Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Nội tiêu hóa gồm những bệnh gì? Khi nào cần đi khám nội tiêu hoá?

Ngày 13/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khám nội tiêu hoá giúp kiểm tra, chẩn đoán vấn đề bất thường tại các cơ quan của hệ tiêu hoá. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu nội tiêu hoá gồm những bệnh gì hay khi nào cần phải đi khám nội tiêu hoá. Trong bài viết sức khỏe này, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chủ đề này.

Hệ tiêu hoá bao gồm nhiều cơ quan quan trọng như gan, mật, ống tiêu hoá… Vậy nội tiêu hoá gồm những bệnh gì và khi nào cần đi khám nội tiêu hoá? Theo dõi ngay bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu để có được lời giải đáp bạn nhé.

Nội tiêu hoá gồm những bệnh gì?

Hệ tiêu hoá bao gồm nhiều cơ quan khác nhau bao gồm đường tiêu hoá bắt đầu từ miệng và kết thúc ở hậu môn, gan, túi mật và tuyến tụy. Theo đó, đường tiêu hoá sẽ gồm các cơ quan miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng và trực tràng hay còn gọi là ruột già và hậu môn. Vậy nội tiêu hoá gồm những bệnh gì?

Nội tiêu hoá bao gồm các bệnh lý của hệ tiêu hoá, trong đó phải kể đến một số bệnh phổ biến như:

  • Bệnh thực quản: Viêm - loét thực quản, trào ngược dạ dày - thực quản, tắc nghẽn thực quản, thực quản Barrett, thủng thực quản, túi thừa thực quản, ung thư thực quản…
  • Bệnh dạ dày, tá tràng: Viêm - loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, co thắt môn vị, polyp dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày…
  • Bệnh ruột non và đại trực tràng: Hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, viêm loét trực tràng, polyp đại tràng, rối loạn mạch máu của ruột, bệnh Crohn, ung thư đại trực tràng…
  • Bệnh ruột thừa: Viêm ruột thừa, sỏi ruột thừa, tăng sản ruột thừa…
  • Bệnh gan: Gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, viêm gan virus, xơ gan, suy gan, nhiễm độc gan, viêm gan tự miễn, ung thư gan…
  • Bệnh túi mật, ống mật và tụy: Sỏi túi mật, sỏi đường mật, viêm đường mật, viêm túi mật, u đường mật, viêm tụy, nang tụy, u tuỵ, u giả tuỵ…
  • Một số bệnh khác của hệ tiêu hoá bao gồm ruột kém hấp thu, táo bón, tiêu chảy, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, nứt hậu môn, rò hậu môn, trĩ…
Nội tiêu hóa gồm những bệnh gì? Khi nào cần đi khám nội tiêu hoá? 1
Nội tiêu hoá gồm những bệnh gì không phải ai cũng biết

Khi nào cần đi khám nội tiêu hoá?

Đến đây chắc hẳn bạn đã biết nội tiêu hoá gồm những bệnh gì rồi phải không. Trên thực tế, các bệnh lý đường tiêu hóa thường tiến triển âm thầm, nhanh chóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người bệnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh tiêu hoá có thể gây ra nhiều biến chứng sức khoẻ nguy hiểm, thậm chí là đe dọa trực tiếp lên tính mạng của người bệnh. Một câu hỏi đặt ra: Khi nào cần đi khám nội tiêu hoá?

Theo các chuyên gia, bạn cần đi khám nội tiêu hoá khi:

Có các triệu chứng cảnh báo bệnh lý về đường tiêu hoá

Các triệu chứng cảnh báo bệnh lý về đường tiêu hoá mà bạn không nên chủ quan có thể kể đến như:

  • Đau bụng: Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau tại vùng bụng với các tính chất khác nhau. Bạn có thể bị đau vùng thượng vị, đau quanh rốn, đau bụng dưới hay thậm chí là đau khắp ổ bụng. Mức độ đau có thể ở nhiều mức độ khác nhau từ âm ỉ đến dữ dội, kéo dài liên tục hoặc ngắt quãng.
  • Chướng bụng, đầy hơi: Đây có thể là biểu hiện của căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột hoặc thiếu hụt men chuyển hoá. Ngoài ra, chướng bụng và đầy hơi còn có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.
  • Bất thường về đại tiện: Một số bất thường về đại tiện có thể kể đến như táo bón, tiêu chảy, phân nửa táo nửa lỏng, phân đen hoặc phân có dính nhầy máu… Các vấn đề này có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý đại tràng và trực tràng.
  • Buồn nôn và nôn: Bạn có thể gặp phải triệu chứng buồn nôn và nôn khi vận động mạch sau khi ăn hoặc do ăn quá no. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề như ngộ độc thực phẩm, tắc ruột, viêm ruột thừa, nhiễm khuẩn…
  • Chán ăn và khó tiêu: Nếu bạn luôn có cảm giác nặng bụng và không muốn ăn mặc dù ăn rất ít thì rất có thể bạn đang gặp phải các bệnh lý về đường tiêu hoá. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ sụt cân, mệt mỏi, thậm chí là suy nhược cơ thể. Triệu chứng khó tiêu, chán ăn thường liên quan đến một số vấn đề như viêm loét dạ dày tá tràng, loạn khuẩn đường ruột, nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Đây cùng là một dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về tiêu hoá. Khi có bất thường tại hệ tiêu hoá sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá cũng như hấp thu thức ăn. Do vậy mà bạn sẽ rất dễ bị sụt cân.
Nội tiêu hóa gồm những bệnh gì? Khi nào cần đi khám nội tiêu hoá? 2
Bạn cần đi khám nội tiêu hoá khi gặp phải các triệu chứng bất thường về hệ tiêu hoá

Tiềm ẩn nguy cơ ung thư tiêu hoá

Một loạt các loại ung thư phổ biến hiện nay như ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản… đều thuộc ung thư tiêu hoá. Nếu bạn đang có các yếu tố nguy cơ, bạn cần chủ động tầm soát ung thư tiêu hoá định kỳ để có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm (nếu không may mắc phải).

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tiêu hoá mà bạn cần chú ý bao gồm:

  • Người trên 50 tuổi, nhiễm viêm gan B/C mạn tính hay xơ gan, lạm dụng bia rượu và thuốc lá là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
  • Người trên 40 tuổi, mắc các bệnh mạn tính về đường tiêu hoá, người từng phẫu thuật cắt ống tiêu hoá, người nhiễm HP, thường xuyên sử dụng bia rượu và thuốc lá, chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh… là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư ống tiêu hoá.
  • Ngoài ra, những đối tượng có tiền sử gia đình mắc các bệnh ung thư đường tiêu hoá hay ung thư gan, ung thư mật cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Khám nội tiêu hoá bao gồm những gì?

Khi đi thăm khám nội tiêu hoá, bạn sẽ thực hiện theo một số danh mục cụ thể sau đây:

Thăm khám lâm sàng

Ban đầu, bạn sẽ thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá. Thăm khám lâm sàng bao gồm:

  • Kiểm tra huyết áp và cân nặng;
  • Thăm khám các triệu chứng lâm sàng người bệnh đang gặp phải thông qua các kỹ thuật nhìn, sờ, gõ, nghe…
  • Hỏi bệnh: Khai thác tiền sử bệnh, thời điểm xuất hiện và biểu hiện cụ thể của các triệu chứng mà bạn gặp phải, loại thuốc bạn đang sử dụng (nếu có), thói quen ăn uống… Bạn cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ và chính xác tình trạng mà bạn đang gặp phải để bác sĩ có thể căn cứ vào đó để chỉ định các thăm dò cận lâm sàng phù hợp và đưa ra hướng điều trị hiệu quả.
Nội tiêu hóa gồm những bệnh gì? Khi nào cần đi khám nội tiêu hoá? 3
Thăm khám các triệu chứng lâm sàng giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh đường tiêu hoá

Thăm dò cận lâm sàng

Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện thêm một số thăm dò cận lâm sàng để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh bạn đang gặp phải đồng thời đưa ra hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.

Một số thăm dò cận lâm sàng có thể được chỉ định trong khám nội tiêu hoá bao gồm:

  • Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, chụp X Quang, chụp CT scan, chụp cộng hưởng từ…
  • Xét nghiệm máu: Đo hoạt độ AST và ALT, định lượng glucose, xét nghiệm HbA1c, xét nghiệm cholesterol toàn phần, xét nghiệm bilirubin toàn phần…
  • Xét nghiệm vi sinh.
  • Sinh thiết mô bệnh học chẩn đoán vi khuẩn HP dạ dày và ung thư tiêu hoá thông qua nội soi.
  • Xét nghiệm nước tiểu, tổng phân tích các thông số nước tiểu để sàng lọc các bệnh lý ở gan.
Nội tiêu hóa gồm những bệnh gì? Khi nào cần đi khám nội tiêu hoá? 4
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh tiêu hoá

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề khám nội tiêu hoá mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc sẽ nắm được nội tiêu hoá gồm những bệnh gì, khi nào cần khám nội tiêu hoá và các danh mục trong thăm khám nội tiêu hoá.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.