Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung là gì? Cách chẩn đoán và phòng tránh hiệu quả

Ngày 30/06/2023
Kích thước chữ

Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư nguy hiểm, phổ biến hàng đầu ở đối tượng nữ giới. Yếu tố tiên quyết là phát hiện nguyên nhân ung thư cổ tử cung cũng như chẩn đoán bệnh sớm, từ đó tăng hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh.

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung thường gặp là do virus HPV (Human Papillomavirus). Đây được coi là yếu tố quan trọng nhất gây bệnh. Virus thường lây bệnh và sinh sống trên bề mặt da, niêm mạc bộ phận sinh dục, hậu môn hay cổ họng nhưng không lây nhiễm vào máu hay cơ quan khác. Qua con đường tiếp xúc trực tiếp với da hay niêm mạc bộ phận sinh dục, virus có thể lây truyền từ người này sang người khác.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh ác tính ảnh hưởng đến cổ tử cung, một phần của hệ thống sinh dục nữ. Đây là loại ung thư phổ biến ở phụ nữ, gây ra bởi sự tăng sinh không kiểm soát của tế bào trong cổ tử cung.

Cổ tử cung là một phần quan trọng của tử cung, có nhiệm vụ kết nối tử cung với âm đạo. Ung thư cổ tử cung thường phát triển từ tế bào niêm mạc trong cổ tử cung, có chức năng bảo vệ và sản xuất chất nhầy. Khi những tế bào này bất thường, tăng sinh không thể kiểm soát được, chúng có thể biến đổi thành tế bào ung thư, tạo thành khối u ác tính.

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung có thể không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển, phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như xuất hiện máu sau quan hệ tình dục, ra máu trong thời kỳ mãn kinh, ra nhiều chất nhầy từ âm đạo có màu, mùi với cấu trúc bất thường hay đau ở vùng xương chậu.

Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả. Tùy thuộc vào giai đoạn cũng như tình trạng cụ thể của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp các phương pháp chữa trị như phẫu thuật cắt khối u, xạ trị, dùng thuốc nhắm trúng đích hay phối hợp liệu pháp miễn dịch.

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung, chẩn đoán và cách phòng tránh bệnh hiệu quả 1
Ung thư cổ tử cung phổ biến và nguy hiểm hàng đầu với phụ nữ

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến phụ nữ trên toàn thế giới. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung phổ biến do người bệnh nhiễm một loại virus gọi là Human Papillomavirus (HPV). HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục, một số chủng HPV có khả năng gây ra biến đổi di truyền trong tế bào cổ tử cung.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người nhiễm HPV đều phát triển ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Các chất hóa học có trong thuốc lá có thể gây tổn thương cho tế bào cổ tử cung làm tăng khả năng phát triển khối u.
  • Hệ miễn dịch suy yếu có thể làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng HPV, làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
  • Nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng lên theo tuổi. Phụ nữ trung niên hoặc sau mãn kinh có nguy cơ cao hơn so với phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản.
  • Quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt khi có nhiều đối tác tình dục hoặc bạn tình có tiền sử nhiễm HPV sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
  • Tiền sử có thành viên trong gia đình bị ung thư cổ tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, việc tiêm chủng vaccine phòng ngừa HPV và thực hiện kiểm tra sức khỏe phụ sản định kỳ là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, quan trọng.

Ngoài ra, duy trì một lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, thực hiện quan hệ tình dục an toàn, đồng thời chăm sóc sức khỏe tổng thể cũng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung, chẩn đoán và cách phòng tránh bệnh hiệu quả 2
Nguyên nhân ung thư cổ tử cung thường gặp là do virus Human Papillomavirus

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung rất quan trọng để có thể đưa ra phương án điều trị hiệu quả, cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Dưới đây là những xét nghiệm, thăm dò hình ảnh giúp chẩn đoán bệnh, cụ thể:

  • Xét nghiệm tế bào cổ tử cung hay Pap smear: Xét nghiệm Pap smear là một phương pháp phổ biến được sử dụng để phát hiện sớm các tế bào bất thường trong cổ tử cung. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung của bệnh nhân, sau đó kiểm tra chúng dưới kính hiển vi. Kết quả xét nghiệm có thể phân loại thành các loại bình thường, tế bào bất thường hoặc ung thư. Đồng thời, kỹ thuật viên có thể kết hợp tìm HPV để sàng lọc nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
  • Sinh thiết cổ tử cung: Sinh thiết là quá trình lấy mẫu một phần nhỏ của tế bào hoặc mô từ cổ tử cung để xác định tính chất tế bào. Phương pháp này bao gồm các kỹ thuật như soi cổ tử cung, sinh thiết chóp hay nạo nội mạc cổ tử cung. Từ đó, giúp chẩn đoán tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung.
  • MRI (Magnetic Resonance Imaging - chụp cộng hưởng từ) hay CT scan (Computed Tomography - chụp cắt lớp vi tính): Cả MRI cũng như CT scan cung cấp hình ảnh chi tiết về cổ tử cung và các cơ quan xung quanh, giúp bác sĩ đánh giá mức độ lan rộng của ung thư.
  • Các xét nghiệm thường quy khác như xét nghiệm máu hay chụp X-quang giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng quát của người bệnh.

Quá trình chẩn đoán ung thư cổ tử cung thường bao gồm sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau để đảm bảo tính chính xác của kết quả. Chẩn đoán sớm giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, đồng thời cải thiện cơ hội sống sót của bệnh nhân.

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung, chẩn đoán và cách phòng tránh bệnh hiệu quả 3
Người bệnh cần làm xét nghiệm máu để đánh giá tổng trạng sức khỏe

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ

Ngoài thắc mắc về nguyên nhân ung thư cổ tử cung thì nhiều chị em cũng quan tâm về biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, giúp chị em luôn khỏe mạnh. Dưới đây là một số phương pháp phòng tránh ung thư hiệu quả, cụ thể:

  • Tiêm chủng vaccine HPV: Virus Human Papillomavirus (HPV) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Tiêm chủng vaccine phòng ngừa HPV có thể giúp bảo vệ phụ nữ khỏi nhiễm HPV và giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Việc tiêm vaccine nên được thực hiện trước khi có tiếp xúc tình dục, tuân thủ các liều tiêm theo lịch trình được khuyến nghị.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) thì chủng ngừa HPV với vaccine kết hợp kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ là hai yếu tố quan trọng nhất để phát hiện bất thường tế bào cổ tử cung.
  • Sử dụng biện pháp an toàn trong quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn có thể tăng nguy cơ nhiễm HPV cũng như mắc ung thư cổ tử cung. Việc sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su có thể ngăn chặn nguyên nhân ung thư cổ tử cung là HPV, bảo vệ sức khỏe sinh sản cho đối tác nữ.
  • Chăm sóc sức khỏe tổng thể: Tuân thủ một lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Điều này bao gồm việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học với nhiều rau xanh, trái cây, vận động thường xuyên, giảm stress và giữ nguyên một trọng lượng cơ thể cân đối, phù hợp.
Nguyên nhân ung thư cổ tử cung, chẩn đoán và cách phòng tránh bệnh hiệu quả 4
Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh nếu có

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về nguyên nhân ung thư cổ tử cung cũng như biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả. Hi vọng với bài viết trên, độc giả đã nhận biết về căn bệnh này và có được những thông tin hữu ích cho mình. Hãy tiếp tục đón chờ những bài viết về nhiều chủ đề đa dạng trên trang web của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin