Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nổi mề đay sau sinh: Những điều bạn cần biết

Ngày 23/01/2021
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sau khi sinh nở, một số người gặp triệu chứng da nổi mề đay, mẩn ngứa gây khó chịu. Thông thường, bệnh lý ngoài da này biến mất trong thời gian ngắn, nhưng cũng có trường hợp kéo dài vài tuần hay thậm chí vài tháng.

Sau khi sinh, bà mẹ sẽ gặp một số vấn đề sức khỏe, trong đó tình trạng nổi mề đay xảy ra khá phổ biến. Thông thường, những vết mề đay, mẩn ngứa sẽ biến mất trong vòng 24 giờ, nhưng cũng có trường hợp da nổi mề đay không khỏi gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.

Nổi mề đay sau sinh: Những điều bạn cần biết 1

Tình trạng nổi mề đay làm giảm chất lượng cuộc sống người phụ nữ sau khi sinh con.

Nổi mề đay sau sinh là bệnh lý gì?

Nổi mề đay sau sinh là bệnh lý da liễu thường gặp ở người phụ nữ sau khi sinh con khoảng 1 - 3 tháng. Nốt mề đay thường nổi ở vùng bụng, vùng đùi hay thậm chí là xuất hiện khắp người (đặc biệt là chăn và mặt) gây ngứa ngáy khó chịu. Người mẹ dù sinh thường hay sinh mổ đều có thể gặp phải tình trạng này gây ảnh hưởng ngoài da, tác động đến sức khỏe bên trong hay thậm chí là lo lắng nổi mề đay ảnh hưởng đến việc cho con bú.

Bệnh lý nổi mề đay ở phụ nữ sau khi sinh con thường tồn tại ở hai thể lâm sàng bao gồm:

  • Nổi mề đay cấp tính: Triệu chứng thường xuất hiện vào ban đêm và biến mất trong vài giờ. Một số trường hợp có thể bị nổi mề đay trong thời gian dài nhưng không quá 6 tuần.
  • Nổi mề đay mãn tính: Triệu chứng nổi mề đay kéo dài lâu hơn 6 tuần hoặc tái phát lặp đi lặp lại nhiều lần mà không khỏi hẳn.

Triệu chứng của nổi mề đay sau sinh là gì?

Nổi mề đay sau sinh thường có những dấu hiệu sau:

  • Da bị sẩn phù: Tổn thương đầu tiên xuất hiện trên da dưới dạng các vết sẩn phù hình tròn, bầu hoặc dạng mảng. Vết sẩn phù có màu hồng, đỏ hoặc màu nhạt hơn so với khu vực xung quanh.
  • Phù mạch: Hiện tượng cả một vùng da bị sưng to, sẩn phù và nổi ban đỏ. Triệu chứng này chỉ xuất hiện ở một số vị trí nhất định như mi mắt hay môi.
  • Cảm giác ngứa: Tổn thương thực thể thường đi kèm với các triệu chứng cơ năng như sưng nóng, đau rát và ngứa ngáy nhiều mức độ từ âm ỉ đến dữ dội. Triệu chứng trở nên rõ rệt hơn vào ban đêm.
  • Những triệu chứng nguy hiểm: Người mẹ sau sinh bị nổi mề đay có thể đi kèm với một số triệu chứng bất thường như đi phân lỏng, tụt huyết áp, khó thở hay thậm chí là sốc phản vệ.

Nổi mề đay sau sinh: Những điều bạn cần biết 2

Vết mề đay nổi thành mảng màu đỏ trên da.

Nguyên nhân gây nổi mề đay là gì?

Nổi mề đay sau sinh là một loại viêm da cơ địa xuất hiện do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức. Chất Histamin được sinh ra quá nhiều khiến da xuất hiện những vết mề đay, vết sưng, viêm,... Phản ứng bất thường này xảy ra là do hormone prolactin tăng lên một cách bất thường mất cân bằng nội tiết tố sau khi sinh con.

Bên cạnh đó, một số tác nhân khác cũng góp phần gây nên tình trạng nổi mề đay ở phụ nữ sau sinh như:

  • Tác dụng phụ của thuốc các loại thuốc mê và gây tê được sử dụng trong quá trình sinh nở.
  • Tâm lý căng thẳng quá mức kích thích hệ miễn dịch hoạt động quá mẫn và khởi phát tổn thương da.
  • Tình trạng vệ sinh cơ thể kém gây bít tắc lỗ chân lông khiến da viêm đỏ và nổi mẩn ngứa.
  • Giờ giấc sinh hoạt xáo trộn gây mất ngủ, mệt mỏi và  căng thẳng kéo dài.
  • Thể trạng suy yếu tạo điều kiện để các dị nguyên xâm nhập và kích hoạt phản ứng bất thường của hệ miễn dịch.
  • Nguyên nhân khác có thể bao gồm: dị ứng thời tiết, dị ứng thực phẩm, tiếp xúc với phấn hoa, mạt bụi, lông động vật,...

Nổi mề đay sau sinh: Những điều bạn cần biết 3

Một số loại thuốc gây tê sử dụng trong quá trình sinh nở có thể gây dị ứng da.

Sau khi sinh nổi mề đay có nguy hiểm không?

Trên thực tế, triệu chứng nổi mề đay thường chỉ gây cảm giác ngứa ngáy, mệt mỏi, bứt rứt,... chứ hiếm khi dẫn đến biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe. Những cảm giác khó chịu này chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp vế mề đay nổi trên da là báo hiệu cho một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sốc phản vệ chẳng hạn. Nồng độ Histamin quá mức có thể gây sưng lưỡi, sưng cổ họng, sưng mí mắt, co thắt phế quản, khó thở,... có thể dẫn đến choáng, hạ huyết áp, suy hô hấp hay thậm chí là tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Nổi mề đay sau sinh: Những điều bạn cần biết 4

Có những trường hợp nổi mề đay sau sinh là dấu hiệu của sốc phản vệ.

Điều trị nổi mề đay sau sinh bằng phương pháp nào?

Thông thường triệu chứng nổi mề đay chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và biến mất hoàn toàn trong vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp triệu chứng ngứa ngáy khó chịu kéo dài trong vài tuần hay thậm chí là vài tháng gây ảnh hưởng đến cuộc sống.

Trong trường hợp bị nổi mề đay mãn tính, người mẹ nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị triệu chứng nổi mề đay sau sinh bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin H1: Có tác dụng ức chế quá trình sản sinh histamine giúp làm giảm ngứa ngáy và cải thiện tổn thương da.
  • Thuốc bôi chứa menthol: Menthol là hoạt chất được chất xuất từ lá bạc hà có tác dụng kháng viêm, giảm đau và giảm sưng nóng.

Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với một số loại thuốc khác. Điều người mẹ cần làm là tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, thay đổi thói quen xấu và loại bỏ những yếu tố rủi ro.

Uyên

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm