Những biến chứng xăm môi - Một vài lưu ý khi đi xăm môi
Ngày 14/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Để có được đôi môi căng mọng, hấp dẫn với màu sắc tươi tắn, nhiều chị em lựa chọn dịch vụ xăm môi để làm đẹp. Phương pháp này khá hiệu quả, thời gian phục hồi ngắn, tuy nhiên, cũng có những biến chứng xăm môi gây hại cho sức khỏe.
Xăm môi là một phương pháp làm đẹp phổ biến được nhiều người lựa chọn để có một đôi môi hấp dẫn và quyến rũ. Tuy nhiên, như bất kỳ quá trình thẩm mỹ nào khác, xăm môi cũng có thể gặp phải các biến chứng và vấn đề liên quan đáng lo ngại. Hãy cùng tìm hiểu một số biến chứng xăm môi qua bài viết dưới đây.
Xăm môi là gì?
Xăm môi là một phương pháp thẩm mỹ được sử dụng bởi đa số chị em phụ nữ để thay đổi đôi môi bị thâm, xỉn màu hoặc môi không cân đối. Sau khi hoàn thành quá trình xăm môi, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ rệt, khuôn mặt trở nên rạng ngời và đôi môi trông tươi trẻ hơn.
Xăm môi là một kỹ thuật mà các chuyên gia sử dụng máy phun xăm đặc biệt với đầu mũi kim có kích thước lớn (0.4 – 0.5mm), đưa mực xuống sâu vào tầng trung bì và hạ bì của da. Điều này dẫn đến tình trạng đau rát, chảy máu và sưng nề nhiều. Ngoài ra, việc kiêng cử sau quá trình xăm môi (như ăn rau muống, thịt gà, thịt bò, trứng) cũng gây khó khăn và phiền phức. Hơn nữa, bởi vì phương pháp này xâm lấn sâu vào trong da do đó nguy cơ xuất hiện biến chứng xăm môi ảnh hưởng tới sức khoẻ của bạn.
Những biến chứng xăm môi có thể gặp
Mặc dù phương pháp xăm môi đã trở nên vô cùng phổ biến, nhưng vẫn cần xem xét về các rủi ro và biến chứng mà phương pháp này gây ra, đặc biệt là với vùng môi nhạy cảm. Hãy xem xét những rủi ro sau đây:
Sưng: Kim xăm tạo ra những vết thương nhỏ trên da. Việc da sưng là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với những vết thương như vậy. Điều này sẽ giảm đi trong vài ngày. Chườm lạnh có thể giúp giảm sưng hiệu quả.
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng sau khi xăm ở vùng môi có thể xảy ra vì một số lý do. Điều quan trọng là đảm bảo người xăm cho bạn sử dụng thiết bị và kim xăm đã được tiệt trùng. Bạn cũng phải tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc sau khi xăm môi. Vì môi tiếp xúc với nước bọt, thức ăn và đồ uống, điều này cũng có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Sẹo: Khi vết thương xăm trên môi không lành đúng cách thì có thể để lại sẹo. Phản ứng dị ứng và nhiễm trùng sau khi xăm hình cũng có thể tăng nguy cơ gây ra mô sẹo tại vị trí xăm hình.
Phản ứng dị ứng: Nếu bạn có tiền sử dị ứng da hoặc da nhạy cảm, hãy thảo luận với nghệ nhân xăm cho bạn về việc sử dụng mực không gây dị ứng. Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng có thể bao gồm ngứa, phát ban và nổi mề đay.
Sốc phản vệ: Mặc dù hiếm gặp, nhưng tình trạng sốc phản vệ này đã được báo cáo trước đó ở một số người trong vòng vài giờ sau khi được xăm môi. Sưng môi là điều bình thường sau khi xăm môi. Tuy nhiên, nếu bạn cũng nhận thấy sưng quanh cổ và má, gặp khó khăn trong việc hít thở, hãy đi ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu không điều trị, sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh truyền nhiễm qua máu: Việc không sử dụng kim tiệt trùng có thể dẫn đến việc truyền nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua máu, chẳng hạn như viêm gan B, viêm gan C và HIV.
Một số lưu ý trước và sau khi đi xăm môi
Để có đôi môi căng mọng, quyến rũ và đạt được màu môi mong muốn, hãy lưu ý những điều sau đây trước khi xăm môi:
Trước khi xăm môi
Chọn cơ sở xăm môi uy tín: Hãy lựa chọn một cơ sở thẩm mỹ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, với đội ngũ chuyên viên có tay nghề giỏi. Điều này đảm bảo rằng quá trình xăm môi được thực hiện chính xác và giảm thiểu rủi ro.
Có bảo hành và cam kết hiệu quả: Ưu tiên chọn cơ sở thẩm mỹ có chế độ bảo hành chuyên nghiệp và cam kết về hiệu quả thẩm mỹ sau khi xăm môi. Điều này đảm bảo rằng bạn sẽ nhận được dịch vụ chất lượng và đạt được kết quả như mong đợi.
Chọn màu môi phù hợp: Hãy lựa chọn màu môi phù hợp để tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của khuôn mặt. Bạn có thể tham khảo các tông màu như đỏ cam, hồng cam, hồng đào, đỏ hồng, cam đất, vì chúng phổ biến và phù hợp với nhiều tông da.
Chuẩn bị trước khi xăm môi: Đảm bảo bạn có sức khỏe tốt trước khi thực hiện xăm môi. Tránh sử dụng các chất kích thích hoặc thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình xăm môi và kết quả sau khi xăm.
Sau khi xăm môi
Sau khi xăm môi, cần lưu ý cách chăm môi sau xăm cũng như chế độ ăn uống để vùng môi phục hồi và đạt được kết quả thẩm mỹ như mong muốn:
Tránh chà xát, gãi và làm trầy xước môi để đảm bảo màu sắc đều đẹp sau khi xăm. Hạn chế các hoạt động có thể gây tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Trong 3 ngày đầu sau phun xăm môi, tránh tiếp xúc môi với nước bằng cách sử dụng ống hút để uống nước. Tránh mồ hôi, xông hơi và tắm nước nóng trong 10 ngày đầu.
Tránh kéo căng môi quá mức sau khi xăm. Hạn chế cười to và hạn chế hút thuốc để tránh căng và ma sát vùng da môi.
Bảo vệ môi khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng sản phẩm chống nắng. Tia UV có thể gây làm mờ hoặc làm màu môi không đều sau khi xăm.
Khi tắm, tránh áp lực nước trực tiếp lên môi. Trong 10 ngày đầu, tránh gây tác động mạnh lên vùng xăm để đảm bảo quá trình lành vết thương diễn ra thuận lợi.
Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hoặc mỹ phẩm trực tiếp lên vùng môi xăm. Chọn dưỡng môi không hương liệu và không gây kích ứng. Hãy cẩn thận khi sử dụng phấn nền hoặc phấn phủ lên môi sau khi xăm.
Hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm hoặc kem dưỡng ẩm chứa Retin-A, axit glycol, AHA / BHA trên môi sau khi xăm để tránh tác động tiêu cực lên quá trình lành vết.
Tránh ăn những thực phẩm có khả năng gây kích ứng và viêm nhiễm vùng môi như đồ cay, chất kích thích, hải sản và rau muống.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như trái cây tươi và rau củ để giúp môi có màu sắc đẹp.
Với mục đích làm đẹp và tạo điểm nhấn cho vẻ ngoại hình, xăm môi có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng những biến chứng xăm môi có thể xảy ra. Hãy luôn tìm hiểu và đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định xăm môi, đồng thời hãy thảo luận với thợ xăm cho bạn để có sự hiểu biết chính xác về vấn đề xăm môi. Với sự cẩn trọng và sự chăm sóc đúng cách, bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp tự tin và quyến rũ của đôi môi xăm.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.