Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm niệu đạo và biến chứng của bệnh nguy hiểm như thế nào?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm niệu đạo là tình trạng niệu đạo dẫn nước tiểu bị sưng viêm gây đau đớn, khó chịu. Viêm niệu đạo chủ yếu là do vi khuẩn gây ra và bệnh thường gặp hơn ở những người có sinh hoạt tình dục không an toàn. Khi có các triệu chứng của bệnh, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm niệu đạo là gì? 

Niệu đạo là một ống từ bàng quang, có tác dụng dẫn nước tiểu ra ngoài. Ở nam giới, niệu đạo còn có chức năng xuất tinh. Viêm niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị sưng, kích ứng, gây đau khi đi tiểu và làm xuất hiện cảm giác mắc tiểu thường xuyên.

Người ta chia viêm niệu đạo thành 2 loại chính dựa vào nguyên nhân gây bệnh:

  • Viêm niệu đạo do lậu cầu chiếm 20% số trường hợp, gây ra bởi vi khuẩn gây bệnh lậu Neisseria gonorrhoeae.

  • Viêm niệu đạo không do lậu cầu: Không phải do vi khuẩn lậu cầu gây ra, Chlamydia là nguyên nhân chính trong trường hợp này. Ngoài ra, còn có thể mắc viêm niệu đạo do các bệnh truyền qua đường tình dục khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm niệu đạo

Ở nam giới

  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch;

  • Đau rát khi đi tiểu (khó tiểu);

  • Dương vật ngứa, đau, sưng và/hoặc tiết dịch;

  • Sốt (hiếm gặp);

  • Đi tiểu thường xuyên hoặc không kiềm được;

  • Nổi hạch ở vùng bẹn;

  • Đau khi giao hợp hoặc khi xuất tinh;

  • Đau tinh hoàn.

Ở nữ giới

  • Đau bụng;

  • Đau rát, ngứa, khó chịu khi đi tiểu;

  • Sốt và ớn lạnh;

  • Đi tiểu thường xuyên hoặc không kiềm được;

  • Đau vùng xương chậu;

  • Đau khi giao hợp;

  • Tiết dịch âm đạo;

  • Các triệu chứng tệ hơn trong kỳ kinh nguyệt.

Tác động của viêm niệu đạo đối với sức khỏe 

Tình trạng viêm nhiễm có thể gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến vệ sinh hằng ngày và trong sinh hoạt tình dục.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm niệu đạo

Nếu không điều trị, viêm niệu đạo kéo dài có thể gây nhiễm trùng lây sang các bộ phận khác của đường tiết niệu (niệu quản, thận và bàng quang). Nếu bệnh nặng hơn lan vào máu gây nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. 

Ở phụ nữ, viêm niệu đạo thường xuyên dễ phát triển bệnh viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung, gây đau liên tục ở vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh. Phụ nữ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường sinh dục cũng có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn, có thể đe dọa tính mạng.

Ở nam giới, viêm niệu đạo có thể dẫn đến nhiễm trùng tuyến tiền liệt, viêm/nhiễm trùng tinh hoàn hoặc hẹp một đoạn niệu đạo do sẹo, gây tiểu buốt, tiểu khó.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm niệu đạo

Nguyên nhân lớn nhất gây viêm niệu đạo là nhiễm vi khuẩn, virus. Một số tác nhân gây viêm niệu đạo thường gặp là vi khuẩn Escherichia coli, Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae, Mycoplasma genitalium, Ureaplasma urealyticum; trùng roi Trichomonas vaginalis; virus herpes simplex (HSV), human papillomavirus (HPV) và cytomegalovirus (CMV). Ngoài ra viêm niệu đạo còn có thể do các nguyên nhân:

  • Chấn thương.

  • Mẫn cảm với các hóa chất trong thuốc diệt tinh trùng tránh thai dạng thạch hoặc dạng bọt.

Tuy nhiên, đôi khi không thể xác định nguyên nhân gây bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm niệu đạo?

Nữ giới, nam giới tuổi từ 20 – 35, người từng có quan hệ tình dục.

Người quan hệ tình dục bừa bãi mà không dùng bao cao su.

Người có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Người đặt ống thông niệu đạo (đặc biệt là ống bằng cao su).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm niệu đạo

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm niệu đạo, bao gồm:

  • Nữ giới có nguy cơ bị viêm niệu đạo nhiều hơn nam giới do niệu đạo ngắn hơn, vi khuẩn dễ xâm nhập hơn.

  • Nam giới quan hệ tình dục đồng giới dễ mắc viêm niệu đạo hơn quan hệ khác giới.

  • Sử dụng nguồn nước không sạch.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm niệu đạo

Bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh trong khi chờ các kết quả xét nghiệm sau:

  • Khám vùng bộ phận sinh dục, bụng và trực tràng để tìm dịch tiết, vết loét, dấu hiệu của các bệnh lây qua đường tình dục khác…

  • Nội soi bàng quang.

  • Kiểm tra nước tiểu để tìm vi khuẩn gây bệnh lậu, Chlamydia hoặc các vi khuẩn khác.

  • Nuôi cấy nội mạc tử cung ở phụ nữ để tìm N. gonorrhoeaeC. trachomatis.

  • Kiểm tra dịch tiết dưới kính hiển vi.

  • Trong một số trường hợp có thể cần xét nghiệm máu (đo CRP…).

  • Siêu âm vùng chậu ở phụ nữ.

Phương pháp điều trị viêm niệu đạo hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Kháng sinh: 

  • Nếu nguyên nhân là do vi khuẩn, có thể sử dụng các kháng sinh: Doxycycline, azithromycin, erythromycin, gentamicin, ceftriaxone, cefixime, ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin.

  • Khi nhiễm Trichomonas, thường sử dụng metronidazole, tinidazole và điều trị luôn với cả vợ/chồng/bạn tình. Kiểm tra lại sau 3 tháng.

Khi nhiễm virus herpes simplex: Dùng các thuốc kháng virus như acyclovir, famciclovir, valacyclovir.

Đối với trường hợp không thể xác định nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh đơn trị hoặc phối hợp.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm niệu đạo

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Nên tránh quan hệ tình dục khi chưa chữa khỏi nhiễm trùng.

  • Vệ sinh sạch sẽ khu vực quanh lỗ niệu đạo sau khi đi tiểu.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống đủ nước mỗi ngày.

  • Nên kiêng các thực phẩm, đồ uống chứa caffeine gây lợi tiểu (cà phê, sô cô la…) để tránh hệ bài tiết hoạt động quá mức.

  • Nên kiêng rượu và đồ ăn cay nóng.

Phương pháp phòng ngừa viêm niệu đạo hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Không nên sinh hoạt tình dục với nhiều người.

  • Nên có các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục (dùng bao cao su…).

  • Uống nhiều nước và đi tiểu sau khi quan hệ tình dục.

  • Vệ sinh sạch sẽ khu vực quanh lỗ niệu đạo.

  • Không dùng thuốc diệt tinh trùng nếu đã biết gây kích ứng.

  • Kiểm tra, thăm khám phụ khoa thường xuyên.

Nguồn tham khảo
  1. Medlineplus: https://medlineplus.gov/ency/article/000439.htm
  2. Healthline: https://www.healthline.com/health/urethritis
  3. WebMD: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/urethritis-symptoms-causes-treatments
  4. Medscape: https://emedicine.medscape.com/article/438091-overview

Các bệnh liên quan