Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Một trong những phương pháp hiệu quả để phát hiện ung thư dạ dày là thực hiện xét nghiệm Pepsinogen. Phát hiện bệnh sớm thông qua việc sàng lọc có thể đem lại kết quả tích cực trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh. Vậy Pepsinogen là gì?
Ung thư dạ dày là một căn bệnh phổ biến, với tỷ lệ tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu. Hiện nay, xét nghiệm Pepsinogen đã trở thành một giải pháp sàng lọc không xâm lấn được áp dụng để đánh giá rủi ro và phát hiện sớm ung thư dạ dày ở những người có nguy cơ. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu Pepsinogen là gì và ý nghĩa của chỉ số này nhé.
“Pepsinogen là gì?” là vấn đề không phải ai cũng biết. Pepsinogen (PG) là dạng tiền chất của enzyme pepsin, được sản xuất bởi tế bào niêm mạc dạ dày và có vai trò trong việc phân hủy protein dưới sự kích hoạt của axit clohydric. Một phần nhỏ của PG cũng được bài tiết vào máu.
Pepsinogen tồn tại dưới dạng Pepsinogen 1 và Pepsinogen 2. Pepsinogen 1 thường được tổng hợp ở vùng đáy niêm mạc dạ dày, trong khi Pepsinogen 2 được tổng hợp ở các phần khác nhau của dạ dày và cả hành tá tràng.
Nồng độ của hai loại Pepsinogen này trong máu phản ánh hoạt động và tình trạng của niêm mạc dạ dày. Sự biến đổi trong hàm lượng Pepsinogen có thể chỉ ra vị trí và mức độ tổn thương của niêm mạc dạ dày. Khi vùng niêm mạc đáy dạ dày bị tổn thương, hàm lượng Pepsinogen 1 trong huyết thanh sẽ giảm và không có thay đổi đáng kể ở Pepsinogen 2. Tỷ lệ PG 1/2 giảm sẽ tỉ lệ thuận với mức độ tổn thương của vùng đáy niêm mạc dạ dày. Dựa trên kết quả của xét nghiệm PG 1 và tỷ lệ PG 1/2 có thể đưa ra dự đoán sớm về nguy cơ bị viêm teo dạ dày và ung thư dạ dày ở bệnh nhân.
Sau khi biết được Pepsinogen là gì, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về chỉ số của Pepsinogen 1. Giá trị bình thường của Pepsinogen 1 trong huyết thanh ở người khỏe mạnh thường được xác định là > 70 ng/mL, còn của Pepsinogen 2 là 7,5 ng/mL và tỷ lệ PG 1/2 > 3. Không có sự khác biệt nào về mức độ Pepsinogen 1, Pepsinogen 2 và tỷ lệ PG 1/2 theo tuổi và giới tính.
Chỉ số Pepsinogen thấp hay mức độ Pepsinogen 1 huyết thanh dưới 70 ng/mL thường được coi là dương tính cho các bệnh tiền ung thư và ung thư dạ dày. Tỷ lệ PG 1/2 dưới giá trị 3 thường được coi là dương tính cho các bệnh tiền ung thư và ung thư dạ dày.
Dựa vào kết quả xét nghiệm, nếu tỷ lệ PG 1/2 của bạn nằm trong giá trị bình thường, chỉ có mức độ Pepsinogen 1 là thấp, ngụ ý có thể có teo niêm mạc ở vùng đáy dạ dày. Do đó, để đưa ra kết luận về nguy cơ ung thư dạ dày, cần thực hiện các xét nghiệm khác như CA 72-4, CA 19-9, CEA và nội soi dạ dày để tìm kiếm khối u và thực hiện sinh thiết các vị trí nghi ngờ ung thư trên khối u, từ đó xác định chẩn đoán bằng mô bệnh học.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp xác định dấu hiệu cụ thể trong huyết thanh có độ nhạy và đặc hiệu đủ để chẩn đoán bệnh. Ngoài việc kiểm tra Pepsinogen và tỷ lệ Pepsinogen 1/2, các xét nghiệm khác như CEA (Carcinoembryonic Antigen), CA 19-9 (Cancer Antigen 19-9) cũng được sử dụng.
Nội soi tiêu hóa kết hợp sinh thiết vẫn là phương pháp chẩn đoán tốt nhất cho ung thư dạ dày. Các kỹ thuật như nội soi nhuộm màu, nội soi huỳnh quang và nội soi phóng đại cũng hỗ trợ phát hiện sớm bệnh.
Ngoài việc sử dụng kiểm tra Pepsinogen, sàng lọc ung thư cũng giúp chẩn đoán sớm bệnh, từ đó tăng cơ hội điều trị và giảm nguy cơ biến chứng.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày một cách hiệu quả, việc chủ động thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt là cần thiết. Bạn cần nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân đối, bao gồm việc bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi và tiêu thụ cá hay thịt gia cầm tự chế biến thay vì sử dụng đồ đóng hộp.
Hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn cũng là điều quan trọng, vì muối có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt là bạn nên tránh xa các loại thực phẩm hun khói và đồ muối lên men. Đồng thời, cũng cần hạn chế việc sử dụng rượu, bia và các đồ uống có chứa cồn vì chúng không chỉ gây hại cho dạ dày mà còn tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Thói quen ăn uống điều độ cũng là yếu tố quan trọng. Tránh thức khuya, làm việc quá sức, căng thẳng và stress cũng giúp bảo vệ dạ dày của bạn. Đồng thời, việc rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên là phương pháp bổ ích giúp tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn và phòng chống nhiều bệnh nguy hiểm.
Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp về “Pepsinogen là gì?”. Tóm lại, kiểm tra Pepsinogen là một cách không xâm lấn được sử dụng để đánh giá và phát hiện sớm ung thư dạ dày ở những người có nguy cơ. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kiểm tra này.