Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nước tiểu đổi màu nói lên điều gì? Khi nào cần tới bệnh viện?

Ngày 13/01/2025
Kích thước chữ

Nước tiểu của người bình thường sẽ có màu vàng nhạt. Tuy nhiên, vì nhiều các lý do khác nhau mà màu nước tiểu có thể chuyển sang màu cam, vàng đậm, đỏ, xanh hay thậm chí là sủi bọt,... Vậy, nước tiểu đổi màu nói lên điều gì về sức khỏe?

Nước tiểu đổi màu có thể là lời cảnh báo của cơ thể về nhiều các vấn đề sức khỏe khác nhau. Việc nhận biết màu sắc bất thường của nước tiểu cũng sẽ góp phần giúp các bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán lâm sàng. Mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm một số thông tin quan trọng có liên quan tới tình trạng nước tiểu đổi màu.

Thế nào là màu nước tiểu bình thường?

Màu nước tiểu chính là một trong những công cụ giúp chẩn đoán tình trạng sức khỏe như mức độ hydrat hóa cùng nồng độ của một số chất khác trong cơ thể,... Thông thường, màu nước tiểu sẽ dao động từ trong suốt cho đến vàng nhạt, tùy thuộc theo lượng chất lỏng mà bạn uống mỗi ngày. Chất lỏng có thể gây loãng sắc tố màu vàng có trong nước tiểu. Uống càng nhiều nước thì màu của nước tiểu sẽ càng trong. Ngược lại, nếu uống ít nước thì màu nước tiểu sẽ vàng đậm hơn.

Mặt khác, cũng có một số loại thực phẩm có thể làm nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc hồng như quả mâm xôi, củ cải đường,... Một số loại thuốc thì lại gây ra tác dụng phụ là làm nước tiểu có màu xanh hoặc cam.

Nước tiểu đổi màu nói lên điều gì?1
Màu nước tiểu là một trong những công cụ giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe

Nước tiểu đổi màu nói lên điều gì?

Màu sắc của nước tiểu có thể thay đổi một cách thường xuyên. Các bệnh lý, tác dụng phụ của thuốc hay thực phẩm chức năng có thể làm cho nước tiểu chuyển sang màu xanh, hồng, đỏ, cam, xanh dương, tím và thậm chí là đen.

Đôi khi, nước tiểu đổi màu chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe đang gặp vấn đề. Ví dụ, bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể làm nước tiểu có màu trắng đục hoặc bệnh ung thư đường tiết niệu, sỏi thận có thể làm nước tiểu có màu đỏ. Dưới đây sẽ là thông tin cụ thể về nguyên nhân màu sắc của nước tiểu. Các màu sắc này có thể khác nhau ở mỗi người.

Nước tiểu không màu

Mỗi người chỉ nên uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, nếu uống quá lượng nước khuyến cáo thì nước tiểu sẽ có màu trong suốt. Tuy nhiên, đây là tình trạng không đáng lo ngại và chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn. Ngược lại, nếu không uống nhiều nước mà nước tiểu vẫn trong suốt, không màu thì đây rất có thể là biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt.

Nước tiểu màu vàng

  • Nước tiểu vàng nhạt: Đây là màu sắc cho thấy cơ thể đang khỏe mạnh và uống đủ nước. Tuy nhiên, cơ thể bạn vẫn có thể mắc bệnh ngay cả khi nước tiểu có màu này.
  • Nước tiểu vàng đậm: Đây vẫn là màu cho thấy nước tiểu bình thường nhưng cần bổ sung thêm nước. Nước tiểu màu nâu vàng hoặc vàng đậm, màu hổ phách là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang có dấu hiệu mất nước.
  • Vàng chanh: Nếu màu của nước tiểu giống màu xanh neon thì bạn cần bổ sung thêm nước. Ngoài ra, nếu bạn đang sử dụng vitamin B2 thì nước tiểu cũng có thể chuyển sang màu vàng chanh.

Nước tiểu màu cam

Nước tiểu sẽ chuyển sang vàng đậm hoặc cam khi cơ thể không được cung cấp đủ nước. Không chỉ có thế, nước tiểu màu cam còn có thể do một số nguyên nhân khác như:

  • Một số loại thuốc: Các loại thuốc trị táo bón, thuốc trị ung thư hay Phenazopyridine.
  • Thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung: Vitamin A, vitamin B.
  • Bệnh lý: Dấu hiệu của các bệnh ở ống mật, gan,... Cần đặc biệt chú ý nếu đi ngoài phân có màu sáng hơn bình thường.
Nước tiểu đổi màu nói lên điều gì?2
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho nước tiểu có màu cam

Nước tiểu màu hồng hoặc đỏ

Mặc dù nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ trông khá đáng lo ngại nhưng không phải lúc nào đây cũng là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một số nguyên nhân khiến cho nước tiểu có màu hồng, đỏ bao gồm:

  • Máu: Một số tình trạng nhiễm khuẩn, sỏi thận, tăng sinh tuyến tiền liệt, ung thư đường tiết niệu,... có thể khiến cho hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu.
  • Thực phẩm: Ăn nhiều củ cải đường, quả mâm xôi,...
  • Sử dụng thuốc: Thuốc giảm đau đường tiết niệu phenazopyridine (Pyridium), thuốc điều trị bệnh lao rifampin (Rifadin, Rimactane), thuốc táo bón có chứa senna làm cho nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng.

Nước tiểu màu trắng sữa

Nước tiểu màu trắng sữa có thể do các bệnh lý như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo do lậu cầu, xuất tinh ngược dòng,... Một khi nhận thấy nước tiểu có màu trắng sữa, người bệnh cần thăm khám càng sớm càng tốt.

Nước tiểu màu xanh

Các trường hợp nước tiểu màu xanh lục, xanh vàng hay xanh lam thường rất ít gặp. Song, nước tiểu màu xanh lục hoặc xanh lam thường là do:

  • Thuốc nhuộm sử dụng cho một số xét nghiệm ở thận hay bàng quang.
  • Các loại thuốc điều trị loét, trầm cảm, trào ngược dạ dày hay thuốc giảm triệu chứng viêm khớp,...
  • Các vấn đề về sức khỏe khác như tăng canxi máu lành tính, nhiễm trùng đường tiết niệu,...

Nước tiểu màu đen, nâu sẫm

Các nguyên nhân khiến cho nước tiểu có màu đen hoặc nâu sẫm bao gồm:

  • Các loại thực phẩm: Đại hoàng, đậu fava hoặc lô hội khiến cho nước tiểu có màu nâu sẫm.
  • Các loại thuốc: Thuốc trị táo bón có chứa senna, thuốc điều trị động kinh phenytoin, thuốc làm giảm cholesterol, thuốc trị bệnh sốt rét, kháng sinh metronidazole.
  • Các vấn đề về sức khỏe: Các rối loạn về thận, gan và bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Chấn thương: Chấn thương do tập thể dục cường độ mạnh cũng có thể làm nước tiểu có màu nâu.
Nước tiểu đổi màu nói lên điều gì?3
Người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan khi thấy màu nước tiểu thay đổi bất thường

Nước tiểu màu tím

Nước tiểu màu tím được gọi là hội chứng túi nước tiểu màu tím. Tình trạng này rất hiếm gặp, chỉ xảy ra khi người bệnh có ống thông tiểu và nước tiểu chứa vi khuẩn indirubin.

Trong khi đó, nước tiểu màu đen cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng di truyền hiếm gặp alkaptonuria hay cơ thể không thể phân hủy một số protein.

Khi nào cần tới bệnh viện?

Nước tiểu bình thường sẽ có màu trong, vàng nhạt cho đến vàng sẫm, không có bọt và không đục. Nếu xuất hiện một trong những dấu hiệu bất thường sau đây, bạn đọc cần các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời khi cần thiết:

  • Máu trong nước tiểu: Máu trong nước tiểu là dấu hiệu của bệnh lý sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nước tiểu có màu nâu sẫm, cam: Dấu hiệu này cho thấy gan đang hoạt động không bình thường, nhất là khi người bệnh đi ngoài phân nhạt màu, mắt và da màu vàng.
  • Nước tiểu màu đỏ, hồng hay nâu: Nước tiểu có lẫn máu, có màu hồng, đỏ hoặc màu nâu mà nguyên nhân không phải do thực phẩm, thuốc.

Màu sắc nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau, do đó bạn đọc tuyệt đối không nên chủ quan. Ngược lại, nếu nước tiểu có màu sắc bất thường do những nguyên nhân đơn giản như uống ít nước, sử dụng thuốc hay ăn các loại thực phẩm thì bạn hoàn toàn có thể thay đổi lối sống để cải thiện tình hình.

Nước tiểu đổi màu nói lên điều gì?4
Thăm khám với bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân

Bài viết đã cung cấp tới bạn đọc những thông tin quan trọng có liên quan tới màu sắc của nước tiểu. Một khi nhận thấy những thay đổi bất thường trong nước tiểu không do ăn uống, sử dụng thuốc kéo dài và đi kèm với các biểu hiện khác như đau rát khi tiểu tiện, sốt,... người bệnh cần sớm tới gặp bác sĩ để được thăm khám, xét nghiệm nước tiểu giúp tìm ra nguyên nhân chính xác nước tiểu đổi màu, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin