưng chuyển dạ khi chuyển dạ song bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc sau đây:

  • Corticosteroid: Trong trường hợp thai phụ đang ở trong tuần thứ 24 - 34 của thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid mạnh để tăng tốc độ trưởng thành phổi của thai nhi. Loại thuốc này cũng có thể được khuyên dùng bắt đầu từ tuần thai thứ 23 nếu sản phụ có nguy cơ sinh con trong vòng 7 ngày tới. Ngoài ra, Corticosteroid cũng có thể được sử dụng trong khoảng từ tuần thứ 34 - 36 của thai kỳ nếu như có nguy cơ sinh trong vòng 7 ngày tới và chưa được sử dụng Corticosteroid trước đó.
  • Magie sunfat: Loại thuốc này được chỉ định khi sản phụ có nguy cơ sinh non cao trong khoảng tuần thứ 24 - 32 của thai kỳ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, magie sunfat có thể giúp giảm nguy cơ mắc một loại tổn thương não đối với những trẻ được sinh ra trước tuần thứ 32 của thai kỳ.
  • Tocolytic: Được sử dụng nhằm mục đích ngừng tạm thời các cơn co thắt của sản phụ. Loại thuốc này có thể trì hoãn chuyển dạ sinh non đủ lâu để có thể tối ưu hoá lợi ích của corticosteroid hoặc nếu cần thiết.

Khâu eo cổ tử cung

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sản phụ khâu eo cổ tử cung do cổ tử cung ngắn để giữ được phần ối và bào thai được phát triển bình thường trong bụng mẹ. Ở kỹ thuật này, cổ tử cung sẽ được khâu kín bằng chỉ khâu và chỉ khâu này sẽ được rút sau 36 tuần hoặc sớm hơn nếu cần thiết.

Khâu eo cổ tử cung thường được khuyến cáo khi bạn mang thai dưới 24 tuần, đã có tiền sử sinh non trước đó và siêu âm cho thấy cổ tử cung ngắn dưới 25mm hoặc đang hở.

Chuyển dạ sinh non: Nguyên nhân, hướng điều trị và các biện pháp phòng ngừa 3
Khâu eo cổ tử cung là một trong những biện pháp dự phòng sinh non

Phòng ngừa chuyển dạ sinh non

Mặc dù không thể ngăn ngừa chuyển dạ sinh non song một số việc làm dưới đây có thể giúp sản phụ tăng khả năng mang thai đủ tháng, khỏe mạnh:

  • Thường xuyên khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sức khoẻ của cả mẹ và bé trong thai kỳ. Nếu mẹ có tiền sử chuyển dạ sinh non hoặc có các dấu hiệu chuyển dạ sinh non, bạn cần đến gặp bác sĩ để theo dõi thường xuyên hơn.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều chất béo không bão hoà đa sẽ giúp làm giảm nguy cơ sinh non. Chính vì thế, các sản phụ được khuyến cáo nên ăn các thực phẩm giàu chất béo không bão hoà đa.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường… nếu có.
  • Không hút thuốc lá và tránh xa trước khói thuốc lá.
  • Cân nhắc khoảng cách giữa các lần mang thai. Một số nghiên cứu cho thấy, nếu các bà mẹ tiếp tục mang thai mà mới sinh chưa đầy tối thiểu 6 tháng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non.
Chuyển dạ sinh non: Nguyên nhân, hướng điều trị và các biện pháp phòng ngừa 4
Khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ là điều mà các mẹ nên làm

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề chuyển dạ sinh non mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, chị em có thể có cái nhìn rõ hơn về chủ đề này. Nếu còn bất cứ băn khoăn nào về chuyển dạ sinh non, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết để được chuyên gia giải đáp bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin