Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nước tiểu màu xanh cảnh báo bệnh lý gì? Có gặp nguy hiểm không?

Ngày 23/01/2023
Kích thước chữ

Do dùng một số loại thực phẩm và thuốc, nước tiểu có thể màu xanh. Tuy nhiên, nếu nước tiểu màu xanh đi kèm với các triệu chứng bất thường như tiểu buốt, sốt, mệt mỏi... thì bạn nên gặp bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu do bệnh lý.

Nước tiểu màu xanh là một hiện tượng bất thường của cơ thế nhưng lại hiếm gặp. Bình thường khi đi tiểu bạn sẽ thấy nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc màu trong khi cơ thể được cung cấp đầy đủ nước. Nhưng khi uống ít nước, nước tiểu có thể xuất hiện màu vàng đậm. Tuy nhiên, nếu nước tiểu chuyển sang màu bất thường như màu xanh thì có thể bạn đã gặp phải một bệnh lý nguy hiểm. Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu xem nước tiểu màu xanh là bệnh gì.

Nước tiểu màu xanh do đâu, cảnh báo bệnh gì?

Nếu nước tiểu chuyển sang các màu sắc bất thường như màu xanh, có thể bạn đang gặp các vấn đề sau:

Do thực phẩm

Nước tiểu sẽ có màu hơi xanh nếu bạn bổ sung quá nhiều vitamin. Khi cơ thể hấp thụ nhiều vitamin hơn khả năng xử lý của nó, cơ thể sẽ xem chất dinh dưỡng dư thừa này là chất thải và cố gắng loại bỏ chúng qua đường tiết niệu hoặc tiêu hóa. Ví dụ, khi nước tiểu màu xanh lá nhạt, có khả năng là bạn đã bổ sung quá nhiều vitamin B.

Ngoài ra, một số loại thực phẩm khi ta ăn vào cũng làm nước tiểu chuyển màu xanh. Điển hình nhất là măng tây khiến nước tiểu màu xanh lục và có mùi khó chịu. Trong vòng 30 phút sau khi ăn măng tây, bạn có thể gặp phải tình trạng nước tiểu rất hăng, có mùi thối. Mặc dù mùi khá nồng nhưng măng tây không gây ra bất kỳ vấn đề nào cho hệ thống tiết niệu và sức khỏe của cơ thể.

Nước tiểu màu xanh cảnh báo bệnh lý gì? Có gặp nguy hiểm không? 2 Măng tây có thể làm nước tiểu biến thành màu xanh lục và có mùi hăng

Ngoài ra, khi bạn ăn các thực phẩm có chứa hóa chất phẩm màu, nước tiểu màu xanh cũng có thể xảy ra vì cơ thể không hấp thụ được chất này và đào thải qua đường tiết niệu.

Do thuốc

Một nguyên nhân khác làm đổi màu nước tiểu thành màu xanh là do thuốc. Các thuốc điển hình có thể làm nước tiểu hóa xanh được sử dụng phổ biến trong điều trị bao gồm:

Xanh methylen: Đây là một chất màu xanh, có đặc tính sát khuẩn nhẹ, được cấu tạo bởi nhóm phenol. Khi cấu trúc của nhóm này bị phá vỡ sẽ tạo nên sắc tố màu xanh trong nước tiểu. Hoạt chất xanh methylen được dùng để giải độc hoặc thường được sử dụng trong các thuốc giải độc cyanide, điều trị methemoglobin huyết (rối loạn đông máu hiếm gặp) do thuốc hoặc không rõ nguyên nhân, viêm đường tiết niệu (như thuốc Domitazol), sát khuẩn đường tiết niệu sinh dục. 

Amitriptyline: Thuốc điều trị trầm cảm.

Cimetidine: Thuốc điều trị các triệu chứng ợ nóng, trào ngược axit dạ dày - thực quản.

Indomethacin: Thuốc điều trị bệnh gút, chống viêm không steroid.

Zaleplon: Thuốc ngủ.

Methocarbamo: Thuốc giãn cơ không an thần dùng điều trị đau lưng và cổ.

Metoclopramide: Thuốc điều trị buồn nôn.

Promethazine: Thuốc kháng histamine điều trị buồn nôn và dị ứng.

Propofol: Thuốc gây mê được dùng trong phẫu thuật.

Nước tiểu màu xanh cảnh báo bệnh lý gì?

Nước tiểu màu xanh có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm, cụ thể:

Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua môi trường bên ngoài. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu bao gồm hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng liên quan đến bàng quang và niệu đạo.

Nhiễm khuẩn huyết hay còn gọi là nhiễm trùng máu là tình trạng nhiễm trùng rất nghiêm trọng. Bệnh xảy ra do virus hay vi khuẩn, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm của cơ thể, tạo ra hàng loạt các thay đổi bên trong dẫn đến tổn thương các cơ quan như thận, gan và cơ thể sẽ suy yếu nhanh. Tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn Gram âm họ Enterobacteriaceae, vi khuẩn Gram dương, nấm, các vi khuẩn kỵ khí.

Rối loạn tăng canxi máu di truyền là tình trạng nồng độ canxi máu cao hơn mức giới hạn bình thường là 2,1-2,6 mmol/L. Việc tăng quá mức nồng độ canxi máu có thể khiến xương bị suy yếu, dẫn đến bệnh sỏi thận và can thiệp vào khả năng vận hành của tim và não. Nguyên nhân gây bệnh thường do tuyến cận giáp (nằm phía sau tuyến giáp) hoạt động quá mức, ung thư, một số rối loạn trong cơ thể, một số loại thuốc hoặc uống quá nhiều vitamin D và canxi.

Nước tiểu màu xanh cảnh báo bệnh lý gì? Có gặp nguy hiểm không? 1 Nước tiểu màu xanh có thể do thuốc, thực phẩm nhưng cũng có thể do bệnh lý

Chẩn đoán nước tiểu xanh từ triệu chứng

Bạn có thể dựa vào các triệu chứng đi kèm với tình trạng nước tiểu xanh để xác định sơ bộ bạn đã bị bệnh gì, các triệu chứng gồm các trường hợp sau:

  • Nước tiểu màu xanh nhạt có hiện tượng sủi bọt thường liên quan đến bệnh thận do chức năng thận không tốt nên khả năng lọc nước tiểu bị hạn chế. Ví dụ bệnh viêm thận, bể thận cấp.
  • Nước tiểu màu xanh dương có mùi rất khai đôi khi lẫn máu kèm theo tiểu buốt, tiểu đêm, cơ thể mệt mỏi, đau tức bụng dưới. Ví dụ viêm bàng quang.
  • Nước tiểu xanh lá kèm triệu chứng tiểu đau rát hoặc tiểu mủ, có thể bị nhiễm khuẩn proteus, gây ra bệnh sỏi thận.
  • Nước tiểu xanh lá kèm theo tiểu có cảm giác bỏng rát và tiểu mủ. Ví dụ viêm niệu đạo.
  • Nước tiểu xanh kèm theo đau bụng dưới và tiểu rát. Ví dụ viêm đường tiết niệu.

Tuy nhiên, ngoài những căn bệnh điển hình trên còn rất nhiều bệnh lý khác cũng có thể gây ra nước tiểu màu xanh. Do đó, bạn nên đến bệnh viện để nhận được chẩn đoán chính xác nhất.

Nước tiểu màu xanh cảnh báo bệnh lý gì? Có gặp nguy hiểm không? 3 Nước tiểu màu xanh kèm đau tức vùng bụng dưới có thể là do bệnh viêm bàng quang

Phải làm gì khi có nước tiểu màu xanh?

Nếu nước tiểu màu xanh do ăn uống hay dùng thuốc thì bạn không cần lo lắng, chỉ cần ngưng sử dụng thì nước tiểu sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu không phải các nguyên nhân này và tình trạng nước tiểu xanh kéo dài thì bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Sau khi thăm khám ban đầu, để xác định chung về tình trạng bệnh cũng như chẩn đoán chính xác nguyên nhân, các bác sĩ thường chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu như:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Để xác định các thành phần bất thường có trong nước tiểu.
  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra chức năng thận, gan, lượng bạch cầu…
  • Siêu âm, nội soi đường tiết niệu, chụp CT: Để phát hiện các dấu hiệu bất thường ở cơ quan nghi ngờ có bệnh lý.

Tóm lại, nếu bạn thấy xuất hiện nước tiểu màu xanh không phải do dùng thuốc hay ăn thực phẩm cùng với các biểu hiện như mệt mỏi, tiểu đêm, tiểu buốt... thì bạn nên đến các cơ sở y tế để được làm các xét nghiệm nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Bạn không nên tự ý mua thuốc điều trị mà chưa xác định được bạn đang mắc bệnh gì.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin