Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cần làm gì để phục hồi sau chấn thương sọ não?

Ngày 30/07/2024
Kích thước chữ

Chấn thương sọ não (TBI) là một tổn thương có thể gây ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn đến chức năng của não bộ. Mỗi bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị phù hợp riêng, sau đó việc phòng ngừa biến chứng và phục hồi sau chấn thương sọ não là điều cần được lưu ý.

Việc phục hồi sau chấn thương sọ não là một yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi. Hoạt động này có nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và thời gian cần phục hồi sau điều trị tổn thương.

Mục đích phục hồi sau chấn thương sọ não

Phục hồi chức năng có thể giúp cho bệnh nhân:

  • Cải thiện khả năng hoạt động;
  • Điều trị các vấn đề về tinh thần và thể chất do chấn thương sọ não gây ra;
  • Hỗ trợ thích nghi với những thay đổi xảy ra trong quá trình phục hồi.

Đồng thời, công tác này còn có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng như:

  • Cục máu đông;
  • Các cơn đau;
  • Loét do tì đè;
  • Vấn đề liên quan đến hô hấp;
  • Hạ huyết áp khi di chuyển;
  • Yếu cơ và co thắt cơ;
  • Hoạt động của ruột và bàng quang;
  • Các vấn đề về chức năng sinh sản và tình dục.

Rủi ro có thể gặp

Tuy có thể nói thường sẽ không có vấn đề gì xảy ra thêm khi phục hồi sau chấn thương sọ não, nhưng cũng khó tránh khỏi nguy cơ hình thành rủi ro trong quá trình điều trị. Công tác vật lý trị liệu hay hoạt động trị liệu nếu không được thực hiện đúng cách đều sẽ có thể dẫn đến chấn thương mới hoặc làm cho chấn thương hiện có trở nên tệ hơn.

Chính vì vậy cần phải phối hợp chặt chẽ với chuyên gia phục hồi trị liệu. Đồng thời cũng cần trao đổi và thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi bước vào bất kỳ giai đoạn nào của quá trình phục hồi chức năng. Như vậy mới có thể giảm thiểu khả năng hình thành rủi ro không đáng có.

Các hoạt động phục hồi chức năng

Chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân có thể bao gồm một số hoặc tất cả các phương pháp sau:

  • Vật lý trị liệu: Hỗ trợ khả năng vận động và phối hợp trở lại bình thường.
  • Hoạt động trị liệu: Giúp cải thiện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày lẫn trong công việc, chẳng hạn như tắm rửa, nấu ăn, làm việc...
  • Chăm sóc về mặt tâm lý: Nhằm hỗ trợ giải quyết các tổn thương về tinh thần.
  • Liệu pháp ngôn ngữ và diễn đạt: Giúp tăng cường khả năng giao tiếp.
  • Liệu pháp nhận thức: Giúp cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung, học tập và phán đoán.
  • Hỗ trợ xã hội: Hỗ trợ trong việc giúp bệnh nhân giao tiếp và kết nối các mối quan hệ.
Cần làm gì để phục hồi sau chấn thương sọ não? 1
Hoạt động vật lý trị liệu hỗ trợ cải thiện khả năng vận động và phối hợp

Nhóm hỗ trợ trị liệu sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp cho bệnh nhân, đồng thời sẽ đánh giá nhu cầu và các khả năng của bệnh nhân trong suốt quá trình phục hồi. Bài đánh giá này có thể bao gồm các yếu tố sau:

  • Hoạt động của ruột và bàng quang;
  • Khả năng nói;
  • Khả năng nuốt;
  • Sức mạnh và sự phối hợp tay chân;
  • Khả năng hiểu về mặt ngôn ngữ;
  • Trạng thái tinh thần và hành vi;
  • Nhu cầu hỗ trợ xã hội.

Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hồi phục

Khả năng hồi phục của bệnh nhân có thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như:

Tuổi tác

Đối với đối tượng bệnh nhân là trẻ sơ sinh hoặc người lớn từ 60 tuổi trở lên thường có tiên lượng xấu sau chấn thương.

Mất trí nhớ

Việc đối mặt với một khoảng thời gian mất trí nhớ sau chấn thương là chuyện có thể sẽ xảy ra. Thời gian này càng ngắn sẽ đồng nghĩa với việc tiên lượng bệnh càng tốt.

Vị trí chấn thương

Tùy vào vị trí vùng não bộ bị tổn thương mà tỉ lệ hồi phục sau chấn thương sọ não cao hay thấp. Thường thấy bệnh nhân bị chấn thương đầu cục bộ có tỷ lệ hồi phục cao hơn so với bị chấn thương lan tỏa. Tuy nhiên, nếu vùng bị tổn thương là có ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng thì việc phục hồi hoàn toàn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Cần làm gì để phục hồi sau chấn thương sọ não? 2
Tỉ lệ phục hồi tùy thuộc vào vị trí vùng não bị tổn thương

Tình trạng sức khỏe vào thời điểm đó

Các tiền sử bệnh như lo âu, trầm cảm, đau đầu hay co giật có thể kéo dài thời gian hồi phục sau chấn thương.

Động lực và hỗ trợ

Với sự đồng hành của gia đình và bạn bè trong quá trình điều trị và phục hồi, thì đây luôn là tiền đề tạo nên một động lực lớn giúp bệnh nhân tích cực hơn, từ đó dẫn đến khả năng hồi phục tốt hơn.

Giới tính

Thời gian trung bình cho giai đoạn phục hồi sau chấn thương sọ não dài hơn đối với nữ giới, đặc biệt, nếu chấn thương xảy ra trong giai đoạn hoàng thể (khoảng 14 ngày giữa giai đoạn rụng trứng và hành kinh) có thể dẫn đến một số triệu chứng kéo dài. Một số nghiên cứu cho biết lý do là từ những thay đổi về hormone như estrogen và progesterone.

Tối đa hóa quá trình phục hồi sau chấn thương sọ não

Để đảm bảo khả năng hồi phục, bệnh nhân cần tiếp nhận tốt việc điều trị và quá trình phục hồi. Không chỉ vậy, nếu kết hợp một số hoạt động sau đây sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ hồi phục cao hơn nữa.

Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè

Đây là những đối tượng mà bạn có thể đặt niềm tin khi giãi bày những tâm tư hay cảm xúc. Việc chia sẻ những mối bận tâm và yêu cầu hỗ trợ từ họ cũng giúp cho quá trình hồi phục có tiến triển hơn, đồng thời cũng góp phần hiểu nhau nhiều hơn.

Cần làm gì để phục hồi sau chấn thương sọ não? 3
Gia đình đồng hành trong quá trình phục hồi sau chấn thương sọ não là nguồn hỗ trợ to lớn

Hồi phục tại nhà

Trong giai đoạn phục hồi tại nhà, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tránh dùng rượu và cà phê trong quá trình phục hồi.
  • Tuân theo chế độ ăn uống tốt cho não bộ.
  • Làm theo lời khuyên của bác sĩ về các hoạt động tốt cho việc hồi phục.
  • Chỉ nên ưu tiên tập trung hoàn tất một việc tại một thời điểm cụ thể.
  • Có lịch trình ngủ và nghỉ ngơi cụ thể.
  • Trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu.
Cần làm gì để phục hồi sau chấn thương sọ não? 4
Tránh sử dụng rượu và cà phê trong quá trình phục hồi

Đọc các câu chuyện hồi phục của bệnh nhân khác

Việc bị chấn thương có thể sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy cô lập và suy nghĩ tiêu cực. Những chia sẻ đến từ các bệnh nhân khác có thể sẽ đem lại một thái độ tích cực hơn, mang đến khả năng phục hồi tốt hơn cho bệnh nhân.

Sau khi phục hồi sau chấn thương sọ não

Tùy vào mức độ tổn thương não bộ và mức độ đáp ứng với liệu pháp điều trị mà thời gian phục hồi chức năng của bệnh nhân dài hay ngắn. Một số người có thể trở lại ở mức độ trước khi bị chấn thương, một số khác lại xuất hiện các tác động lâu dài sau đó một thời gian. Một số bệnh về não như Parkinson, Alzheimer hay một số dạng mất trí khác cũng có thể gặp phải ở mức độ tác động cao hơn.

Các giai đoạn sau của quá trình phục hồi

Sau khi phục hồi chức năng, bệnh nhân có thể được thông tin và hướng dẫn các điều sau:

  • Cần liên lạc cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay nếu gặp bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu nào.
  • Biết được các triệu chứng và nguy cơ có thể xảy ra.
  • Nhận lời khuyên về sự an toàn và hướng dẫn tự chăm sóc.
  • Được giới thiệu về các đơn vị hỗ trợ cộng đồng hiện có.

Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trị liệu cho bệnh nhân phải cung cấp đầy đủ các hồ sơ và khuyến nghị từ nhóm trị liệu nhằm đảm bảo bệnh nhân vẫn tiếp tục nhận được sự chăm sóc phù hợp.

Ngoài ra, bệnh nhân cần phải đảm bảo biết rõ mọi thông tin trước khi đồng ý làm bất kỳ xét nghiệm hay thủ thuật nào.

Việc phục hồi sau chấn thương sọ não là một hoạt động không mấy dễ dàng. Tuy nhiên việc điều chỉnh và sống một cuộc sống trọn vẹn là điều có thể đạt được khi bạn cùng với gia đình và bạn bè kiên trì và tích cực phối hợp thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.