Amidan là một tổ chức gồm các hạch bạch huyết tập trung dưới niêm mạc vùng hầu họng, có vai trò miễn dịch quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, amidan rất dễ bị viêm và gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh. Trong trường hợp này, bác sĩ thường đề xuất cho người bệnh làm phẫu thuật amidan.
Vậy có nên cắt bỏ amidan hay không? Cần lưu ý điều gì khi làm phẫu thuật cắt amidan? Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về phẫu thuật amidan và các vấn đề liên quan.
Amidan là gì? Các dấu hiệu viêm amidan
Amidan là hàng rào miễn dịch nằm ở vùng họng miệng, gồm các hạch chứa tế bào lympho có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan hoạt động rất mạnh ở trẻ em, nhất là trong độ tuổi từ 4 đến 10 - độ tuổi thường xuyên gặp phải các vấn đề bệnh lý liên quan đến viêm tai mũi họng.
Viêm amidan là hiện tượng amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào vùng họng miệng. Tình trạng này diễn ra nhiều lần có thể khiến khả năng chống vi khuẩn của amidan yếu đi, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây viêm vùng họng.
Dưới đây là một số dấu hiệu, triệu chứng của viêm amidan:
-
Hơi thở có mùi.
-
Khô họng, cảm giác vướng trong họng, ngứa họng.
-
Khó nuốt.
-
Nói không rõ ràng, khàn tiếng.
-
Ngáy khi ngủ.
-
Có hiện tượng xuất huyết ở cuống lưỡi.
-
Hạch bạch huyết ở cuống họng sưng to, đỏ và đau; nổi hạch ở góc xương hàm dưới.
-
Các triệu chứng toàn thân: Sốt, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, khó tiêu, sút cân…
Viêm amidan có khả năng gây ngáy khi ngủ
Nếu các triệu chứng trên trở nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh, cần đến thăm khám tại cơ sở y tế để được điều trị hiệu quả và đúng cách.
Khi nào cần phẫu thuật amidan?
Khi gặp phải các dấu hiệu dưới đây, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên cắt bỏ amidan:
-
Amidan bị viêm cấp, tái đi tái lại trên 4 đợt trong 1 năm.
-
Viêm amidan làm hẹp đường thở, gây ra tình trạng khó thở, khó nuốt, ngáy to, thậm chí là ngừng thở trong lúc ngủ.
-
Xuất hiện các biến chứng tại chỗ như áp xe quanh amidan. Trong trường hợp này, phẫu thuật amidan được chỉ định sau khi đã điều trị xong áp xe.
-
Có khối u hoặc ung thư amidan.
Các phương pháp phẫu thuật amidan
Phẫu thuật amidan là phương pháp khắc phục viêm amidan hiệu quả
Phương pháp Sluder phẫu thuật amidan ở trẻ em
Phương pháp phẫu thuật amidan Sluder được thực hiện theo nguyên tắc cơ bản: Sau khi gây mê, toàn bộ khối amidan được đưa qua lỗ cửa sổ của dụng cụ, sau đó sử dụng lưỡi dao đè chặt cuống amidan rồi dùng tay và dụng cụ để tách đứt khối amidan ra ngoài.
Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp amidan có kích thước lớn, có chân cuống, dễ di động, dễ bóc tách và không bị dính chắc trong hố amidan. Do vậy, đây là phương pháp cắt amidan được sử dụng phổ biến cho trẻ em.
Buổi sáng trước khi thực hiện phẫu thuật amidan bằng phương pháp Sluder, trẻ cần nhịn ăn và uống hoàn toàn.
Dưới đây là quy trình các bước phẫu thuật amidan Sluder:
-
Gây mê hoặc gây tê: Gây mê được thực hiện đối với bệnh nhi trong độ tuổi từ 6 đến 8; trong khi đó, đối với những trẻ ở độ tuổi lớn hơn (12 đến 15 tuổi), có thể thực hiện gây tê tại chỗ.
-
Sử dụng Sluder đè lưỡi bệnh nhi, để cực trái dưới của amidan lọt vào trong cửa sổ của Sluder rồi quay ngang dụng cụ.
-
Ấn amidan để toàn bộ amidan chui vào lỗ cửa sổ của Sluder.
-
Bóc tách và làm đứt amidan bằng cách miết ngón tay đồng thời xoay ngược chiều cửa sổ của dụng cụ.
-
Đổi sang cắt bên amidan còn lại với các bước tương tự.
-
Cầm máu, kiểm tra vết mổ và kết thúc phẫu thuật.
Quá trình phẫu thuật cắt amidan bằng dụng cụ Sluder – Ballenger được thực hiện nhanh chóng chỉ trong khoảng 1 phút đồng hồ cho mỗi bên.
Cắt amidan ở người lớn bằng phương pháp bóc tách và thòng lọng Anse
So với phương pháp phẫu thuật amidan bằng dụng cụ Sluder – Ballenger, phương pháp bóc tách và thòng lọng Anse có một số ưu điểm nổi trội hơn như:
-
Có thể áp dụng đối với amidan viêm mạn tính, quanh hố amidan có nhiều tổ chức xơ.
-
Áp dụng được với amidan viêm mạn tính thể teo xơ hoặc thể ẩn.
Do vậy, đây là phương pháp phẫu thuật amidan lý tưởng dành cho người lớn.
Trước khi thực hiện cắt amidan, người bệnh không được ăn uống và cần làm kiểm tra tổng quát, chú ý đến tiền sử chấn thương, chảy máu, phẫu thuật trước đó. Khoảng 30 - 40 phút trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiêm hỗn hợp atropin – morphin, tốt hơn là atropin – dolargan hoặc một số hỗn hợp tương đương khác.
Dưới đây là quy trình thực hiện cắt amidan bằng phương pháp bóc tách và thòng lọng Anse cho người lớn:
-
Gây mê hoặc gây tê: Thông thường, người bệnh sẽ được gây tê trước khi thực hiện thủ thuật cắt amidan. Phương pháp gây mê có thể được áp dụng trong một số trường hợp như bệnh nhân quá nhút nhát, lo sợ.
-
Bác sĩ sử dụng kẹp để kẹp chặt amidan rồi kéo nhẹ amidan ra phía giữa họng, làm căng niêm mạc trụ trước và làm lộ rãnh giữa amidan và niêm mạc. Sau đó dùng dụng cụ bóc tách amidan hoặc dao đầu nhọn để rạch mở một lỗ khuyết trên rãnh.
-
Bóc tách, giải phóng amidan lần lượt khỏi trụ trước, trụ sau, thành ngoài và bộc lộ cuống amidan bằng dụng cụ bóc tách chuyên dụng.
-
Cắt đứt cuống amidan bằng cách sử dụng thòng lọng.
-
Cầm máu và tiếp tục thực hiện các bước tương tự với amidan bên còn lại.
Một số lưu ý sau phẫu thuật amidan
Chế độ ăn sau khi phẫu thuật amidan
Sau khi thực hiện phẫu thuật 3 giờ, bệnh nhân có thể uống nước đường lạnh hoặc sữa lạnh. Trong vòng 3 ngày đầu, bệnh nhân chỉ được ăn thức ăn lỏng như sữa, nước súp, nước cháo. Từ ngày thứ 4, người bệnh có thể ăn thức ăn mềm như cháo, bột, bún, mì, phở, khoai tán nhuyễn… Đến ngày thứ 8, bệnh nhân ăn được cơm nát và từ ngày thứ 10 chế độ ăn trở về bình thường.
Chỉ ăn thức ăn mềm trong vòng 10 ngày sau phẫu thuật amidan
Uống thuốc sau mổ cắt amidan
Bệnh nhân sử dụng các thuốc sau phẫu thuật cắt amidan theo đơn kê của bác sĩ. Bên cạnh đó, có thể dùng các loại thuốc giảm đau thông thường có chứa các thành phần như paracetamol hoặc ibuprofen theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Tình trạng đau sau mổ có thể kéo dài trong vòng 1 tuần, tuy nhiên mức độ đau sẽ giảm dần theo thời gian.
Sau cắt amidan có thể bị chảy máu
Chảy máu sau khi mổ cắt amidan là một tình trạng khá phổ biến. Nguyên nhân của hiện tượng này là do giả mạc bong và rụng trong quá trình lành hốc mổ. Bệnh nhân có thể tự cầm máu bằng cách ngậm đá lạnh trong khoảng 10 đến 15 phút. Nếu không thể cầm máu dù đã ngậm đá lạnh trong 30 phút, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Ngậm đá lạnh giúp khắc phục tình trạng chảy máu sau phẫu thuật amidan
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã có thể nắm được những thông tin cơ bản về phẫu thuật amidan để có kiến thức bảo vệ bản thân và những người thân yêu. Nhà Thuốc Long Châu xin kính chúc quý bạn đọc thật nhiều sức khỏe và bình an!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp