Ngứa lòng bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa
Ánh Vũ
13/03/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ngứa lòng bàn tay là một triệu chứng khá phổ biến mà không ít người đã từng gặp phải. Vậy ngứa lòng bàn tay là bệnh gì? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng ngứa lòng bàn tay? Làm thế nào để khắc phục tình trạng ngứa lòng bàn tay hiệu quả? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.
Ngứa lòng bàn tay là một trong những vấn đề khá phổ biến mà nhiều người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Cảm giác bị ngứa lòng bàn tay không chỉ gây khó chịu mà còn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và phải tìm kiếm nguyên nhân cũng như cách giải quyết phù hợp. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ tìm hiểu về hiện tượng ngứa lòng bàn tay, những nguyên nhân thường gặp và phương pháp khắc phục hiệu quả.
Ngứa lòng bàn tay là bị gì?
Ngứa lòng bàn tay là cảm giác khó chịu khiến da tại vùng lòng bàn tay có xu hướng ngứa ngáy, nóng rát, thậm chí có thể xuất hiện mẩn đỏ, viêm nhiễm. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bàn tay, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Ngứa lòng bàn tay có thể đi kèm với các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Một số dấu hiệu phổ biến bạn có thể gặp phải khi bị ngứa lòng bàn tay bao gồm:
Lòng bàn tay nổi đốm đỏ ngứa: Da tại lòng bàn tay có thể xuất hiện các đốm đỏ và gây ngứa, điều này cho thấy có sự kích ứng hoặc viêm nhiễm.
Da bị bong tróc hoặc khô: Khi bị ngứa lòng bàn tay do viêm da hoặc nấm, da có thể bị bong tróc và khô ráp. Điều này xảy ra do da bị mất độ ẩm và suy yếu chức năng bảo vệ tự nhiên của da.
Cảm giác nóng rát hoặc cháy trong lòng bàn tay: Nhiều người khi bị ngứa lòng bàn tay thường cảm thấy nóng rát hoặc cảm thấy như lòng bàn tay bị cháy. Điều này gây ra cảm giác không thoải mái và có thể là do tăng lưu lượng máu tới vị trí này hoặc bàn tay bị kích ứng.
Vết loét hoặc mụn nước: Trong một số trường hợp, ngứa lòng bàn tay có thể kèm theo sự xuất hiện của vết loét hoặc mụn nước nhỏ.
Lòng bàn tay bị ngứa kéo dài: Nếu ngứa kéo dài và không có dấu hiệu giảm đi, khiến bạn cố gắng gãi vào lòng bàn tay để giảm ngứa. Điều này xảy ra có thể do da ở lòng bàn tay bị kích ứng nghiêm trọng và trở nên nhạy cảm hơn.
Mất ngủ do lòng bàn tay bị ngứa: Ngứa lòng bàn tay có thể sẽ gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ.
Ngứa lòng bàn tay là một triệu chứng khá phổ biến mà nhiều người gặp phải
Nguyên nhân gây ra hiện tượng ngứa lòng bàn tay
Ngứa lòng bàn tay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ yếu tố bên ngoài như dị ứng, côn trùng cắn đến các bệnh lý nội tiết, thần kinh. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến như sau:
Khô da: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng ngứa lòng bàn tay. Khi da tay bị mất đi độ ẩm tự nhiên thì dễ trở nên khô và bị kích ứng, từ đó dẫn đến cảm giác ngứa ngáy trong lòng bàn tay.
Bệnh chàm: Đây là một bệnh lý về viêm da dị ứng. Bệnh lý này xảy ra có thể là do da tiếp xúc với các chất kích thích như dịch tiết cơ thể, hóa chất hoặc do yếu tố di truyền. Ngứa lòng bàn tay là một triệu chứng thường gặp của bệnh chàm.
Bệnh viêm da tiếp xúc: Đây là một dạng viêm da xảy ra do da tiếp xúc với các chất gây kích ứng như hoá chất, mỹ phẩm, dược phẩm hoặc kim loại. Bệnh viêm da tiếp xúc có thể gây ngứa và kích ứng ở lòng bàn tay.
Bệnh vảy nến: Đây là một bệnh lý viêm da mãn tính và gây ra nhiều triệu chứng như các lớp vảy da dày và sừng hóa, ngứa ngáy trong lòng bàn tay.
Xơ gan: Là một bệnh lý gan mạn tính, trong đó các mô gan bình thường sẽ bị thay thế bởi các sợi collagen. Khi bệnh xơ gan tiến triển có thể gây ra triệu chứng ngứa ngáy ở lòng bàn tay và bàn chân.
Bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường cũng là một nguyên nhân gây ra triệu chứng ngứa lòng bàn tay. Điều này xảy ra là do sự tăng lượng đường trong máu, làm tổn thương mạch máu cũng như dây thần kinh, từ đó gây ra cảm giác ngứa và khó chịu ở lòng bàn tay.
Ứ mật: Là tình trạng dịch mật bị tắc nghẽn hoặc không thể chảy ra được. Khi dịch mật không được tiết vào trong ruột sẽ dẫn đến tình trạng tăng acid mật trong máu, từ đó kích thích dây thần kinh ở dưới da và triệu chứng ngứa ngáy trong lòng bàn tay.
Hội chứng ống cổ tay: Tình trạng ngứa lòng bàn tay có thể là do hội chứng ống cổ tay gây ra. Bệnh lý này xảy ra do dây thần kinh ở trong cổ tay bị chèn ép hoặc gây áp lực.
Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể gây ra hiện tượng ngứa lòng bàn tay.
Một số nguyên nhân khác: Hiện tượng ngứa lòng bàn tay xảy ra có thể là do sau chấn thương thần kinh, tác dụng phụ của thuốc…
Bệnh chàm có thể là một nguyên nhân gây ra triệu chứng ngứa lòng bàn tay
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị ngứa lòng bàn tay và kèm theo một trong những triệu chứng dưới đây, bạn nên thăm khám bác sĩ ngay lập tức:
Ngứa kéo dài và không có dấu hiệu giảm đi sau khi sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà.
Các vùng da bị ngứa có dấu hiệu sưng, đỏ, có mụn nước, vảy dày hoặc vết loét thì bạn hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bởi đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó.
Ngứa đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, đau nhức, mệt mỏi, giảm cân hoặc các triệu chứng khác thì điều này cho thấy sức khỏe tổng quát của bạn đang gặp phải một vấn đề nào đó. Lúc này, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Bạn nghi ngờ ngứa lòng bàn tay là do một bệnh lý nghiêm trọng như đái tháo đường, bệnh lý liên quan đến gan, da, ứ mật hoặc bệnh lý da liễu.
Nếu tình trạng ngứa lòng bàn tay gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bạn như mất ngủ, căng thẳng, lo lắng… thì hãy đến gặp bác sĩ nhé.
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bị ngứa lòng bàn tay kèm theo triệu chứng sốt
Phòng ngừa ngứa lòng bàn tay
Để tránh tình trạng ngứa lòng bàn tay tái diễn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau:
Giữ vệ sinh tay sạch sẽ, đặc biệt khi làm việc trong môi trường có nhiều bụi bẩn hoặc hóa chất.
Hạn chế căng thẳng và lo âu bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý.
Bạn nên dưỡng ẩm tay thường xuyên để phòng ngừa tình trạng ngứa lòng bàn tay
Ngứa lòng bàn tay là một hiện tượng khá phổ biến và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ dị ứng, viêm da đến các bệnh lý nội tiết như tiểu đường. Hiểu rõ nguyên nhân và dấu hiệu của tình trạng này sẽ giúp bạn có biện pháp khắc phục hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa không giảm đi hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, bạn nên thăm khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm