Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về rạn da chân ở bà bầu

Ngày 04/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thống kê cho thấy có đến hơn 80% bà bầu bị rạn da. Ngoài những vùng dễ bị rạn như bụng, đùi, mông… bà bầu còn thường bị rạn da ở chân. Biết rõ về rạn da chân ở bà bầu sẽ giúp bạn phòng tránh hiệu quả.

Rạn da chân ở bà bầu dù không gây đau đớn nhưng lại là “nỗi đau” kéo dài theo năm tháng. Chân là vùng da hở nên những vết rạn da chân khiến chị em thiếu tự tin khi diện váy ngắn, soóc ngắn hay bikini. Nếu quan tâm đến chủ đề rạn da chân ở mẹ bầu, đây là những thông tin bạn không nên bỏ lỡ!

Nguyên nhân rạn da chân ở bà bầu

Tuy rạn da là vấn đề khá thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nhưng không phải bà bầu nào cũng gặp tình trạng này. Bà bầu có bị rạn da chân hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: 

Cơ địa của mẹ bầu: Những người có sẵn cơ địa dễ rạn da thì những vết rạn có thể xuất hiện ngay cả khi họ không tăng cân quá nhiều.

Đặc điểm làn da: Da mẹ bầu khô ráp hay đủ ẩm, độ đàn hồi có tốt hay không quyết định phần lớn đến việc mẹ có bị rạn da hay không.

Yếu tố di truyền: Những mẹ bầu có bố hoặc mẹ từng bị rạn da nguy cơ gặp phải tình trạng này cũng sẽ cao hơn.

Mức độ tăng cân khi mang thai: Nếu mẹ bầu sở hữu làn da đủ ẩm và có độ đàn hồi tốt, nếu tăng cân nhẹ có thể sẽ không bị rạn da. Nếu tăng nhiều cân trong thai kỳ, nguy cơ rạn da rất khó tránh khỏi. 

Chế độ chăm sóc da: Việc chăm sóc da cũng liên quan đến tình trạng rạn da chân ở bà bầu. Nếu da được dưỡng ẩm hàng ngày, được cung cấp đủ nước và các vitamin cần thiết, độ đàn hồi của da sẽ gia tăng. Những vết rạn sẽ không “có cửa” ghé thăm. 

Tuổi tác của mẹ bầu: Mẹ bầu quá trẻ tuổi có làn da chưa phát triển toàn diện và mẹ bầu quá lớn tuổi có làn da lão hóa để trong nhóm có nguy cơ cao bị rạn da chân. 

Tiền sử bị rạn da: Những mẹ bầu từng bị rạn da ở tuổi dậy thì, nguy cơ bị rạn da chân khi mang thai cũng cao hơn. 

Tình trạng mang thai: Những mẹ bầu mang đa thai nguy cơ bị rạn da cao hơn mẹ bầu mang đơn thai. 

rạn da chân ở bà bầu 1 Rạn da chân ở bà bầu chủ yếu do gia tăng cân nặng

Nguyên nhân và thời điểm xuất hiện rạn da chân 

Các mẹ bầu có những yếu tố nguy cơ nêu trên (cơ địa, tiền sử, di truyền, tuổi tác, mang đa thai…) đều nằm trong nhóm nguy cơ cao bị rạn da chân. Ngoài ra, có thể kể đến những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng rạn da như: 

  • Cùng với quá trình phát triển của thai nhi là sự lớn lên của cơ thể mẹ theo từng ngày. Để thai nhi phát triển tốt, mẹ bầu buộc phải duy trì một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Hầu hết mẹ bầu sẽ tăng cân trong thai kỳ và đây thường là nguyên nhân chính dẫn đến rạn da. 
  • Khi mang thai, lượng hormone progesterone và estrogen trong cơ thể mẹ gia tăng đột biến. Chúng làm tăng sắc tố da do kích thích phần tử tiền hắc tố. Đây là lý do các vết rạn da thường có màu đậm hơn và có xu hướng thâm nâu so với các vùng da khác. 
  • Các hormone thai kỳ cũng là nguyên nhân khiến da khô. Khi da khô, khả năng đàn hồi sẽ giảm. Đó cũng là lúc cấu trúc collagen và elastin dưới da dễ bị đứt gãy khi da bị kéo giãn. 

Tùy cơ địa mỗi người, những vết rạn da chân ở bà bầu có thể xuất hiện sớm hoặc muộn. Có những phụ nữ bị rạn da ngay sau tháng thứ 3 của thai kỳ, nhưng cũng có những mẹ bầu chỉ bị rạn da sau tháng thứ 6. 

Đặc điểm vết rạn da chân ở bà bầu

Các vết rạn da chân sẽ có hình dáng và kích thước khác nhau. Thông thường, chúng dài khoảng 5 - 10cm, rộng 1 - 3cm. Chúng có thể xếp lớp song song hoặc xếp hình gợn sóng. Những mẹ bầu tăng nhiều cân hơn vết rạn thường lớn hơn do da bị kéo giãn nhiều hơn. 

Màu sắc vết rạn cũng khác nhau tùy cơ địa mỗi người. Mẹ bầu có làn da trắng những vết rạn mới hình thành sẽ có màu đỏ hồng. Mẹ bầu có làn da ngăm đen, vết rạn thường có màu sáng hơn. Trong hầu hết các trường hợp, vết rạn da chân khi mới hình thành sẽ có màu đỏ hồng. Theo thời gian, chúng chuyển sang màu tím, thâm nâu rồi màu trắng bạc. Các vết rạn có xu hướng và sáng màu dần. Mẹ bầu sinh lần đầu thường có vết rạn sáng màu hơn.

Những vết rạn da chân ở bà bầu trong đa số trường hợp không gây đau đớn. Tuy nhiên, cũng có khi chúng gây ngứa rát khó chịu. Nhiều mẹ bầu cho biết họ có thể gặp phải tình trạng ngứa vết rạn sau nhiều năm sinh nở. 

rạn da chân ở bà bầu 2 Những vết rạn có xu hướng sáng màu và mờ dần theo thời gian

Phòng tránh và điều trị rạn da chân ở bà bầu thế nào?

Phòng và điều trị rạn da từ bên trong

Cách chống rạn da ở mẹ bầu từ bên trong được thực hiện qua đường ăn uống. Những biện pháp mẹ bầu có thể áp dụng để vừa tránh hình thành các vết rạn mới, vừa khắc phục những vết rạn cũ gồm: 

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể và làn da với 2 - 3 lít nước mỗi ngày. 
  • Bổ sung dinh dưỡng cho da bằng các thực phẩm giàu vitamin E, A, C, D, omega-3, omega-6, chất chống oxy hóa, collagen…
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm chăm sóc da hàng ngày để tăng cường độ ẩm và cải thiện khả năng đàn hồi cho da.

Các thực phẩm vừa tốt cho thai nhi, vừa tốt cho làn da của mẹ bầu như: 

  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa da: Việt quất, cà tím, nho đỏ, lựu, dâu tây, cải bó xôi…
  • Thực phẩm giàu vitamin A: Xoài, gan động vật, đu đủ, ớt chuông, cà rốt, khoai lang… 
  • Thực phẩm giàu vitamin E như: Dầu hướng dương, kiwi, bông cải xanh, hạnh nhân, bơ, bí, dầu oliu…
  • Thực phẩm giàu vitamin D như: Sữa, lòng đỏ trứng, ngũ cốc nguyên cám, trứng cá, các loại đậu…
  • Thực phẩm giàu omega-3, omega-6 như: Cá hồi, cá thu, hạt dinh dưỡng, dầu cá tuyết, hàu…

Để phòng tránh và chữa trị rạn da chân ở bà bầu, mẹ cũng cần lưu ý đến vấn đề kiểm soát cân nặng trong thai kỳ. Kiểm soát cân nặng không có nghĩa là ăn ít đi mà là ăn đủ chất với lượng thực ăn hợp lý. 

rạn da chân ở bà bầu 3 Vết rạn da chân để lâu năm rất khó khắc phục

Phòng và điều trị rạn da từ bên ngoài

Những cách chống rạn da từ bên ngoài mẹ bầu nên áp dụng gồm: 

  • Dưỡng da bằng các loại tinh dầu thiên nhiên lành tính để làn da duy trì độ ẩm và tăng cường khả năng đàn hồi. Các loại dầu dừa, dầu oliu, dầu hạnh nhân, dậu hạt mỡ, dầu argan… đều thích hợp để thoa lên bất cứ vùng da bị rạn nào trên cơ thể. 
  • Sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm dưỡng ẩm chuyên dụng. Tuy nhiên, mẹ nên tìm hiểu kỹ thành phần để đảm bảo sản phẩm mình chọn không có hại cho cả mẹ bầu và thai nhi. Các loại kem dưỡng có thành phần giàu vitamin A, vitamin C, vitamin E… tốt nhất cho vùng da bị rạn. 
  • Kem trị rạn da sẽ có tác dụng đáng kể trong việc khắc phục vết rạn. Những loại kem tốt nhất là sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên, an toàn tuyệt đối với da. Khi thoa kem lên chân, mẹ bầu nên kết hợp massage để các dưỡng chất thẩm thấu tốt nhất vào da. Việc này cũng kích thích lưu thông tuần hoàn máu, giúp vùng da bị rạn nhanh chóng phục hồi. 
  • Tẩy tế bào da chết thường xuyên mỗi tuần 1 lần cũng là cách kích thích tăng sinh tế bào da mới. 
  • Các phương pháp trị rạn da gây đau đớn như phẫu thuật, peel da, lăn kim… đều không phù hợp với bà bầu. 

Rạn da chân ở bà bầu có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào của thai kỳ. Càng điều trị kịp thời, khả năng phục hồi vùng da bị rạn càng cao. Mẹ bầu cũng nên lưu ý, rạn da sau sinh cũng đáng ngại không kém rạn da khi mang bầu. Vì vậy, song song với điều trị, mẹ bầu nên áp dụng các biện pháp phòng tránh phát sinh thêm các vết rạn da mới nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm