Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều cần biết về các loại kiến ba khoang

Ngày 13/12/2019
Kích thước chữ

Kiến ba khoang có phải là kiến không? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về đặc điểm hình thái, vòng đời, các loại kiến ba khoang, những loài nhầm lẫn với kiến ba khoang và cách xử trí khi bị loài vật này cắn, phòng ngừa sự xâm nhập của chúng qua bài viết này.

Trong những năm gần đây, kiến ba khoang bắt đầu xuất hiện trở lại, đặc biệt là các khu ký túc xá, nhà cao tầng vào các mùa mưa. Số ca nhập viện vì bị chúng đốt cũng tăng lên. Bài viết này chia sẽ những thông tin hữu ích về loài côn trùng này cũng như cung cấp cho bạn các biện pháp phòng ngừa.

Tổng quan về các loại kiến ba khoang

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc chi Paederus, họ Staphylinidae, bộ Coleoptera (bộ cánh cứng). Nó có mặt ở hầu hết trong nhà, ngoài vườn, thảm thực vật,... ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Kiến ba khoang có thân hình mảnh mai với chiều rộng 1,5 mm và chiều dài 7 - 10 mm, đầu màu đen ánh kim loại, xen kẽ các đốt là màu cam sẫm, hai đốt bụng cuối cùng có màu đen.

Các loại kiến ba khoang không phải là loại côn trùng lạ mà chúng đã có từ rất lâu

Đặc điểm phân bố

Các loại kiến ba khoang thường sinh sống ở các đầm lầy, đất nông nghiệp, công trình xây dựng và các vùng đất ngập nước xung quanh vùng nước ngọt là những khu vực lý tưởng cho sự phát triển của kiến ba khoang. Là loài côn trùng sống về đêm nên chúng đặc biệt bị thu hút bởi ánh sáng huỳnh quang hay đèn neon. Đó là lý do mà chúng thường có mặt ở những nơi con người sinh sống.

Vòng đời

P. fuscipes là loài đẻ trứng và thời gian ấp trứng từ 4 đến 6 ngày. Trước khi trưởng thành, chúng trải qua giai đoạn ấu trùng đầu tiên (khoảng thời gian phát triển, 3 - 5 ngày), giai đoạn ấu trùng thứ hai (5 - 7 ngày) và nhộng (3 - 4 ngày) rồi mới phát triển thành con trưởng thành. Thời gian phát triển của mỗi cá thể trong mỗi giai đoạn là khác nhau. Tuổi thọ trung bình của chúng kéo dài khoảng 50 ngày kể từ giai đoạn còn trong trứng đến khi trưởng thành và chết đi. Thức ăn của chúng chủ yếu là tảo, côn trùng nhỏ, thực vật và động vật đang phân hủy.

Các loại kiến ba khoang

Hiện tại, đã xác định được có khoảng 600 Paederus spp., trong đó những loại có khả năng gây viêm da có 50 loại. Một số chủng loại gây bùng dịch viêm da như Paederus melampus ở Ấn Độ, Paederus brasiliensis ở Bắc Mỹ, Paederus colombius ở Venezuela, Paederus peregrinus ở Indonesia và P. fuscipes ở Đài Loan, Ý và Iran. Loại thường thấy ở Việt Nam là Paederus fuscipes.

Các loại kiến giống kiến ba khoang

Nhiều loài bọ cánh cứng có ngoại hình gần giống kiến ba khoang như Quedius lateralis, Quedius cruentus, Staphylinus erythropterus,...; phân bố phổ biến ở các vùng nhiệt đới, ôn đới và trên tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực.

Kiến ba khoang (ngoài cùng bên phải) dễ nhầm lẫn với nhiều loài côn trùng khác

Dấu hiệu nhận biết các loại kiến ba khoang đốt

Chất độc pederin

Các loại kiến ba khoang này mang trên mình chất độc pederin, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Hầu hết chỉ có con cái mới sản xuất pederin. Việc sản xuất pederin phụ thuộc vào hoạt động của loài vi khuẩn nội cộng sinh Pseudomonas trong bọ cánh cứng. Pederin phân bố trong máu của bọ cánh cứng và truyền sang người khi cắn hoặc đốt.

Triệu chứng viêm da do pederin của kiến ba khoang

Nguyên nhân là do pederin ức chế quá trình nguyên phân ở tế bào nhân chuẩn và gây ra tình trạng da khó chịu gọi là viêm da Paederus hoặc viêm da tuyến tính. Pederin gây viêm da cấp tính trong vòng 24 giờ với các biểu hiện da phồng rộp, nổi ban đỏ kèm mụn mủ, mụn nước thành vệt thành đám và người bị đốt thường có cảm giác đau nhức, ngứa, nóng rát đột ngột ở da. Phải mất hơn 1 tuần để lành lại. Các triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác do virus và vi khuẩn, chẳng hạn như bệnh chốc lở, herpes, zona,...

Vết ban đỏ với mụn nước ở người bị kiến ba khoang đốt

Da sau khi bị đốt sẽ tự lành trong một tuần có thể kèm theo sẹo hoặc có thể xuất hiện biến chứng nặng hơn như tăng sắc tố sau viêm, nhiễm trùng thứ phát, bong tróc da lan tỏa và viêm loét da phải nhập viện. Có một số trường hợp nặng có các biểu hiện như sốt, đau khớp, buồn nôn và đau dây thần kinh. Tuy nhiên, chúng chỉ giải phóng pederin mạnh khi bị đe dọa, đó là một phản ứng phòng thủ trước những kẻ mà chúng nghĩ là đe dọa đến bản thân chúng.

Cách xử trí khi bị các loại kiến ba khoang đốt

Trường hợp phát hiện bị kiến ba khoang cắn, điều đầu tiên, hãy loại bỏ chúng ra khỏi người bằng vật dụng gần nhất, chú ý không dùng tay không và không đập/bóp nát chúng vì điều này làm chất độc giải phóng ra vào dính vào cơ thể bạn. 

Thứ hai, rửa vị trí kiến tiếp xúc bằng nước và xà phòng. Sau đó, thoa thuốc sát trùng nhẹ như nước muối sinh lý lên vị trí tiếp xúc và đến gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu phồng rộp.

Kiến ba khoang thích các khu vực ẩm ướt, rậm rạp. Để phòng ngừa kiến ba khoang chui vào nhà, dưới đây là những cách có thể hạn chế thu hút chúng:

  • Tránh côn trùng bay vào nhà bằng cách giăng lưới ở cửa ra vào, cửa sổ hoặc đóng kín cửa khi ra vào;
  • Phủi thật mạnh quần áo, khăn mặt, chăn mền,... (những vật dụng tiếp xúc với da) để đảm bảo không có kiến ba khoang bám vào;
  • Ngủ mùng;
  • Tránh đứng dưới nơi có ánh sáng như bóng đèn ở nơi công cộng;
  • Phát hoang bụi rậm, dọn dẹp sạch sẽ vườn tược, tránh có các vũng nước đọng.

Các loại kiến ba khoang không phải là loài gây hại, chúng là thiên địch chống lại sâu, bọ, rầy phá hoại mùa màng cho nhà nông. Tuy nhiên, vì con người khai thác đất làm nhà, xâm lấn địa bàn của chúng nên chúng mới phải phòng vệ. Cùng với tập tính sống về đêm và nhạy với ánh sáng nên chúng mới chui vào nhà của người dân. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về loài côn trùng này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.