Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều bạn phải biết về dịch cúm mùa

Ngày 21/02/2020
Kích thước chữ

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus gây ra, nó có tính lây lan cao và rất dễ lây từ người sang người. Do đó, việc nắm các kiến thức về dịch cúm mùa sẽ giúp bạn chủ động và có hướng xử lý khi bản thân hoặc gia đình mắc phải bệnh.

Mỗi cá nhân đều có nguy cơ mắc cúm mùa nên việc hiểu biết về bệnh cực kì quan trọng, bài viết sẽ giúp bạn hiểu về bệnh dịch này nhé.

Tác nhân gây bệnh cúm mùa

Có 4 loại virus cúm mùa là virus cúm A, B, C và virus cúm D. Tuy nhiên, virus cúm A và B lưu hành và gây dịch bệnh theo mùa. Virus cúm C ít được phát hiện và thường gây ra các nhiễm trùng nhẹ. Virus cúm D ảnh hưởng chủ yếu lên gia súc và chưa có dấu hiệu lây nhiễm sang người.

Virus cúm A được phân nhóm dựa trên sự kết hợp của hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA), các protein trên bề mặt của virus. Có 3 loại cúm đang lưu hành ở người là cúm A (H1N1), cúm A (H3N3), cúm A (H5N1). Virus cúm B được chia thành các dòng. Hiện tại virus cúm B đang lưu hành thuộc về dòng B/Yamagata hoặc B/Victoria.

Những điều bạn phải biết về dịch cúm mùa 1

Có 4 loại virus cúm mùa là virus cúm A, B, C và virus cúm D

Dấu hiệu và triệu chứng của cúm mùa

Dấu hiệu của cúm mùa thường bắt đầu bằng tình trạng sốt đột ngột, ho, đau đầu, đau cơ, khớp, đau họng sổ mũi, cảm giác khó chịu nghiêm trọng.

Thông thường các triệu chứng ho và sốt sẽ biến mất sau khoảng 1 tuần mà không cần đến bất cứ sự can thiệp nào hay sự chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm có thể diễn biến nặng hoặc nghiêm trọng hơn là có thể tử vong.

Những điều bạn phải biết về dịch cúm mùa 2

Dấu hiệu của cúm mùa thường bắt đầu bằng tình trạng sốt đột ngột, ho, đau đầu

Yếu tố nguy cơ của cúm mùa

Đối tượng nào cũng đều có nguy cơ mắc cúm mùa, nhưng ở nhóm phụ nữ có thai, trẻ em dưới 59 tháng tuổi, người già, người mắc các bệnh mãn tính ở thận, gan, tim, phổi, các bệnh liên quan đến huyết học, bệnh nhân HIV/AIDS thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Cúm mùa lây lan nhanh chóng ở những khu vực có mật độ tập trung đông người như trường học, viện dưỡng lão. Khi người bệnh hắt hơi thì virus được phát tán vào không khí và có thể lây lan trong vòng bán kính một mét.

Ngoài ra, chúng cũng có thể lây lan qua việc tiếp xúc với tay có chứa virus cúm. Thực hiện các thói quen che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi và rửa tay thường xuyên là một cách thức để phòng ngừa.

Ở những vùng khí hậu ôn đới, dịch cúm thường xảy ra vào mùa đông còn đối với vùng nhiệt đới thì cúm phổ biến suốt cả năm và thường xảy ra bất thường, khó đoán định. Thời gian ủ bệnh cúm khoảng từ 1 ngày đến 4 ngày.

Chẩn đoán bệnh cúm mùa

Hầu hết các trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm được chẩn đoán lâm sàng. Trong thời gian virus hoạt động thấp cùng với ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài có thể gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh. Vì vậy, việc thu thập các mẫu hô hấp, áp dụng các xét nghiệm chẩn đoán trong phòng thí nghiệm là rất cần thiết để phát hiện virus cúm.

Các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh (RIDT) thường được dùng trong chẩn đoán lâm sàng nhưng chúng có độ nhạy thấp hơn so với các xét nghiệm như RT-PCR và độ tin cậy của chẩn đoán phụ thuộc vào điều kiện khi thực hiện thí nghiệm.

Vì sao chúng ta lại nhiễm cúm nhiều lần?

Có thể chúng ta đã nhiễm chủng virus khác, chẳng hạn cơ thể đã tạo kháng thể đối với cúm A và kháng thể đó không thể chống lại cúm B;

Các chủng virus thường sẽ thay đổi biến chủng khác nhau về thay đổi cách lây lan hay kháng lại các kháng thể của cơ thể;

Vì vậy, khi cơ thể nhiễm một biến chủng virus mới thì lại phải bắt đầu lại quy trình tạo kháng thể.

Điều trị bệnh cúm mùa

Bệnh nhân nhóm nguy cơ thấp thường được quản lý và điều trị dựa trên các triệu chứng. Khi người bệnh có các biểu hiện cúm thì được khuyến cáo điều trị tại nhà trước để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm sang cho những người khác. Phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào làm suy giảm các triệu chứng của cúm như sốt.

Đối với nhóm bệnh nhân nguy cơ mắc bệnh cao hoặc có diễn biến bệnh phức tạp thì sẽ được điều trị bằng các loại thuốc chống virus ngay sau khi điều trị các triệu chứng bệnh. Bệnh nhân sau khi được khẳng định là nhiễm cúm cần được chữa trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.

Những điều bạn phải biết về dịch cúm mùa 3

Bệnh nhân nhóm nguy cơ thấp thường được quản lý và điều trị dựa trên các triệu chứng

Một vài lưu ý bạn nên nhớ khi điều trị bệnh như sau:

  • Bệnh nhân nên được kê đơn và cho sử dụng thuốc ức chế Neuraminidase càng sớm càng tốt, lý tưởng là trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện dấu hiệu nhằm tối đa hóa lợi ích điều trị.
  • Điều trị phải được kéo dài tối thiểu 5 ngày và có thể dài hơn cho đến khi các biểu hiện lâm sàng đã được cải thiện.
  • Corticosteroid không khuyến khích sử dụng thường xuyên và kéo dài, trừ khi bệnh nhân được chỉ định điều trị cho các lý do khác ví dụ như hen suyễn và các điều kiện cụ thể khác, vì nó có liên quan đến sự thanh thải virus kéo dài, ức chế miễn dịch dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm.
  • Tất cả các virus cúm đang lưu hành hiện nay đều kháng với thuốc chống virus Adamantane (như amantadine và rimantadine), nên không được khuyến cáo sử dụng cho các điều trị riêng lẻ.

Bệnh cúm là bệnh do virus cúm chứ không phải bệnh cảm cúm trong dân gian thông thường. Do đó, việc nhận biết triệu chứng và yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn có hướng điều trị chủ động kịp thời để bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người.

Thanh Hoa

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin