Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những nguyên nhân chấn thương sọ não bạn cần biết

Ngày 15/08/2019
Kích thước chữ

Chấn thương sọ não có thể làm suy giảm chức năng não và thậm chí trong những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân chấn thương sọ não phần nào giúp bạn tránh xa tình trạng này.

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về nguyên nhân chấn thương sọ não cũng như cách sơ cứu cho nạn nhân khi gặp phải.

Chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não là tình trạng sọ não bị tác động do một cú đánh mạnh hoặc va đập vào đầu hoặc cơ thể. Một vật thể xuyên qua mô não như một viên đạn hoặc mảnh vỡ của hộp sọ cũng có thể gây chấn thương sọ não.

Chấn thương sọ não nhẹ có thể ảnh hưởng tạm thời đến các tế bào não nhưng nếu bị chấn thương sọ não nặng thì có thể dẫn đến bầm tím, rách mô, chảy máu và gây các tổn thương thực thể khác cho não. Từ đó có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài hoặc thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh.

Những nguyên nhân chấn thương sọ não bạn cần biết 1Sọ não bị tác động gây ra chấn thương sọ não

Nguyên nhân chấn thương sọ não

Như đã nói ở trên, chấn thương sọ não thường xảy ra khi bị đánh hoặc gặp các loại chấn thương khác vào đầu hoặc cơ thể. Mức độ chấn thương có thể phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm bản chất của loại chấn thương và lực tác động.

Theo các chuyên gia y tế, các nguyên nhân chấn thương sọ não phổ biến nhất bao gồm:

Ngã

Bị ngã va đập vào đầu là nguyên nhân chấn thương sọ não. Phổ biến nhất là ngã từ giường hoặc trong khi leo lên cầu thang, xuống cầu thang, trong bồn tắm... Trường hợp này đặc biệt gặp nhiều ở người già và trẻ nhỏ.

Tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân chấn thương sọ não. Trong đó các va chạm liên quan đến ô tô, xe máy hoặc xe đạp và người đi bộ rất dễ dẫn đến chấn thương sọ não.

Bạo lực là nguyên nhân chấn thương sọ não

Những vết thương do súng bắn, bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em và các vụ tấn công khác là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến chấn thương sọ não. Đặc biệt, người lớn rung lắc trẻ sơ sinh quá mạnh có thể gây ra hội chứng trẻ bị lắc (Shaken baby syndrome - SBS).

Các chấn thương khi chơi thể thao

Chấn thương sọ não có thể do chấn thương từ một số môn thể thao như bóng đá, đấm bốc, bóng đá, bóng chày, trượt ván, khúc côn cầu và các môn thể thao tác động mạnh hoặc mang tính đấu kháng khác. Đây là đặc biệt phổ biến ở tuổi thanh thiếu niên dẫn đến chấn thương sọ não.

Những nguyên nhân chấn thương sọ não bạn cần biết 2Chấn thương từ bóng đá cũng là một trong những nguyên nhân chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não trong vụ nổ và các thương tích chiến đấu khác

 Vụ nổ là một trong những nguyên nhân chấn thương sọ não ở các nhân viên quân sự đang hoạt động. Mặc dù thiệt hại xảy ra chưa được hiểu rõ, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng sóng áp lực đi qua não làm gián đoạn đáng kể chức năng não.

Ngoài ra, những vết thương xuyên thấu, những cú đánh mạnh vào đầu bằng mảnh đạn hoặc mảnh vụn, ngã hoặc va chạm cơ thể với các vật thể sau vụ nổ là nguyên nhân chấn thương sọ não mà quân nhân hay gặp phải.

Cách sơ cứu chấn thương sọ não

Gọi xe cấp cứu ngay khi nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu chấn thương sọ não nghiêm trọng.

Sơ cứu khi nạn nhân tỉnh

Khuyến khích người bị thương giảm thiểu mọi cử động ở đầu hoặc cổ.

Vết thương trên đầu có thể gây chảy máu nhiều, lúc này bạn cần cầm máu vết thương bằng cách ấn trực tiếp và băng lại. Lưu ý trong khi kiểm tra vết thương, tránh nhầm với cục máu đông hình thành trong tóc. Thực hiện trấn an nạn nhân, giúp họ giữ bình tĩnh nhất có thể.

Sơ cứu khi nạn nhân bất tỉnh

Trường hợp nạn nhân bị bất tỉnh, bạn không nên di chuyển nạn nhân trừ khi họ đang ở trong tình trạng nguy cấp. Nếu bạn di chuyển nạn nhân một cách không cần thiết đều có thể gây ra các biến chứng lớn hơn cho chính vết thương sọ não, cột sống hay những vết thương liên quan khác. Một nguyên tắc là nếu đầu bị thương thì cổ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Lúc này, bạn cần bảo vệ nạn nhân khỏi mọi nguy hiểm tiềm ẩn tại hiện trường. Ngoài ra, bạn cần theo dõi đường thở và hô hấp của nạn nhân cho đến khi xe cứu thương tới. Nếu người bị thương thở yếu đi do có vấn đề với đường hô hấp, có thể cần rất thận trọng để ngửa đầu họ ra sau (và nâng đỡ) cho đến khi nhịp thở trở lại bình thường. Nếu nạn nhân ngừng thở hoặc không bắt được mạch, có thể cần hồi sức tim phổi (CPR).

Xem thêm chi tiết: Nhận biết và sơ cứu chấn thương sọ não nặng

Những điều cần lưu ý khi sơ cứu nạn nhân chấn thương sọ não

Giữ nguyên nạn nhân. Giữ người nạn nhân nằm yên, với đầu và vai hơi cao cho đến khi xe cứu thương tới. Tuyệt đối không di chuyển nạn nhân nếu không thực sự cần thiết, tránh di chuyển cổ của nạn nhân. Đặc biệt lưu ý, không bỏ mũ nếu người bị thương đang đội mũ bảo hiểm

Cầm máu cho nạn nhân: Cầm máu bằng cách ép lên vết thương bằng gạc vô trùng hoặc khăn sạch. Nhưng đừng ấn trực tiếp vào vết thương nếu nghi ngờ có vỡ xương sọ.

Theo dõi những thay đổi về hô hấp và tri giác của nạn nhân. Nếu người đó không có dấu hiệu tuần hoàn - không thở, ho hoặc cử động - bắt đầu hồi sức cấp cứu tim phổi (CPR).

Những nguyên nhân chấn thương sọ não bạn cần biết 3Sơ cứu nạn nhân chấn thương sọ não đúng đắn

Kể cả với tình trạng nhẹ, chấn thương sọ não cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, các bạn chớ nên chủ quan, mà phải đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Hường

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin